0 NaN undefined

Hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô Hà Nội

Thứ năm - 28/07/2022 23:45

LTS: Qua 9 năm thực hiện Luật Thủ đô (hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013) cho thấy, luật đã phát huy hiệu quả trong một số cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai luật nổi lên một số vấn đề chưa đáp ứng được yêu cầu, cần phải sửa đổi trên cơ sở kế thừa Luật Thủ đô hiện hành, đồng thời mở rộng, nâng cấp một số cơ chế, chính sách có tính đột phá phát triển Thủ đô Hà Nội nhanh và bền vững hơn. Loạt bài "Hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô Hà Nội" trên Báo Hànộimới sẽ góp phần làm rõ những vấn đề này.
 

Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại


Bài 1: Phát huy hiệu quả trong thực tiễn

Tổng kết 9 năm thi hành Luật Thủ đô có thể khẳng định, các cơ chế, chính sách trong luật đã phát huy hiệu quả, đạt được những thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế nhất định, dẫn đến chưa thực sự phát huy giá trị...

Những tác động tích cực

Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 21-11-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.

Sau 9 năm thi hành, Luật Thủ đô và các văn bản quy định chi tiết của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, thành phố Hà Nội được ban hành đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của chính quyền và nhân dân thành phố về vị trí, vai trò và định hướng xây dựng, phát triển Thủ đô. Ngay sau khi luật được Quốc hội thông qua, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản để triển khai đồng bộ, rộng khắp và đạt được những kết quả toàn diện. Các cơ chế, chính sách được ban hành đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, có tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước trên địa bàn Thủ đô.

Những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2016-2020, kinh tế Thủ đô tăng trưởng khá, đóng góp tích cực trong tăng trưởng của cả nước. Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, giai đoạn 2011-2020 tăng trưởng bình quân của thành phố đạt 6,83%/năm, bằng 1,15 lần cả nước. Quy mô nền kinh tế được mở rộng...

Trong giai đoạn này, mô hình tăng trưởng chuyển dần sang chiều sâu, đóng góp năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP giai đoạn 2011-2015 là 36,3%, giai đoạn 2016-2020 là 46%. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 27 bậc, từ vị trí 36/63 năm 2011 lên vị trí 9/63 tỉnh, thành phố năm 2020. Huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư xã hội cho phát triển được đẩy mạnh khi giai đoạn 2011-2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 2,77 triệu tỷ đồng, chiếm 38,34% GRDP. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh: Giai đoạn 2011-2020 có 206,29 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 64,8% tổng số doanh nghiệp được thành lập lũy kế kể từ năm 1992; đóng góp trên 50% GRDP, giải quyết khoảng 83% lao động xã hội. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật với 100% (382/382) số xã đạt chuẩn nông thôn mới, dẫn đầu cả nước về số xã đạt nông thôn mới.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị được chú trọng, tạo chuyển biến tích cực. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, công tác dân tộc, tôn giáo, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cũng theo UBND thành phố, trong giai đoạn 2011-2020, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô được cải thiện. Năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo là 4,5% thì năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 0,21%. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Thủ đô cả ở trong nước và trên trường quốc tế.

Một số cơ chế, chính sách đặc thù theo tinh thần của Luật Thủ đô đã đi vào cuộc sống, trong đó việc xây dựng cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, chính sách trọng dụng nhân tài, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn... đã có bước phát triển tích cực. Cơ chế phối hợp giữa thành phố Hà Nội và các bộ, ngành trung ương, các địa phương trong vùng Thủ đô và cả nước cũng tiếp tục được củng cố, tăng cường, góp phần giúp Hà Nội phát triển toàn diện, xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô, trái tim của cả nước.
 

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Channel Well Technology Viet Nam (Huyện Mê Linh)


Phát sinh vướng mắc về thực thi pháp luật    

Thực tế những năm qua cho thấy, về phát triển kinh tế, mặc dù có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước với sức chống chịu khá tốt trước những tác động từ bên ngoài và đại dịch Covid-19, nhưng nhìn chung kinh tế Thủ đô phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tăng trưởng kinh tế chưa hoàn thành mục tiêu đề ra, tốc độ dần chậm lại. Hạ tầng kinh tế phát triển chưa đáp ứng yêu cầu; việc khai thác các nguồn lực, đặc biệt là đất đai chưa hiệu quả... Đáng lưu ý là môi trường đầu tư ở Hà Nội chưa thực sự vượt trội, một số chỉ số còn ở vị trí thấp so với nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước. Trong đó, theo xếp hạng năm 2021, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đứng 30/63 tỉnh, thành và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) đứng 9/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, một số mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của thành phố còn chưa đạt yêu cầu về tiến độ, chất lượng, một số đề án quy hoạch, quản lý quy hoạch còn hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển chưa đồng đều; tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng, xử lý ô nhiễm môi trường không khí và xử lý nước thải sinh hoạt còn thấp, chậm cải thiện. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (công trình giao thông, nhà máy xử lý rác thải, nước thải, công viên,…) còn chậm. Công tác quy hoạch và phát triển các đô thị vệ tinh, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ.

Ngoài ra, công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập, phát triển chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vai trò, vị thế của Thủ đô. Hệ thống thiết chế văn hóa cả ở cấp thành phố và cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao. Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục - đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh còn chưa đáp ứng yêu cầu…

Những tồn tại, hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, trong đó một phần xuất phát từ bất cập trong quy định của Luật Thủ đô và văn bản quy định chi tiết thi hành. Các cơ chế, chính sách quy định trong luật chưa phát huy được hiệu quả do thiếu những quy định cụ thể về cơ chế đặc thù, phân cấp cho thành phố trong việc tháo gỡ những tồn tại, hạn chế... Đặc biệt, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định được đề ra trong Luật Thủ đô còn có những tồn tại, bất cập. Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, một số quy định của luật chủ yếu mang tính nguyên tắc, định hướng chung, thiếu những cơ chế đặc thù, cụ thể để thực hiện. Bên cạnh đó, sau khi Luật Thủ đô được ban hành và có hiệu lực, đã có nhiều đạo luật chuyên ngành được ban hành nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và các luật ban hành sau đã cập nhật, quy định giống như Luật Thủ đô, có trường hợp quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề. Có những luật ban hành quy định vượt, hạn chế hoặc bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô (như Luật Cư trú bãi bỏ quy định tại Khoản 3, 4 Điều 19 Luật Thủ đô). Chính vì vậy, có những điều khoản của Luật Thủ đô không còn là giá trị riêng của Thủ đô hoặc không thể áp dụng.

Đồng thời, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô thuộc thẩm quyền ban hành của thành phố (nghị quyết, quyết định), theo thứ bậc pháp lý thấp hơn các quy định của trung ương, nên khi các luật, nghị định, thông tư của trung ương ban hành có quy định khác, nhiều nội dung đặc thù được giao cho Thủ đô Hà Nội quy định cụ thể bị vô hiệu hóa.

Những bất cập, hạn chế đó đòi hỏi cần sớm sửa Luật Thủ đô để khơi thông các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển mới đối với thành phố Hà Nội trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
 

Qua 9 năm thực hiện Luật Thủ đô, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP)/người đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. Thu ngân sách hằng năm đều tăng và vượt dự toán, trong đó năm 2010 đạt 108,301 nghìn tỷ đồng; năm 2021 đạt 265,77 nghìn tỷ đồng; lũy kế giai đoạn 2011-2020 đạt gần 2 triệu tỷ đồng. Quy mô, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Nhóm ngành phi nông nghiệp tăng từ 82,69% năm 2010 tăng lên 86,73% năm 2021, trong đó dịch vụ chiếm 62,74%, công nghiệp - xây dựng 23,99%, nông nghiệp 2,27%.

 

Nguồn tin: Theo hanoimoi.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 34 | lượt tải:24

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 197 | lượt tải:92

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 197 | lượt tải:129

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 256 | lượt tải:108

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 341 | lượt tải:133

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây