Thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021, UBND Thành phố Hà Nội đã giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 4199/QĐ-UBND ngày 17/9/2021. Ngày 16 tháng 6 năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 700/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Văn bản hợp nhất số 16/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020 của Văn phòng Quốc Hội, hiện nay Đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” đang được công khai lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư tại các Quận, Huyện, Xã...trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Để có thêm cơ sở lý luận cũng như thực tiễn, việc tham vấn ý kiến chuyêngia, các nhà khoa học phục vụ phản biện đồ án “Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” hết sức cần thiết. Sáng ngày 30/11/2023, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà nội đã phối hợp cùng Sở Quy hoạch kiến trúc tổ chức đồng thời hai hội thảo chuyên đề với chủ đề Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật thủ đô Hà Nội và chủ đề Định hướng phát triển không gian thủ đô Hà Nội.
Tại buổi hội thảo Định hướng phát triển không gian thủ đô Hà Nội, tham dự có Ông Nguyễn Bá Nguyên – Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến Trúc Hà Nội; Ông Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (HUPI); Bà Phạm Thị Nhâm – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP); Ông Đào Duy Hưng - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; Ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch – Phát triển đô thị Việt Nam; Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; Bà Lã Thị Kim Ngân – Nguyên Viện Trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội; Ông Lê Quang Hùng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Ông Phạm Hùng Cường – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; Ông Vũ Hoài Đức – Giảng viên Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội; Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội; Bà Trần Thị Lan Anh – Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây Dựng; Ông Phạm Khánh Toàn – Giám đốc Trung tâm Phát triển Hành nghề Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Ông Đỗ Hậu – Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam; Ông Trần Đức Toán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam; ....cùng nhiều chuyên gia và các nhà khoa học đến dự.
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội Lưu Quang Huy cho biết, Hà Nội sẽ triển khai đồng thời nhiều quy hoạch lớn như: Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chương trình phát triển đô thị toàn TP Hà Nội đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Đây là những quy hoạch, chương trình mang tính bản lề, quyết định cho định hướng chung về phát triển đô thị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời kỳ mới. Hội thảo được tổ chức nhằm lấy ý kiến phục vụ phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học về những vấn đề mà công tác quy hoạch cần phải giải quyết trong giai đoạn tới.
Ông Lưu Quang Huy – Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (HUPI) phát biểu khai mạc
Đại diện đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt nội dung đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 với chủ đề Định hướng phát triển không gian thủ đô Hà Nội.
Thạc sĩ. Kiến trúc sư. Lê Hoàng Phương – Giám đốc Trung tâm quy hoạch Hà Nội - Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia đại diện đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt đồ án
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/TĐ-TTg ngày 26/7/2011 (gọi tắt là QHC2011) đã trở thành công cụ pháp lý quan trọng cho công tác quản lý quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội từ năm 2011 đến nay. Trên cơ sở QHC2011, thành phố Hà Nội đã tiến hành lập và phê duyệt đồng loạt các quy hoạch chuyên ngành (hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hệ thống hạ tầng xã hội), quy hoạch chung các đô thị vệ tinh, các huyện ngoại thành, quy hoạch phân khu các khu vực thuộc đô thị trung tâm, theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014.

Bên cạnh đó, cùng với tiến trình phát triển đô thị, một số vấn đề trước đây chưa được đề cập tại QHC2011, nay đang trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển đô thị như: chuyển đổi xanh; chuyển đổi số; tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu; đô thị thông minh; khai thác không gian xây dựng ngầm, nhất là không gian công cộng ngầm, gắn kết với công trình theo mô hình TOD; các dự án trọng điểm như đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị,...và các yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị và nông thôn trên địa bàn Thủ đô. Do đó cần được đặt ra trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trong giai đoạn này.


Sau khi nghe đơn vị tư vấn lập quy hoạch trình bày, các đại biểu tham dự Hội thảo đã trực tiếp đóng góp ý kiến các nội dung có liên quan.
Theo Ông Lê Quang Hùng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, hiện các nhà đầu tư vào nhiều, nên cũng có nhiều bất cập, bản chất của đồ án bây giờ nên sắp xếp lại và cần gọt giũa, đây cũng là cơ hội tốt để đồ án là cơ sở pháp lý phục vụ quản lý quy hoạch. Xét về vấn đề không gian cần cân đối xác định các đô thị nhằm hỗ trợ lẫn nhau, xem xét thêm về các đô thị vệ tinh là tự phát triển lên hay hút dân từ bên ngoài vào. Đối với mảng kinh tế làm rõ hơn các loại hình công nghiệp, theo quy hoạch nông thôn hóa thành thị màu xanh khá nhiều, tuy nhiên cần đánh giá hiện trạng đất hiện tại. Bên cạnh đấy, cơ sở hạ tầng liên quan đến nguồn lực, chỉnh trang đô thị cần chỉ rõ về lộ trình, các công trình có trước hay hạ tầng xây dựng trước... ngoài ra lưu ý về thoát nước ngập úng của Hà nội.
Theo Bà Lã Thị Kim Ngân – Nguyên Viện Trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, chúng ta nên tập trung vào điều chỉnh trọng tâm của Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011. Cần tập trung giải quyết các vấn đề mà lâu nay thành phố Hà Nội không phát triển, để nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn đọng và quan trọng là làm cho người dân sống tại Thủ đô và các Dự án đầu tư phát triển tại Thủ đô có cơ hội để tiếp tục làm, tiếp tục triển khai. Sau quá trình rà soát, đối với quan điểm đồ án này nên giữ phần nào và không giữ mục nào, nên nêu rõ nguyên nhân. Việc đánh giá lập quy hoạch chung trước đây thực ra không hề sai mà là quá trình triển khai thực hiện quy hoạch đã bộc lộ nhiều nội dung, chưa đảm bảo tính khả thi, vậy nên chúng ta nên tập trung vào nội dung này để khắc phục bằng những giải pháp quy hoạch được điều chỉnh này.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, yêu cầu nên làm rõ hơn về kết nối vùng, đồng bằng sông hồng, bắc trung bộ và miền núi phía bắc; Ngoài ra lưu ý về một số công trình kiến trúc biểu tượng của Hà nội, hiện Hà Nội rất thiếu quảng trường..
Chia sẽ những kinh nghiệm về quy hoạch, Bà Trần Thị Lan Anh – Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây Dựng, quy hoạch lưu ý về việc đánh giá hiện trạng rất quan trọng để từ đó đưa ra được các chỉ tiêu đất đai của đồ án; Mục tiêu tiếp theo cần chú trọng đến mô hình vành đai và hướng tâm, cũng theo bà, vành đai của Hà nội nằm trong phạm vi hoàn toàn là hình xuyến, không phải là một vành đai khép kín, vành đai này chia sẽ với với các vùng, đây không thể là vành đai riêng cho Hà nội được, đây cũng không phải mô hình rẻ quạt, vậy nên phải nghiên cứu kỹ lại vành đai này thuộc loại mô hình nào.. Cần xem thêm hệ thống sông, hồ của Hà nội. Hệ thống này không chỉ nói lên ý tưởng giao thông mà còn tạo sự thay đổi lớn trong cấu trúc của Hà nội và tạo môi trường tốt cho Hà nội,.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu khách mời tích cực trao đổi xung quanh chủ đề hội thảo, theo Ông Vũ Hoài Đức – Giảng viên Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc định hướng phát triển không gian Hà nội lần này, đặt đến vấn đề về đất đô thị nhiều hơn, còn lần trước đô thị trung tâm tiếp tục mở rộng thậm chí ra ngoài vành đai 4, cho dù chúng ta có sự điều chỉnh về thời gian quy hoạch, để lý giải cho việc chúng ta mở rộng, vậy thì đây có phải là giải pháp hợp lý không, và đâu sẽ là giới hạn, cứ tăng thời gian là tăng đất, phải chăng chúng ta sử dụng hiệu quả đất hơn là chúng ta mở rộng về đất, vì đất đai là yếu tố bất biến, vậy việc lựa chọn phát triển cho đô thị hợp lý, đòi hỏi phải xem xét đặc điểm trong từng giai đoạn phát triển.
Ông Lê Quang Hùng – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng góp ý kiến
Ông Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam góp ý kiến
Ông Trần Đức Toán – Phó Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam góp ý kiến
Bà Lã Thị Kim Ngân – Nguyên Viện Trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội góp ý kiến
Bà Trần Thị Lan Anh – Phó cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây Dựng góp ý kiến
Ông Vũ Hoài Đức – Giảng viên Khoa các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội góp ý kiến
Thông qua các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Viện Quy hoạch xây dựng Hà nội đơn vị tổ chức lập quy hoạch và Viện quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch đã tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết của các chuyên gia, các nhà khoa học, về quá trình phát triển đô thị Hà Nội từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới như: Phát huy vai trò, trí tuệ của cộng đồng, đóng góp cho công tác quy hoạch; Các vấn đề cần giải quyết khi triển khai lập quy hoạch Thủ đô; Những vấn đề đặt ra cho công tác quy hoạch và phát triển đô thị trong thời kỳ mới như nguồn lực thực hiện quy hoạch...
Các chuyên gia, nhà khoa học cùng chụp ảnh lưu niệm tại buổi Hội thảo
Cùng buổi sáng, tại hội thảo với chủ đề Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật thủ đô Hà Nội, tham dự có Ông Nguyễn Đức Nghĩa – Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến Trúc Hà Nội; Ông Nguyễn Đức Hùng – Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội (HUPI); Ông Lê Chính Trực - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; Ông Nguyễn Hồng Tiến – Nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật, Bộ Xây dựng, Bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng bộ môn Quy hoạch Hạ tầng Kỹ thuật Đô thị, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học xây dựng Hà Nội; Ông Nguyễn Quang – Nguyên Giám đốc chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat); Bà Nguyễn Thị Bích Thủy – Trưởng phòng Quy hoạch Đê điều, phòng chống thiên tai, Viện Quy hoạch Thủy lợi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ông Thân Đình Vinh – Trưởng Bộ môn Khoa Đô thị Đại học Kiến trúc Hà Nội; Bà Đặng Anh Thư – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây Dựng; ...cùng nhiều chuyên gia và các nhà khoa học đến dự.
Tại Hội Thảo, lãnh đạo Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng phát biểu khai mạc, giới thiệu chung về nội dung mục đích yêu cầu của buổi Hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt nội dung đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 với chủ đề Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật thủ đô Hà Nội. Sau khi nghe đơn vị tư vấn lập quy hoạch trình bày, các đại biểu tham dự Hội thảo đã trực tiếp đóng góp ý kiến các nội dung có liên quan.
Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi Hội thảo với chủ đề Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật thủ đô Hà Nội.
Thạc sĩ.Kỹ sư. Sầm Minh Tuấn – Phó Giám đốc Viện nghiên cứu thiết kế đô thị - Viện Quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia đại diện đơn vị tư vấn báo cáo tóm tắt đồ án
Bà Đặng Anh Thư – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây Dựng góp ý kiến
Ông Nguyễn Quang – Nguyên Giám đốc chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc (UN-Habitat) góp ý kiến
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai – Trưởng bộ môn Quy hoạch Hạ tầng Kỹ thuật Đô thị, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học xây dựng Hà Nội góp ý kiến
Ông Thân Đình Vinh – Trưởng Bộ môn Khoa Đô thị Đại học Kiến trúc Hà Nội góp ý kiến
Các chuyên gia, nhà khoa học cùng chụp ảnh lưu niệm tại buổi Hội thảo