0 NaN undefined

Bảo tồn di sản trách nhiệm không của riêng ai

Thứ tư - 27/07/2022 23:38

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, thống nhất một số nội dung, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, trong đó có kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Hà Nội - ''Thủ đô di sản'' đang đối diện với nhiều thách thức trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử.

Loạt bài “Bảo tồn di sản: Trách nhiệm không của riêng ai!” đề cập những khó khăn, tồn tại trong tu bổ, tôn tạo di tích; đề xuất sáng kiến, giải pháp nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, nâng cao giá trị di sản trên địa bàn Hà Nội.

 

“Đình, chùa chống gậy chờ sập”; “Tượng thờ đội nón, mặc áo mưa”; “Di tích Hà Nội lại kêu cứu”… - Những dòng tít xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng thời gian gần đây cho thấy, những vấn đề về tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn Hà Nội chưa bao giờ hết “nóng”. Thực trạng này cũng được phản ánh rõ nét qua thống kê mới nhất của ngành Văn hóa Thủ đô: Dù đã dành hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho công tác này, Hà Nội vẫn còn hàng trăm lượt di tích “xếp hàng” chờ tu bổ. Trong đó, không ít đình, chùa, miếu mạo… đã xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
 

❚ Di tích "xếp hàng" chờ tu bổ


Là người trực tiếp đón nhận những ý kiến, nhận xét của du khách trong, ngoài nước, tôi thực sự thấy xót xa, bất lực cho di tích.

Động Hoàng Xá (thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai) nằm trong Quần thể di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách. Nơi đây nổi tiếng với dãy núi “voi chầu” ôm trọn động đá thiên tạo, đền, chùa, nhà thủy đình, hồ sen…, tạo nên một vùng “sơn thủy hữu tình” đặc sắc. Mỗi năm, điểm đến di sản này thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan và là một trong những lựa chọn hàng đầu của các nhà làm phim, mỗi khi cần bối cảnh cổ kính, hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên.

Thế nhưng, đây đã là chuyện của nhiều năm về trước! Động Hoàng Xá thời gian gần đây khoác lên mình vẻ hoang vu, tiêu điều, do thiếu nguồn lực đầu tư tôn tạo. Giờ đây, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng toàn bộ tường bao mất dấu, chỉ còn trơ cổng vào; bờ kè hồ nước nhiều đoạn sụt lún, cây ven hồ bật gốc; cầu bán nguyệt giữa hồ, lối lên động đá xuất hiện nhiều vết nứt, vỡ nguy hiểm… Sự xuống cấp cũng “ăn mòn” tới nhà thủy đình khiến “bông sen giữa hồ” nhếch nhác, xập xệ: Tường vôi bong tróc; dui, kèo, cột gỗ bị gãy mọt và rễ cây xâm lấn; nhiều đoạn mái bị xô lệch, rỗng ngói…

 
 

Ông Bùi Văn Nhàn (người trông coi điểm di tích Động Hoàng Xá) khẳng định: “Khu vực cầu bán nguyệt, nhà thủy đình nhiều năm nay phải khóa lại, để ngăn người đi vào vì nguy hiểm, trong khi cổng vào di tích chỉ mang nghĩa tượng trưng, do không có tường bảo vệ… Sự trống trải này tạo cơ hội cho không ít đối tượng bất hảo, nghiện hút vãng lai”. 

Lúc này, mong mỏi lớn nhất của người dân quanh vùng là chính quyền địa phương khẩn trương vào cuộc, có giải pháp tu bổ, tôn tạo không gian di sản này. “Là người trực tiếp đón nhận những ý kiến, nhận xét của du khách trong, ngoài nước, tôi thực sự thấy xót xa, bất lực cho di tích”, ông Bùi Văn Nhàn bày tỏ.

 

Cách Động Hoàng Xá không xa là Di tích quốc gia Nhà lưu niệm Bác Hồ xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, nơi ghi dấu những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại địa phương (năm 1947). Do đặc thù nhà tranh, mái rạ, phên nứa, tường vôi… cộng thêm những tác động từ mưa nắng và thời gian, di tích có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng: Tường nhà nứt và ngấm nước, mái rạ thấm dột, hàng hiên nhiều đoạn nứt, vỡ… 

Đình Yên Lỗ, xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất cũng rơi vào tình cảnh như vậy, với hầu hết rui, kèo, cột gỗ đã bị mối xông, tiêu tâm nham nhở; mái ngói thấm dột khiến trong nhà “chưa mưa đã ngập”.

Ông Nguyễn Đức Sang, trưởng thôn Yên Lỗ, cho rằng làng xã còn nghèo, điều kiện hạn chế nên hằng năm có sửa chữa, gia cố, nhưng mới chỉ ở mức “hỏng đâu trám đấy” không thấm vào đâu so với tốc độ xuống cấp của di tích. Với hiện trạng này, di tích cần được đầu tư tổng thể, với kinh phí hàng chục tỷ đồng mới có thể “hồi sinh”. 

 Hiểu đúng để cứu nguy di sản

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương chỉ rõ: “Hà Nội hiện diện đầy đủ loại hình di tích nhất trên cả nước, từ đình, đền, chùa, phủ, nghè, am, quán, miếu… đến thành cổ, phố cổ, làng cổ, cửa ô, văn chỉ. Đây cũng là nơi lưu giữ những ngôi đình cổ nhất, trường đại học đầu tiên, đệ nhất danh thắng, đệ nhất cổ tự… - những báu vật trời Nam mà chỉ tên tuổi thôi cũng đã nói lên rất nhiều điều về tiến trình lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc hay đời sống tâm linh của nhiều thế hệ…”.

Giới nghiên cứu về lĩnh vực này có chung nhận định, giá trị cốt lõi của di tích chính là dấu ấn văn hóa, lịch sử được bảo lưu nguyên vẹn suốt dòng chảy thời gian. Như vậy, đây vừa là mục tiêu, vừa là thách thức trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Với Hà Nội, nơi dẫn đầu cả nước về số lượng di tích - vừa phong phú về loại hình, vừa giàu có về bản sắc, không khó để hình dung những khó khăn thường nhật mà thành phố phải đối mặt.

 

Báo cáo mới nhất từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng phản ánh một thực tế là: Dù đã có 1.125 lượt di tích được tu bổ, tôn tạo trong giai đoạn 2013-2020, song đến nay, vẫn còn tới 1.284 di tích xuống cấp; trong đó, có hơn 314 đình, đền, chùa, miếu… xuống cấp nghiêm trọng, tập trung ở các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Phú Xuyên, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Trì, Quốc Oai...

Các di tích xuống cấp đều có điểm chung là tường tróc lở từ nhẹ đến nặng; cột, kèo, chạm khắc cong vênh, nứt vỡ; mái ngói xô lệch, rêu mốc, tượng thờ hỏng hóc…, tiêu biểu như: Chùa Tre, đình Cổ Chế (huyện Phú Xuyên); đình La Xuyên, đình Thái Bạt (huyện Ba Vì); chùa Hữu Bằng, đình Chúc Động (huyện Thạch Thất); chùa Quan Nhân, đình Cao Mật (huyện Thanh Oai)… Không chỉ nhếch nhác, xập xệ, các di tích xuống cấp còn ẩn chứa nguy cơ sụp đổ, đe dọa an toàn sức khỏe, tính mạng cho người ở gần.


Ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì kể cho chúng tôi về vụ khối xà trung đình Vĩnh Phệ, xã Chu Minh bị gãy rơi, ngay khi cụ từ đình vừa đi qua, khiến nhiều người sững sờ dù trước đó, người dân trong thôn đã phải sử dụng tới 15 cây cột tre để chống đỡ các cấu kiện trong đình. Sau sự việc trên, đồ thờ tự được đưa ra ngoài di tích để người dân hành lễ.

“Với 71/394 di tích xuống cấp tới xuống cấp nghiêm trọng trên địa bàn, việc đưa đồ thờ tự ra ngoài khuôn viên di tích, hoặc chỉ tổ chức vái vọng, dừng hoãn việc thánh không phải chuyện hiếm gặp ở Ba Vì”, ông Lê Khắc Nhu nói. 

Sư thầy Thích Đàm Trọng Nghĩa, trụ trì chùa Báo Ân, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, than thở: "Di tích xuống cấp không được tu bổ kịp thời khiến nhiều hạng mục kiến trúc bị hư hại nghiêm trọng. 12 pho tượng đất cổ, đặt tại ngôi Tam Bảo đều bị nứt, gãy hoặc vỡ vụn hoàn toàn. Việc khôi phục nguyên trạng là vô cùng khó khăn". 

 

Nhận diện những thách thức từ “Thủ đô di sản”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định, vấn đề lớn nhất hiện nay chính là tình trạng nhiều di tích xuống cấp, không được tu bổ kịp thời do thiếu nguồn lực, theo thời gian tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng. 

“Việc quản lý di tích được thành phố chỉ đạo, triển khai phân cấp cho các quận, huyện, thị xã đã góp phần tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Tuy nhiên, công tác này còn tồn tại nhiều khó khăn, đặc biệt là kết quả thực hiện việc tu bổ, tôn tạo còn chưa đồng đều. Nhiều địa phương không bảo đảm nguồn lực để tu bổ, tôn tạo di tích, việc huy động nguồn xã hội hóa còn hạn chế, trong khi số lượng di tích trên địa bàn chiếm tỷ trọng lớn là vấn đề thường trực ở Hà Nội…” - bà Trần Thị Vân Anh chỉ ra.

Thăng Long - Hà Nội có một vị trí và sứ mệnh đặc biệt trong việc tạo nên “sức mạnh mềm” của Việt Nam và hệ thống di sản văn hóa - nguồn tài nguyên vô giá trên mảnh đất ngàn năm văn hiến góp phần quan trọng làm nên những giá trị ấy. Trải qua hàng nghìn năm với bao biến động dữ dội giữa các triều đại và thời kỳ lịch sử, sức sống nhiều di tích đang bị đe dọa, tiềm ẩn nguy cơ mai một, đòi hỏi có những ứng xử đúng đắn và tích cực, kịp thời để cứu nguy di sản.
 

 

Nỗ lực giữ cho được hồn cốt của vùng đất “kinh sư muôn đời”, Hà Nội mới đây đã quyết định thực hiện cuộc đại tu bổ, tôn tạo di tích, với tổng nguồn lực đầu tư lên tới hơn 14 nghìn tỷ đồng. Thành phố xác định, đây là nhiệm vụ quan trọng và chưa có tiền lệ, cần các bước triển khai thận trọng, bài bản và khoa học, nhằm bảo đảm mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị. Có thể khẳng định, đây là quan điểm đúng và cách ứng xử đúng; nhất là trong bối cảnh những năm qua, có không ít bài học đau xót về việc di tích càng trùng tu, càng bị hủy hoại.

 Những điều kiện cần và đủ

Tin vui lớn đến với người yêu di sản đầu tháng 4 vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025; phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố (Nghị quyết số 02/NQ-HÐND). Đây là bước cụ thể hóa của Nghị quyết số 11-NQ/TU về Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, thống nhất một số nội dung, trong đó có kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn.

Theo Nghị quyết này, thành phố sẽ dành tới 14.029 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, tôn tạo 579 di tích, trong đó ưu tiên cho các di tích đã được xếp hạng đang xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sụp đổ, cần bảo vệ khẩn cấp; các di tích đã được xếp hạng có giá trị cao, đang xuống cấp các hạng mục gốc, hư hỏng cấu kiện, kiến trúc và di tích cần phát huy điểm đến gắn với việc phát triển du lịch, nhằm phát huy giá trị, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Mặt khác, khối lượng công việc đồ sộ và phức tạp không thể thực hiện một cách đại trà hay có giải pháp chung cho mọi công trình...

 


Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng đánh giá: "Không giống với xây dựng, cải tạo trường học và nâng cấp hệ thống y tế (có tiêu chuẩn và quy trình cụ thể, thống nhất), nhiệm vụ tu bổ, tôn tạo di tích đặc biệt hơn, do mỗi di tích là “độc bản”, có vai trò lịch sử, hàm lượng giá trị văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng và hiện trạng khác nhau, đặt ra những yêu cầu khác nhau trong cách thức thực hiện. Đi kèm với đó là những quy chuẩn khắt khe về quy trình, thủ tục, kiến thức, tay nghề…, làm sao bảo đảm mục tiêu giữ gìn giá trị nguyên gốc của di sản. Đây là việc lớn và vô cùng khó!".

Trăn trở của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cũng là suy nghĩ của người yêu di sản, nhất là thời gian qua, đã có không ít vụ việc “trùng tu như phá”, “xây không phép, dỡ không tắc”, để lại hậu quả không thể lường hết cho di tích.

Câu chuyện trùng tu chùa Sổ (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) năm 2014 - một di tích hiếm hoi từ thời Mạc - là ví dụ điển hình cho việc hạ giải vô nguyên tắc, khiến ngói vỡ ngổn ngang; hoành, rui, cột trốn, mảng chạm… nằm la liệt. Ngói rơi còn làm sập một hương án cổ đã vài trăm năm tuổi. Trong khi đó, theo nguyên tắc trùng tu, những viên ngói này phải được chuyền tay chuyển xuống để phân loại, trước khi quyết định có tái sử dụng hay không.

Nỗi xót xa đó sau này được lặp lại trong vụ tu bổ, tôn tạo đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) năm 2018, khi phút chốc ngôi đình cổ 300 năm tuổi bị “cải lão hoàn đồng” trong nỗi bất lực của người yêu di sản. Danh sách vi phạm về tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố tiếp tục nối dài với hàng chục vụ việc: “Cấy” thêm công trình không phép vào khuôn viên di tích: Chùa Hương, chùa Trăm Gian, chùa Bối Khê, chùa Khúc Thủy…; tự ý sơn thếp làm mới di tích tại đền Gióng; trẻ hóa di tích tại chùa Đậu; lắp dựng hạng mục lai căng, lệch lạc với cảnh quan, không gian đình Tây Đằng… Mới đây nhất là việc tự ý chặt hạ cây lâu năm để tu bổ đình Chèm. Đáng nói, hầu hết vụ việc được phát hiện khi “sự đã rồi”, việc khắc phục chỉ mang tính “chữa cháy”.


Bất cập từ hành lang pháp lý

Nhìn nhận công tác tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, tình trạng trùng tu như phá, xây mới, cơi nới trên lõi di tích… một phần do chính quyền địa phương thiếu sâu sát, buông lỏng quản lý; phần khác do nhận thức, ý thức của những người trông giữ trực tiếp cũng như cộng đồng nắm giữ di sản chưa cao…

Trong khi đó, cán bộ văn hóa cơ sở lực lượng mỏng, chủ yếu là kiêm nhiệm, kiến thức tổng hợp, kinh nghiệm thực tế, sự phối hợp với các bên liên quan cũng như hiệu quả nắm bắt, xử lý vi phạm trong bảo tồn di sản còn hạn chế.   

 


Giáo sư, Tiến sĩ Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhận định, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này còn do hình thức xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, dẫn đến hiện tượng “nhờn luật”, ý thức tuân thủ các quy định từ đó cũng kém dần đi. 

Cho rằng, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo tồn di sản chưa được thường xuyên, liên tục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trang Thanh Hiền (Đại học Mỹ thuật Hà Nội), nói: "Ngay bản thân người trực tiếp trông coi di sản cũng không hiểu hết giá trị, nên việc phá hoại di tích diễn ra nhiều khi hết sức hồn nhiên. Chẳng hạn như việc người dân đóng đinh, rào lưới sắt vào tường di tích quốc gia đình Chu Quyến (xã Chu Minh, huyện Ba Vì) để làm… kho chứa đồ. Việc thay đổi cổng đình Tây Đằng (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì), sơn thếp đền Gióng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) cũng cùng tình huống như vậy!".

Mặt khác, việc thực hiện các thủ tục thỏa thuận, thẩm định, phê duyệt tu bổ ở không ít dự án còn mất nhiều thời gian, quy trình phức tạp,  thậm chí chồng chéo..., gây khó khăn cho công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại địa phương. Đã có không ít trường hợp, vì trình tự thủ tục quá nhiều bước, người dân nóng lòng trước tình trạng của di tích nên “vượt rào” tu bổ. 

Về vấn đề này, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi cho rằng: "Do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hồ sơ, thủ tục xin cấp phép tu bổ nên nhiều địa phương lúng túng, mất thời gian để chỉnh sửa, hoàn thiện. Việc thẩm định hồ sơ cũng chưa thống nhất giữa các phòng, ban chuyên môn, do vậy, các đơn vị xin cấp phép gặp không ít khó khăn…". Với quy trình như hiện nay, thực hiện đủ các bước từ xin chủ trương, thành lập tổ tu bổ đến lập hồ sơ gửi các cấp xin ý kiến phải mất vài tháng đến một năm, ảnh hưởng rất lớn tới công tác tu bổ.

 


Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều vấn đề nan giải khác trong công tác quản lý, bảo tồn di sản mà Hà Nội đang phải đối mặt. Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn cho biết: “Công tác quản lý mặt bằng, không gian di tích còn nhiều hạn chế, phần lớn di tích sau khi xếp hạng chưa được cắm mốc giới bảo vệ; nhiều di tích chưa có nội quy bảo vệ; việc cam kết nguồn vốn đầu tư trong trường hợp sử dụng nguồn vốn xã hội hóa, cơ cấu nguồn vốn cũng như bảo đảm tính khả thi của việc huy động nguồn vốn xã hội hóa khiến nhiều địa phương gặp lúng túng trong việc triển khai thực hiện...”.

Di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử - văn hóa nói riêng là tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc, được kết tinh từ trí tuệ, tài năng, công sức của lớp người đi trước. Bảo tồn nguyên vẹn cũng như phát huy tối đa giá trị của di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo là câu hỏi thường trực dành cho các chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng nắm giữ di sản. Làm sao hóa giải được những khó khăn, vướng mắc hiện có, khơi dậy hiệu quả nguồn lực hướng tới mục tiêu tạo luồng sinh khí mới cho hệ thống di tích ở “Thủ đô di sản”? 

Là thông điệp từ quá khứ gửi tới hiện tại và tương lai, di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử - văn hóa nói riêng chính là nguồn tài nguyên vô giá, sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc. Trước những đòi hỏi cấp thiết từ công tác trùng tu, tôn tạo ở Thủ đô di sản, giới chuyên gia, nghiên cứu, các nhà quản lý đã đề xuất nhiều giải pháp phát huy hiệu quả nguồn lực để vừa bảo tồn nguyên vẹn giá trị cổ xưa, vừa mang đến luồng sinh khí mới cho hệ thống di tích trên địa bàn thành phố.
 

❚ Khơi dậy ý thức, trách nhiệm cộng đồng

Dành tâm huyết cho việc bảo tồn không gian văn hóa đình làng, Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Bình (trưởng nhóm Đình làng Việt) đã thực hiện nhiều chuyến điền dã nối dài trong dân gian, hỗ trợ cộng đồng trùng tu di tích và quá trình này giúp ông rút ra nhận định, di tích dù ở đâu, sống được, phát huy được đều nhờ vào cộng đồng. Cộng đồng ở đâu am hiểu lịch sử, văn hóa, có kiến thức về bảo tồn di sản, hiểu biết về pháp luật và đặc biệt là có tình yêu với di sản, thì ở đó công tác bảo vệ di sản rất hiệu quả. 

 


Nhiều địa phương, ban quản lý di tích, hội người cao tuổi... thực hiện rất tốt công tác gìn giữ này. Có những người không có bằng cấp nhưng nhiều kiến thức, kinh nghiệm; có những người trẻ chịu khó tích lũy tri thức qua sách vở, cũng đóng góp rất hiệu quả cho địa phương. Những hạt nhân như vậy thường được gọi là “trí thức làng”…

Những điều Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Bình nêu, được chứng minh rất nhiều trong thực tế đời sống. Ví dụ như câu chuyện tu bổ đình Đông Sàng, ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây. Trưởng thôn Đông Sàng Nguyễn Văn Khải cho biết, đình xuống cấp rất nghiêm trọng, nhiều hạng mục bị mối mọt, mục gãy làm võng mái, xô lệch ngói, gây thấm dột, hư hại bên trong. Ngày sau khi cán bộ thôn tổ chức họp bàn, xin ý kiến, đông đảo gia đình, dòng họ ở thôn đã nhiệt tình ủng hộ kinh phí, ngày công để tu bổ, tôn tạo. Nhiều con em ở xa cũng gửi gắm công đức về để tu bổ di tích của làng. Đây là hiệu quả từ việc có ý thức, trách nhiệm với di sản cha ông để lại.  

“Quá trình thực hiện, thôn thành lập Ban chỉ đạo xây dựng đình làng, cùng nhiều tiểu ban để lo lắng các việc: Vật tư, kỹ thuật, tài chính, tuyên truyền, công đức, bảo vệ... Những người nhận trách nhiệm trước làng luôn sát sao từ khâu nguyên vật liệu đến quá trình thực hiện, bảo đảm nguyên tắc trùng tu cũng như công khai, minh bạch tài chính... Đến nay, toàn bộ công trình đình Đông Sàng đã được tu bổ khang trang, bề thế, khỏe khoắn mà vẫn giữ được màu thời gian, sự rêu phong, cổ kính”, ông Nguyễn Văn Khải bày tỏ.

 

Không chỉ đình Đông Sàng, ở thôn Đông Sàng còn có rất nhiều di tích lịch sử văn hóa, như: Chùa Mía, đền Phủ, đình Tổng, Văn chỉ, Võ chỉ... được trùng tu, tôn tạo hiệu quả, nhờ cách thức bảo tồn bài bản, nghiêm túc cùng trách nhiệm, ý thức trân trọng, giữ gìn di sản của người dân.

Là người gắn bó nhiều thập kỷ với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản địa phương, ông Âu Xuân Kiên, Trưởng Tiểu ban quản lý di tích đình Trường Lâm (phường Việt Hưng, quận Long Biên) nêu kinh nghiệm: "Cần sát sao di tích để khi xuất hiện những hỏng hóc nhỏ, như: Xô ngói, phát sinh mối mọt…, có biện pháp khắc phục sớm, ngăn chặn kịp thời những hư hại nặng hơn, mà việc xử lý cũng đỡ phức tạp, tốn kém".

Cũng theo ông Âu Xuân Kiên, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về bảo tồn di sản, cần minh bạch tài chính, công khai thông tin trước nhân dân, tạo sự tin tưởng, đồng thuận, từ đó phát huy vai trò cộng đồng trong bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đối với những việc lớn, phức tạp hơn, cộng đồng rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ về kiến thức, kinh nghiệm cũng như việc hướng dẫn triển khai, thực hiện các quy trình đầu tư, tu bổ. 

Có thể thấy rõ, để di sản thực sự “sống” và được bảo vệ hiệu quả, vai trò chính thuộc về cộng đồng, nhưng cũng không thể thiếu sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu...

Công tác khảo cổ với bước đi thận trọng là lộ trình cần thiết để phục dựng di sản trong lòng Hoàng thành Thăng Long.

Xây dựng chiến lược tổng thể, giải pháp phù hợp

Không chỉ để giáo dục truyền thống, di sản văn hóa giúp cân bằng tâm thức xã hội đồng thời tạo nguồn lực cho sự phát triển. Nhận định chủ trương lớn của thành phố về tu bổ tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo sẽ mang đến luồng sinh khí mới cho hệ thống di tích Thủ đô, song việc triển khai sẽ vô cùng phức tạp với không ít khó khăn, trở ngại. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý văn hóa cho rằng, Hà Nội cần sớm có chiến lược tổng thể cho nhiệm vụ này và tập trung giải pháp tháo gỡ các “rào cản” để chiến dịch tu bổ, tôn tạo di tích đạt hiệu quả như kỳ vọng. 

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, với vai trò là “Thủ đô di sản”, Hà Nội phải là hình mẫu cho các địa phương noi theo về bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Trước mắt, thành phố cần tiến hành kiểm kê, điều tra, khảo sát và đánh giá lại tổng thể hiện trạng di tích, gắn với số hóa, xây dựng ngân hàng dữ liệu phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo; có đề án đánh giá tổng thể hiện trạng di tích, từ đó có danh sách ưu tiên, lộ trình tu bổ.

Không vì bảo tồn mà cản trở phát triển, không vì phát triển mà xâm hại bảo tồn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cũng đề nghị: “Hà Nội có một ban chỉ đạo chung của thành phố, tập hợp các đơn vị liên quan, nhà khoa học, chuyên gia, theo sát cả quá trình từ chủ trương cho đến khi hoàn thiện dự án, đánh giá, phân loại cái gì cần bảo tồn hoàn toàn, dứt khoát không được động đến; cái gì bảo tồn từng phần, cái gì đưa vào bảo tàng với những bước đi hết sức khoa học. Việc tu bổ, tôn tạo cần tập trung vào những tồn tại lâu, để giải quyết, tháo gỡ vướng mắc”.

Khẩu hiệu ở đình Tiền Lệ, huyện Hoài Đức nhắc nhở người dân về trách nhiệm bảo tồn di sản.

Còn theo Chủ tịch Hội di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, ngành văn hóa Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân thấy được trách nhiệm và quyền lợi trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích; phối hợp tổ chức các đợt tập huấn bồi dưỡng kiến thức về bảo tồn di sản cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên văn hóa cơ sở; đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động tu bổ, tôn tạo; khuyến khích sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông cũng như vai trò giám sát của người dân địa phương.

Để loại bỏ tiền lệ xấu trong tu bổ, tôn tạo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long Nguyễn Viết Chức chỉ ra, cần xem xét, đánh giá việc thực thi Luật Di sản văn hóa tại các địa phương như thế nào, công tác giám sát, quản lý di tích của chính quyền địa phương đã hiệu quả chưa... Đó là việc cần làm ngay bởi thực tế cho thấy, liên quan đến việc tu bổ, tôn tạo di tích, nếu vấn đề được trao đổi rộng rãi, có ý kiến góp ý của giới nghiên cứu và quá trình tu bổ được triển khai dưới sự giám sát thường xuyên, nghiêm ngặt của bộ phận tư vấn, chính quyền địa phương và cộng đồng thì sẽ khó nảy sinh vi phạm. Với việc huy động các nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa, các địa phương, nhất là chính quyền xã, phường, thị trấn phải chú ý thực hiện đúng quy định, trình tự, thủ tục, không thỏa hiệp với nhà tài trợ để làm theo ý họ, gây ảnh hưởng xấu tới hiện trạng di tích.

 

Di sản văn hóa giúp cân bằng tâm thức xã hội, giáo dục truyền thống và tạo nguồn lực cho phát triển.

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, đơn vị sẽ sớm ban hành hướng dẫn về lập hồ sơ dự án, thực hiện việc trình các cấp thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật theo quy định của Luật di sản; tham mưu thành phố  xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư, tu bổ chống xuống cấp, tạo cơ sở pháp lý, phân định rõ trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương để chủ động xây dựng kế hoạch, phương án huy động nguồn lực; xây dựng quy trình thống nhất về đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên toàn thành phố, tránh tình trạng tu bổ, chống xuống cấp di tích tự phát, tùy tiện… 

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả cao nhất, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đề nghị các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa, chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia cũng như phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

UBND thành phố Hà Nội giao ngành Văn hóa Thủ đô triển khai 4 nội dung chính, gồm: Xây dựng đề án tổng thể về tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố, làm cơ sở, định hướng cho các địa phương triển khai nhiệm vụ; thành lập ban chỉ đạo công tác quản lý tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội; hoàn thành công tác kiểm kê và đẩy nhanh số hóa di tích; nghiên cứu, xây dựng cơ chế hỗ trợ công tác quản lý di tích tại cơ sở, có chế độ đãi ngộ cho người trông coi di tích, kinh phí bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích tại cơ sở.

Nguồn tin: Theo hanoimoi.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 34 | lượt tải:24

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 197 | lượt tải:92

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 197 | lượt tải:129

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 256 | lượt tải:108

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 341 | lượt tải:133

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây