0 NaN undefined

Những bài học từ lịch sử Xã hội học đô thị cho việc bảo tồn Phố cổ Hà Nội

Thứ ba - 11/11/2014 20:14
Phố cổ Hà Nội là một khu đô thị hấp dẫn, điều đó đã hẳn. Bằng chứng là nhiều người muốn sống ở đây, mặc dù điều kiện sống rất chật chội. Giá đất ở đây cao. Và du khách nào, cho dù trong hay ngoài nước tới Hà Nội cũng đều muốn thăm quan phố cổ, chứ không ai nảy ra ý định tham quan khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, Linh Đàm hay Ciputra cả. Vấn đề là giá trị của phố cổ nằm ở đâu? Phần hữu hình, nhà cửa kiến trúc kiểu phố Phái ngày nào thì nay đã biến hết rồi. Những kiến trúc hiện tại không có gì đáng nói. Vì vậy, người ta đều cho rằng giá trị chính của phố cổ là phi vật thể. Nhưng những giá trị phi vật thể đó là gì? Người ta liệt kê: lịch sử, văn hóa, lễ hội, ẩm thực, hương ước, nghề thủ công v.v. Nhưng nếu xét kỹ, thực ra đa số những giá trị này chỉ là hồi ức một thời. Hiện nay, gần như tất cả những giá trị phi vật thể nói trên đều chỉ còn rất mờ nhạt, khó có thể nói chúng là lý do cho sự hấp dẫn của khu phố này. 

Trong bài này, chúng tôi lược lại lịch sử ngành xã hội và tâm lý học đô thị, để tìm lời giải đáp rõ ràng hơn về những giá trị phi vật thể của phố cổ Hà Nội cũng như rút ra những bài học kinh nghiệm cho công tác quy hoạch, bảo tồn. Cũng xin nhắc lại là đây chỉ là riêng góc nhìn xã hội học. Nó không thể giải thích mọi khúc mắc về vấn đề giá trị và bảo tồn phố cổ, mà chỉ làm rõ hơn một số khía cạnh thôi. 

1- Trường phái Chicago


Chicago (ảnh minh họa, nguồn: RightsRepro@chicagohistory.org

Trường phái Chicago có thể được coi là khởi điểm quan trọng đầu tiên của ngành xã hội học đô thị, thịnh hành vào thời kỳ đầu thế kỷ 20. Khi đó, những giáo sư xã hội học ở đại học Chicago, dẫn đầu là Park, Burgess và McKenzie, đã đưa ra một số luận điểm cơ bản như sau: Giữa môi trường đô thị và hành vi xã hội có mối quan hệ nhân quả trực tiếp (determinism), trong đó môi trường sẽ quyết định tới hành vi, theo kiểu ở bầu thì dài, ở ống thì tròn. Một số kiến giải quan trọng của trường phái này trong mối quan hệ từ môi trường tới đời sống xã hội là như sau: 

a) Môi trường tabula rasa (tức là đất trống) tại Chicago thời đầu thế kỷ là nguyên nhân chính dẫn tới nhiều vấn đề bức xúc về xã hội. (ban đầu thành phố này chỉ có khoảng 10.000 dân, trong chưa đầy nửa thế kỷ tăng thành gần 2 triệu, như vậy đa số đô thị được xây dựng trên đất trống, không có phát triển lịch sử).

b) Sau những rối loạn ban đầu, đô thị sẽ được định hình dần với một số cấu trúc đặc trưng và dần đi vào ổn định. Quá trình hình thành cấu trúc đặc trưng này chủ yếu diễn ra dưới tác động của cấu trúc giá đất. Giá đất là yếu tố môi trường quan trọng nhất quyết định công năng sử dụng đất. Tại khu trung tâm thành phố, giá đất lịch sử cao nhất dẫn đến một quá trình đẩy dần các tầng lớp dân cư ra ngoài. Trong trung tâm chỉ còn những dịch vụ rất cao cấp, đắt tiền như cửa hàng, nhà băng, bảo hiểm, quá xá cao cấp, khách sạn trụ lại được. Dân cư thì chỉ còn một ít những người cực giàu. Dần dần khu trung tâm trở thành business district. Những nhóm dân thu nhập thấp bị đẩy ra vành ngoài, nhưng sát khu trung tâm. Nhóm này không thể rời xa khu trung tâm, vì họ phải kiếm ăn trong trung tâm và không thể có nhiều thời gian cho đi lại. Do vòng thứ hai này vẫn có giá đất cao nên những người nghèo đô thị sẽ phải sống rất chật chội trong những khu dân cư ổ chuột. Cuối cùng là nhóm trung lưu thường sẽ bật ra vùng ngoài cùng, dạng ngoại ô đô thị và tạo thành những gated community. ở đó họ có được diện tích tương đối rộng để có được biệt thự riêng, có sự an toàn và khoảng cách nhất định. Họ có thể được nhóm dân nghèo ở lớp giữa phục vụ mà không phải chung sống với đám dân nghèo này. Họ lại cũng có thể vào trung tâm làm việc, vì họ có tương đối nhiều thời gian và phương tiện đi lại tốt hơn.
Cấu trúc xã hội đô thị đặc trưng với bố cục đồng tâm này được coi là quy luật phát triển xã hội học đô thị. Khi quy hoạch đô thị, người ta sẽ tính đến quy luật này để lường trước những vận động xã hội tương lai, từ đó đưa ra những giải pháp quy hoạch phù hợp. Đặc biệt người ta cho rằng can thiệp giá đất sẽ là một công cụ hữu hiệu của quy hoạch để điều phối các cấu trúc sử dụng và cấu trúc xã hội theo ý muốn.

c) Trong vành đai thứ hai, gồm nhiều tầng lớp dân nghèo đô thị, lại có thêm sự phân hóa tiếp. Để tiện việc làm ăn sinh sống, họ thường tập hợp thành những cộng đồng có cùng sắc tộc, văn hóa, dòng họ v.v. và có tổ chức cộng đồng tương đối chặt chẽ. Từ đó họ tạo ra những nhóm tiểu văn hóa đô thị (subculture theory). 

Bài học rút ra cho phố cổ:

  • Mọi sự phát triển đô thị từ nền đất trắng đều rất khó khăn, gắn liền với những mặt trái của xã hội. Phải sau một thời gian dài đô thị mới ổn định được. Đô thị lịch sử thường có một số giá trị xã hội tốt hơn đô thị mới. 
  • Giá đất là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến công năng, mật độ sử dụng và thành phần dân cư. Muốn điều tiết cấu trúc thì cần điều tiết giá đất, nhưng việc điều tiết này không phải dễ dàng.
  • Chỉ có lớp trung lưu mới có thể chuyển ra ngoại ô. Dân nghèo thì luôn phải ở sát trung tâm. Nhưng nhóm trung lưu thì có thể tự chuyển nếu họ muốn, nhà nước không cần và không nên bao cấp cho nhóm này để làm một việc mà đằng nào họ cũng muốn và có thể làm.
  • Những nhóm dân nghèo trong trung tâm thường tụ tập thành từng cụm tiểu văn hóa, có thể là cùng quê, cùng ngành nghề, cùng phường hội, cùng sắc tộc. Quan hệ trong những cụm tiểu văn hóa này chặt chẽ hơn bình thường. Cấu trúc phố cổ Hà Nội cũng tuân theo quy luật tương tự, với những phường hội truyền thống, thường là mỗi phường có ngành nghề, quê quán, ông tổ, phong tục riêng. Việc bảo tồn, phát huy những cụm tiểu văn hóa này sẽ tạo ra những nét độc đáo trong đô thị. Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng cấu trúc các cụm tiểu văn hóa này là một dạng cấu trúc đặc trưng của các đô thị trung cổ, tiền hiện đại trên thế giới. Thứ nhất, nó không phải đặc sản của riêng Hà Nội. Thứ hai, việc bảo tồn nó sẽ gặp những vấn đề thời đại. Không phải ngẫu nhiên mà cấu trúc này ở nhiều đô thị lịch sử khác trên thế giới mất dần đi.

2- Trường phái xác suất 

Trong quá trình phát triển, xã hội học đô thị đã đi từ quan điểm nhân quả cứng sang những quan hệ sác xuất.Festinger et al.1950; Whyte 1956 phát triển ý tưởng về các cộng đồng tiểu văn hóa của trường phái Chicago và cho rằng nếu chỉ là giá đất thì khó giải thích tại sao có sự hình thành những cụm tiểu văn hóa khác nhau trong vành đai hai, vì về nguyên lý thì giá đất tại vành đai này ban đầu tương đối như nhau. Họ cho rằng một số đặc điểm môi trường nhất định sẽ làm tăng sác xuất xảy ra một số quan hệ, hành vi xã hội nhất định, từ đó tăng sác xuất tụ tập của một nhóm người thường có dạng quan hệ hoặc hành vi này. Gerald Suttles, 1972 phân tích là với một số cấu trúc khu ở đặc biệt hấp dẫn đối với một số nhóm đối tượng nhất định có thể làm tăng xác suất lôi kéo được nhóm này tới định cư. Những cộng đồng cư dân đó được gọi là cộng đồng được trù tính trước – constrived community.

Bài học cho phố cổ:

Lãnh đạo quận Hoàn kiếm từng phát biểu: chúng tôi sẽ tìm ra cách sống của dân phố cổ và thiết kế cho họ những khu tái định cư phù hợp. Đây chính là quan điểm về constrived community. Tuy nhiên, ta cần biết khái niệm này chỉ áp dụng cho những cộng động với đặc điểm rất đơn giản (chẳng hạn gia đình có con nhỏ). Trong khi đó “dân phố cổ” là một khái niệm phức hợp. Khó có công cụ nào cho phép mô tả loại dân này, và như vậy càng khó định nghĩa môi trường nào có sác xuất lôi kéo được những dân này. 

3- Social capital

Sang những năm 70, song song với những phát hiện của ngành nhân chủng học về giá trị của những khu tự phát và ổ chuột, vành đai hai của các đô thị với những khu cư dân nghèo lại được quan tâm đặc biệt trong xã hội học. Khái niệm Subculture một lần nữa trở nên nổi bật, với mục đích nhìn nhận giá trị văn hóa đặc biệt của những khu đô thị này. Vấn đề chúng là slum hay squatter trở thành chủ đề rất phụ. Tuy nhiên có một sự thay đổi cơ bản giữa trọng tâm khái niệm subculture thời kỳ này so với thời kỳ Chicago. Tại thời Chicago, Subculturenhằm chỉ những ốc đảo sắc tộc, văn hóa khác nhau hình thành trong vành đai hai, do những nhóm nhập cư có nguồn gốc khác nhau tạo nên. Trong khi đó, khái niệm subculture của những năm 70 lại nhấn mạnh đây là những tiểu đơn nguyên cơ bản cấu thành nên văn hóa, cấu trúc xã hội đô thị.

Những nhận thức về giá trị nhân văn, cộng đồng tại các khu dân cư tự phát được Pierre Bourdieu tổng hợp thành lý thuyết về tư bản xã hội - social capital hay tư bản biểu tượng -symbolic capital. Theo ông thì một cộng đồng không chỉ là tổng của những cá thể, mà nó có giá trị, sức mạnh riêng. Không những thế, cộng đồng mới là đơn nguyên tạo ra sự phát triển đô thị, chứ không phải là các cá thể. Khi những cá thể có một nhu cầu nội tại liên kết thành cộng đồng, xác định mình là một thành phần của cái chúng ta, thì họ sẽ tạo ra một tiềm lực mới, có vai trò quan trọng với sự phát triển tương tự như khả năng sinh ra giá trị thặng dư của mọi dạng tư bản truyền thống, nên gọi là tư bản xã hội. Tất cả những gì dẫn đến sự gắn bó cộng đồng này: tên chung, lịch sử, ngành nghề, dòng tộc, tín ngưỡng, quê hương, địa điểm, văn hóa v.v. đều là những cấu hình tạo nên tư bản xã hội. Cho dù có thể lượng hóa chúng một cách chính xác bằng tiền hay không thì một điều chắc chắn là chúng có giá trị tư bản.Social capital hiện nay là một trong những chỉ số cơ bản dùng để đánh giá đô thị, được tạo bởi rất nhiều giá trị phi vật thể khác nhau.

Có điều là những giá trị phi vật thể này có quan hệ tương đối lỏng lẻo với môi trường. Theo Michelson 1977 thì người ta không dễ dàng chủ động tạo ra được những giá trị phi vật thể này một cách chắc chắn, thậm chí với sác xuất cao, bằng những giải pháp không gian, môi trường. Người ta chỉ có thể tạo ra những điều kiện cần để chúng có thể nảy sinh. Vai trò của quy hoạch đô thị trong khía cạnh này là rất khiêm tốn. Nhà quy hoạch không thể khẳng định sẽ tạo ra những giá trị phi vật thể nào. Anh ta chỉ có thể đảm bảo những điều kiện cần để không gây ra những thảm họa thôi. Những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, ngành quy hoạch đã phải bằng lòng với nhận thức này. Việc của quy hoạch là cung cấp mảnh đất màu mỡ, tưới tiêu đầy đủ. Còn thì hạt nào sẽ tự mọc thành cây đó. Nhà quy hoạch từ vai trò chúa trời trở thành moderator. Sự tự chủ, tự quyết, tự phát triển của các cộng đồng được coi là quan trọng nhất. Và cũng chính từ đó, người ta càng biết quý những nơi đã hình thành được social capital một cách tự nhiên trong lịch sử và càng phải khẳng định đó là những di sản cần phải được bảo tồn. 

Bài học cho phố cổ:

  • Với quá trình hình thành lâu đời, dưới dạng những phường hội truyền thống, quan hệ dòng tộc, ngành nghề, tín ngưỡng, quê hương v.v. đã tạo ra tại khu phố cổ những cụm tiểu văn hóa với mức tư bản xã hội cao. Chính mức tư bản cao này khiến cho cộng đồng có sự gắn kết, bền vững và khả năng miễn dịch cao đối với những thay đổi từ môi trường. Tư bản này cũng là một phần quan trọng đóng góp vào sự phát triển và thành công về kinh tế của khu phố cổ.
  • Những khu đô thị mới khó có thể có được tư bản xã hội này, vì mối quan hệ giữa không gian, môi trường và yếu tố xã hội này rất lỏng lẻo. Cho dù cố gắng đến đâu, tạo ra những môi trường tốt đến đâu thì cũng không thể trực tiếp tạo ra tư bản xã hội, mà chỉ có thể hy vọng nó sẽ tự nảy sinh.
  • Tuy nhiên, mối liên hệ tư bản xã hội này chủ yếu có giá trị nội tại đối với cộng đồng dân cư ở đây. Nó giải thích phần nào mối liên hệ chặt chẽ giữa những cá nhân ở đây và lý do tại sao họ không muốn di dời. Nhưng còn việc tại sao khu phố cổ lại hấp dẫn du khách thì nó chỉ là một lý do yếu, tức là nếu cộng đồng yên ổn, phát đạt, yêu thương nhau thì người ngoài cũng thấy đó là một không gian dễ chịu. 

4- Community liberated 

Barry Wellman 1979 Tổng kết lại những câu hỏi về cộng đồng đô thị và cho rằng có 3 hiện tượng xảy ra đối với cộng đồng dân cư trong quá trình đô thị hóa:

- Sự tan rã cộng đồng – community lost: là hiện tượng những mối quan hệ cộng đồng chặt chẽ xưa kia như gia đình, chòm xóm ngày một trở nên lỏng lẻo. Con người trở nên cô đơn, không còn những chỗ dựa cộng đồng. Cũng có thể nói là social capital bị mất dần. 

- Sự bảo tồn cộng đồng – community saved: Đó là hiện tượng đặc biệt hay gặp trong những cộng đồng nghèo, là vì sự sống còn, họ buộc phải cấu kết lại với nhau, tạo ra một dạng làng trong lòng đô thị. Đây cũng là những giá trị phi vật thể của những cụm dân cư này dưới dạng social capital truyền thống mà ta vừa bàn ở trên. Tuy nhiên, giá trị co cụm này là con dao hai lưỡi. Một mặt có thể nhìn nó như những giá trị tích cực, nhưng cũng có thể vì nó mà những cộng đồng này chịu tiếng xấu về sự bảo thủ trì trệ, lạc hậu mà Lewis đã nhấn mạnh.

- Tính phi cộng đồng – community liberated: Đó là hiệu ứng khi một khu đô thị rất đa dạng và mật độ cao thì tuy những cộng đồng sơ cấp cổ truyền đã tan rã, nhưng lại có cơ hội tạo ra muôn hình vạn trạng những dạng cộng đồng thứ cấp, hội hè bè đảng, những người cùng sở thích, cùng tín ngưỡng v.v. Tuy mỗi liên kết này chỉ có tác dụng trong một số hoàn cảnh nhất định, nhưng rất nhiều mối liên kết đó thì lại tạo ra một social capital rất vững chắc và có giá trị. Đây mới là giá trị phi vật thể lâu bền của xã hội đô thị thực thụ. (Alejandro Portes và trường phái Wisconsin) Những mạng lưới quan hệ cộng đồng trong đô thị có thể vượt ra xa khỏi phạm vi ranh giới một tiểu khu. Mạng lưới càng rộng, càng dày, càng đa dạng thì giá trị tư bản xã hội càng cao. Những mạng lưới khác nhau này khiến cho những nhóm người thuộc các thành phần rất khác nhau có thể được tập hợp để giải quyết những vấn đề có liên quan đến rất nhiều cá thể, chẳng hạn người ta có thể tập chung cho một giờ tắt điện vì trái đất xanh. Những xã hội có quan hệ mạng đa dạng sẽ có tinh thần làm chủ, ý thức chính trị cao.

Bài học cho phố cổ:

  • Lối liên kết cổ truyền: “làng trong phố” với những liên kết sơ cấp chặt chẽ tuy cũng là một dạng social capital nhưng nó là dạng thức của một thời quá khứ. Một mặt, nó làm tăng năng lực chống chịu, phát triển của một cộng đồng, nhưng đồng thời, nó lại tạo ra vỏ bọc, rào cản đối với muôn vàn khả năng kết mạng thứ cấp khác, khiến cho cộng đồng có thể bị cô lập. Tư bản xã hội thực sự của thời đại mới là khả năng kết mạng thứ cấp đa dạng, vượt ranh giới địa lý. Nếu khu phố cổ giữ được sự hấp dẫn đặc biệt, nhất là cả đối với người ngoài, thì rất nhiều khả năng là nó đã tạo ra được hệ thống kết mạng thứ cấp rất phong phú mà những khu phố khác không hoặc chưa thể có được. Muốn nghiên cứu giá trị phi vật thể thực sự của khu phố cổ, cần điều tra tình hình nối mạng thứ cấp này, chứ không phải tập trung vào những giá trị làng xã quá khứ.
  • Trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay, khả năng kết mạng này không nhất thiết phụ thuộc vào vị trí địa lý. Tuy nhiên, sự tập trung đông dân, với đa dạng ngành nghề, đa dạng dịch vụ và thành phần phức tạp tại một khu vực nhỏ làm tăng sác xuất va chạm và kết nối thứ cấp một cách đáng kể. Mật độ dân cư cao, sự phức tạp và đa dạng thành phần trong khu phố cổ do đó là đặc điểm môi trường quan trọng nhất có khả nghi liên quan tới năng lực kết mạng do đó là yếu tố hàng đầu cần bảo tồn. Vì thế, những đề án di dân quy mô lớn là trái với lợi ích của bảo tồn. 

Phố cổ Hà Nội (nguồn: Ashui.com) 

5- Không gian vi mô tối ưu cho mọi người – Thiết kế môi trường và tâm lý học đô thị

Có một hiện tượng nữa mà Harvey Molotch, David Harvey và Neil Smith tập trung nghiên cứu, đó là khi tầng lớp trung lưu dời khỏi trung tâm ra ngoại ô, họ mang theo nguồn thu thuế và chi tiêu chính ra những vùng này. Lớp trung lưu làm việc, có thu nhập chủ yếu nhờ môi trường đô thị trong trung tâm, nhưng lại mang lợi nhuận ra vun đắp cho những khu biệt thự ngoại ô. Trong khi đó những cộng đồng dân cư nội thành, là những người cung cấp dịch vụ hàng ngày, giữ lửa cho khu trung tâm, thì ngày càng lâm vào tình trạng nghèo đói, do điều kiện sống chật chội, đắt đỏ. Nếu cứ để tiếp diễn như vậy, khu trung tâm sẽ dần bị bỏ rơi, chết dần, như đã xảy ra ở nhiều nơi. Trong khi đó những khu biệt thự bên ngoài lại không đủ tiêu chí để thay thế cho khu trung tâm. Từ đó mà giá trị tổng thể của đô thị sẽ bị giảm sút. Một giải pháp có thể là cần phải có biện pháp bao cấp, chia sẻ những lợi nhuận xã hội cho các cộng đồng dân cư nghèo trong trung tâm. Tuy nhiên, giải pháp này không phải dễ thành công. Khi nhà nước bỏ tiền vào tu sửa, nâng cấp những khu dân cư nghèo trong nội thành, giá đất sẽ cao lên, giá sinh hoạt cũng cao lên. Kết quả là những người nghèo này tuy được hưởng cái lợi ban đầu, nhưng sau sẽ dần bị đẩy khỏi khu vực đó, đồng nghĩa với việc bị cắt khỏi nguồn thu nhập hàng ngày. Còn nếu nhà nước giải tỏa những khu ổ chuột gần trung tâm, dời họ tới những khu tái định cư bên ngoài, thì cũng có tác dụng tương tự, nghĩa là tách họ khỏi nguồn thu nhập. 

Sau những phát hiện của nhóm Molotch, các nhà xã hội học đô thị cho rằng thế thì chẳng nên rời ai ra khỏi trung tâm cả. Người nghèo không thể ra, vì ra thì chết. Người giàu cũng không thể ra, vì ra thì chảy máu tư bản. Vậy thì bài toán là làm sao để khu trung tâm trở nên hấp dẫn cho mọi đối tượng, mọi thành phần, và làm sao để họ chung sống hòa bình được với nhau. Họ cho rằng nếu nghiên cứu và thiết kế ra những môi trường đô thị tốt hơn, tối ưu hơn thì mọi người sẽ cùng sống với nhau như vậy được. Còn nếu đô thị phát triển tới mức nào đó, không thể dồn tất vào một trung tâm, thì sẽ thành lập những trung tâm khác, với cấu trúc đa thành phần tương tự. Từ đó có mô hình đô thị đa tâm. 

Năm 1970, một số chuyên gia liên ngành ở bắc mỹ tập hợp thành một nhóm chuyên nghiên cứu về thiết kế môi trường - Environmental Design Research Association (EDRA). Tổ chức này xuất bản tạp chí Môi trường và hành vi, (Environment and Behavior) rất có uy tín, và đã khuyến khích hàng loạt nghiên cứu trong lĩnh vực này suốt thập kỷ 70. Một trong những dòng chính là của các nhà tâm lý học môi trường. (Proshansky 1970; Toepfer 1972; Ittelson 1974; Heimstra, McFarling 1974; Gifford 1987; Bonnes, Secchiaroli 1995) Ngoài ra còn có bên địa lý (Rapoport 1977) và xã hội học. (Michelson 1970) EDRA đã làm một cuốn tổng kết những kết quả nghiên cứu của thập kỷ 70. (Moore et al. 1985) Ngoài ra có cuốn sổ tay về tâm lý học môi trường (Stokols and Altman 1987) và cuốn sổ tay về xã hội học môi trường (Dunlap and Michelson 2002), là những cuốn sách liệt kê những đóng góp của ngành xã hội học trong thời gian đó vào lĩnh vực thiết kế đô thị.

Ở Châu Âu, đặc biệt các nước ở Scandinavi, Hà Lan, nghiên cứu những vấn đề rất cụ thể, thực tiễn xem một số cấu trúc không gian đô thị cụ thể có hiệu quả như thế nào và đưa ra nhiều bài học kinh nghiệm trong cả lĩnh vực nhà ở, không gian công cộng, môi trường làm việc v.v. (Thiberg 1985).

Càng ngày, người ta càng ít tin tưởng hơn vào vai trò của những đại cấu trúc như đô thị, khu đô thị vào cuộc sống xã hội của người dân. Thay vì nghiên cứu những mô hình cấu trúc tổng thể, người ta tìm cách tối ưu hóa những không gian nhỏ nhất, cho từng hoạt động, từng nhu cầu xã hội cụ thể. Hàng nghìn những cải tiến nho nhỏ sẽ có hiệu quả tốt hơn là một thay đổi vĩ mô. Michelson, Van Vliet 2002

Bài học cho phố cổ:

  • Quan điểm tâm lý học môi trường cho rằng môi trường tốt sẽ dẫn tới hành vi tốt, con người tốt hơn, ngược lại môi trường xấu sẽ khiến con người bị biến thái, hành vi sai lệch. Nếu cho rằng về nguyên tắc không nên di dân phố cổ, thì nỗ lực bảo tồn và phát huy phố cổ sẽ tập trung ở chỗ làm sao để khiến cho khu phố này tốt hơn, đáng sống hơn, hấp dẫn hơn, và làm sao giảm thiểu được những bức xúc hiện nay trong khu phố này. Có rất nhiều tài liệu, kinh nghiệm cụ thể về lĩnh vực này. 
  • Trong lĩnh vực quy hoạch, đặc biệt quan trọng là các nghiên cứu của Christopher Alexander về cấu trúc ngữ pháp của không gian đô thị. Qua quan sát, tổng kết những không gian thực tế ở đô thị, ông rút ra được hơn 250 mẫu không gian nhỏ, tối ưu cho những hoạt động, tâm lý của con người. Tất nhiên đối với phố cổ, với người dân đô thị Việt nam, có lẽ cần một nghiên cứu tương tự, để rút ra những bài học kinh nghiệm mang tính địa phương. Trong nghiên cứu của mình, Ch. Alexander đã rút ra rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn từ việc nghiên cứu các đô thị lịch sử từ thời trung cổ. Do không gian sống ở những đô thị này rất chật hẹp, và lịch sử phát triển lại rất lâu đời, nên kết tinh được những giải pháp tối giản. Tương tự như vậy, phố cổ Hà Nội có thể là một cuốn sách với những công thức không gian tối giản của dân đô thị Việt Nam đã được kết tinh từ nhiều thế hệ. Đây cũng là một giá trị phi vật thể rất quan trọng của khu phố cổ, dưới góc độ thiết kế môi trường và tâm lý học đô thị.
  • Theo như nhận thức chung của thế giới, những can thiệp vào phố cổ nên là rất nhiều dự án tối ưu hóa nho nhỏ, thay vì những biến động lớn kiểu như di dời một lúc 40% dân số.

6- Chủ nghĩa cấu trúc (structuralism)

Một dòng khác trong xã hội học đô thị thì không cho rằng môi trường đô thị, dù vĩ mô hay vi mô, có thể ảnh hưởng nhiều tới hành vi, hoạt động xã hội, nhất là khó có thể ảnh hưởng tích cực. Ngược lại, con người và hành vi của họ mới là yếu tố chủ động. Một môi trường không phù hợp ban đầu có thể được biến đổi thành tốt. Ngược lại một môi trường rất tốt nếu không có sự quản lý đúng đắn có thể bị hỏng. Ở đây, vai trò của nhà quy hoạch còn bị giảm nữa. Không những anh ta không nên quyết định về những cấu trúc không gian lớn, mà kể cả không gian nhỏ li ti cũng không khiến anh ta làm. Việc anh ta cần làm là đảm bảo một hành lang tự do cho người dân tự chủ, tự xây dựng lấy môi trường của họ. (Firey 1947). 

Một số học giả khác thì không cho rằng cá thể là những đơn nguyên có vai trò tạo tác trong môi trường đô thị, mà là những nhóm lợi ích, những thế lực xã hội. (Form 1954; Long 1958) Trường phái này có thể gọi là tân marxist, với quan điểm là cấu trúc giai cấp trong xã hội, trình độ sản xuất, phương thức sản xuất v.v. sẽ quyết định tới cấu trúc không gian và môi trường. Sự điều phối, thương lượng giữa các thế lực này để đưa ra một giải pháp có lợi cho các bên là nhiệm vụ chính của quy hoạch. Những thế lực này thường xuyên thay đổi theo thời gian và tùy vào tính chất của sự việc. Vì thế việc phân tích các bên liên quan (stakeholder audit) là một công cụ chính của quy hoạch trong mỗi dự án.

Sau này, Molotch đưa ra những kết luận tương đối tiêu cực, đó là mọi con đường phát triển đô thị đều bị một cấu trúc lợi ích băng đảng khống chế. Nhóm lợi ích này gọi là “cỗ máy phát triển đô thị” và luôn đưa ra những mô hình phát triển rất đặc trưng, với kết quả là người giàu ngày càng giàu hơn, và khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng. Phát triển đô thị do đó không bao giờ là phát triển cho mọi người, mà luôn chỉ cho một nhóm nhỏ. (2007)

Vì thế, vai trò của quy hoạch luôn phải là đứng về phía cộng đồng, chống lại các băng nhóm lợi ích thì mới mong tạo ra tiến bộ cho cộng đồng, một nhiệm vụ vô cùng nan giải. 

Bài học phố cổ:

  • Theo quan điểm chủ nghĩa cấu trúc thì giá trị chính của phố cổ sẽ nằm ở hành vi, chứ không phải là ở cấu trúc không gian. Cấu trúc không gian chẳng qua là sản phẩm của hành vi. Qua nghiên cứu không gian, người ta có thể rút ra những kết luận về hành vi.
  • Quan trọng nhất trong việc nghiên cứu hành vi là việc phân tích các thế lực và tương quan lực lượng trong xã hội cũng như giải mã động cơ của họ. Tại sao phố cổ hấp dẫn, hấp dẫn đối với ai, ai là người hưởng lợi. Mặt khác tại sao phố cổ lại không hấp dẫn đối với một số người khác, họ bị thiệt hại thế nào.
  • Tương tự thì đối với một dự án như di dân phố cổ, việc quan trọng cũng không phải là lợi hay hại, mà phải phân tích kỹ xem ai được lợi, ai bị hại. Theo dự đoán của Molotch thì đằng sau mọi dự án lớn, ta sẽ thấy người được hưởng lợi là một thế lực nhỏ, còn người bị hại sẽ là số đông. Cụ thể cấu trúc nhóm hưởng lợi này gồm những thành phần nào, Molotch cũng đã có nghiên cứu rõ. 

Nguồn tin: Ashui.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 148 | lượt tải:69

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 160 | lượt tải:113

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 204 | lượt tải:96

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 308 | lượt tải:120

3004/QĐ-UBND

Quyết định số 3004/QĐ-UBND của UBND Thành phố HN về việc Phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường vào Trụ sở Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trại tạm giam T16 và Trung tâm thẩm vấn của lực lượng cảnh sát, tỉ lệ 1/500

Thời gian đăng: 27/07/2023

lượt xem: 205 | lượt tải:57

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây