Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII đã xác định mục tiêu: Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng năm 2030 trở thành Thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2020-2025 là tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Hướng tới mục tiêu này, ngày 18 tháng 12 năm 2020, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã tổ chức Tọa đàm về “Đô thị thông minh”
Tham dự buổi tọa đàm có Ông Lưu Quang Huy - Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, lãnh đạo các Phòng, Ban và Trung tâm quy hoạch, các kiến trúc sư, kỹ sư quy hoạch hạ tầng đô thị và cán bộ chuyên môn của Viện. Khách mời tham dự có Ông Nguyễn Nhật Quang – Viện trưởng Viện khoa học công nghệ Vinasa và Ông Nguyễn Quang - Giám đốc UN-Habitat (Chương trình định cư con người Liên hợp quốc).
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Nhật Quang chia sẻ những kinh nghiệm về “Thành phố thông minh – Góc nhìn từ quy hoạch”. Theo ông, ba cuộc cách mạng đã qua là cơ khí hóa, điện khí hóa và tự động hóa – Máy móc thay lao động chân tay, cuộc các mạng lần thứ tư là thông minh hóa – Máy thay lao động trí óc. Con người trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phải có tư duy số, tư duy thông minh, sử dụng tối ưu nguồn lực hạn chế để ứng phó với sự thay đổi. Để xây dựng một thành phố thông minh (TPTM) cần dựa trên 6 quan điểm chủ đạo: (1) TPTM là một phương thức hiệu quả, hiện đại để phát triển và vận hành đô thị, không phải một tập hợp các ứng dụng công nghệ thông tin, càng không phải là một giải pháp mở rộng của chính quyền điện tử; (2) TPTM là thành phố có khả năng thích ứng, sử dụng tối ưu nguồn lực hạn chế để phục vụ tốt nhất đời sống cư dân. Càng nghèo càng cần phải thông minh; (3) Phải kết hợp nhuần nhuyễn các giải pháp công trình, giải pháp công nghệ và giải pháp quản lý, chỉ riêng các giải pháp công nghệ số không thể phát huy hiệu quả một cách đầy đủ; (4) Việc xây dựng TPTM là một quá trình liên tục và lâu dài, cấy gene là giải pháp quan trọng. TPTM phải bắt đầu từ quy hoạch, quy chế, quy chuẩn; (5) TPTM là một vấn đề liên ngành, cần sự tham gia của tất cả các cấp các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; (6) Cần học tập kinh nghiệp quốc tế nhưng phải tìm ra cách làm của riêng mình, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt nam và của địa phương. Trên cơ sở các quan điểm chủ đạo, xây dựng mô hình kiến trúc TPTM đảm bảo hội nhập quốc tế đảm bảo vì cộng đồng sáng tạo, bền vững và đáng sống.

Kiến trúc chung thành phố thông minh
Ông Nguyễn Quang giới thiệu về “Thành phố xanh – Sáng tạo – Thông minh”, chia sẻ về những thách thức của quá trình đô thị hóa, các nguyên tắc cơ bản của thành phố chúng ta cần như: Quy hoạch tốt, có thể đi bộ và thân thiện với phương tiện giao thông công cộng; Thành phố hài hòa với môi trường; Kinh tế năng động, hòa nhập; Được quản lý ở cấp đô thị; Công bằng, giá cả phải chăng; hòa nhập xã hội; Có bản sắc; thành phố an toàn; Thành phố lành mạnh. Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp xanh và thông minh được thực hiện tại một số đô thị trên thế giới. Thành phố Medellin (Columbia) đã tạo ra động lực thông qua những giải pháp có lợi cho cả đôi bên thông qua việc quy hoạch xây dựng tuyến đường cáp treo kết nối khu ổ chuột với các khu vực khác, tạo nguồn lao động cho thành phố. Sau khi xây dựng, khu ổ chuột không phải là vấn đề, mà nó đã trở thành nguồn lực phát triển thành phố. Thành phố Bridetown (Barbados) quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng bờ biển và ứng phó với biến đổi khí hậu, khuyến khích sử dụng năng lượng thay thế, bảo vệ các khu vực canh tác và vành đai nông nghiệp, khuyến khích các hoạt động cộng đồng, nghệ thuật và thể thao. Thành phố Portland, Oregon, (Hoa Kỳ) với quan điểm tăng trưởng thông minh, xây dựng thành phố nén, cải thiện tiếp cận giao thông công cộng và tạo ra sức sống cho khu vực trung tâm, tăng cường kết nối các tuyến phố và tiếp cận người đi bộ đến các khu vực thương mại, từ “xám” chuyển sang “xanh”…Ở Việt Nam, tại thành phố Hội An, chính quyền địa phương, khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội đã chủ động và cam kết hướng đến thành phố xanh và thông minh, phối hợp với các chuyên gia quốc tế đánh giá tính dễ tổn thương và khả năng thích ứng tại Hội An, từ đó đưa ra quy trình lập quy hoạch chiến lược phát triển thành phố bền vững với thể chế và cơ cấu phù hợp…
Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí trao đổi sôi nổi giữa lãnh đạo Viện, các cán bộ tham dự và các chuyên gia. Kết luận tại buổi tọa đàm, ông Lưu Quang Huy cho rằng các cán bộ Viện trong quá trình lập quy hoạch cần có tư duy quy hoạch theo hướng phát triển một thành phố xanh và thông minh, phát triển hài hòa, bảo tồn, giữ gìn, phát huy được truyền thống, bản sắc văn hoá tốt đẹp, vận dụng linh hoạt trong các đồ án thiết kế./.
Dưới dây là hình ảnh của buổi tọa đàm: 
Ông Lưu Quang Huy – Viện trưởng phát biểu khai mạc
Ông Phan Thế Hùng – Giám đốc TT NC KHCN phát biểu Ông Nguyễn Nhật Quang –Viện trưởng Viện khoa học công nghệ Vinasa chia sẻ
Ông Nguyễn Quang – Giám đốc UN-Habitat (Chương trình định cư con người Liên hợp quốc) chia sẻ