Thống nhất các quy định về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, phạm vi điều chỉnh của Luật là quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Các chính sách đã được Quốc hội thông qua gồm: Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác.
Đáng chú ý, dự án Luật sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, với nhiều điểm mới.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, cần tiếp tục rà soát nội dung các loại quy hoạch, các cấp độ quy hoạch theo hướng: đối với quy hoạch chung cần bảo đảm tính “động”, mở. Đối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, cần bảo đảm tính cụ thể, hợp lý, khả thi, thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện…
Tổ chức không gian TP.HCM theo hướng đô thị toàn cầu, đa trung tâm
Ngày 22/6, HĐND TP.HCM đã thống nhất thông qua hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo nội dung Quy hoạch, Thành phố giữ quan điểm sắp xếp, tổ chức không gian theo hướng đô thị toàn cầu, đa trung tâm. Thành phố đề xuất 2 kịch bản phát triển không gian, đồng thời định hướng chia thành 5 vùng đô thị, 3 khu vực chống ngập, 3 khu vực không gian ngầm.
Về định hướng phát triển kinh tế, Thành phố xây dựng 3 kịch bản phát triển, đề xuất chọn kịch bản phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân khoảng 9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 14.700-15.400 USD.
Dịp này, Văn phòng Chính phủ cũng đã ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, lưu ý nội dung Quy hoạch TP.HCM cần định hướng kiến tạo phát triển, có tính mở; tư tưởng hiện đại, có tầm nhìn chiến lược, đổi mới sáng tạo; đột phá về cơ chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực; không cầu toàn, nóng vội; quy hoạch theo lộ trình.
Tận dụng tối đa các cơ hội, hóa giải những thách thức; xác định rõ điểm nghẽn, nguyên nhân dẫn đến hạn chế sự phát triển trong thời gian qua để có giải pháp phù hợp, triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xác định tại Quy hoạch Thành phố.
4 đột phá phát triển vùng Tây Nguyên
Ngày 23/6, Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030 chính thức được công bố tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, khu vực Tây Nguyên cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng; giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; phấn đấu đưa Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Quy hoạch xác định 4 đột phá phát triển: Nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng; xây dựng và thực thi chính sách phát triển vùng; phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng vùng.
Quy hoạch xác định quan điểm phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các ngành có lợi thế như: Nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, công nghiệp khai thác và chế biến bauxite, alumin, nhôm.
Đồng thời tăng cường kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, các tỉnh trong khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ, các cảng biển, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước và với các nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong, khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.
Hậu Giang: Ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 556/QĐ-TTg ngày 22/6/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Hậu Giang ưu tiên các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, phục vụ phát triển công nghiệp và dịch vụ logistics trên địa bàn huyện Châu Thành và Châu Thành A; các dự án theo hai hành lang kinh tế là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại 4 vùng kinh tế - xã hội động lực đã được xác định trong quy hoạch tỉnh.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, ưu tiên thu hút đầu tư các lĩnh vực như hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các loại hình dịch vụ, du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Thực hiện mục tiêu tăng trong thời kỳ quy hoạch, tỉnh Hậu Giang cần huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 330.000 tỷ đồng.
Xây dựng KKT Chân Mây - Lăng Cô theo cấu trúc hai hành lang phát triển
Ngày 21/6, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị thẩm định đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tỷ lệ 1/10.000.
Theo dự thảo Quy hoạch, phạm vi quy hoạch được lập theo ranh giới Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô, bao gồm thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự thảo nêu rõ, KKT Chân Mây - Lăng Cô là đầu mối giao thông quốc gia và quốc tế, cửa ngõ ra biển quan trọng, cung cấp các dịch vụ cảng nước sâu và điều phối hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang Đông - Tây.
KKT Chân Mây - Lăng Cô được định hướng theo cấu trúc hai hành lang phát triển, đồng thời là đô thị đạt tiêu chí đô thị loại III.
Dự báo dân số, đến năm 2035, KKT Chân Mây - Lăng Cô có khoảng 120.000 người; đến năm 2045 có khoảng 180.000 người.
Chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, bao gồm các dự án do ngân sách Trung ương đầu tư. Ngoài ra còn có các dự án do ngân sách tỉnh quản lý và các dự án kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách.
Thúc đẩy kết nối cao tốc TP.HCM - Mộc Bài với cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt
Tại Văn bản số 4314/VPCP-CN, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu ý kiến các Bộ, địa phương, khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về việc thống nhất điểm kết nối giữa tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài của Việt Nam với tuyến cao tốc Phnôm Pênh - Bà Vẹt của Campuchia.
Đồng thời, Bộ GTVT kịp thời rà soát Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp (nếu thực sự cần thiết).
UBND tỉnh Tây Ninh, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan thực hiện quản lý cửa khẩu biên giới đất liền theo quy định của pháp luật.
UBND TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ giao là cơ quan có thẩm quyền triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Hiện tại, kết nối giao thông, giao thương giữa hai nước Việt Nam và Campuchia tại cặp cửa khẩu Mộc Bài/Bà Vẹt thông qua Quốc lộ 22 (phía Việt Nam) và Quốc lộ 1 (phía Campuchia).
Nguồn tin: tapchixaydung.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Liên kết Website
Tin xem nhiều