0 NaN undefined

Người đi bộ định hình phố đi bộ

Thứ ba - 28/11/2023 20:22

Lấy ý tưởng từ nhận định “Đầu tiên chúng tôi định hình thành phố - sau đó thành phố định hình lại chúng tôi” (First we shape the cities - then they shape us) của Jan Gehl trong “City of people” để bàn luận về phố đi bộ đã được định hình bởi người đi bộ như thế nào.

Thông qua lăng kính của người đi bộ để nhận diện các hoạt động của con người khi tham gia vào phố đi bộ bao gồm nhìn, đứng, dừng tạm thời, gặp gỡ, vui chơi, giải trí, mua sắm cùng với thực tiễn triển khai mô hình phố đi bộ ở nhiều nơi trên thế giới và các đặc trưng của phố đi bộ, nhằm xác định các xu hướng tham gia của người đi bộ và xu hướng quay về với thiên nhiên nhờ vào kỹ thuật hạ tầng xanh sẽ tác động đến phố đi bộ trong lương lai.

1. Mở đầu

Theo Jan Gehl [1], “biết đi”là một khả năng xuất hiện từ rất sớm của con người, hành trình đó không chỉ là sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác, mà còn hơn thế nữa, trên hành trình đi đó, người đi dễ dàng dừng lại, tăng tốc, giảm tốc độ, chuyển sang một loại hoạt động khác như đứng, ngồi, chạy, khiêu vũ, leo trèo hoặc nằm.

Chính vì: Cuộc sống diễn ra trên bước đi cho nên đô thị nên là nơi tốt để di chuyển. Một điều kiện tiên quyết quan trọng để đi bộ thoải mái và dễ chịu là không gian để đi lại tương đối tự do và không bị cản trở, không phải len lỏi ra vào và không bị xô đẩy bởi những người khác. 

Về mặt kỹ thuật, phố đi bộ không quá 1 km; về mặt thực tiễn, cho đến nay, phần lớn các trung tâm thành phố có diện tích khoảng 1 km2, điều này có nghĩa là một quãng đường đi bộ từ 1 km trở xuống sẽ đưa người đi bộ đến hầu hết các chức năng trong thành phố.

Các thành phố lớn như London và New York có các mô hình tương ứng, vì chúng được chia thành nhiều trung tâm và quận (Hình 1).

Khoảng 500 m (1.640 feet) là khoảng cách mà hầu hết người đi bộ thấy chấp nhận được. Tuy nhiên, đây không phải là một sự thật tuyệt đối, bởi vì những gì được chấp nhận sẽ luôn là sự kết hợp giữa khoảng cách và chất lượng của tuyến đường. Nếu mức độ thoải mái thấp, quãng đường đi sẽ như dài ra, trong khi nếu lộ trình thú vị, giàu trải nghiệm và thoải mái, người đi bộ quên đi khoảng cách và tận hưởng những trải nghiệm khi tham gia. 

Mặc khác, “Phối cảnh chiều dài mệt mỏi” mô tả tình huống trong đó người đi bộ có thể nhìn thoáng qua đã biết toàn bộ tuyến đường trước khi bắt đầu (Hình 2). Con đường thẳng tắp tưởng như dài vô tận, không hứa hẹn những trải nghiệm thú vị trên đường đi. Khách bộ hành mệt mỏi trước khi bước vào cuộc đi dạo đó.

Ngược lại, tuyến đường có thể được chia thành các phân đoạn có thể kiểm soát được, nơi mọi người có thể đi bộ từ quảng trường này sang quảng trường khác, điều này sẽ phá vỡ lối đi đơn thuần một cách tự nhiên hoặc dọc theo một con phố uốn lượn hấp dẫn có nhiều sự mời gọi người đi bộ đi từ phần này sang phần tiếp theo. Một con phố quanh co không phải ngoằn ngoèo nhiều để ngăn người đi bộ nhìn rất xa xuống phố, mà liên tục đi về phía các góc và khúc cua, nơi những khung cảnh mới mở ra.

Ngoài ra, thiết kế đô thị đã tạo ra các kiểu, không gian, hình thái để đi bộ: Như cầu đi bộ trên không, sự đa dạng của chất liệu lát nền đường, đi bộ trên bậc thang hay ram dốc, đã tác động đến thói quen, tâm lý của người đi bộ (Hình 3).

Bên cạnh đó, các tiện ích hay cách tổ chức phố đi bộ cũng được ghi nhận hiệu quả thu hút cộng đồng:

Tại Melbourne, Úc: Khu thuộc địa Anh được thiết lập lại thành phố đi bộ với phần đi bộ được mở rộng, lát đá xanh địa phương, được thiết kế với những tiện ích hiện đại. Hơn nữa, để tạo nên hình ảnh phố đi bộ thân thiện, chiến lược xanh được áp dụng với 500 cây xanh được trồng mới, định hình hình thái cho tuyến phố, đồng thời thiết kế ánh sáng nghệ thuật đô thị được thực hiện (Hình 4).

Nhờ vậy, hiệu quả của tuyến phố đi bộ này qua 10 năm hoạt động đã thu hút 39% lượt khách đi bộ, đặc biệt thu hút lượng lớn người trong khung giờ từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều, những hoạt động cộng đồng thu hút gấp 3 lượng người tham gia tại các phố đi bộ, quảng trường nói chung.

Tại lưu vực sông Arhus, Đan Mạch: Việc bổ sung các ghế ngồi tại cảng Aker Brygge đã thay đổi đáng kể hình ảnh phố đi bộ tại đây, số lượng ghế công cộng được tăng cường 129% dẫn đến số người tiếp cận phố đi bộ tăng 122%. Điều đó cho thấy nếu không gian đô thị được quan tâm thiết kế tốt đã thu hút người dân tiếp cận và lưu lại ở các không gian đó nhiều hơn, lâu hơn (Hình 5).

Ở Copenhagen: Số người đi bộ tăng 35% chỉ trong năm đầu tiên, trong giai đoạn từ 1962 đến 2005, khu vực dành cho người đi bộ và cuộc sống thành phố tăng lên gấp 7 lần: từ khoảng 15.000 m2 (161.500 feet vuông) đến 100.000 m2. Tính từ thời điểm 1968 đến 1995, số lượt người đến với đô thị càng tăng. Càng nhiều không gian dành cho các hoạt động công cộng thì đô thị càng được sinh sôi (Hình 6). 

2. Người đi bộ đã sử dụng phố đi bộ như thế nào?! 

Việc tổ chức phố đi bộ, thiết kế không gian, chi tiết phong phú và tổ chức các trải nghiệm mãnh liệt ảnh hưởng đến chất lượng của các tuyến đường dành cho người đi bộ và tạo niềm vui khi đi bộ. Vậy người đi bộ ngoài mục đích đi bộ, còn mong muốn được trải nghiệm những gì?

+ Nhìn - những điều thú vị trong tầm mắt: Đó là kiến trúc hai bên đường, với cửa hàng, cửa trước, chi tiết tòa nhà, cảnh quan và cây xanh phía trước công trình (nhà ở, văn phòng) có thể đóng góp giá trị cho những trải nghiệm thú vị khi đi dạo (Hình 7).

+ Đứng - thường là một hoạt động ngắn hạn, có giới hạn về thời gian. Người đi bộ luôn có thể dừng lại một chút để xem nhanh những gì đang xảy ra. Hoặc nhìn vào cửa sổ, hoặc nghe nhạc trên đường phố, chào hỏi bạn bè hoặc chỉ nghỉ ngơi một chút. Những điểm dừng ngắn này thường diễn ra một cách tự phát trong không gian thành phố mà không cần quan tâm đặc biệt đến vị trí và sự thoải mái. Người đi bộ dừng lại và đứng nếu có vấn đề hoặc nếu có lời đề nghị tốt (Hình 8).

+ Dừng tạm thời: Bất cứ nơi nào người đi bộ lưu lại trong một thời gian, họ tìm kiếm những nơi dọc theo các cạnh biên/rìa của không gian công cộng đó, hiện tượng này có thể được định nghĩa là “hiệu ứng cạnh”. Khi người đi bộ đứng lại ở rìa, họ không những không cản đường giao thông mà còn có thể tận hưởng sự yên tĩnh và kín đáo. Vị trí cạnh cung cấp một số lợi ích quan trọng: Có không gian phía trước để quan sát mọi thứ, sau lưng được che chắn để không bị bất ngờ từ phía sau nên được hỗ trợ tốt về thể chất và tâm lý. Chúng ta có thể đứng trong các hốc hoặc dựa vào tường. Vi khí hậu ở rìa không gian tuyến phố cũng thường tốt hơn và con người được bảo vệ khỏi các yếu tố ở một mức độ nào đó (Hình 9). 

+ Gặp gỡ: Nhu cầu giao tiếp, gặp gỡ, trao đổi đã trở thành một thói quen của con người, nhất là trong đời sống hiện đại tại đô thị, con người bị cuốn theo công việc và phụ thuộc thời gian vào công việc khiến cho việc mặc dù có đông người tập trung trong một khu vực nhưng cơ hội được tiếp cận nhau trở nên khó khăn, do vậy trong không gian đi bộ thường không chỉ đơn thuần là nơi để đi lại mà còn là nơi để công dân có thể gặp gỡ và giao lưu (Hình 10).

+ Vui chơi, mua sắm và giải trí, tụ họp quy mô lớn: Chưa dừng lại ở đó, con người mong mỏi nhiều hơn khi tham gia vào không gian đi bộ, đó là có cơ hội vui chơi (các trò chơi cho trẻ em) hoặc xem hoặc tham gia các biểu diễn của cộng đồng (như nghe nhạc sống, hát cho nhau nghe, khiêu vũ, diễu hành) và thậm chí được tập hợp ở quy mô lớn cho một hoạt động hoặc một chiến dịch mang tính cộng đồng như các cuộc đồng diễn, meeting ngoài trời… Ở đó, con người hòa vào hoặc bị ảnh hưởng, bị tác động lẫn nhau một cách mạnh mẽ. Đây cũng chính là nhu cầu cao nhất và đa dạng nhất, bộc lộ tính xã hội và cộng đồng rõ nét, giúp tạo nên hình ảnh sống động cho đô thị (Hình 11).

3. Đặc trưng phố đi bộ nhìn từ góc độ người tham gia 

Những hoạt động công cộng phổ biến tại một phố đi bộ thúc đẩy phố đi bộ đó sống động, phát triển, được duy trì, được nhiều người tiếp tục tìm đến, trải nghiệm và tạo nên thương hiệu đặc trưng cho phố đi bộ đó. Trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, phố đi bộ được phân loại theo công năng, nhưng xét về khía cạnh xã hội, hình thức, cách thức tham gia và cách sử dụng của người đi bộ mới định danh rõ ràng đặc trưng của phố đi bộ đó.

Phố đi bộ - khu café, giải khát ngoài trời. 20 - 30 năm trở lại đây, Copenhagen và Melbourne phát triển nhanh mô hình cafe ngoài trời do ảnh hưởng của khí hậu. Mỗi thành phố có hơn 7.000 ghế ngồi để uống cafe với số tháng phục vụ bán cafe ngoài trời tăng dần từ 8 đến 10 hay 11 tháng trong 1 năm và nay diễn ra ở mọi thời điểm trong năm. Ngồi uống cafe ngoài trời và nhìn ngắm cảnh phố phường đang diễn ra trước mắt là lý do mà người ta thích được ngồi uống cafe và thư giãn như vậy. Đây cũng chính là một điểm hẹn mới và là lý do để nhiều người trải nghiệm thời gian dài tại đô thị (Hình 12).

Ở New York, Broadway ở quảng trường Thời đại cấm giao thông cơ giới để cung cấp nhiều lựa chọn cho các hoạt động giải trí và nghỉ ngơi như là phần mở rộng của tiện ích phục vụ của phố đi bộ. Gồm đặt nhiều không gian cho café và ngồi nghỉ. Nhiều hoạt động xã hội được diễn ra, nhiều sự kết nối thụ động như nhìn, nghe, gặp gỡ và trò chuyện, đây còn là chỗ chơi cho trẻ và chốn hẹn hò cho thanh niên.

Phố đi bộ - du lịch di sản. Ở Venice, sự thay đổi từ giao thông nhanh sang giao thông chậm xảy ra ở giới hạn trong phạm vi thành phố hơn là ở cửa ngõ đô thị. Đây là một điều thú vị và truyền cảm hứng cho tầm nhìn đương đại về việc tạo ra các thành phố sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh. Người đi bộ, du khách được di chuyển chậm rãi để thưởng ngoạn di sản, kiến trúc và các hoạt động sống của đô thị (Hình 13).

Phố đi bộ - lễ hội. Đó là điểm đến của những hoạt động biểu diễn mang tính quần chúng, giao lưu cộng đồng quy mô lớn, nơi người đi bộ có thể xem và tham gia trực tiếp vào các hoạt động đó. Phố đi bộ này thường kết hợp với quãng trường lớn, trở thành một sân khấu lớn với các hoạt động mang tính định kỳ và thể hiện rõ đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán của địa phương như lễ hội rước tổ nghề, quãng diễn (Hình 14).

Phố đi bộ của đời sống dân sinh. Ở các nước đang phát triển, nhiều hoạt động quan trọng hằng ngày được diễn ra ngoài trời và ảnh hưởng, tác động mạnh đến điều kiện và chất lượng sống của cư dân đô thị. Đó đa phần là những hoạt động mưu sinh, mang tính tạm thời, linh động, dễ lắp đặt, di chuyển, trải nghiệm,ví dụ cắt tóc ở vỉa hè Hà Nội, các gánh hàng rong, buôn bán lẻ (Hình 15).

Phố đi bộ hài hòa - kết nối con người với con người, con người với bối cảnh. Ở những đô thị Bắc Âu, phố đi bộ vừa đáp ứng nhu cầu giao lưu, gặp gỡ, vừa kết nối con người với thiên nhiên cũng là xu hướng riêng (Hình 16).

4. Bài học từ việc cập nhật xu hướng tham gia của người đi bộ và kỹ thuật hạ tầng mới cho thiết kế phố đi bộ

4.1 Cập nhật thói quen sử dụng các địa điểm khác nhau trong khu vực đi bộ

Cùng trên cơ sở kỹ thuật của thiết kế và quản lý phố đi bộ - nơi trước tiên là để thỏa mãn nhu cầu đi lại cơ bản của con người, những nhu cầu giao tiếp và tương tác cao hơn cùng với tính khác biệt về bản sắc văn hóa đã bộc lộ rõ thông qua thực tiễn sử dụng phố đi bộ tại những nước/ khu vực khác nhau trên thế giới. Chính vì vậy, những trải nghiệm thực sự của người đi độ cần được ghi nhận để cập nhật, điều chỉnh hoặc thiết kế mới phố đi bộ nói riêng và đô thị nói chung một cách phù hợp. Hơn thế nữa, đời sống đô thị được nghiên cứu thường xuyên như là điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận chính sách thành phố (Hình 17).

Tại Huế, những năm gần đây đã nổ lực nhân rộng các loại hình đi dạo/ đi bộ và phố đi bộ tại các địa điểm rải rác trong thành phố, trong đó mô hình phố đi bộ kết hợp nhiều hoạt động trải nghiệm dịch vụ, vui chơi, giải trí được mở vào dịp cuối tuần đã không đem lại kết quả như kỳ vọng ban đầu.

Bởi vì, tuy địa điểm phân bố khác nhau, nhưng các dịch vụ, hoạt động giống nhau và chưa có sự tính toán khai thác các nhu cầu cơ bản: nhìn, đứng, nghỉ tạm thời, dừng chân, gặp gỡ, giải trí… để tạo sắc thái riêng tương ứng với đặc trưng của từng khu vực.

Bên cạnh đó, sự thay đổi trong nhu cầu tiếp cận và sử dụng phố đi bộ sẽ tiếp tục làm thay đổi cấu trúc, không gian của phố đi bộ, tiếp tục tái thiết bản sắc phố đi bộ và bản sắc đô thị tương lai (Hình 18, 19). Do đó, sự tham gia của người đi bộ cần được xem xét như hạ tầng cảnh quan tạo nên hình thái trong thiết kế và vận hành phố đi bộ.

Trong một bối cảnh rộng lớn hơn, các nghiên cứu về văn hóa sinh hoạt công cộng đã cung cấp một cái nhìn tổng quan có giá trị về các mô hình văn hóa và xu hướng phát triển ở nhiều nơi trên thế giới. Các dữ liệu từ các thành phố khác nhau cũng giúp thực hiện so sánh và đảm bảo chuyển giao kiến thức, nguồn cảm hứng và giải pháp từ thành phố này sang thành phố khác. 

Theo nghiên cứu của William S W Lim về châu Á dưới lăng kính văn hóa [10] cũng ghi nhận không gian công cộng, phố đi bộ tại các nước châu Á có sự đa dạng, sinh động, cuốn hút chính nhờ sự đa dạng về văn hóa cộng đồng, nếp sinh hoạt, sự du nhập văn hóa, toàn cầu hóa và sự lưu giữ nét truyền thống.

Các thành phố châu Á là những nơi cư dân đông đúc, đối mặt hàng ngày với sự phân mảnh và phá hủy kết cấu xã hội và đô thị truyền thống cùng với sự ô nhiễm, tiếng ồn, tắc nghẽn giao thông và thiếu cơ sở vật chất và các tiện ích công cộng cơ bản, cũng là nơi phải xoay xở với sự đấu tranh giữa bảo tồn và lưu giữ lịch sử và ký ức đô thị trong quá trình đô thị hóa.

Ở đó, sự chuyển đổi từ những quảng trường giao thông hoặc tuyến đường bận rộn với giao thông cơ giới thành các phố đi bộ là một giải pháp tối ưu cho không chỉ việc thiết lập lại giao thông toàn thành phố mà còn tạo ra những không gian, những cơ hội cho con người được giao tiếp với nhau [11], (Hình 20). 

4.2 Quay về với thiên nhiên nhờ vào hạ tầng xanh

Nhu cầu tương tác với thiên nhiên đã bắt đầu xuất hiện từ cuối thế kỷ 20, khi mật độ dân cư trong đô thị trở nên đậm đặc và con người phải đi rất xa, ra khỏi trung tâm mới có thể “gặp” được thiên nhiên. Những tương tác ban đầu này chủ yếu là được nhìn thấy một tiểu cảnh xanh nhỏ, và/hoặc dẫm lên một chút tự nhiên (như đài phun nước, hồ nước) (Hình 21). 

Bên cạnh đó, thiết kế và thi công các hạ tầng và tiện ích đô thị đã thay đổi theo xu hướng ứng dụng hạ tầng xanh, trong đó các phố đi bộ và những không gian công cộng sẽ được tích hợp giữa hạ tầng xanh và hạ tầng xám để thiết lập và vận hành. Theo đó, bề mặt thấm sẽ được sử dụng rộng rãi hơn sẽ tác động đến cảm nhận khi bước đi, đồng thời trong không gian đó, hệ thống cây xanh, mặt nước sẽ nhiều hơn, thậm chí việc thưởng ngoạn thiên nhiên, chan hòa với thiên nhiên sẽ tạo nên nét văn hóa mới cho phố đi bộ và không gian công cộng trong tương lai.

Theo Eun Yeong Choe, Anna Kenyon và Liz Sharp [14] ( Hình 22), hạ tầng xanh với hiệu quả đem lại hiệu quả dịch dụ sinh thái gồm cung cấp, điều tiết và văn hóa trong đó bao gồm 6 lợi ích: giảm tiếng ồn, giảm căng thẳng do nhiệt, cải thiện chất lượng không khí, phục hồi môi trường và giảm căng thẳng, tăng tương tác xã hội và gắn kết, tăng hoạt động thể chất.

Bằng các công cụ của mình để chữa lành cho đô thị và con người, đưa con người gần lại với đời sống hoang dã ban đầu, là một phần của quy trình tự nhiên. Sự tác động của hạ tầng xanh đến không gian công cộng nói chung và phố đi bộ nói riêng cho phép tạo ra không gian đa chức năng, vừa tốt cho môi trường vừa tốt cho con người, hay nói cách khác, người đi bộ sẽ tiếp tục định hình phố đi bộ thông qua sự trở lại của hình ảnh “sự hoang dã” trong thành phố (Hình 23).

5. Kết luận

Phố đi bộ được thiết lập từ nhu cầu cơ bản của con người, đó là sự di chuyển. Nhưng với hoạt động di chuyển đó, con người đã sử dụng không gian đi bộ theo nhiều cách khác nhau và tạo nên những đặc trưng riêng, đó chính là văn hóa, tính cộng đồng và sự sống động của một đô thị.

Và từ đó, họ trở thành chủ nhân của không gian phố đi bộ, không gian công cộng, có tầm ảnh hưởng, chi phối sự vận hành của phố đi bộ đó. Thông qua tìm hiểu những nhu cầu và hành vi cơ bản của người đi bộ tại phố đi bộ và tiếp tục cập nhật nhu cầu và hành vi kết nối với thiên nhiên trong các đô thị hiện đại, người đi bộ tiếp tục định hình và thiết lập thêm các không gian đi bộ mới trong tương lai.

 

Tài liệu tham khảo :
[1]    Gehl, J. (2007). City for people.  Island Press. US.
[2]    Kênh 14. Cầu đi bộ lát gỗ lim 64 tỷ trên sông Hương trở thành địa điểm hot nhất ở Huế dù chưa khánh thành. https://kenh14.vn/cau-di-bo-lat-go-lim-64-ty-tren-song-huong-tro-thanh-dia-diem-hot-nhat-o-hue-du-chua-khanh-thanh-20181023224444667.chn, truy cập ngày 17/01/2022.
[3]    Xây dựng. Cận cảnh tuyến phố đi bộ sắp hoàn thành ở Huế. https://baoxaydung.com.vn/can-canh-tuyen-pho-di-bo-sap-hoan-thanh-o-hue-346199.html. Truy cập ngày 25/9/2023
[4]    Vntrip.vn. Tạ Hiện - khu phố đêm độc đáo nhất thủ đô Hà Nội, truy cập ngày 14/7/2023.
[5]     Colinbrydon.net. Hoian street, https://www.colinbrydon.net/picture-posting/hoi-an-streets.html, truy cập ngày 03/4/2022.
[6]    Website Thành phố Huế. Thành phố Huế khai trương phố đi bộ Hai Bà Trưng: Rực rỡ, sôi động, lôi cuốn, https://huecity.gov.vn/Tin-tong-hop/pid/28791/cid/1?tid=Thanh-pho-Hue-khai-truong-Pho-di-bo-Hai-Ba-Trung-Ruc-ro-soi-dong-loi-cuon.html, truy cập ngày 14/7/2023.
[7]    Iedunet. Tổng hợp với hơn 95 tóc nam vỉa hè không thể bỏ qua, https://iedunet.edu.vn/toc-nam-via-he/, truy cập ngày 14/7/2023.
[8]    Khám phá. Huế . Tuyến phố đi bộ Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu - Tp. Huế. https://khamphahue.com.vn/Van-hoa/Chi-tiet/tid/Tuan-le-Festival-Hue-2022]-%E2%80%9CQuay%E2%80%9D-cung-Rock-Show-%E2%80%9CComeback-Co-Do%E2%80%9D-2022.html/pid/2373/cid/68. Truy cập ngày 24/9/2023
[9]    Người Lao động. Phố đêm hoàng thành Huế có gì đặc biệt? https://nld.com.vn/du-lich-xanh/pho-dem-hoang-thanh-hue-co-gi-dac-biet-20220423062727548.htm. Truy cập ngày 24/9/2023
[10]    Lim,. W. S. W. (2008). Alterity With Special Reference to Architecture + Urbanism through - The Lens of Cultural Studies. World Scientific Publishing Co. Pte. Ltd, Singapore.
[11]     Gehl, J., Svarre, B. (2013). How to study public life. Island Press, US.
[12]    Haianh uniform. Khám phá phiên chợ đêm phố cổ Hà Nội có gì đặc sắc, https://dongphuchaianh.com/cho-dem-pho-co-ha-noi/, truy cập ngày 15/07/2023.
[13]    Liveable cities Lab (2016). Strengthening Blue - Green infracstructure in our cities. www.ramboll.com/LCL.
[14]    Choe, Y. E., , Kenyon, A., Sharp, L. (2020).  Designing Blue Green Infrastructure (BGI) for water management, human health, and wellbeing: summary of evidence and principles for design. University of Sheffield.

Tác giả: 
Nguyễn Quốc Thắng -Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học, Đại học Huế
Thiết kế: 
Nguyễn Thạc Cường

Nguồn tin: tapchixaydung.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 35 | lượt tải:24

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 197 | lượt tải:92

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 197 | lượt tải:129

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 256 | lượt tải:109

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 341 | lượt tải:133

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây