0 NaN undefined

Trò chuyện với KTS Lê Thành Vinh: “Bảo tồn cũng là một hoạt động sáng tạo”

Thứ ba - 05/01/2021 20:54
Trong Ấn Độ Giáo có 3 vị thần tối cao là Brahma (Sáng tạo), Vishnu (Bảo tồn), Shiva (Phá hủy). Sáng tạo – Bảo tồn – Phá hủy có lẽ cũng là cách vận hành của các hệ thống tự nhiên và xã hội, trong đó có kiến trúc. Kiến trúc không chỉ là công việc Sáng tạo, mà còn là Bảo tồn, đôi khi còn có cả Phá hủy nữa – Yếu tố Bảo tồn trong kiến trúc được thể hiện rõ hơn cả trong công việc trùng tu, tôn tạo di tích. Nhưng thú vị thay, theo kinh nghiệm của các KTS chuyên về bảo tồn di tích, công việc này còn là một sự sáng tạo rất tinh tế. Dường như Sáng tạo – Bảo tồn – Phá hủy chỉ là 3 mặt khác nhau của một vấn đề. Sau đây, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cuộc trò chuyện với KTS Lê Thành Vinh về sự sáng tạo trong bảo tồn cũng như quan điểm của anh đối với một số vụ việc gây tranh cãi hiện nay liên quan đến cách ứng xử với di sản.
 

 KTS Lê Thành Vinh

  • Sinh năm 1956 tại Hải Phòng;
  • Tốt nghiệp KTS tại Trường ĐH Xây dựng, khóa 1974-1979;
  • Nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích;
  • Đã thực hiện nhiều dự án về bảo tồn, phát huy giá trị các khu di tích: Thánh địa Mỹ Sơn, khu phố cổ Hội An, Điện Biên Phủ, Cố đô Huế, Đền Hùng, Yên Tử, Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Phật Tích, Chùa Bút Tháp, Đình Chu Quyến…;
  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2016; Giải thưởng UIA về Bảo tồn di sản khu vực châu Á- châu Đại Dương năm 2010; Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia các năm 1996, 2000, 2010.

KTS Vũ Hiệp: Phần lớn các KTS thường muốn được làm công việc sáng tạo, thiết kế những công trình mới, thể hiện những quan điểm, ý tưởng mới về nghệ thuật kiến trúc. Tại sao anh lại lựa chọn công việc bảo tồn di tích?


KTS Lê Thành Vinh: Tôi đến với nghề bảo tồn như một định mệnh, duyên nghiệp. Tốt nghiệp đại học xong, do có mối quan hệ họ hàng với một người trong Bộ Văn hóa, tôi vào làm việc ở Xưởng Thiết kế – Bộ Văn hóa, lúc bấy giờ do KTS Đặng Việt Nga phụ trách. Công trình đầu tiên được giao là thực hiện cải tạo một công trình cũ ở phố Nguyễn Xí. Làm việc được mấy tháng thì GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính khuyên tôi về làm việc tại Xưởng Bảo quản và tu sửa di tích trung ương (nay là Viện Bảo tồn di tích) do ông làm giám đốc. Lúc ấy, tôi cũng rất phân vân, không biết nên tiếp tục công việc ở Xưởng Thiết kế để có thể sáng tạo những công trình mới hay là chuyển sang công việc bảo tồn di tích. Nhưng cuối cùng, tôi lựa chọn làm bảo tồn di tích và chưa bao giờ hối hận về quyết định đó. Cả đời làm việc với di sản, tôi nhận ra rằng: Công việc bảo tồn cũng là một hoạt động sáng tạo.

Đình Chu Quyến. Không gian Văn hóa – Kiến trúc lâu đời của ngôi đình được bảo tồn và phát huy trong cuộc sống đương đại


KTS Vũ Hiệp: Anh có thể nói rõ hơn về sự sáng tạo của bảo tồn được không?

KTS Lê Thành Vinh: Nếu như thiết kế một công trình mới, sự sáng tạo được thúc đẩy bởi cái “Tôi” cá nhân, thì sự sáng tạo trong bảo tồn lại cần cái “Tôi” chung của cá nhân, xã hội, lịch sử. Người làm bảo tồn phải “quên” mình đi để bắt nhịp vào cái mạch vận động của thời gian, lịch sử, ở đó có hàng ngàn cái “tôi” khác đã và đang cùng tham dự vào việc kiến tạo, duy trì công trình kiến trúc. Người KTS chỉ là một mắt xích trong chuỗi liên kết bất tận của không gian và thời gian ấy. Sự sáng tạo trong bảo tồn không chỉ là nghệ thuật kiến trúc mà là thứ rộng hơn: Văn hóa, trong đó vai trò trung tâm thuộc về con người. Con người tạo ra công trình kiến trúc, sử dụng nó, sống với nó, duy trì nó, biến đổi nó, thậm chí phá hủy nó.

Người dân làng ôm cột đình Chu Quyến sau khi trùng tu vì thấy dấu tích cũ vẫn được bảo tồn

Người dân làng ôm cột đình Chu Quyến sau khi trùng tu vì thấy dấu tích cũ vẫn được bảo tồn

KTS Vũ Hiệp: Trong bảo tồn có chấp nhận cả sự biến đổi và phá hủy, thưa anh?

KTS Lê Thành Vinh: Trong khoa học về bảo tồn, trước đây người ta đề cao tính nguyên gốc, còn ngày nay coi trọng tính chân xác. Tức là không cố gắng phục dựng lại công trình như nguyên gốc mà phải bảo tồn cả chiều dài lịch sử của nó, nếu như nó đã có những biến đổi và phá hủy thì cũng phải giữ lại sự chuyển hóa đó. Trong trường hợp bắt buộc phải bổ sung những thành phần mới để chống lại sự xuống cấp, kéo dài tuổi thọ của công trình, thì các thành phần mới đó phải được phân biệt về mặt lịch đại. Sự phân biệt có thể là tương đồng như ở Đấu trường La Mã, Parthenon, hoặc tương phản như ở Louvre, Reichstag,… mỗi phương án đều là một giải pháp sáng tạo, rất tinh tế.

KTS Vũ Hiệp: Ý anh muốn nói rằng Kim tự tháp kính ở Louvre là một giải pháp bảo tồn?

KTS Lê Thành Vinh: Chính xác. Kim tự tháp kính xuất hiện là để giảm áp lực hoạt động cho công trình cổ, cũng chính là bảo vệ nó. Hình thức kim tự tháp đã gợi lên nét cổ xưa, sự trong suốt của kính cũng như sự phản chiếu cái cũ trên nó khiến cho đây là một ví dụ rất hay cho giải pháp tương phản trong bảo tồn. Ở đây, tôi xin nhấn mạnh rằng: Bảo tồn không có nghĩa là đóng băng di sản như một cái xác trong bảo tàng. Di sản cần được tiếp tục sống cùng với những thế hệ con người mới. Và con người lại tiếp tục được sáng tạo cùng với di sản.

KTS Vũ Hiệp: Như vậy, cách nhìn về bảo tồn di sản xem ra cũng khá cởi mở và có nhiều “đất diễn” cho các KTS. Tuy nhiên, khoa học về trùng tu/ bảo tồn thì trong giới kiến trúc cũng ít người nắm được chứ chưa nói gì đến xã hội. Dù sao, đây cũng là một ngành học và thực hành mới mẻ ở Việt Nam. Là một người cả đời gắn bó với công việc bảo tồn và có nhiều tác phẩm xuất sắc, được trao giải thưởng trong nước và quốc tế, anh đã đúc kết được một lý thuyết bảo tồn phù hợp với điều kiện Việt Nam chưa?

KTS Lê Thành Vinh: Trải qua nhiều công việc thực tế, chưa dám nói là một lý thuyết bảo tồn, nhưng tôi đã cố gắng xác định được cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề đặt ra trong hoạt động bảo tồn di tích ở Việt Nam một cách phù hợp nhất. Theo tôi, điều kiện tiên quyết trong bảo tồn là phải thấu hiểu đối tượng mà mình sẽ can thiệp, trong đó quan trọng nhất là Không gian văn hóa – kiến trúc của di tích được hình thành bởi 3 yếu tố Hình – Lý – Khí. “Hình” là cấu trúc không gian, “Lý” là sự sắp đặt, bài trí theo chức năng và “Khí” là cái được tạo ra khi các hoạt động diễn ra ở đó. Không gian văn hóa – kiến trúc với 3 đặc tính là: Khả biến, tích tụ và cộng hưởng tạo ra sắc thái đặc trưng và giá trị cốt lõi của mỗi công trình hay nơi chốn, đó chính là thứ phải bảo tồn và lưu truyền.

KTS Vũ Hiệp: Lý thuyết đó đã được anh áp dụng như thế nào ở Đình Chu Quyến, công trình được UIA trao giải về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010?

KTS Lê Thành Vinh: Trong dự án tu bổ, tôn tạo Đình Chu Quyến, cùng với việc đảm bảo sự ổn định và bền vững lâu dài của cấu trúc ngôi đình, chúng tôi đã cố gắng lưu giữ cho được những dấu ấn của thời gian, những trầm tích văn hóa đã đọng lại, ngấm sâu vào từng thớ gỗ của các cấu kiện trong ngôi đình. Có những cây cột tuổi đời khoảng 400 năm, đã bị mục ruỗng hết bên trong đến mức người có thể chui lọt, chúng tôi đã thay thế phần hư hỏng đó bằng gỗ mới cùng loại nhưng giữ lại phần vỏ còn rắn chắc cùng với những thứ đã tích tụ trên đó. Ngày hoàn tất việc trùng tu, có cụ già của làng ra đình đã ôm chầm lấy cây cột đó vì được gặp lại thứ đã trở thành thân quen bao năm qua. Cùng với việc tu bổ kiến trúc, chúng tôi còn đặc biệt quan tâm đến Không gian văn hóa của ngôi đình, một di sản làng xã bao năm gắn bó với các thế hệ người dân nơi đó. Sân đình, con đường nhỏ bao quanh, hồ nước phía trước hay ngôi miếu nhỏ cạnh đình… những nhân tố gắn bó hữu cơ, không thể tách rời không gian văn hóa của đình đã được bảo tồn, chỉnh trang để giữ nguyên sự gần gũi, thân thiện đối với cuộc sống thường nhật của dân làng. Đó cũng chính là lý do mà Ban giám khảo của UIA đã đánh giá cao về sự chuyên nghiệp, tính nhân văn và trao giải cho dự án này.

 
Đền Sóc Sơn.- Tu bổ và phục hồi kiến trúc truyền thống cùng với khung cảnh thiên nhiên vốn là đặc trưng và giá trị cốt lõi của khu di tích này.

Đền Sóc Sơn tu bổ và phục hồi kiến trúc truyền thống cùng với khung cảnh thiên nhiên
vốn là đặc trưng và giá trị cốt lõi của khu di tích này.

KTS Vũ Hiệp: Gần đây có một số vụ việc đáng tiếc liên quan đến cách ứng xử với di sản, mà nguyên nhân một phần có lẽ do tất cả các bên đều thiếu một nhận thức chung, một cơ chế chung, một khung lý thuyết bảo tồn chung. Trước hết với trường hợp Nhà thờ Bùi Chu. Nhà thờ đã xuống cấp và nhu cầu cần một thánh đường to hơn của giáo dân là có thật. Công trình này không phải di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, đất thì do giáo hội Công giáo quản lý, nên nhà nước cũng không can thiệp rốt ráo được. Các chuyên gia dù rất muốn giữ lại một công trình kiến trúc độc đáo nhưng cũng chỉ đưa ra phản biện trên truyền thông chứ không có quyền gì mà ngăn cản được sự hạ giải nhà thờ. Là người có nhiều kinh nghiệm thực tế lại nắm rất chắc lý thuyết bảo tồn, anh có thể nêu ý kiến của mình về vụ việc này?

KTS Lê Thành Vinh: Bảo tồn là một hoạt động mang tính nhân văn, trong đó nhiều khi phải giải quyết các vấn đề về con người, xã hội nhiều hơn là kiến trúc, nghệ thuật. Nhà thờ Bùi Chu là một câu chuyện rất đáng tiếc vì hoàn toàn có thể có những giải pháp tốt hơn. Tuy nhiên, sau sự việc này, chúng ta không nên “kết tội” cho bất cứ một bên nào. Dự án hạ giải và xây mới nhà thờ Bùi Chu đã được chuẩn bị từ lâu, các giáo dân đã đóng góp nhiều công sức và tiền bạc, các cấu kiện mới đã được gia công và chạm khắc xong đến từng chi tiết, chỉ chờ ngày lắp dựng vào nhà mới. Khi thông tin hạ giải nhà thờ được công bố thì thời điểm đó gần như không thể thay đổi được gì, giống như phút 89 của trận đấu bóng đá.

Hãy nhìn nhận sự việc một cách khách quan, nhà thờ Bùi Chu được tạo ra trước hết là do nhu cầu thực hành nghi lễ tôn giáo của người Công giáo, giá trị kiến trúc, nghệ thuật của nó có thể coi là vấn đề thứ phát. Hiện nay, số lượng giáo dân tăng lên và người ta cần một không gian lớn hơn thì đó là một nhu cầu rất chính đáng. Người dân có cái “Lý” của họ, còn những người quan tâm đến giá trị kiến trúc, nghệ thuật của nhà thờ thì chỉ nghĩ đến cái “Hình”. Nếu như ban đầu, giáo hội, giáo dân, nhà nước và các chuyên gia di sản được cùng nhau bàn thảo về việc mở rộng nhà thờ thì chắc chắn sẽ có giải pháp mà tất cả các bên đều chấp nhận được mà không đơn giản là phá đi xây mới. Giữ nguyên, tu bổ hay tôn tạo, xây mới chỉ là những giải pháp, cái quan trọng nhất trong bảo tồn là tôn trọng và làm thăng hoa cái “Tôi” chung của tất cả các thành phần liên quan. Thực trạng rời rạc, thiếu tin tưởng lẫn nhau, không lắng nghe nhau giữa các thành phần xã hội mới là nguyên nhân cốt lõi cho sự thất bại trong trường hợp của Bùi Chu. Khi nhà thờ cũ bị phá bỏ, một số chuyên gia và nhà báo đã công kích rất gay gắt đối với giáo chức, điều đó có phần phiến diện. Thực ra, việc giáo chức cho ngừng việc hạ giải 1 năm để lắng nghe các ý kiến của các cấp quản lý, công luận và giáo dân đã là một hành động đáng ghi nhận. Việc bảo tồn chỉ có thể thành công nếu sớm được trao đổi và đạt được sự đồng thuận giữa 3 thành phần: Nhà quản lý, giới chuyên gia và người sử dụng.

KTS Vũ Hiệp: Một số chuyên gia có đưa ra ý kiến rằng nên cấp cho giáo dân và giáo hội một chỗ đất khác để dựng nhà thờ mới và vẫn giữ nguyên nhà thờ cũ này. Anh nghĩ sao về giải pháp đó?

KTS Lê Thành Vinh: Đó là một giải pháp sai lầm. Tôi xin nhắc lại bảo tồn di sản không tạo ra một xác chết mà phải duy trì những thực thể sống, phục vụ nhu cầu chính đáng của con người và tiếp tục phát triển bởi con người. Nếu như người ta bảo tồn phố cổ Hà Nội hay làng cổ Đường Lâm bằng cách tạo ra một khu phố hay ngôi làng có kiến trúc y hệt ở một chỗ khác và cho tồn tại song song cả hai (như có người đã đề xuất) thì đó là sự phá hủy chứ không phải là bảo tồn. Thực thể không gian kiến trúc, bối cảnh lịch sử xã hội, hoạt động của con người, tinh thần nơi chốn của khu đất là những sắc thái đặc trưng và duy nhất. Đó chính là cái “Khí” cần bảo tồn. Hơn nữa, nếu như nhà nước cấp đất cho xây một nhà thờ mới khác thì sẽ tạo ra tiền lệ không tốt, sẽ hoặc là phải cấp đất mới hoặc là gây ra những bất công với các trường hợp khác tương tự.

KTS Vũ Hiệp: Trước khi nhà thờ Bùi Chu bị hạ giải, đã có một số nhà thờ khác có giá trị nghệ thuật kiến trúc bị đập đi xây mới to hơn, nhưng ít người quan tâm nên không thành sự việc ồn ào. Hiện nay, may mắn hơn khi nhiều người quan tâm tới di sản, nhưng chưa thật hiểu sự phức tạp và tế nhị trong các mối quan hệ xã hội khi thực hành bảo tồn di sản. Hi vọng, qua sự việc nhà thờ Bùi Chu, các thành phần tham gia bảo tồn (nhà quản lý, chuyên gia, người dân sử dụng) cần rút ra bài học, cởi mở, thông cảm, lắng nghe nhau để không xảy ra việc đáng tiếc tương tự.

Một sự việc khác liên quan đến bảo tồn cũng đang gây tranh cãi hiện nay là dự án quy hoạch đồi dinh Tỉnh trưởng, Đà Lạt. Anh nghĩ gì về phương án quy hoạch đó?

KTS Lê Thành Vinh: Đà Lạt có thể coi là một di sản đô thị, từ tư tưởng quy hoạch cho đến sự hình thành và phát triển rất độc đáo của nó với những đồi thông, hồ nước, công trình kiến trúc lồng ghép với nhau thành một tổng thể hữu cơ, thống nhất. Đồi Dinh là thành phần tối quan trọng của không gian di sản đô thị Đà Lạt nên phải giữ bằng được khung cảnh một đồi cây và kiến trúc quy mô vừa phải thấp thoáng trên đó. Ý tưởng quy hoạch khu trung tâm Đà Lạt mới đây đã sai ngay từ đầu khi cho phép xây tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại có khối tích lớn choán hết cảnh quan đồi Dinh. Vấn đề của dự án đồi Dinh có lẽ là ở phía chủ đầu tư khi họ chạy theo lợi nhuận tức thời của mình mà không tôn trọng những giá trị lâu dài của di sản đô thị dành cho cả cộng đồng. Đối với các dự án có tính chất bảo tồn di sản, theo tôi chỉ nên có 3 thành phần tham gia như đã nhắc ở trên là: Nhà quản lý, chuyên gia và người dân, trong đó bản lĩnh của nhà quản lý là rất quan trọng. Chủ đầu tư có vai trò như người đầu tư nguồn lực về tài chính thôi, không nên quá tác động vào các giải pháp của dự án.

KTS Vũ Hiệp: Anh có mong ước gì đối với lĩnh vực bảo tồn di sản ở Việt Nam không?

KTS Lê Thành Vinh: Hoạt động bảo tồn di tích, di sản ở Việt Nam hiện còn nhiều bất cập. Để cải thiện thực trạng này, có nhiều việc phải làm nhưng trong đó vấn đề thay đổi và nâng cao nhận thức của cả các cấp quản lý và những người thực thi là tối quan trọng. Từ năm 2010, chúng tôi (Viện Bảo tồn di tích) là người khởi xướng và đã đi đầu trong việc đào tạo nghiệp vụ chuyên ngành bảo tồn di tích. Hiện nay, công việc này vẫn được duy trì nhưng chỉ ở mức độ quá hạn hẹp về thời gian và nội dung. Mong ước của tôi là vấn đề đào tạo chuyên ngành bảo tồn di tích phải được nhìn nhận một cách đúng đắn và đầy đủ hơn. Chỉ khi có sự đầu tư thích đáng, tổ chức thực hiện nghiêm túc, bài bản về đào tạo thì mới có thể cải thiện và nâng cao nhận thức của xã hội về lĩnh vực này, một điều kiện tiên quyết để hoạt động bảo tồn di tích ở Việt Nam đi vào đúng quỹ đạo của nó và có hiệu quả tốt trong sự phát triển chung của đất nước.

KTS Vũ Hiệp: Cám ơn anh về cuộc trò chuyện rất hữu ích này. Hi vọng, nhận thức và kiến thức về bảo tồn di sản sẽ lan tỏa sâu hơn, rộng hơn trong cộng đồng để những vụ việc đáng tiếc vừa qua không lặp lại nữa.

Nguồn tin: Theo Vũ Hiệp (thực hiện) - (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 11-2020)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 148 | lượt tải:69

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 160 | lượt tải:113

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 204 | lượt tải:96

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 308 | lượt tải:120

3004/QĐ-UBND

Quyết định số 3004/QĐ-UBND của UBND Thành phố HN về việc Phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường vào Trụ sở Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trại tạm giam T16 và Trung tâm thẩm vấn của lực lượng cảnh sát, tỉ lệ 1/500

Thời gian đăng: 27/07/2023

lượt xem: 205 | lượt tải:57

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây