0 NaN undefined

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Thành phố Hà Nội

Thứ ba - 30/03/2021 06:48

Chiều 28-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021. 
 

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự buổi làm việc.

Cùng chủ trì có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Đại biểu Trung ương cùng dự buổi làm việc còn có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.

Đại biểu thành phố Hà Nội dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thành ủy - Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố...

Các chỉ tiêu phát triển đều tăng cao

Trình bày báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, UBND thành phố đã ban hành Chương trình hành động với 12 nhóm nhiệm vụ và 238 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Trong quý I-2021, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) ước tăng cao hơn cùng kỳ (quý I-2020 tăng 4,13%). Hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đều tăng cao hơn so với cùng kỳ. Cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,7% - gấp 1,75 lần cùng kỳ (quý I-2020 tăng 4,4%), trong đó: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,9%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 6,1%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%... Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 6,8%, gấp 3 lần so với cùng kỳ (quý I-2020 tăng 2,3%). Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,12 tỷ USD, giảm 1% (quý I-2020 giảm 18,1%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 6,988 tỷ USD, tăng 4% (quý I-2020 giảm 21,3%).

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 72.753 tỷ đồng, đạt 30,9% dự toán Trung ương giao (đạt 28,9% dự toán thành phố giao), bằng 101% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 67.165 tỷ đồng, tăng 8,2% - gấp 1,58 lần so với cùng kỳ năm 2020. Hà Nội cũng thu hút đầu tư nước ngoài đạt 101,5 triệu USD; thu hút 20 dự án đầu tư vốn trong nước với số vốn 3.241 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc. 

“Thành phố Hà Nội cũng thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Trong đợt bùng phát thứ tư, Hà Nội đã qua 40 ngày không ghi nhận ca mắc mới trong cộng đồng”, đồng chí Chu Ngọc Anh nói.

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển; kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm…

Từ những kết quả đã đạt được trong quý I-2021, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, thời gian còn lại của năm 2021, Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế.

Thành phố cũng tập trung triển khai thực hiện 2 Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; bảo đảm công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; các nhiệm vụ Trung ương đề ra, trọng tâm là triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và 10 Chương trình hành động toàn khóa.

“Bên cạnh đó, thành phố cũng tổ chức thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2021 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Xây dựng và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công 5 năm giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Kiến nghị với Chính phủ 5 vấn đề quan trọng

Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cũng nêu 5 kiến nghị của thành phố với Chính phủ. Trong đó đề nghị Thủ tướng xem xét, sớm ký ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố để triển khai thực hiện.

Về lĩnh vực kế hoạch đầu tư công, thành phố đề xuất Chính phủ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Hà Nội trên mức 35% để bảo đảm nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2022-2025, đồng thời hỗ trợ thành phố thực hiện các dự án giao thông trọng điểm; giải quyết một số khó khăn, vướng mắc khi đầu tư các cầu lớn qua sông Hồng.

“Thành phố đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ vướng mắc về bố trí vay vốn nước ngoài phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Đề nghị Chính phủ thống nhất chủ trương trình Quốc hội phê duyệt đề xuất dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai; phê duyệt chủ trương đầu tư đường sắt đô thị đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc sử dụng vốn đầu tư công và nguồn vốn khác...”, đồng chí Chu Ngọc Anh nói.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh trình bày báo cáo tại buổi làm việc.


Về lĩnh vực quy hoạch, với việc đã phê duyệt 6 phân khu quy hoạch đô thị khu vực nội đô lịch sử, thành phố đề nghị Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tăng tỷ lệ đất đô thị và nông thôn toàn thành phố lên 40%-60%; cho phép nghiên cứu quy hoạch sân bay dân dụng thứ hai tại địa bàn thành phố để đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 100 triệu hành khách/năm…

Thành phố cũng đề nghị Chính phủ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị thành phố đặt trong mối quan hệ Vùng Thủ đô. Đặc biệt, tại đô thị trung tâm hoàn chỉnh phát triển cân đối, hài hòa tương xứng Bắc sông Hồng với Nam sông Hồng, lấy trục không gian xanh sông Hồng làm trung tâm. Nghiên cứu cấu trúc thành phố trong thành phố và thị xã trong thành phố...

Đối với công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, đề xuất Chính phủ cho phép thành phố xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai, thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

Đồng chí Chu Ngọc Anh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với thành phố trong công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11.

Phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”

Tiếp đó, đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Hà Nội đạt được trong 3 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị đại diện các bộ, ngành tập trung thảo luận về 5 nhóm kiến nghị của thành phố Hà Nội.

“Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, nếu nhịp đập đều, khỏe thì cả nước sẽ phát triển mạnh mẽ. Vì thế, mọi ý kiến đóng góp cho sự phát triển chung của Hà Nội cần được tập trung trên tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Cụ thể, các bộ, ngành cần có trách nhiệm chung trong việc hỗ trợ về cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực phù hợp để Thủ đô phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội trong vấn đề quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có quy hoạch cảng hàng không. Về kiến nghị hỗ trợ thành phố Hà Nội thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cơ bản nhất trí và cho biết sẽ bố trí vốn khi dự án được phê duyệt. Đối với kiến nghị về vị trí nhà ga C9 trong tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ sẽ có quyết định cuối cùng sau khi Thủ tướng họp với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc liên quan...

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng ủng hộ về mặt chủ trương điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đến năm 2045. Về công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh thông tin: “Hà Nội là địa phương có nhiều chung cư cũ nhất, nên hầu hết các kiến nghị của thành phố được nêu tại Nghị định sửa đổi sắp tới và hy vọng khi ban hành thì việc này sẽ có nhiều chuyển biến tích cực”.

Về kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố Hà Nội trên mức 35%, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, Bộ cơ bản nhất trí với kiến nghị này nhưng cần phải cân đối chung với cả nước theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, Bộ Y tế luôn cảnh báo nguy cơ lây lan dịch của Hà Nội cao hơn với các địa phương khác, bởi nếu không kiểm soát được tình hình dịch của Thủ đô thì cả nước sẽ ảnh hưởng. “Bộ đang rà soát lại quy hoạch tổng thể của ngành Y tế. Chúng tôi đang đề xuất với thành phố Hà Nội xây dựng Trung tâm y tế chất lượng cao; đồng thời quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dược tại Hà Nội”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.

Nhất trí với nhóm 5 kiến nghị của thành phố cũng như các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng kiến nghị thành phố sớm có quy hoạch xây dựng đường Vành đai 4 để kết nối Thủ đô với các địa phương trong khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc


Tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội phát triển

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp với Hà Nội. Riêng Thủ tướng cùng các Phó Thủ tướng có 4 cuộc làm việc về kinh tế - xã hội với thành phố Hà Nội; 4 lần dự Hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố; nhiều cuộc thăm và làm việc của Thủ tướng tại cơ sở về rất nhiều lĩnh vực khác nhau.

Nhất trí với ý kiến của các bộ, ngành, Thủ tướng cho rằng, kinh tế - xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016-2020 phát triển khá toàn diện. Diện mạo Thủ đô thay đổi nhanh. Môi trường đầu tư được cải thiện và câu nói “Hà Nội không vội được đâu” đã ít được nhắc tới. Trong đó, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội quý I-2021 đạt 5,17%, cao hơn mức bình quân cả nước. Đặc biệt, Hà Nội thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa phòng, chống dịch Covid-19. “Chúng tôi hoan nghênh phong trào mới vì một Hà Nội đáng sống”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những tồn tại, hạn chế đã được thảo luận rất kỹ, rất sâu sắc tại Đại hội Đảng bộ thành phố vừa qua. “Tôi được biết, các đồng chí đang rất quyết tâm, ra sức khắc phục, xử lý những hạn chế, như về việc tạo các đột phá lớn và tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố; về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của Thủ đô; về bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa; về phát triển nhanh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng lưu ý một số tồn tại như đến nay, Hà Nội vẫn chưa trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn chậm. Quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ. Công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai, đô thị, môi trường có lúc, có nơi làm chưa tốt. Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, trung tâm giao lưu quốc tế của cả nước, không chỉ đơn thuần phát triển kinh tế, đô thị mà phải đề cao cả các yếu tố chính trị, văn hóa.

Thống nhất về tầm nhìn, quan điểm phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh nội dung phát triển Thủ đô là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ, là một thành phố đáng sống. Hà Nội có nhiều di sản vật thể và phi vật thể nên cần có kế hoạch đầu tư tôn tạo, giữ gìn, đặc biệt là với khu Hoàng thành Thăng Long.

Thủ tướng nhất trí quan điểm phát triển đối với Hà Nội là “xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương”, xây dựng thành phố năng động và hội nhập, thành phố kiến tạo phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế. Vì thế, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; đồng thời chuẩn bị tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiên phong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống, dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược được Đảng ta nêu ra.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị của Hà Nội trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thủ đô phát triển. Về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Thủ tướng cho biết sẽ sớm có Nghị định về vấn đề này để thành phố triển khai thực hiện.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc.

Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ bày tỏ vinh dự khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành dành thời gian đến thăm, động viên, giải quyết một số vấn đề để tạo tiền đề phát triển cho Thủ đô trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, sự quan tâm, giúp đỡ của Thủ tướng và các bộ, ngành đã giúp Hà Nội xây dựng Báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố chất lượng, nền tảng xây dựng 10 Chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy cụ thể, rõ ràng; là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành chương trình hành động toàn khóa.

“Sự phát triển của Thủ đô ngoài sự nỗ lực, truyền thống 91 năm của Đảng bộ thành phố thì có sự quan tâm rất đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cá nhân Thủ tướng. Toàn thể Đảng bộ thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, trí tuệ, bản lĩnh, vượt qua những khó khăn, thách thức để lập được nhiều thành công trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho Hà Nội.


Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nêu 3 việc lớn của Hà Nội và mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo. Trong đó đề nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo Bộ Xây dựng và Bộ NN&PTNT sớm thỏa thuận quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống để phê duyệt trong tháng 6-2021, qua đó giúp Thủ đô đạt 100% tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đô thị. “Thành phố cũng sẽ sớm trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ lập và điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Bên cạnh đó, năm 2021, Hà Nội sẽ thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6-1-2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020”. Đồng thời, thành phố cũng tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô, qua đó trình Quốc hội bổ sung, sửa đổi Luật này, tạo điều kiện cho thành phố phát triển. 

Nguồn tin: Theo hanoimoi.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 32 | lượt tải:23

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 194 | lượt tải:92

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 195 | lượt tải:127

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 255 | lượt tải:108

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 339 | lượt tải:133

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây