0 NaN undefined

Quy hoạch xây dựng các thị trấn, đô thị sinh thái tại Hà Nội - Rõ mục tiêu nhưng thiếu tiêu chí chuẩn

Chủ nhật - 12/03/2023 21:43

Theo định hướng quy hoạch chung từ năm 2011, Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm có khu đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh và các thị trấn sinh thái nhằm giảm sức ép cho khu vực nội đô.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian đô thị sinh thái Quốc Oai
Sơ đồ định hướng phát triển không gian đô thị sinh thái Quốc Oai
 

Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm, về cơ bản các thị trấn được quy hoạch là đô thị sinh thái vẫn chưa có những thay đổi đáng kể. Một phần nguyên nhân đến từ việc những định hướng quy hoạch còn bất cập, chưa sát với thực tiễn phát triển của địa phương.

Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Chúc Sơn.
Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Chúc Sơn.

Chưa thành hình sau gần chục năm được quy hoạch

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2011, bên cạnh các đô thị vệ tinh sẽ xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn, huyện lỵ hiện hữu như Phùng (huyện Đan Phượng), Tây Đằng (huyện Ba Vì), Liên Quan (huyện Thạch Thất), Kim Bài (huyện Thanh Oai), Vân Đình (huyện Ứng Hòa), Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức), Thường Tín (huyện Thường Tín), Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ), Quốc Oai (huyện Quốc Oai), Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) và các thị trấn mới. Đặc biệt, quy hoạch nhấn mạnh phát triển 3 thị trấn: Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn thành các đô thị sinh thái trong khu vực hành lang xanh, đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững.

Cụ thể hóa định hướng của quy hoạch chung, năm 2014 – 2015,  TP Hà Nội đã phê duyệt các đồ án quy hoạch chung 3 thị trấn: Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn. Theo định hướng phát triển, các thị trấn sinh thái sẽ trở thành trung tâm hỗ trợ phát triển vùng nông thôn. Phát triển gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa địa phương, hài hòa với không gian cảnh quan tự nhiên hiện có.... Tuy nhiên, đến nay sau nhiều năm hầu hết về cơ bản các thị trấn được quy hoạch là đô thị sinh thái vẫn chưa có những thay đổi đáng kể. Tình trạng xây dựng lộn xộn, không phép hoặc trái phép vẫn diễn ra, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan bị vi phạm, kết cấu hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ nên không thu hút được đầu tư, không di dời được trường học, bệnh viện… càng không thu hút được dân số để giảm áp lực cho nội đô.

Nêu thực tế tại địa phương, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Quốc Oai Lê Hải Đăng cho biết, sau khi đồ án Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Quốc Oai đến năm 2030 được TP phê duyệt và công bố năm 2015 đến nay, trong quá trình thực hiện theo quy hoạch cho thấy có một số vị trí quy hoạch chưa phù hợp với hiện trạng sử dụng đất và tình hình thực tiễn của địa phương dẫn đến khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, hiện nay, trong Quy hoạch chung xây dựng huyện Quốc Oai, Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Quốc Oai đang quy hoạch các trường học từ mầm non đến tiểu học và THCS tại vị trí hiện trạng là chưa phù hợp do vượt quá số lượng trường quy định, khuôn viên không đảm bảo theo quy định trường chuẩn quốc gia, bán kính phục vụ chưa cân bằng. Một số vị trí đã là đất ở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân nhưng lại quy hoạch chức năng là đất nông nghiệp,...

Thị trấn Quốc Oai là khu vực ưu tiên phát triển đô thị của huyện nhưng trong quy hoạch chung thị trấn vẫn quy hoạch đất cây xanh cách ly, nông nghiệp, mặt nước đến năm 2030 với diện tích tới 439,91ha, chiếm 23,6% tổng diện tích thị trấn là chưa hợp lý. Đặc biệt, khu vực thị trấn sinh thái Quốc Oai tập trung nhiều dự án giao chủ đầu tư nhưng chưa được điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch chung thị trấn, dẫn đến tình trạng quy hoạch và dự án “hai lần treo” gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Cùng chia sẻ, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn Nguyễn Quốc Cương cho hay, trong những năm vừa qua, khi thực hiện các nhiệm vụ theo Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Chúc Sơn. Cụ thể là công tác thu hồi đất để thực hiện công trình, dự án trên địa bàn gặp một số bất cập khi quy hoạch chồng lấn, không đúng hiện trạng, phải đề nghị cấp có thẩm quyền xin điều chỉnh. Nhất là công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên địa bàn gặp khó khăn khi hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp giấy. Lý do, hiện trạng trước khi quy hoạch chung thị trấn sinh thái Chúc Sơn thuộc đất ở nhưng khi quy hoạch lại là đất công cộng, đất hành lang cây xanh cách ly, đất công nghiệp. Do vậy, khi công dân có nhu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở là không thực hiện được.

Phát triển đồng bộ toàn thành phố

Có thể nói, phát triển đô thị sinh thái là mục tiêu mà từ lâu nhiều quốc gia hướng đến cho một tương lai bền vững. Phát triển đô thị sinh thái không chỉ dừng lại ở việc đem lại sự hài hòa và cân bằng với môi trường mà còn cho thấy tiềm năng để phát triển kinh tế, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội. Tại Hà Nội, không chỉ các thị trấn nêu trên được định hướng quy hoạch thành các đô thị sinh thái mà một số khu đô thị mới đã từng bước tiếp cận với mô hình đô thị sinh thái như đô thị Ecopark, đô thị Việt Hưng, đô thị Vinhome Riverside…

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, GS.TS.KTS Đỗ Hậu, trong hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam vẫn chưa có một định nghĩa chính thống nào về “đô thị sinh thái” cũng như xác định tiêu chí chuẩn một đô thị sinh thái. Vì vậy, trong các đồ án Quy hoạch chung thị trấn sinh thái Quốc Oai, Chúc Sơn và Phúc Thọ mới chỉ xác định những định hướng phát triển theo đô thị sinh thái, còn các tiêu chí, chỉ tiêu quy hoạch xây dựng đô thị sinh thái chưa được xác định cụ thể trong đồ án cũng như chưa đáp ứng tiêu chí của một đô thị sinh thái như: Tiêu chí về công trình xanh, giao thông đô thị sinh thái, hạ tầng kỹ thuật đô thị sinh thái, phương thức sản xuất theo hướng sinh thái, tiêu dùng theo hướng sinh thái, lối sống theo hướng sinh thái, bảo tồn tính đặc trưng của địa phương…

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quy hoạch chung cũng chỉ mang tính dự báo nên sau một thời gian khá dài, đến nay các động lực phát triển cho đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái có nhiều thay đổi, vì vậy, cần có sự xem xét, đánh giá lại cho phù hợp với thực tiễn. Nhất là để hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững, việc nghiên cứu xây dựng tiêu chí, mô hình, xây dựng và ban hành các quy chế, chính sách, quy hoạch và kế hoạch hành động... cho đô thị sinh thái trên toàn địa bàn TP là giải pháp hữu hiệu để phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị bền vững ở Thủ đô và cả vùng, khu vực.

“Trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang thực hiện cần xác định xây dựng đô thị sinh thái là một trong những trụ cột để phát triển bền vững. Do vậy, cần có cái nhìn toàn diện, đa tầng, chú trọng phát triển cả một khu vực lớn chứ không chỉ là một khu đô thị hay một vài thị trấn định hướng phát triển theo hướng sinh thái” – ông Đào Ngọc Nghiêm nhấn mạnh.

Để phát triển đô thị sinh thái, cần xác định các tiêu chí và chỉ tiêu quy hoạch, xây dựng đô thị sinh thái cụ thể. Đối với các đô thị Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn, trước mắt chính quyền cần quan tâm đến môi trường, tránh khai thác quá nhiều tài nguyên thiên nhiên. Sử dụng quỹ đất xanh, đất nông nghiệp và không gian mặt nước… sao cho hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao ý thức của người dân. Đồng thời, cần có sự kiểm soát, giới hạn về quy mô, tính chất, chức năng và hình thái không gian, để các khu vực này xứng đáng là trung tâm động lực đóng vai trò hỗ trợ các tiện ích công cộng, hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, kinh tế - xã hội trong vùng huyện và phụ cận, là cầu nối để phát triển cân bằng giữa đô thị với nông thôn.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triểnđô thị Việt Nam,
GS.TS.KTS Đỗ Hậu

Nguồn tin: Báo Kinh tế & Đô thị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 32 | lượt tải:23

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 194 | lượt tải:91

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 195 | lượt tải:127

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 253 | lượt tải:108

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 338 | lượt tải:132

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây