0 NaN undefined

Quản lý kiến trúc cảnh quan KPC Hà Nội và sự tham gia của cộng đồng

Thứ hai - 06/08/2018 12:05

Sự tham gia cộng đồng vào công tác quản lý kiến trúc cảnh quan khu phố cổ

Cộng đồng (tiếng Anh: community, tiếng Pháp: communauté) là một khái niệm có thể hiểu trên nhiều phương diện, biểu đạt một tập hợp gồm nhiều cá thể mang đặc điểm chung nào đó. Về mặt xã hội, cộng đồng chỉ một nhóm những người có xu hướng liên kết, gắn bó với nhau vì có cùng sự quan tâm tới một vấn đề, hoặc cùng hướng tới những mục tiêu, giá trị chung.

Quản lý kiến trúc cảnh quan là công việc phức tạp, đòi hỏi sự thỏa thuận và cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan (từ các cơ quan quản lý, chủ đầu tư cho đến người dân, các nhà chuyên môn, các nhà hoạt động xã hội và môi trường…). Tuy nhiên, cộng đồng sống trong khu vực là những người trực tiếp chịu ảnh hưởng từ các quyết định từ phía các nhà chức trách. Do vậy, trong một xã hội đề cao tính công bằng – dân chủ như hiện nay, quyền lợi của người dân cần được đặt ở ví trí cao nhất. Để đảm bảo thực hiện điều đó một cách tốt nhất là cần thiết phải cho họ tham gia vào quá trình quản lý đô thị, bởi chính những người sống trong cộng đồng sẽ hiểu rõ nhất họ thực sự cần gì.

Hàng rong trong khu phố cổ
 

Trên thế giới, sự tham gia cộng đồng trong xây dựng và quản lý phát triển đô thị đã diễn ra mạnh mẽ. Hầu hết các thành phố mới xây dựng theo qui hoạch có sự tham gia cộng đồng đều trở thành những thành phố kiểu mẫu của Châu Âu và thế giới. Tại Pháp, trong giai đoạn từ năm 1970 đến 1980, cơ chế tham gia của cộng đồng đã được đưa vào hệ thống luật quốc gia, trong đó quy định việc điều tra ý kiến cộng đồng trong một số điều luật liên quan đến việc bảo vệ môi trường và phát triển đô thị.

Theo Viện Phó Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng Nguyễn Đăng Sơn,“sự tham gia cộng đồng” có thể hiểu: Là quá trình trong đó các nhóm dân cư của cộng đồng tác động vào quá trình quy hoạch, thực hiện, quản lý sử dụng hoặc duy trì một dịch vụ, trong đó trang thiết bị hay phạm vi hoạt động cao hơn; Chính phủ và cộng đồng cùng nhận một số trách nhiệm cụ thể và tiến hành các hoạt động để cung cấp các dịch vụ đô thị cho tất cả cộng đồng.

Như vậy, sự tham gia của cộng đồng là sự đóng góp các nguồn lực (cung cấp lao động, sử dụng đất đai, nguyên vật liệu, vốn, chất xám và các kỹ năng bao gồm kỹ năng tổ chức và quản lý…) vào công tác quản lý Nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của chính mình, không chỉ trong việc hiện thực hóa các kế hoạch, chính sách mà còn đóng vai trò trực tiếp tham vấn xây dựng các chiến lược phát triển. Quản lý đô thị có sự tham gia cộng đồng đảm bảo cho những người chịu ảnh hưởng của dự án được tham gia vào việc quyết định dự án, dung hòa quyền lợi giữa các bên liên quan, làm tăng mức độ cam kết của cộng đồng với dự án và nhờ đó tăng tính bền vững của dự án. Thêm vào đó, sự tham gia của cộng đồng làm tăng sức mạnh của cả cộng đồng, đặc biệt trong việc tự phát hiện, hiểu và giải quyết những vấn đề khó khăn của chính họ.

Trong thời đại ngày nay, sự tham gia của cộng đồng ngày càng có cơ hội được phát huy nhờ sức mạnh của công nghệ thông tin. Đặc biệt trong vai trò tham vấn. Công tác khảo sát lấy ý kiến người dân trở nên dễ dàng hơn với sự phát triển của mạng xã hội. Ngoài phương thức khảo sát truyền thống, ta có thể sử dụng nhiều công cụ để lấy thông tin từ các cộng đồng lớn mạnh trên mạng một cách vô cùng nhanh chóng và tiện lợi. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt. Ngoài việc rút ra những lợi ích từ tham vấn khảo sát trực tuyến, phía cơ quan quản lý cần có những phương pháp kiểm soát và xác thực thông tin để tránh những kết quả không chính xác, để sự tham gia của cộng đồng thật sự hiệu quả.

Biểu diễn nghệ thuật trong phố đi bộ
 

Thực trạng quản lý khu phố cổ Hà Nội với sự tham gia của cộng đồng

Trong công tác quản lý đô thị tại Việt Nam, đặc biệt tại khu phố cổ Hà Nội, sự tham gia của cộng đồng không phải chưa từng có tiền lệ, thậm chí còn diễn ra mạnh mẽ trong suốt khoảng thời gian từ cuối thế kỉ 19 đến cuối thế kỉ 20 và đạt được nhiều thành quả.

– Giai đoạn cuối thế kỉ 19 – nửa đầu thế kỉ 20: Cuối thế kỉ 19, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư tham gia xây dựng Hà Nội. Việc hiện thực hóa những phác thảo về quy hoạch khu phố Tây tại Hà Nội của người Pháp những năm 1890 đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc quản lý quy hoạch xây dựng tại khu phố của người bản xứ – tức khu phố cổ hiện nay.

Việc áp dụng một thành phố kiểu phương Tây trên nền một đô thị phương Đông đã khiến nhà cửa, hệ thống giao thông của Hà Nội có những thay đổi. Lần đầu tiên những cư dân Hà Nội tập hợp nhau lại để đối mặt với những chính sách quản lý đất đai, xây dựng mới do người Pháp thiết lập và vận hành. Tại các phường hội sản xuất, buôn bán, các làng quanh Thành cũ hình thành các hội đồng kì mục.

Nửa đầu thế kỉ 20 là khoảng thời gian mà công cuộc quy hoạch xây dựng thành phố có nhiều hoạt động “nhộn nhịp”. Năm 1902, “Dự án quy hoạch chung cho khu bản xứ” của Sở Đô thị được nghiên cứu. Tới thời điểm trước dự án quy hoạch của Ernest Hébrard, toàn thành phố có 60-70% nhà gạch được xây dựng. Từ 1928 tới 1946, dự án quy hoạch do E. Hébrard lập được thực thi xác định chỉ giới xây dựng của từng thửa đất. Năm 1957, bản đồ kiến thiết Hà Nội tỷ lệ 1/10000 do KTS Phạm Gia Hiển lập được công bố. Lần đầu tiên quy hoạch Hà Nội do KTS Việt Nam thực hiện và được thông qua Hội đồng thành phố của người Việt Nam.

Thị trưởng Thẩm Hoàng Tín (thị trưởng Hà Nội 1950-1952) nhận định: “Cùng với làn sóng hồi cư, thành phố gặp phải nhiều vấn đề phức tạp và cấp bách: Tái tạo, kiến thiết, đảm bảo trật tự an ninh, y tế, vệ sinh…” nên quy hoạch mới phần lớn chưa triển khai. Nhưng việc xây dựng lại các khu phố đổ nát đã thực hiện rất nhanh chóng.

Toàn bộ nguồn vốn xây dựng Hà Nội 1902 – 1954, bao gồm các công trình công sở, hạ tầng đường xá, nhà riêng hay những công trình sở hữu cộng đồng (đình, chùa, hội quán) đã được ngân sách thành phố tự cân đối và cộng đồng dân cư đầu tư. Điều đó cho thấy sự tham gia của cộng đồng cư dân thành phố quyết định hình thành lên diện mạo Hà Nội nửa đầu thế kỉ 20.

– Giai đoạn nửa sau thế kỉ 20: Sau chín năm kháng chiến gian khổ (1946-1954), ngày 10/10/1954, Chính phủ Việt Nam DCCH do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã trở về tiếp quản Thủ đô. Thành phố triển khai các chính sách quản lý đất đai cũng như các dự án quy hoạch mới. Tuy nhiên, khu phố cổ nằm bên ngoài các nghiên cứu xây dựng, mở rộng thành phố. Trong thời gian này, sự tham gia của cộng đồng dân cư Hà Nội thể hiện qua sự góp sức xây dựng hàng loạt công trình lớn của thành phố như: Công viên Thống Nhất, Đường Thanh Niên, Hồ Thành Công, Thanh Nhàn, sông Tô Lịch, kênh mương thủy lợi các xã ngoại thành, đắp đê Sông Hồng…

Năm 1986, bắt đầu thời kì đổi mới. Những làng quê đô thị hóa để trở thành thành phố đã “nhập khẩu” thiết chế quản lý của châu Âu để rồi sau đó bị lãng quên. Sở Nhà Đất Hà Nội có kho 93 tờ Bản đồ sổ sách lưu trữ hồ sơ quản lý hàng trăm ngàn ngôi nhà bao gồm các phố và 54 làng nội thành… Khi xóa nhòa khái niệm sở hữu tư nhân nhà đất, quan hệ giữa nhà đất và người sử dụng đơn giản hóa đã nảy sinh tranh chấp kiện cáo hàng chục năm…việc này đã góp phần làm tan rã nhanh chóng cấu kết cộng đồng truyền thống.

Năm 1995, Ban quản lý phố cổ thành lập, tuy nhiên trong 12 năm liền (1995-2007) hoạt động của Ban kém hiệu quả các dự án bảo tồn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước, viện trợ nước ngòai, khu phố cổ kém sức sống do thiếu vắng sự tham gia của cộng đồng.

– Giai đoạn đầu thế kỉ 21 tới nay: Sau khi Ban quản lý phố cổ trực thuộc UBND quận quản lý (2007), nhiều hoạt động bảo tồn di sản được triển khai đồng bộ: Hàng loạt các đình chùa được tôn tạo, trùng tu phục dựng, dự án chỉnh trang tuyến phố cũng như việc tổ chức các tuyến phố du lịch, đi bộ khá thành công. Chính quyền TP, Quận Hoàn Kiếm còn huy động người dân tham gia bảo tồn, chỉnh trang đường phố một cách tự giác… cho thấy sự tham gia công đồng đã tạo nên sức sống mới cho khu phố cổ.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý đô thị, vai trò và sự tham gia của cộng đồng chưa được khai thác triệt để. Người dân còn bị động trong việc thực thi quyền và nghĩa vụ của mình. Thực tế khảo sát các cá nhân và tập thể làm việc trong ngành xây dựng đô thị cho thấy đa số còn ít quan tâm tới vấn đề kiến trúc cảnh quan trong khu phố cổ. Hầu hết còn thờ ơ, chưa từng chủ động bày tỏ quan điểm về các chính sách của thành phố.

Sân đình trong khu phố cổ
 

Từ kết quả trên có thể dẫn tới hai khả năng sau:

  • Ý thức của người dân chưa được nâng cao dẫn đến sự thiếu trách nhiệm đối với vai trò tham gia của cá nhân và cộng đồng trong công tác quản lý phát triển đô thị;
  • Các biện pháp tuyên truyền, quảng bá và giáo dục của chính quyền đô thị đưa ra chưa thực sự đủ mạnh để thu hút sự tham gia của cộng đồng.

Thay Lời kết

Việc khai thác các sinh hoạt cộng đồng tại các không gian công cộng không chỉ làm tăng giá trị cuộc sống của con người, mà còn làm cho các không gian công cộng đó thêm sống động và ý nghĩa. Chính những sinh hoạt cộng đồng đó làm cho chúng ta nhớ tới các không gian hay địa danh tổ chức. Ví dụ như các hoạt động trượt băng nghệ thuật trước Quảng trường Toà thị chính Paris, liên hoan film tại thành phố Canne, lễ hội ánh sáng ở Lyon… Chính các sinh hoạt cộng đồng đã làm bổ trợ, tăng giá trị của các không gian công cộng, như hoạt động bãi biển nhân tạo bên bờ sông Seine – Paris, lễ hội hoá trang ở Venice, lễ hội hoa Anh Đào ở Tokyo…

Trong khi đó tại Việt Nam, các sinh hoạt cộng đồng tổ chức tại khu vực phố cổ Hà Nội dường như chưa được quan tâm đúng mức, các hoạt động thương mại, vui chơi giải trí diễn ra tại phố đi bộ vào cuối tuần và một số ngày lễ lớn như lễ hội Tết Trung thu tại đây được nhiều người hưởng ứng nhưng chưa thực sự nổi bật. Cách thức hoạt động của các sự kiện trên còn khá phổ biến, có thể thấy ở nhiều địa điểm khác và chưa thể làm bật lên giá trị đặc trưng của khu phố cổ, do đó chưa thực sự thu hút được sự quan tâm lớn từ cộng đồng. Có lẽ một trong những lý do quan trọng để chúng ta chưa có được những thành công nhất định như đã nêu ở trên đó là việc thiếu nghiên cứu một cách nghiêm túc về các hoạt động công cộng, vai trò của kiến trúc cảnh quan trong những hoạt động này, vai trò của cộng đồng được tham gia như thế nào? Ưu điểm và nhược điểm của những yếu tố đó…

Biểu diễn nghệ thuật truyền thống trước đình Bạch Mã. Ảnh trong bài: KTS Nguyễn Phú Đức
 

Vì vậy công tác quản lý, khai thác kiến trúc cảnh quan khu phố cổ có một vai trò hết sức quan trọng. Thiết nghĩ, để người dân thực sự tham gia vào các hoạt động cộng đồng, đặc biệt là công tác quản lý kiến trúc cảnh quan khu phố cổ và phụ cận, chúng ta cần phải có những nghiên cứu đánh giá đúng mức về vai trò và những ưu điểm của sự tham gia này.Đặc biệt, cách đặt vấn đề các hoạt động cộng đồng để làm tăng giá trị văn hoá, lịch sử và xã hội cho không gian khu phố cổ Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề còn phải suy nghĩ tới.

 
 
 
.

Nguồn tin: ThS.KTS Phạm Tuấn Long TS.KTS.DPLG Nguyễn Việt Huy (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 05-2018)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 27 | lượt tải:16

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 184 | lượt tải:88

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 192 | lượt tải:125

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 247 | lượt tải:106

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 331 | lượt tải:128

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây