0 NaN undefined

Tính tùy biến và tính tương tác của nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị

Thứ hai - 06/08/2018 11:59

Trên thế giới, các tác phẩm nghệ thuật công cộng (NTCC) từ lâu đã trở thành một hợp phần trong công tác thiết kế đô thị, được chú trọng thiết kế với quan điểm đa dạng và nhiều thủ pháp nghệ thuật khác nhau, nâng cao đáng kể chất lượng không gian đô thị bởi sự hòa hợp giữa bối cảnh đô thị và giá trị của bản thân tác phẩm. Trong thực tế, nhiều tác phẩm NTCC thành công hơn dự kiến khi trở thành biểu trưng văn hóa, yếu tố giúp nhận diện không gian đô thị, thể hiện rõ tinh thần nơi chốn, không chỉ là niềm tự hào của cư dân mà còn để lại ấn tượng sâu đậm cho du khách.

Theo sự tiến bộ của xã hội, những yêu cầu đề ra cho NTCC ngày càng cao, không chỉ đẹp mà còn phải ấn tượng, độc đáo, hấp dẫn hơn mới mẻ, mỗi lần trở lại ghé thăm là một lần có những cảm nhận và trải nghiệm khác biệt. Do vậy, NTCC trong không gian đô thị thực sự là một lĩnh vực đủ rộng lớn cho sự sáng tạo không ngừng nghỉ, nơi những ý tưởng mới và hay luôn được đón nhận, có điều kiện được hiện thực hóa. Những kinh nghiệm được tổng kết của các nước đi trước thật sự hữu ích cho Việt Nam – Được phát triển trong những điều kiện và bối cảnh riêng, NTCC của Việt Nam sẽ làm phong phú thực tiễn thiết kế đô thị của thế giới.

NTCC và không gian công cộng

Các vị trí thích hợp cho NTCC trong một đô thị (Nguồn: Nguyễn Quang Minh 2018)
 

NTCC trong thực tế vô cùng phong phú: Bên cạnh những loại hình truyền thống và quen thuộc như hội họa, điêu khắc còn có một số nghệ thuật tạo hình khác hiện đại hơn như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn ánh sáng, chiếu hình ảnh động và nổi (hologram) trong không gian với sự hỗ trợ của công nghệ thực tại ảo (virtual reality). Có thể nói bất kỳ một sự vật hoặc hiện tượng nào tồn tại trong tự nhiên và trong cuộc sống, nếu khơi dậy được sự quan tâm của người nghệ sỹ, đều có thể trở thành đối tượng để họ tập trung phản ánh và khắc họa, tìm tòi và sáng tạo với nhiều chủ đề và thể loại, chất liệu cùng hình thức, ý tưởng cho tới phong cách thể hiện,… Và kết quả cuối cùng là các tác phẩm nghệ thuật hiện diện trong một không gian và thời gian xác định, hướng đến công chúng và phục vụ một trong những nhu cầu thiết yếu là thưởng thức cái đẹp. Tính công cộng của “NTCC” có thể được hiểu nôm na là tính đại chúng, hay nói khác đi là mức độ phổ biến của loại hình nghệ thuật hoặc tác phẩm nghệ thuật đó, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận, quan sát, thưởng thức, cảm nhận và tìm hiểu, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tôn giáo, ngôn ngữ, địa vị xã hội, học vấn, quan điểm chính kiến…

Xét về bản chất, NTCC trước hết có tác dụng trang trí cho không gian đô thị, và nếu có thể, sẽ là những điểm nhấn cần thiết để không gian đó dễ được nhận diện hoặc định vị hơn. Mặt khác NTCC còn có vai trò giáo dục thẩm mỹ cho cộng đồng theo một cách thức trực quan và sinh động nhất có thể khi hiện diện cung cấp cho người dân một không gian nghỉ ngơi, thư giãn và giao tiếp có chất lượng, kết hợp với các yếu tố cảnh quan có giá trị, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch thông qua việc quảng bá hình ảnh đô thị và câu chuyện văn hóa đô thị đằng sau hình ảnh đó. Ngoài ra, NTCC có thể truyền tải những thông điệp nhất định, tùy thuộc vào ý đồ sáng tác của người nghệ sỹ hoặc theo yêu cầu của cơ quan/tổ chức hữu trách, ví dụ như thông điệp về lịch sử, về di sản, về môi trường, …

NTCC thường gắn với không gian công cộng (KGCC). Do đó, khả năng đóng góp của NTCC trong không gian đô thị thực sự rất lớn, do có thể cùng một lúc hiện diện ở nhiều vị trí, chẳng hạn như quảng trường, đường phố (hai bên đường, dải phân cách), giao lộ (bùng binh), góc phố, công viên, vườn hoa, ven biển/sông/hồ, dọc theo cầu, trong sân trong của công trình công cộng, khoảng lùi, trên mặt đứng công trình quay ra đường, và cả trong không trung (khi sử dụng hiệu ứng chiếu hình lập thể – tĩnh hoặc động – trong những dịp lễ hội). Với mật độ tập trung các tác phẩm tạo hình đủ lớn, cùng hoặc khác chủ đề và phong cách, một khu vực trong đô thị trở thành “quận NTCC”, theo mô hình West End được biết đến như một “quận nghệ thuật biểu diễn” ở London (Vương quốc Anh).

NTCC được coi là một thủ pháp chủ lực của thiết kế KGCC trong bất kỳ một đô thị nào, và cần được tiến hành sao cho thể hiện được sáu thuộc tính cơ bản bao gồm: 1. Thị giác, 2. Nhận thức, 3. Hình thái, 4. Chức năng, 5. Thời gian và 6. Xã hội, cùng hai yêu cầu mở rộng trong bối cảnh xã hội hiện đại là: 1. Bền vững; 2. Tìm tòi sáng tạo (Carmona et al, 2003). Trong đó, đáng chú ý là tính xã hội, khi đề cập đến sự tiếp cận của cộng đồng với không gian bao quanh, với tác phẩm nghệ thuật và mối quan hệ bộ bốn diễn ra trong bối cảnh đó (người – không gian – nghệ thuật – người); và yêu cầu tìm tòi sáng tạo (vì đó là một minh chứng cho một xã hội nhân văn và tiến bộ, nơi hoạt động sáng tạo là một nhu cầu nâng cao để mỗi công dân có thể tự hoàn thiện bản thân).

Tính tùy biến và tính tương tác

Tính thẩm mỹ có thể coi là điều kiện đầu tiên và cũng là quan trọng nhất đặt ra đối với tác phẩm NTCC. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, vì một trong những mục tiêu chủ yếu của NTCC, như trên đã trình bày, là giáo dục thẩm mỹ cho cộng đồng (ở những nơi NTCC chưa hoặc mới hình thành), hoặc nâng cao thêm nhận thức thẩm mỹ cho cộng đồng trong trường hợp NTCC đã phát triển. Mỗi tác phẩm nghệ thuật được lựa chọn để hiện diện trong không gian đô thị thông thường cần đáp ứng về chất lượng thiết kế cùng một số yêu cầu cơ bản khác như ý nghĩa, trường nhìn, khả năng thụ cảm, chất liệu, màu sắc, …

Tính tùy biến trong tác phẩm nghệ thuật tạo hình ánh sáng của tòa nhà Duke Energy Building
(Nguồn: I-Light Technology)
 

Tòa nhà Duke Energy Building ở C-harlotte, tiểu bang North Carolina (Hoa Kỳ) được xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1996. Phía đầu hồi nhà quay ra đường, một tấm bảng vuông khổ lớn kích thước 16 m x 16 m chạy suốt 4 tầng nhà bao gồm rất nhiều thanh và ống chạy ngang, dọc và chéo được gắn vào hệ khung và lắp đèn màu để tạo hiệu ứng ánh sáng và bố cục thay đổi khi trời tối. Chiếu sáng điện được lập trình và đặt ở chế độ tùy biến, kết hợp từ một vài cho đến tất cả các thanh/ống tạo nên vô số hình động khác nhau. Mỗi hình như vậy được dừng một vài phút rồi lại chuyển tiếp sang một hình khác, kéo dài suốt buổi tối và ban đêm cho đến sáng hôm sau, nên không có hình nào được lặp lại. Chế độ chiếu sáng hôm sau được đặt khác hôm trước. Nếu đứng trên vỉa hè bên kia đường quan sát hồi lâu mới thấy hết được sự đa dạng của tác phẩm có kích thước không quá lớn, song ấn tượng để lại hẳn nhiên không hề nhỏ. Thành công của tác phẩm này chính là tính tùy biến.

Các ví dụ thành công về NTCC trên thế giới thực sự rất nhiều và dễ dàng được viện dẫn để minh họa cho tính thẩm mỹ, từ những trường hợp đơn giản nhất cho đến những trường hợp tinh tế và phức hợp nhất. Tuy nhiên, dường như phần lớn các tác phẩm đó chưa thể hiện, hoặc nếu có thì rất hạn chế, hai thuộc tính quan trọng ít nhiều có liên quan đến (và bổ trợ cho) tính thẩm mỹ: Đó là tính tùy biến và tính tương tác.

Tính đa năng của một công trình kiến trúc là gợi ý cho tính tùy biến của một tác phẩm NTCC. Trên thực tế, một công trình kiến trúc có thể đảm nhận nhiều chức năng khác nhau, trong cùng một thời điểm hoặc tại các thời điểm khác biệt, thậm chí có thể được chuyển đổi chức năng – khi đó chỉ cần cải tạo nội thất và chỉnh trang lại một số chi tiết trang trí ngoại thất, thay vì phá dỡ công trình cũ để xây một công trình mới tương ứng với chức năng sử dụng mới. Do vậy, nếu làm phép tham chiếu thì tính tùy biến của một tác phẩm NTCC có thể được hiểu là khả năng thay đổi theo thời gian của các yếu tố tạo nên tác phẩm và theo ý đồ của nghệ sỹ hoặc đối tượng sử dụng để cho ra một tác phẩm mới, dựa trên những gì đã có sẵn và đôi khi đưa thêm vào yếu tố tạo hình mới ở mức độ nhất định sao cho phù hợp. Như vậy, nghệ thuật sắp đặt, với những yếu tố tổ hợp riêng rẽ được gắn kết với nhau, khi cần có thể được tách ra, xoay, trượt, đẩy, nâng,… bố cục lại theo một trật tự khác, khá “linh hoạt” và rất sát với tiêu chí “tùy biến”. Một thế mạnh nữa của nghệ thuật sắp đặt có thể được tận dụng và nghiên cứu thêm để nâng lên thành tính tùy biến của NTCC chính là chủ đề mở, do vậy người nghệ sỹ hoàn toàn không bị bó buộc trong sáng tác nghệ thuật. Có rất nhiều ý tưởng tạo hình với cùng một số lượng và đặc tính của các yếu tố tổ hợp ban đầu. Những ý tưởng này có thể được lần lượt triển khai tại cùng một địa điểm. Kết quả là, thay vì có một tác phẩm nghệ thuật tạo hình cố định và để nguyên từ năm này qua năm khác, người nghệ sỹ đó sẽ biến đổi tác phẩm ban đầu của mình theo phương án số hai, số ba, … theo một kịch bản về thời gian, có thể theo tuần hoặc theo tháng.

Thảm hoa trên Quảng trường Lớn trước Tòa Thị Chính Thành phố Brussels (Vương quốc Bỉ)
 

Thảm hoa trên quảng trường lớn trước Tòa Thị Chính thành phố Brussels (Vương quốc Bỉ). Đây là một hoạt động nghệ thuật được khởi xướng từ năm 1971 và cho đến năm 1986 thì đều đặn diễn ra hai năm một lần, kéo dài trong ba ngày trung tuần tháng Tám, thu hút hàng trăm ngàn du khách đến thưởng lãm. Mỗi kỳ sẽ có một chủ đề riêng biệt, nhân một sự kiện nào đó. Chẳng hạn như: Năm 2010, để chào mừng Vương Quốc Bỉ giữ chức Chủ tịch Liên minh Châu Âu; Năm 2016, chủ đề về văn hóa Nhật Bản, kỷ niệm 150 năm ngày Nhật Bản và Vương Quốc Bỉ thiết lập mối quan hệ song phương… Mỗi một tấm thảm hoa như vậy có kích thước 75 m x 25 m, được kết từ 600.000 đến 700.000 bông hoa Begonias là một loài hoa nhiều màu sắc rất phổ biến và được ưa chuộng ở Bỉ. Với chủ đề của năm 2010, một thảm hoa rực rỡ với các họa tiết lấy từ tấm phù hiệu của thủ đô Brussels được tạo ra, còn năm 2016, các vật biểu trưng cho văn hóa Nhật Bản như Hoa Anh Đào, Trúc Nhật, Chim Hạc và Cá Koi (Cá chép Nhật) đã được đưa vào bức họa. Trong quá trình thực hiện tác phẩm nghệ thuật đầy ấn tượng và kỳ công này, nếu du khách đứng xem có nguyện vọng, các nghệ nhân khi sắp đặt các khóm hoa ở vành ngoài có thể đưa các chậu hoa nhỏ cho du khách tự tay đặt vào vị trí theo sự chỉ dẫn. Như vậy, tính tương tác được thể hiện ở một mức độ nhất định, bên cạnh tính tùy biến nổi bật.

Tác động của công trình kiến trúc đến người sử dụng (về mặt tâm lý và cảm xúc) để từ đó họ ứng xử thích hợp với công trình là xuất phát điểm cho việc nghiên cứu tính tương tác giữa con người và tác phẩm NTCC. Tác động theo chiều xuôi, từ tác phẩm đến công chúng, là điều dễ thấy trong khi đó theo chiều ngược lại thì dường như ít được chú ý. Tác động từ phía người sử dụng đến tác phẩm NTCC thường được diễn giải trên yếu tố hành vi, hoặc là thái độ tôn trọng nhằm góp phần gìn giữ, bảo vệ tác phẩm, hoặc sự thiếu hiểu biết, lý giải cho hành vi gây tổn hại (vandalism) như khắc tên, viết vẽ, sơn bừa bãi hoặc làm nứt vỡ tác phẩm. Xét trên khía cạnh “tùy biến”, khi một tác phẩm được tạo dựng theo hình thức sắp đặt, tính “tương tác” được thể hiện rõ nét hơn qua việc tự tay sắp xếp lại các thành phần ban đầu để có được một tác phẩm nghệ thuật mới. Qua đó, các cá nhân để lại dấu ấn của mình trong một khoảng thời gian xác định. Khi có tương tác trực tiếp như vậy, cá nhân sẽ cảm thấy tác phẩm NTCC gần gũi hơn. Nếu thời gian đủ lâu và tương tác ở mức độ thường xuyên thì sẽ tạo nên tình cảm gắn bó. Điều đáng chú ý là ở các quốc gia phát triển, công dân bình thường hoàn toàn có thể làm điều này, tác phẩm NTCC dạng sắp đặt được thiết kế ngay trong khu dân cư do cộng đồng quản lý, bởi vì họ đã được học các môn nghệ thuật tạo hình trong trường phổ thông, có nhiều cơ hội nâng cao kiến thức khi các tài liệu/chương trình về mỹ thuật rất phổ biến, rất chủ động, ham thích sáng tạo và thực hành.
Có thể thấy rằng tính tùy biến và tính tương tác có mối liên hệ mật thiết. Tính tùy biến và tìm tòi – sáng tạo (yêu cầu mở rộng số 2 của NTCC) lại đi đôi với nhau. Tương tự như vậy là tính tương tác và tính xã hội (thuộc tính cơ bản số 6 của NTCC nói riêng và thiết kế đô thị nói chung).

Bức tường Nghệ thuật ở Ga King’s Cross – London (Vương quốc Anh)
(Nguồn: Live Project Networks, United Kingdom)
 

Dự án Nghệ thuật Cộng đồng Song Board ngay lối vào Ga King’s Cross là một nhà ga xe lửa lớn gần trung tâm London (Vương Quốc Anh). Bức tường dài 35 m, cao 2 m, được gắn 2940 quả cầu bằng chất dẻo sơn hai màu vàng và đen có thể xoay quanh trục gắn bên trong, là tác phẩm sáng tạo của sinh viên trường Nghệ thuật Saint Martin hưởng ứng cuộc thi do Thị trưởng Thành phố London kêu gọi tham gia và phát động trước thềm Thế Vận Hội Olympics 2012 diễn ra tại London. Du khách đến và đi từ nhà ga, nếu không vội, thường đi ngang qua và dừng lại trước bức tường này, tự tay xếp chữ hoặc tạo hình trang trí trên bức tường này bằng cách xoay một số lượng nhất định các quả cầu theo ý thích và chụp hình kỷ niệm. Ở dự án này, cả hai tính tùy biến và tương tác cùng được thể hiện rõ ở mức độ cao.

Lời kết

Tính tùy biến và tương tác cần được nhìn nhận như là hai yếu tố mới và thực sự hiệu quả, nếu được lồng ghép vào tác phẩm NTCC thì sẽ đảm bảo chất lượng nghệ thuật cao hơn, bên cạnh sự hấp dẫn lớn hơn. Đây thực sự là một lĩnh vực lao động sáng tạo đầy hứa hẹn, nhất là khi có tư duy mới dẫn dắt và công nghệ hiện đại theo sau hỗ trợ.

Bàn cờ trước lối vào Thư viện Trung tâm Thành phố Leeds (Vương quốc Anh)
(Nguồn: Leeds List of Culture)
 

Bàn cờ vua tại lối vào Thư viện Trung tâm Thành phố Leeds (Vương Quốc Anh). NTCC không nhất thiết phải hoành tráng, hay quá cầu kỳ, phức tạp mà nhiều khi những điều đơn giản, bình dị có thể bị bỏ qua nhưng nếu được khai thác khéo léo lại có thể “làm nên chuyện”, khiến NTCC có thể lan tỏa rộng hơn trong không gian đô thị và đặc biệt thích hợp trong những đô thị lớn có mật độ xây dựng cao, nơi những không gian còn trống cho tác phẩm NTCC hiện diện thường nhỏ hẹp. Việc lựa chọn cờ vua làm “chất liệu” trước một thư viện tỏ ra thích hợp vì đó là một trò chơi trí tuệ. Mỗi người dân thành phố Leeds khi đến thư viện đọc sách, hoặc du khách đi bộ trên vỉa hè đều có thể sắp đặt một thế cờ riêng cho mình và tương tác với nhau và với không gian qua một ván cờ tượng trưng kéo dài vài phút. Tính tùy biến và tính tương tác qua tác phẩm bàn cờ tương đương nhau và có thể được thấy rất rõ.

 


Nguồn tin: TS. KTS Nguyễn Quang Minh/ Khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Đại học Xây dựng (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2018)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 42 | lượt tải:27

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 211 | lượt tải:109

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 206 | lượt tải:135

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 267 | lượt tải:116

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 348 | lượt tải:135

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây