0 NaN undefined

Khu vực quanh Hồ Gươm cứ ngập khi mưa lớn: Nguyên nhân và giải pháp

Thứ hai - 07/06/2021 03:09

Hà Nội sắp bước vào mùa mưa, tình trạng “cứ mưa là ngập” ngày càng phổ biến. Đặc biệt khu vực quanh Hồ Gươm là những khu vực xưa nay ít bị ảnh hưởng, nay trở thành những điểm ngập úng cục bộ đáng lo ngại.

khu vuc quanh ho guom cu ngap khi mua lon nguyen nhan va giai phap
Khu vực ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay bị ngập sau trận mưa lớn (Ảnh: Anh Tuấn).


Thực trạng “mưa lớn” và “phố biến thành sông”

Trong thời gian qua, Hà Nội đã hứng chịu nhiều trận mưa với cường độ lớn, liên tiếp, gây úng ngập cục bộ trên nhiều tuyến phố. Đáng chú ý, trận mưa lớn chiều tối ngày 17/8/2020 và chiều ngày 11/5/2021 gây ngập sâu, chia cắt cả những tuyến phố trung tâm quanh khu vực Hồ Gươm mà trước đây không phải là các điểm ngập cố hữu.

Theo số liệu từ Xí nghiệp thoát nước số 1 (thuộc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, cơn mưa chiều ngày 17/8/2020 diễn ra chỉ trong thời gian ngắn nhưng tổng lượng mưa đo được tại nhiều khu vực lên đến từ 40-80mm, có nơi trên 100mm. Lượng mưa này tập trung tại các quận trung tâm như: Hoàn Kiếm (khoảng 107mm), Ba Đình (khoảng 88,3mm), Hai Bà Trưng (khoảng 92,3mm), Đống Đa (khoảng 78,2mm). Gần đây nhất là trận mưa chiều ngày 11/5/2021, lượng mưa đo được trên địa bàn Hà Nội có cường độ lớn trung bình khoảng 100mm; lượng nước ở Hồ Gươm cũng tăng lên khoảng 21 mm.

Các trận mưa tuy diễn ra trong thời gian hơn 01 giờ nhưng với cường độ mưa rất lớn khiến một số tuyến phố trung tâm các quận nội thành xảy ra úng ngập, chia cắt như tại quận Hoàn Kiếm: Ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng; ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Thợ Nhuộm (giữa phố); Phùng Hưng - Bát Đàn - Đường Thành - Nhà Hỏa; Đinh Liệt; Cao Bá Quát (cổng công ty môi trường Đô thị); ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến....Ngoài việc gây ngập sâu, các cơn mưa lớn vào cuối chiều thường kèm theo giông lốc mạnh làm cho một số biển báo, khẩu hiệu, băng zôn, biểu ngữ, pa nô, áp phích tuyên truyền trên địa bàn Hà Nội hư hỏng; nhiều cây xanh bị gãy, đổ nguy hiểm cho người đi đường.

Nguyên nhân cứ mưa lớn là ngập?

Theo đại diện phía Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (đây là đơn vị đảm trách công tác bảo đảm thoát nước khu vực nội thành), cho biết hệ thống thoát nước trên địa bàn Hà Nội chỉ đáp ứng cho các trận mưa khoảng 50 mm/2giờ. Với những trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ sẽ không xảy ra ngập úng, nhưng với các trận mưa có cường độ từ 50 - 100mm/2 giờ, Hà Nội sẽ có các điểm ngập úng ở các mức độ khác nhau. Những trận mưa cường độ lớn, dồn dập trong thời gian ngắn như đã thống kê ở trên khiến quá tải so với thiết kế dẫn đến nước tiêu thoát chậm, gây ngập úng cục bộ. Đặc biệt hệ thống tiêu thoát nước khu vực quanh Hồ Gươm bị quá tải, không thể đáp ứng lưu lượng nước mưa trút xuống dẫn đến tình trạng úng ngập trên các tuyến phố ven hồ như: Tràng Tiền, Hàng Khay, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ...

Theo chia sẻ của PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng thì vấn đề thoát nước sau mưa phải tôn trọng nguyên tắc “3T” theo kinh nghiệm dân gian ngày xưa. Trong đó, “T” thứ nhất là “trang”, nghĩa là mưa xuống phải trang rộng ra; “T” thứ hai là “thu”, tức là phải thu lại; “T” thứ ba là “tiêu”, tức là phải có hệ thống kênh mương để nước tiêu đi. Việc thành phố Hà Nội nói chung và khu vực trung tâm quanh Hồ Gươm nói riêng cứ mưa lớn là ngập cho thấy công tác thoát nước hiện nay chưa đảm bảo các nguyên tắc trên.

Theo TS.KTS. Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng úng ngập ngày một gia tăng tại Hà Nội có thể khái quát dưới góc nhìn quy hoạch ở những điểm sau: Thứ nhất, do quá trình đô thị hóa của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng trong thời gian qua diễn ra quá nhanh và sôi động, nhưng chất lượng đô thị hóa chưa cao. Tỷ lệ bê tông hóa ngày một gia tăng làm mất đi nhiều diện tích đất tự nhiên là khoảng trống để chứa, thoát và thấm nước trong mỗi mùa mưa, lũ. Thứ hai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có hệ thống thoát nước chưa được quy hoạch bài bản, đầu tư thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp. Thứ ba, sự tác động của biến đổi khí hậu khiến lượng mưa gia tăng, trong khi hệ thống hạ tầng cấp thoát nước không lường trước được. Thứ tư, công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng hệ thống thoát nước chưa theo kịp yêu cầu, chậm áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, sự tham gia của cộng đồng còn yếu.

khu vuc quanh ho guom cu ngap khi mua lon nguyen nhan va giai phap
Khu vực Hồ Gươm bị ngập úng cục bộ sau trận mưa có lưu lượng hơn 100mm (Ảnh: Ngọc Thành - Vnexpress.net)


Triển khai các giải pháp đồng bộ để chống ngập

Các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đề xuất nhiều giải pháp khắc phục, giảm thiểu tình trạng ngập úng ở các đô thị phát triển, Thủ đô Hà Nội có thể xem xét áp dụng các giải pháp sau:

Thành phố cần rà soát lại quy hoạch thoát nước đô thị, chú trọng quan tâm tới việc trả lại các khoảng trống, các không gian lớn như lưu vực sông, hồ, vùng đất trũng, thấp... là nơi chứa, tích nước, thoát nước có tính tống thể, lâu dài, bền vững. Coi đây là các khu vực hạn chế phát triển đô thị, xây dựng. Có thể dừng phát triển các khu đô thị mới một cách tràn lan khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp hoặc không có khả năng đáp ứng. Hạn chế tỷ lệ bê tông hóa trong đô thị, tăng cường độ thẩm thấu, thoát nước tự nhiên trên bề mặt bằng các giải pháp như tăng độ che phủ thảm cỏ, vườn hoa, công viên, cây xanh. Hạn chế việc san lấp ao, hồ, cống hóa để phát triển, mở đường trong nội đô.

Ngoài ra, thành phố cũng cần nghiên cứu áp dụng một số kinh nghiệm quốc tế về thoát nước trong đó có kinh nghiệm của Nhật Bản. Trong đó cần ưu tiên áp dụng giải pháp chống ngập khẩn cấp trên cơ sở tận dụng các phần đất dưới các khu công viên, vườn hoa, thậm chí cả sân bóng đá, dưới lòng đường để xây dựng các hầm ngầm chứa nước khi mưa xuống (và được bơm hút đổ đi hoặc được sử dụng lại khi cần thiết). Theo phóng viên được biết, từ năm 2018, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố xây bể ngầm chứa nước mưa chống ngập cho khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da. Đây cũng là cách được nhiều nước áp dụng tại khu dân cư, không gian công cộng. Đặc biệt, thành phố đã, đang tích cực đầu tư cải tạo đồng bộ hệ thống thoát nước trên các tuyến phố khu vực nội thành. Với tính chất phân bố rộng khắp, mạng lưới kênh tiêu này có thể phủ kín đến các khu dân cư để tiêu thoát nước một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiến hành xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc và hệ thống cảnh báo ngập toàn diện, tổng thể; có kế hoạch điều hành chi tiết công tác chống ngập; nâng cao chất lượng bộ máy, phương tiện quản lý vận hành hệ thống thoát nước trên phạm vi toàn thành phố phù hợp với môi trường công nghệ số. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ năm 2020, Trung tâm Điều hành hệ thống thoát nước đã được nâng cấp nhằm chủ động dự báo, giám sát diễn biến mưa, lượng mưa, mực nước, giám sát tình hình hoạt động của các trạm bơm, đập điều tiết thoát nước. Khi dự báo có mưa lớn, mực nước đệm trên hệ thống cống, kênh mương, hồ điều hòa được hạ thấp nhằm tăng khả năng thoát nước nhanh.

Đồng thời, Hà Nội phải huy động sự tham gia có hiệu quả của cộng đồng; xây dựng chế tài đủ mạnh để răn đe các hành động gây cản trở hoặc làm giảm thiểu năng lực của hệ thống thoát nước như san lấp lưu vực chứa, thoát nước sông, hồ, ao; xả chất thải, rác thải, đất, cát xuống hệ thống thoát nước chung của thành phố. Cụ thể: Hệ thống ga thu, cống ngang, cống ngầm đến các trục tiêu thoát nước chính... thường xuyên được nạo vét. Khi dự báo có mưa, đơn vị thoát nước thực hiện ứng trực 24/24 giờ, huy động nhân lực, xe hút, xe bơm di động... để xử lý tiêu thoát nước tại các trọng điểm ngập.

Thành phố Hà Nội đang phát triển từng ngày, việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật thoát nước khu vực nội đô, đặc biệt khu vực trung tâm Hồ Gươm cần được triển khai đồng bộ các giải pháp mới có thể khắc phục tình trạng úng ngập. Quyết tâm của chính quyền thành phố và người dân trong việc giải quyết ngập úng sau những trận mưa lớn sẽ góp phần xây dựng Thủ đô văn minh hơn, xanh, sạch, đẹp hơn./.

Nguồn tin: Theo baoxaydung.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 32 | lượt tải:23

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 194 | lượt tải:92

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 195 | lượt tải:127

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 255 | lượt tải:108

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 338 | lượt tải:133

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây