0 NaN undefined

Cấp thiết bảo tồn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội]

Thứ năm - 14/01/2021 04:57
[Cấp thiết bảo tồn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội] Bài 1: Hàng loạt công trình bị xâm hại

Những năm gần đây, nhiều công trình nhà biệt thự cổ theo kiến trúc Pháp trên địa bàn TP Hà Nội đã bị chuyển đổi công năng phục vụ các mục đích khác nhau, để làm nơi làm việc hoặc kinh doanh... mà không tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng gắn với bảo tồn. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá trị kiến trúc và văn hóa lịch sử của Thủ đô. Trước nguy cơ biệt thự Pháp cổ dần bị mai một, rất cần có các giải pháp bảo tồn, lưu giữ những di sản kiến trúc của đô thị Hà Nội.

Biệt thự Pháp cổ có bề dày lịch sử, trải dài ở một số quận tạo ra quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và rất có giá trị ở Hà Nội. Đây là những công trình mang nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Thủ đô. Tuy nhiên, tình trạng biệt thự cổ xuống cấp hay bị cơi nới, xây thêm làm biến dạng đang diễn ra khá phổ biến.
 
Biệt thự hạng 2 tại số 51 Hàng Chuối bị cải tạo thành nhà hàng beer. Ảnh: Doãn Thành

Giá trị kiến trúc vô giá

Khu phố Pháp ở Hà Nội bắt đầu xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ XIX, đã để lại những dấu ấn cho Hà Nội. Hệ thống đường phố được quy hoạch và xây dựng theo mạng lưới hình ô bàn cờ dựa hoàn toàn vào nguyên tắc thiết kế của phương Tây tạo nên những ô phố vuông. Trên các con phố, người Pháp chia thành những lô đất nhỏ để xây dựng nhà ở loại biệt thự độc lập, có vườn rộng, cây cao bóng cả. Thời kỳ đó, khu phố Tây chủ yếu là các ngôi biệt thự cao 2 tầng, xây tách riêng cho tư nhân và công chức Pháp ở.

Trải qua khoảng 70 năm (1875 - 1945), khu phố Tây dần hình thành, ghi dấu đậm nét vào giai đoạn phát triển của Hà Nội nằm ngoài khu 36 phố phường và để lại di sản đô thị cho đến ngày nay. Tuy có sự khác biệt về cấu trúc hình thái nhưng hàng trăm biệt thự được xây dựng với diện mạo theo phong cách quy hoạch và kiến trúc của Pháp vẫn cùng tồn tại song song với những công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam, tạo nên sự giao thoa, tiếp xúc văn hóa Đông - Tây đặc sắc. Biệt thự Pháp được xem là những công trình có giá trị vật thể cụ thể, phản ánh lịch sử kiến trúc một giai đoạn hình thành Thủ đô và đối với nhiều người Hà Nội, biệt thự Pháp cổ không chỉ đứng số một về mặt kinh tế mà còn hàm chứa những giá trị không thể đo đếm về lịch sử, văn hóa, kiến trúc... Nó đang là một di sản hiện hữu làm nên vẻ sang trọng, vẻ đẹp riêng cho đô thị của Hà Nội trong vùng Đông Nam Á.

Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội, KTS Lê Văn Lân cho rằng, công tác quy hoạch, kiến trúc trong giai đoạn mới hiện nay đòi hỏi phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, dù đổi mới như thế nào thì yếu tố cần giữ chính là nét đặc trưng tính văn hiến trong đô thị Hà Nội, sự khác biệt của Hà Nội với những TP khác. Phải làm thế nào để bạn bè thế giới khi đến với Hà Nội không phải trầm trồ khen ngợi những công trình cao tầng, khu đô thị hiện đại mà bị thu hút bởi hệ thống di sản, trong đó có kiến trúc của những tòa biệt thự Pháp cổ.

Lách luật cải tạo, cơi nới

Chính vì giá trị thương mại và lợi nhuận kinh doanh cao nên rất nhiều chủ sở hữu công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ đã dùng nhiều chiêu trò để có thể cải tạo công năng sử dụng của những công trình này, từ việc cải tạo chui cho đến việc lách luật, biến thành những công trình đồ sộ hơn.

Ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, như số 51, 51A, 55 Hàng Chuối... đều là biệt thự Nhóm 2 theo “Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn TP Hà Nội” nay được cải tạo thành quán bia, nhà hàng. Hay biệt thự số 7, ngõ 2, phố Hàng Chuối, vốn là biệt thự Nhóm 3 nhưng bị phá dỡ và thay vào đó một tòa nhà 7 tầng. Biệt thự Nhóm 3 số 16 Tăng Bạt Hổ cũng đang được sửa chữa, cải tạo thành nhà hàng. Hai căn biệt thự tại số 20 – 22 Phạm Đình Hổ bị xây dựng cơi nới làm thay đổi toàn bộ kiến trúc so với ban đầu. Tại địa bàn quận Hoàn Kiếm có biệt thự cổ số 68 - 70 Thợ Nhuộm bị cải tạo thay đổi công năng thành nhà hàng. Đáng chú ý, biệt thự số 68 Trần Hưng Đạo còn bị cải tạo, xây dựng mới toàn bộ phần mặt tiền thành một nhà hàng theo kiến trúc Chămpa...

Phó trưởng Phòng quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Vũ Đức Thắng cho biết, tại Quyết định số 7177/2013/QĐ-UBND về danh mục nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ được phân loại, bảo tồn, trên địa bàn Hà Nội có 1.253 nhà, biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, được xếp thành 3 nhóm, gồm: 225 biệt thự Nhóm 1 (được đánh giá từ 70 - 100 điểm): Những biệt thự gắn liền với di tích lịch sử, văn hoá, các sự kiện chính trị được xếp hạng theo quy định của pháp luật; biệt thự có giá trị đặc biệt về kiến trúc (từ 30 - 35 điểm về giá trị nghệ thuật kiến trúc); 382 biệt thự Nhóm 2 (từ 50 - 69 điểm): Có giá trị về kiến trúc nhưng không thuộc biệt thự Nhóm 1 và 646 biệt thự Nhóm 3 (dưới 50 điểm). “Một trong những khó khăn của công tác quản lý Nhà nước đối với các công trình nhà biệt thự là việc các công trình này do nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân quản lý, sử dụng nên nhiều trường hợp không có hồ sơ quản lý, kịp thời cập nhật tình trạng biến động về phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại” – ông Vũ Đức Thắng cho hay.

Trước đó, qua giám sát, Ban Pháp chế (HĐND TP Hà Nội) đã nêu rõ, hiện nay, nhiều biệt thự, công trình kiến trúc trước năm 1954 ở cả 3 nhóm, đặc biệt với Nhóm 3 bị các chủ sử dụng xây dựng cơi nới nhưng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời, triệt để. Mặc dù Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã có chỉ đạo dừng việc cấp phép xây dựng, phá dỡ biệt thự nhưng Sở Xây dựng, UBND một số quận không thực hiện nghiêm túc, đã cấp phép để phá dỡ và xây dựng công trình mới ở 25 biệt thự cũ. Công tác quản lý theo dõi cũng bị đánh giá thiếu chặt chẽ: 63 biệt thự đã tự phá dỡ, xây mới, hiện cơ quan quản lý không có hồ sơ, không xác định được thời điểm xây dựng; 19 biệt thự báo cáo là biến dạng hoàn toàn và xuống cấp nghiêm trọng nhưng không có hồ sơ đánh giá, thẩm định chất lượng; 2 biệt thự báo cáo không tìm thấy nhưng thực tế đã tìm thấy; 48 biệt thự báo cáo đã phá dỡ, xây mới nhưng trên thực tế vẫn còn (16 biệt thự vẫn còn, 35 biệt thự chỉ sửa chữa, cơi nới, nâng tầng); 45 nhà báo cáo không phải biệt thự thì thực tế có 8 nhà là biệt thự...
(Còn nữa)

Quyết định số 52/2013/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 của UBND TP nêu rõ UBND các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ phải chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để tình trạng cải tạo, phá dỡ, xây dựng không phép nhà biệt thự.
 
Những vi phạm về quản lý đất đai, phát triển nhà chung cư, trật tự xây dựng đô thị (trong đó có việc cải tạo sai phép tại các công trình biệt thự cổ)... xảy ra trong thời gian qua, một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về chính quyền cấp cơ sở. Ngoài những chế tài đối với các chủ đầu tư vi phạm, cần phải có chế tài nặng hơn đối với lãnh đạo chính quyền cơ sở, thay vì cảnh cáo, khiển trách..., cần thực hiện hình thức nặng hơn đó là cách chức hoặc cho thôi việc.

KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

[Cấp thiết bảo tồn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội] Bài 2: Nan giải công tác bảo tồn

Nhiều công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ đã được xây dựng và đưa vào sử dụng từ cách đây hàng trăm năm, đã hết thời hạn sử dụng nhưng vẫn được cải tạo sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, gây nguy cơ mất an toàn về tính mạng, tài sản của người dân.

Bên cạnh đó, cũng có không ít công trình thuộc tài sản công nhưng không có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm quản lý, đang rơi vào tình trạng xuống cấp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Sau sự cố sập nhà tại công trình biệt thự Pháp cổ tại số 107 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào tháng 9/2015, làm 2 người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương nặng, đến thời điểm hiện tại, vụ việc này vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều hộ gia đình đang sinh sống tại các biệt thự Pháp cổ trên địa bàn TP Hà Nội.

Bà Trần Bích Lan, người dân sống tại công trình biệt thự Pháp cổ tại ngõ Hàng Cỏ cho biết, theo quy định, hiện nay, người dân không được phép tự ý cải tạo, sửa chữa các công trình biệt thự cổ thuộc diện danh mục cần được quản lý, bảo tồn. Mặc dù biết là công trình xuống cấp, không an toàn nhưng do không có điều kiện di dời đi nơi khác nên vẫn buộc phải bám trụ.

 
Nhiều công trình biệt thự kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn Hà Nội đã bị xuống cấp. Ảnh: Doãn Thành. 

“Chúng tôi rất mong muốn Nhà nước có những quy chế quy định rõ ràng hơn về vấn đề quản lý, sử dụng gắn với bảo tồn các công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ. Đối với những công trình đã bị hư hỏng, xuống cấp nếu Nhà nước không bố trí được kinh phí cũng nên cho phép người dân được quyền cải tạo, sửa chữa” – bà Trần Bích Lan chia sẻ.

Khảo sát thực tế tại một số địa bàn tập trung số lượng nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ lớn nhất trên địa bàn TP Hà Nội, như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng... ngoài những công trình do quá trình sinh sống và sử dụng của người dân, có không ít công trình bị bỏ hoang đều rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, như biệt thự số 78 Nguyễn Du (Hai Bà Trưng). Đây từng là trụ sở của Ngân hàng Vietcombank Hà Nội, sau nhiều năm chuyển đi nơi khác, ngôi biệt thự không sử dụng bị xuống cấp; hay biệt thự số 46 Hàng Bài (Hoàn Kiếm), diện tích khoảng 1.000m2, từng là trụ sở của Nhà xuất bản văn học. Trong giai đoạn từ năm 1998 - 2003, đã nhiều lần đổi chủ, sau đó được chuyển cho một DN để xây dựng trụ sở, cơ quan Nhà nước nhưng hiện nay vẫn bị bỏ hoang.

KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) cho biết, từ những năm 70 của thế kỷ XX, các đơn vị xây dựng những công trình nhà Pháp cổ ở Hà Nội đã có văn bản thông báo cho Chính phủ những ngôi nhà này đã hết hạn sử dụng, họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu công trình xảy ra sự cố. Nhưng nhiều công trình vẫn được sửa chữa để sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. “Cùng với những công trình đang sử dụng rơi vào tình trạng xuống cấp, nhiều công trình nhà biệt thự Pháp cổ là tài sản công, nhưng không có đơn vị nào nhận trách nhiệm quản lý, bị bỏ hoang, nguy cơ sập đổ cao” – KTS Trần Huy Ánh nhìn nhận.
Khó xác định trách nhiệm


Theo thống kê từ Sở Xây dựng Hà Nội, 1.253 nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn TP được xây dựng từ trước năm 1954 được đưa vào danh mục cần được quản lý, bảo tồn tập trung chủ yếu ở khu vực lõi, như quận Hoàn Kiếm có 527 công trình, quận Ba Đình có 428 công trình, quận Hai Bà Trưng: 270 công trình, số còn lại được phân bố tại các quận Đống Đa, Tây Hồ.

Vì giá trị thương mại và lợi nhuận kinh doanh cao nên rất nhiều chủ sở hữu công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ đã dùng nhiều chiêu trò để có thể cải tạo công năng sử dụng của những công trình này. Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng, từ khi UBND TP chủ trương chuyển các đội Thanh tra xây dựng từ Sở về trực thuộc quản lý tại các quận, huyện, thị xã, công tác phát hiện, xử lý vi phạm trật tự xây dựng đã có tiến triển, nhưng vẫn cần phải có sự kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn từ chính quyền cơ sở.

“Thực tế, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng nói chung vẫn xảy ra với chiều hướng phức tạp hơn. Do vậy để xử lý những vi phạm về trật tự xây dựng nói chung, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền cơ sở để sớm phát hiện, xử lý kịp thời và thực hiện nghiêm chế tài để răn đe” – ông Nguyễn Việt Dũng cho hay.

Phó trưởng Phòng quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Vũ Đức Thắng cho biết, nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ đều được xây dựng ở các vị trí đẹp, có diện tích khá lớn trên các tuyến phố chính, thuận lợi giao thông, có giá trị về kiến trúc, kinh tế, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội. Chủ yếu là kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông, cùng với các công trình có giá trị kiến trúc khác tạo nên diện mạo riêng của Thủ đô. Quỹ nhà biệt thự chủ yếu thuộc sở hữu Nhà nước được hình thành khi thực hiện các chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa về nhà ở, công tư hợp doanh, nhà vắng chủ...

“Đa số các biệt thự được xây dựng trên dưới 100 năm, nhiều biệt thự không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người sử dụng. Do nhiều thành phần quản lý, sở hữu, sử dụng biệt thự nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp kinh phí để bảo trì, cải tạo sữa chữa rất khó, các hộ gia đình vẫn trông chờ vào Nhà nước, tiền thuê nhà thu được không đủ để sửa chữa, bảo trì biệt thự” – ông Vũ Đức Thắng cho hay.

Bên cạnh đó, công tác thực hiện kiểm định để lập danh mục nhà cổ, biệt thự Pháp cổ có giá trị đặc biệt và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 đã xuống cấp thuộc diện nhà nguy hiểm. Từ đó lập phương án di chuyển các tổ chức, cá nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm để xây dựng, cải tạo, phục hồi, bảo trì.

Việc nghiên cứu thí điểm dùng ngân sách Nhà nước mua lại của các chủ sử dụng đan xen với trụ sở cơ quan, nhà biệt thự có giá trị tiêu biểu về kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa gắn với lịch sử Thủ đô, đất nước đã xuống cấp để bảo tồn, tôn tạo lại theo nguyên trạng ban đầu theo tinh thần Nghị quyết số 02/2014/NQ-HĐND của HĐND TP cũng chưa được thực hiện.

(Còn nữa)

"TP Hà Nội cần rà soát lại tổng thể tất cả ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc Pháp cổ trên địa bàn, phân loại cụ thể các nhóm công trình, thời gian xây dựng, giá trị sử dụng, vai trò của công trình đối với lịch sử - văn hóa... Từ đó có kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí trùng tu hàng năm, kết hợp với việc quản lý, sử dụng." - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính

"Hiện nay, rất nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch tại khu vực phố cổ muốn tìm kiếm một căn biệt thự theo kiến trúc Pháp cổ để thuê lại phục vụ mục đích kinh doanh, song việc này rất khó, cho dù đó là căn biệt thự đã bị xuống cấp, các DN sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để cải tạo nếu như được thuê." - Thành viên Hiệp hội khách sạn, du lịch phố cổ Hà Nội Lê Xuân Vinh

[Cấp thiết bảo tồn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội] Bài 3: Vướng từ cơ chế đến kinh phí

Một bộ phận tổ chức, cá nhân sử dụng nhà biệt thự cổ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử, kiến trúc của những công trình này, thậm chí cho rằng nhà biệt thự đang sử dụng không có giá trị để bảo tồn. Trong khi đó, quy chế quy định về quản lý, sử dụng gắn với bảo tồn nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ còn nhiều điểm vướng mắc...

 
Cần phải có quy định rõ ràng hơn về cơ chế bảo tồn nhà, biệt thự, công trình kiến trúc Pháp cổ. Ảnh: Doãn Thành
 
Quy định chưa rõ ràng

TS.KTS Nguyễn Quang Minh – Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, các công trình nhà phố kiểu Pháp tại Hà Nội đã được hình thành và đưa vào sử dụng từ cách đây hơn 100 năm, là một di sản kiến trúc tiêu biểu của thời Pháp thuộc. Nhưng khác với những công trình công thự Pháp, nhà phố Pháp chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống. “Nhưng loại hình nhà ở đô thị này có những đặc điểm riêng và nhiều trường hợp có giá trị kiến trúc cao, cần được đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, làm cơ sở cho việc bảo tồn trong bối cảnh có nguy cơ giảm sút về số lượng cũng như xuống cấp về chất lượng dưới tác động của nền kinh tế thị trường và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ” - TS.KTS Nguyễn Quang Minh nhìn nhận.

Phó trưởng Phòng Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng Hà Nội) Vũ Đức Thắng cho biết, từ năm 2015, Sở Xây dựng đã hoàn thành việc rà soát, lập danh mục các công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ để thực hiện chấm điểm và phân loại quản lý, bảo tồn. Trong đó có nhiều công trình đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng nhưng muốn đánh giá cụ thể về mức độ xuống cấp thì phải thuê các đơn vị chuyên môn vào kiểm định, mỗi công trình kiểm định cần kinh phí hàng trăm triệu đồng, trong khi chưa có quy chế về tài chính cho việc này. “Bên cạnh đó là quy định về việc các chủ sở hữu không được tự ý sửa chữa, thay đổi thiết kế những công trình nhà, biệt thự Pháp cổ. Như vậy, muốn trùng tu, tôn tạo, Nhà nước cũng phải bỏ chi phí nhưng lại xảy ra những ý kiến trái chiều không đồng thuận đó là Nhà nước bỏ tiền sửa những ngôi nhà có giá trị đến vài chục tỷ đồng để cho người dân sử dụng... Vì vậy, vấn đề khó nhất ở đây liên quan đến kinh phí thực hiện, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách sẽ khó có thể thực hiện do kinh phí quá lớn” – ông Vũ Đức Thắng cho biết thêm.
(Còn nữa)
 
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 48/2007/NQ-CP của Chính phủ, Sở Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, lập danh mục được 970 nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước do TP đang quản lý, tham mưu cho UBND TP báo cáo HĐND TP thông qua Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP Hà Nội tại Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND.

Sau đó, TP Hà Nội cũng ban hành nhiều văn bản liên quan, như: Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp; cải tạo, phục hồi nhà cổ, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn TP; Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND về ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa (trong đó có 225 biệt thự Nhóm 1); Nghị quyết số 02/2014/NQ-HĐND về việc điều chỉnh, bổ sung một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND; Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND điều chỉnh danh mục biệt thự tại Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND và Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐ; hay Quyết định số 7177/QĐ-UBND về danh mục 1.253 nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954.

“Giai đoạn từ năm 1954 đến trước năm 2009, công trình nhà, biệt thự Pháp cổ chỉ được coi là một dạng nhà ở. Nhà nước chưa có cơ chế chính sách để bảo tồn, tôn tạo; chưa ban hành được danh mục và các văn bản quản lý Nhà nước về cải tạo, sửa chữa, phá dỡ, xây dựng và bảo tồn tôn tạo quỹ nhà biệt thự Pháp. Quá trình sử dụng nhà biệt thự, nhiều hộ ở đã lấn chiếm, tự hoạch định diện tích sân, vườn, lối đi chung và xây dựng, cải tạo trái phép, không phép đã làm biến dạng biệt thự” – ông Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Theo PGS.TS Trương Quốc Bình - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL), hiện nay, tình trạng quản lý Nhà nước về những di tích lịch sử văn hóa, trong đó có các công trình nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ còn thiếu những quy định cơ bản, việc phân cấp quản lý cũng xuất hiện sự chồng chéo từ cấp bộ, ngành, TP xuống đến cấp xã, phường. Nhiều cán bộ quản lý thiếu chuyên môn nên không có sự tham mưu về phương án quản lý, nhiều công trình vi phạm nhưng không xử lý kịp thời. “Chính sự thiếu thống nhất của các văn bản pháp luật đã dẫn đến những công trình cần được bảo tồn bị xâm hại trong thời gian gần đây, do không có một quy định chung nên nhiều công trình bị sửa chữa, cải tạo một cách tùy tiện. Bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chuyên môn. Tôi cho rằng cần phải quy trách nhiệm đến các cấp quản lý nếu để xảy ra tình trạng vi phạm” – GS.TS Trương Quốc Bình nhìn nhận.

Thiếu kinh phí bảo tồn

Những công trình kiến trúc thời thuộc Pháp đã được sử dụng trong một thời gian dài nhưng không được trùng tu, nâng cấp mà chủ yếu bị khai thác. Chúng ta sử dụng những công trình này hoàn toàn theo kiểu “vắt chanh”, “vắt kiệt” nếu có sửa chữa thì chủ yếu theo nhu cầu phục vụ hoạt động hiện thời, theo kiểu hành chính quản trị chứ không theo cách ứng xử với những kiến trúc văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, trong một thời gian rất dài chúng ta chưa đánh giá đủ, đúng, công bằng với tài sản kiến trúc đô thị.

Nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

[Cấp thiết bảo tồn biệt thự cổ ở Hà Nội] Bài 4: Bảo tồn gắn với phát huy giá trị

Chính quyền TP Hà Nội đã tiên phong làm việc với các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiên cứu, khảo sát xác định giá trị kiến trúc, đồng thời phân loại biệt thự Pháp cổ theo cấp độ giá, làm cơ sở để đề xuất định hướng bảo tồn và cải tạo. Nhưng các chuyên gia cho rằng, cần phải gắn với khai thác kinh tế để có nguồn tài chính phục vụ công tác bảo tồn được tốt hơn.
 
Muốn công tác bảo tồn nhà, biệt thự kiến trúc Pháp cổ đạt hiệu quả thì cần gắn với việc khai thác, sử dụng. Ảnh: Doãn Thành
 
Quản lý gắn với khai thác kinh tế

Ngoài những di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, Hà Nội còn được biết đến với khu phố cổ có nhiều công trình được xây dựng từ thời Pháp thuộc, phong cách kiến trúc kiểu Pháp hoặc kết hợp giữa kiến trúc phương Tây và Á Đông, mang đặc trưng riêng, tạo nên diện mạo khác biệt của Thủ đô so với những TP, Thủ đô các nước. Nhiều biệt thự Pháp cổ có giá trị về kiến trúc, kinh tế, tạo điểm nhấn cho kiến trúc đô thị Hà Nội. Đây cũng chính là lý do Thủ đô ngày càng thu hút được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. "Ý thức được điều đó, trong suốt quá trình vận hành kinh doanh, toàn bộ phần thiết kế kiến trúc bên trong và ngoài căn biệt thự chúng tôi giữ nguyên hiện trạng, chỉ sửa chữa hạng mục phụ trợ trong quá trình sử dụng bị xuống cấp” – bà Yến Trịnh, Giám đốc Điều hành nhà hàng Ngon, một công trình biệt thự kiến trúc Pháp cổ đang được chủ sở hữu cho thuê để phục vụ kinh doanh trên phố Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm) cho biết.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho biết, công trình kiến trúc thời thuộc địa Pháp ở Hà Nội được ca tụng là đẹp nhất vùng Viễn Đông đầu thế kỷ XX. Đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của không gian sinh hoạt cộng đồng và là một bộ phận hữu cơ trong đời sống, kết nối các tầng lớp trong xã hội của Thủ đô một cách bền vững... Bảo tồn bền vững dưới góc độ kinh tế chính là bảo tồn kết hợp khai thác giá trị, không những không tạo rào cản mà còn giúp kinh tế phát triển. “Một trong số những cách làm hiệu quả đó là việc thông qua du lịch. Công trình từ kiến trúc biệt thự, dinh thự hay khu phố Pháp đều có thể trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn. Cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài giá trị của khối tài sản này. Hoạt động kinh tế hiệu quả sẽ tạo nguồn lực vật chất, tài chính hỗ trợ nâng cao khả năng bảo trì thường xuyên và hiệu quả. Đây chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển” - GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nhìn nhận.

Phân loại để bảo tồn

Theo Trưởng phòng Kế hoạch kiến trúc (Ban Quản lý phố cổ Hà Nội) KTS Nguyễn Hoàng Phương, trong phố cổ chưa có quy hoạch bảo tồn, rộng hơn là trong Luật Di sản chưa có khái niệm về bảo tồn di sản đô thị, chỉ có di tích, cụm di tích. “Bảo tồn kiến trúc đô thị không có nghĩa là “bảo tàng hóa”, yêu cầu kiến trúc bề mặt của khu phố giữ nguyên trước dòng chảy cuộc sống. Các công trình thể hiện lịch sử lâu đời của kiến trúc đô thị cổ tại Hà Nội” - KTS Nguyễn Hoàng Phương cho hay.

Ở khía cạnh khác, PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng, kiến trúc Pháp ở Hà Nội được đánh giá là một quỹ di sản kiến trúc đô thị, góp phần tạo nên hình ảnh kiến trúc đô thị đặc trưng của Hà Nội. Vì vậy, cần phải tiến hành xếp hạng chính thức để có cách ứng xử thích hợp trong bối cảnh đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh hiện nay và đáp ứng với nhu cầu sử dụng mới. Ý thức được điều này, TP Hà Nội đã làm việc với các cơ quan chuyên môn để nghiên cứu, khảo sát xác định giá trị, phân loại biệt thự theo cấp độ giá trị kiến trúc, làm cơ sở để đề xuất định hướng bảo tồn và cải tạo. “Để đánh giá toàn bộ quỹ kiến trúc Pháp ở Hà Nội, cần thiết tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá các thể loại kiến trúc khác còn lại. Trong đó, chú trọng đánh giá toàn diện các vấn đề kiến trúc và kỹ thuật của công trình. Từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị quỹ di sản kiến trúc Pháp đạt hiệu quả cao nhất, góp phần khẳng định diện mạo đặc trưng của kiến trúc đô thị Hà Nội” - PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nhìn nhận.

Để công tác quản lý, sử dụng gắn với bảo tổn quỹ nhà biệt thự Pháp cổ được tốt hơn, cơ quan T.Ư cần sớm tiếp tục nghiên cứu sửa đổi bổ sung quy chế quản lý, sử dụng để bảo tồn, tôn tạo, phá dỡ, cải tạo, xây dựng nhà biệt thự. Bố trí kinh phí để đánh giá chất lượng và thực hiện việc bảo trì, cải tạo các biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, lập hồ sơ quản lý, bảo tồn, tôn tạo biệt thự thuộc mọi thành phần sở hữu (trước mắt sẽ lập hồ sơ quản lý 3D đối với Nhóm 1, phối hợp với Đại sứ quán Pháp để sao tìm tài liệu lưu trữ hồ sơ trước đây về nhà biệt thự). Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia thực hiện công tác cải tạo, trùng tu nhà biệt thự nhằm phát huy giá trị về vị trí, kiến trúc, nghệ thuật của các nhà biệt thự.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Trong quá trình phát triển, đô thị hóa, việc bảo tồn được quỹ nhà biệt thự Pháp có vai trò quan trọng. Vì vậy, cần phải có giải pháp đồng bộ, từ cơ chế, chính sách đến tổ chức thực hiện, cần tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách về bảo tồn, tôn tạo nhà biệt thự để người dân được biết, ủng hộ và tham gia”.
(còn nữa)

Thực hiện Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND về điều chỉnh danh mục biệt thự tại Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND, Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND và chỉ đạo của UBND TP, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở, ngành rà soát, phân loại lập danh mục biệt thự. Sở đã có Tờ trình số 218/2019/TTr-SXD báo cáo UBND TP ban hành Quyết định mới thay thế Quyết định số 7177/2013/QĐ-UBND về danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, bao gồm 1.225 biệt thự được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; Nhóm 2 có 356 biệt thự; Nhóm 3 có 647 biệt thự.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng 

[Cấp thiết bảo tồn biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội] Bài cuối: Cần khung chính sách hỗ trợ bảo tồn, cải tạo

Biệt thự và công trình kiến trúc Pháp cổ tại Hà Nội là quỹ di sản đô thị vô giá mà không mấy đô thị có được. Việc cần có khung chính sách hỗ trợ bảo tồn, cải tạo loại công trình này đang là vấn đề cấp thiết. Báo Kinh tế & Đô thị đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý về giải pháp cần làm ngay để các công trình này không bị mai một.


 
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: 

Gần đây, TP đã ban hành danh mục công trình với phân loại và định hướng bảo tồn với tổng số 1.253 biệt thự. Tuy nhiên, để khai thác, sử dụng như thế nào cho hiệu quả cần phải cụ thể hóa. Theo tôi, giải pháp trước tiên cần phải làm là lập hồ sơ đầy đủ, thể hiện bằng bản vẽ hiện trạng của từng biệt thự với ưu tiên tập trung vào biệt thự Loại 1. Vì qua nghiên cứu khoa học và kiểm tra sơ bộ, đây là loại công trình còn tương đối nguyên trạng. Việc này khó, TP phải đứng ra làm.

Tiếp đó, xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện để giải phóng, di dời nếu mật độ ở trong biệt thự quá đông. Muốn giãn các hộ để đảm bảo mật độ dân hợp lý, TP phố cần xây dựng khung chính sách hỗ trợ, sau đó chính quyền từng quận vào cuộc, đứng ra làm trọng tài chủ trì các cuộc thương thảo giữa các hộ dân. Bên cạnh đó, TP cần có chính sách về nguồn lực hỗ trợ các hộ dân trong bảo tồn hoặc cải tạo những căn biệt thự cổ để đảm bảo giữ được nguyên trạng.

Đặc biệt, cần nghiên cứu để có quy định bảo tồn nhưng phải hướng tới phát huy giá trị và tạo thuận lợi cho người sở hữu công trình, có định hướng hợp lý trong khai thác sử dụng. Trong các ngôi biệt thự không nhất thiết chỉ dành để ở mà tùy từng vị trí, công trình có thể cho khai thác làm du lịch, dịch vụ nhằm quảng bá giá trị công trình. Cách làm này đã được TP Hội An hay nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công. Thực tế tại Hà Nội, bài học khai thác 4 ngôi nhà cổ tại khu phố cổ hay các căn gác xép biệt thự cổ quanh Hồ Gươm, cho tổ chức các trưng bày nhỏ hay quán cà phê có sức hấp dẫn rất lớn đối với du khách nước ngoài.


Chúng ta cần thống nhất, bảo tồn các công trình biệt thự và công trình kiến trúc có giá trị là bảo tồn cả giá trị vật thể và phi vật thể. Nếu như có điều chỉnh về chức năng sử dụng sẽ quảng bá rộng rãi giá trị và đặc biệt tạo được nguồn lực để chúng ta bảo tồn, phát triển của quỹ di sản này của Thủ đô Hà Nội.

 
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long: 

Hiện nay với hiện trạng về quản lý nhà đất tại địa bàn quận Hoàn Kiếm trong đó có quản lý về biệt thự Pháp trên địa bàn. Các biệt thự Pháp cũ được phân thành hai loại sở hữu là Nhà nước (các công thự, dinh thự, các trụ sở cơ quan, các tổ chức quốc tế, ngoại giao, nhà riêng các đại sứ quán) và các biệt thự do tư nhân quản lý.

Quận đang tiến hành rà soát lại toàn bộ quỹ biệt thự trên địa bàn, cùng đó rà soát lại cả phần quản lý nhà đất. Trong thời gian tới sẽ tập trung ưu tiên bảo tồn các biệt thự có giá trị, quản lý tốt quỹ nhà do Nhà nước đang quản lý, kịp thời bảo tồn trùng tu theo đúng kỹ thuật của ngành bảo tồn.

Đồng thời có biện pháp để khai thác quỹ nhà này cho phát triển kinh tế, từ đó mới có nguồn kinh phí để tái đầu tư để cho tiếp tục phát huy các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Bên cạnh đó hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân, các tổ chức về kỹ thuật liên quan đến bảo tồn. Hiện, quận Hoàn Kiếm đang phố hợp với vùng Ile-de-France (vùng Thủ đô Paris, Pháp) triển khai thí điểm xây dựng Trung tâm giao lưu văn hóa khu phố cũ và cải tạo biệt thự mẫu tại 49 Trần Hưng Đạo.


Đối với loại nhà biệt thự do tư nhân quản lý việc tu bổ, bảo tồn là rất khó vì việc phân bổ các diện tích sử dụng chung trong 1 số nhà rất phức tạp, sở hữu chưa thống nhất mà vẫn còn diện tích công – tư xen kẽ. Do đó, việc đảm bảo chất lượng cho từng ngôi biệt thự này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Thời gian tới quận cũng sẽ bàn, tính toán kỹ các giải pháp để cải tạo, bảo tồn được các biệt thự do dân quản lý. Trước mắt là khống chế không để phát sinh các phần diện tích cơi nới để đảm bảo tránh xuống cấp thêm.

                                                    
Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - KTS Phạm Thanh Tùng:

Chúng ta cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc rằng, quỹ nhà biệt thự Pháp hiện có ở Hà Nội không phải là di sản bởi chưa thấy một văn bản nào có hiệu lực xếp những biệt thự đó là di sản phải bảo vệ, bảo tồn theo Luật Di sản như những công trình Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Lịch sử chẳng hạn. Nhưng các biệt thự xây dựng thời thuộc Pháp có giá trị kiến trúc, tiêu biểu cho một gia đoạn phát triển của Hà Nội những năm 20-30 của thế kỷ XX. Với kiến trúc mang đậm phong cách miền Nam nước Pháp được thiết kế bài bản, tinh tế, các biệt thự Pháp đã tạo cho những con phố cũ của Hà Nội nét đặc trưng của một đô thị châu Âu. Để các biệt thự đó xuống cấp, hư hại thì chúng ta đang để mất đi một quỹ kiến trúc rất có giá trị thời thuộc Pháp.

Hà Nội đã từng có chủ trương bảo tồn, tôn tạo, để giữ gìn phát huy giá trị của quỹ biệt thự này vào phát triển kinh tế từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, chủ trương này không thành công, bởi do biến động của lịch sử và chính sách vào những năm đầu Thủ đô giải phóng nên rất nhiều biệt thự đã trở thành nhà ở tập thể, nơi cư trú của nhiều hộ gia đình. Giải pháp di dân nhằm giãn bớt mật độ người sống trong các ngôi biệt thự này cũng đã được tính đến nhưng đòi hỏi nguồn ngân sách lớn không đủ khả năng nên đã không thực hiện được. Vậy nên, để công tác bảo tồn có kết quả, Hà Nội cần xem xét lựa chọn những biệt thự tiêu biểu, có giá trị về nghệ thuật kiến trúc để tu bổ, tôn tạo và bảo tồn. Khi các biệt thự đã được phục hồi nguyên trạng hình thức kiến trúc ban đầu, sẽ giao cho các đơn vị Nhà nước hoặc tư nhân sử dụng vào kinh doanh du lịch.

Để làm được việc này phải có quy định hết sức rõ ràng và cơ chế giám sát chặt chẽ, người nào được giao thì người đó phải chịu trách nhiệm trước TP; phân công phân cấp rõ ràng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Đồng thời phải tuyên truyền và có cơ chế, để người dân đang sống trong những biệt thự cùng chung tay với TP trong việc bảo tồn những công trình này, vì chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước chắc chắn sẽ không thực hiện được.

Nguồn tin: Theo kinhtedothi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 133 | lượt tải:64

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 154 | lượt tải:110

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 197 | lượt tải:90

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 299 | lượt tải:117

3004/QĐ-UBND

Quyết định số 3004/QĐ-UBND của UBND Thành phố HN về việc Phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường vào Trụ sở Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trại tạm giam T16 và Trung tâm thẩm vấn của lực lượng cảnh sát, tỉ lệ 1/500

Thời gian đăng: 27/07/2023

lượt xem: 200 | lượt tải:56

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây