0 NaN undefined

Tổng kết Chương trình 06-CTr/TU và Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.

Thứ hai - 22/06/2015 23:27
Sau 4 năm triển khai, ngày 18/6/2015 Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình 06-CTr/TU về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011 – 2015” và Chương trình 07-CTr/TU về “Thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao chất lượng môi trường sống”. Đến dự Hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo; đại diện các Sở, Ban, Ngành, địa phương trực thuộc Thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan.
Tại Hội nghị, ông Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội – Nguyễn Thế Hùng đã Báo cáo kết quả Chương trình số 06-CTr/TU. Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, Hà Nội đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Xác định công tác quy hoạch tại thời điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 06, chỉ đạo UBND thành phố, các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ, tổng thể trên diện rộng, gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chủ trương đúng đắn này, Ban chỉ đạo Chương trình 06 đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương hoàn thành công tác lập các loại quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch chuyên ngành; tập trung chỉ đạo tiến độ các đồ án quy hoạch theo kế hoạch; đồng thời tổ chức kiểm tra tiến độ các dự án công trình trọng điểm, dự án giải quyết dân sinh bức xúc… Đến nay, Chương trình 06 đã tạo chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị; đã có khối lượng lớn các đồ án quy hoạch được thành phố triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị; công tác lập quy hoạch thực sự mang tính dân chủ với sự tham gia sâu của cộng đồng. Sau 04 năm triển khai thực hiện đã có tổng cộng 35 đồ án quy hoạch phân khu được thực hiện theo kế hoạch, trong đó 16 đồ án đã được UBND thành phố phê duyệt, 19 đồ án quy hoạch phân khu còn lại đã cơ bản hoàn thành sẽ trình duyệt trong năm 2015. Thành phố đã phê duyệt 18/31 đồ án quy hoạch chung, các đồ án còn lại đang hoàn thiện, dự kiến phê duyệt trong quý III-2015. Cùng với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, công tác quy hoạch ngành, lĩnh vực, thiết kế đô thị, quản lý quy hoạch kiến trúc, chỉnh trang đô thị cũng được Hà Nội triển khai tích cực. Toàn thành phố đã có 39/45 đồ án chuyên ngành được phê duyệt; 5 năm qua, thành phố đã phê duyệt 30/30 quy hoạch sử dụng đất các quận, huyện, thị xã giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ đầu 2011-2015; đã được phê duyệt 05/06 đồ án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.
Gắn quy hoạch đô thị với quy hoạch phát triển thông qua việc triển khai thực hiện Chương trình 06, Hà Nội đã giải quyết một khối lượng công việc lớn về quy hoạch kiến trúc, chất lượng quy hoạch được nâng cao tạo công cụ quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số tồn tại nhất định như: Tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt đồ án Quy hoạch chưa đáp đứng được theo kế hoạch đề ra; Chưa kịp thời chỉnh trang bộ mặt kiến trúc trên các tuyến đường mới mở; công tác GPMB còn nhiều bất cập; công tác phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc di dời các trường đại học, cơ sở y tế, cơ sở công nghiệp ra ngoài khu vực nội đô đã được quan tâm, nhưng triển khai chậm; công tác quản lý trật tự xây dựng, thực hiện xây dựng theo quy hoạch chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, ý thức người dân chấp hành pháp luật trong quy hoạch, xây dựng và trật tự đô thị chưa cao; việc triển khai cắm mốc theo quy hoạch ngoài thực địa và quản lý mốc giới theo quy hoạch còn chậm và tồn tại nhiều bất cập… Nguyên nhân chính do hệ thống văn bản pháp lý thiếu đồng bộ, văn bản hướng dẫn chậm ban hành. Việc đồng thời tổ chức triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị với khối lượng rất lớn và yêu cầu cao về chất lượng là một thách thức, trong điều kiện lực lượng quản lý quy hoạch, tư vấn thiết kế còn thiếu và yếu. Tình hình suy thoái kinh tế thế giới, thị trường bất động sản trầm lắng đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông, hạ tầng đô thị, nhà ở cho học sinh, sinh viên, nhà tái định cư. Năng lực quản lý đô thị của một số địa phương còn yếu, thiếu nhân lực, nguồn lực… Xác định quy hoạch xây dựng gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội - vấn đề tiên quyết để quy hoạch thực sự trở thành công cụ thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực của xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ban Chỉ đạo Chương trình 06 đã đề xuất Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đô thị trong thời gian tới. Trong đó, quy hoạch tập trung vào khu vực ngoài phạm vi phát triển đô thị Thành phố Hà Nội và khu vực các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, các khu chức năng đặc thù, các điểm dân cư nông thôn. Bên cạnh đó cần tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tổ chức không gian ngầm gắn liền với phát triển hệ thống đường sắt đô thị; xây dựng đầy đủ hệ thống công cụ, chính sách quản lý trật tự xây dựng... Ban Chỉ đạo Chương trình 06 cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng và cơ quan tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch Vùng Thủ đô xác định rõ về tính chất, chức năng của các đô thị đối trọng trong vùng nhằm cân đối hỗ trợ và chia sẻ với Hà Nội, hướng tới sự phát triển bền vững, hài hòa về chức năng giữa các đô thị.
Cũng tại Hội nghị, ông Lê Văn Dục - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã báo cáo tổng kết Chương trình số 07-CTr/TU theo đó chương trình đặc biệt quan trọng này là nền móng của phát triển đô thị, là cơ sở để đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của Thủ đô. Qua 5 năm triển khai thực hiện, Thành phố đã có nhiều cố gắng huy động các nguồn lực để đầu tư, cải tạo, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và đạt được nhiều kết quả khả quan. Bộ mặt đô thị ngày càng khởi sắc, xanh, sạch, đẹp hơn”. Chú trọng công tác quy hoạch chuyên ngành, Ban Chỉ đạo Chương trình 07 đã chỉ đạo các ngành chức năng của thành phố tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn chỉnh các quy hoạch về hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, tài nguyên và môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, năm 2050 trình các bộ, ngành thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố phê duyệt, tiêu biểu như: Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội; quy hoạch hệ thống nghĩa trang thành phố; quy hoạch xử lý chất thải rắn; quy hoạch hệ thống cây xanh công viên vườn hoa và hồ nước; quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước; quy hoạch cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Hiện nay, thành phố đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các quy hoạch về GTVT Thủ đô, vận tải đường sắt đô thị, vận tải thủy, vùng cấm khai thác và cho phép khai thác sử dụng nước, xả nước thải… Đối với các quy hoạch đã phê duyệt, UBND TP Hà Nội đã công bố quy hoạch, chỉ đạo các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, các đề án, quy định chuyên ngành để triển khai thực hiện theo từng giai đoạn, lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư để huy động các nguồn vốn thực hiện ngoài ngân sách. Công tác bảo đảm hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố được thực hiện có lộ trình, trọng tâm, trọng điểm, phục vụ nhu cầu phát triển của thành phố. Đến nay, vận chuyển hành khách công cộng đáp ứng 35% đến 40% nhu cầu đi lại của nhân dân, tăng từ 7% (năm 2008) lên 14% (năm 2014) và dự kiến đến hết năm 2015 tăng 15% nhu cầu đi lại của nhân dân. Diện tích đất dành cho giao thông cũng có chuyển biến, tăng từ 7% (năm 2008) lên 8,36% năm 2014), dự kiến đến hết năm 2015, tỷ lệ đất dành cho giao thông đạt 8,65% diện tích đất xây dựng đô thị. Thành phố đã chỉ đạo tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT nhằm nhanh chóng hoàn thiện cơ bản hệ thống hạ tầng khung GTVT bao gồm các đoạn, tuyến còn lại trên đường vành đai, các dự án đường sắt đô thị, các nút giao, cầu vượt cho người đi bộ, các cầu qua sông và hệ thống giao thông tĩnh theo phương thức xã hội hóa. Nổi bật, đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông, giúp kiểm soát, điều khiển linh hoạt đèn tín hiệu giao thông, tránh ùn tắc. Lĩnh vực bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường cũng được thành phố quan tâm chỉ đạo các sở chuyên ngành thực hiện tích cực. Thành phố đã hoàn thành dự án cải tạo, nâng công suất các trạm, nhà máy cấp nước, duy trì, tăng nguồn nước và cấp ổn định cơ bản đáp ứng yêu cầu. Theo thống kê, toàn thành phố có 96% dân đô thị được sử dụng nước sạch; công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn đến nơi tập trung đạt 98% ở 12 quận, thị xã Sơn Tây, 89% ở 17 huyện ngoại thành. Đặc biệt, thành phố có 100% khu công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung; 16% cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải tập trung. 


Ông Lê Vinh – Viện trưởng Viện QHXD Hà Nội đọc tham luận tại Hội nghị.

Tham luận tại Hội nghị ông Lê Vinh – Viện trưởng Viện QHXD Hà Nội cho rằng: sau 04 năm triển khai, Chương trình 06 và 07 đã đạt được những kết quả to lớn là vì các Chương trình đã thiết thực đi vào đời sống của người dân cũng như các ngành, các cấp quản lý. Với tư cách là cơ quan quy hoạch của Thành phố, Viện QHXD Hà Nội là đơn vị được giao một khối lượng lớn các quy hoạch với tổng số 55 đồ án, tương ứng 70% khối lượng công việc của Chương trình 06. Viện đã tổ chức thực hiện 100% các dự án. Trong đó: 56,5% đồ án đã cơ bản được hoàn thành (bao gồm: 31% đồ án đã được UBND Thành phố phê duyệt, 25,5% đồ án đã hoàn thành các bước xin ý kiến đang thẩm tra, trình duyệt), 12,5% đồ án đã hoàn thiện hồ sơ. Như vậy đến thời điểm này, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã cơ bản thực hiện được số lượng và khối lượng nhiệm vụ mà Thành phố giao theo Chương trình 06. Tính kỹ thuật của nội dung quy hoạch thuộc Chương trình 06 được đề cập rất đầy đủ và chuyên sâu, tất cả các đồ án đều được thông qua các Hội đồng thẩm định của Thành phố, có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Nếu giai đoạn cụ thể hóa Quy hoạch chung 108 (1998 – 2010) chỉ có 5/14 Quận, huyện của Hà Nội (cũ) được lập quy hoạch đồng bộ, với khoảng thời gian triển khai lên đến 12 năm thì chỉ trong gần 5 năm qua, riêng loại hình Quy hoạch phân khu (quy mô tương tự các quy hoạch quận, huyện trước đây) ở đô thị trung tâm, đã có 16 đồ án được phê duyệt với đầy đủ các lĩnh vực từ QHSDĐ, QHKG kiến trúc và quy hoạch HTKT, với diện tích ~ 36.438ha (độ phủ kín của 16 quy hoạch đạt ~ 66% diện tích đô thị trung tâm (~55.200ha); ở góc độ chuyên môn, những thông số này thực sự rất đặc biệt, minh chứng rõ ràng nhất cho chất lượng và khối lượng của quy hoạch thực hiện theo Chương trình 06. Với quan điểm xác định đối tượng của quy hoạch là người dân, do đó, Viện QHXD Hà Nội trong thời gian qua đã đổi mới phương thức tiếp cận quy hoạch theo hướng "có sự tham gia của cộng đồng, lắng nghe ý kiến của dân" là nét rất mới trong quá trình lập quy hoạch ở giai đoạn này. Việc "lấy ý kiến về quy hoạch" đã được quy định từ năm 2003 tại Luật Xây dựng; nhưng đến giai đoạn này việc lấy ý kiến mới thực sự đi vào cuộc sống - với phương pháp thực thi: dân chủ - minh bạch và trách nhiệm. Đặc biệt, một số quy hoạch chi tiết có tính chất quan trọng đã được quan tâm thực hiện song song với các quy hoạch phân khu như quy hoạch chi tiết cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cao tầng, các trục đường, các khu đô thị mới, điển hình là quy hoạch hai bên tuyến đường cầu Nhật Tân - sân Bay Nội Bài. Đồ án này vừa tạo nên động lực phát triển không gian cảnh quan, đòn bẩy để thu hút đầu tư vào một khu vực tiềm năng, mà còn có tính chất bản lề cho việc phát triển một cách bài bản - mang tầm chiến lược cho toàn bộ khu vực phía Bắc Sông Hồng. Với tầm quan trọng đó, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp hai lần nghe báo cáo và chỉ đạo đồ án, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã quan tâm đến các dự án hai bên tuyến đường. Chưa kể đến nhiều đồ án đã góp phần vào việc phát triển nhà ở xã hội - một chủ trương lớn; đóng góp quỹ đất, quỹ nhà để tái định cư cho các dự án, chương trình phát triển của Thủ đô.
Với quan điểm "Quy hoạch là "gốc rễ" - là "tiền đề" cho sự phát triển, tầm nhìn của quy hoạch cao hay thấp là một trong những căn nguyên tạo nên sự phát triển cường thịnh, hay là nguyên nhân dẫn đến vô vàn những thách thức - yếu kém trong tương lai"... 05 là quãng thời gian không dài, nhưng  Chúng ta đã thiết lập "nền móng" cho quá trình đô thị hóa cho các thế hệ mai sau. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội sẽ tiếp tục nỗ lực, tự nâng cao năng lực chuyên môn để góc phần vào công cuộc xây dựng Thủ đô "Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại" theo định hướng Quy hoạch Chung - một Thủ đô "Đàng hoàng hơn - To đẹp hơn" như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Đánh giá về kết quả thực hiện, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng: “Sau gần 5 năm thực hiện, triển khai với sự chỉ đạo quyết liệt của thành phố, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành cũng như sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, 2 chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng và tạo nên sự chuyển biến tiến bộ rõ rệt trong vấn đề quy hoạch, quản lý đô thị và xây dựng kết cấu hạ tầng”.
Trong 5 năm qua, Hà Nội đã thực hiện một khối lượng quy hoạch rất lớn, vì sau khi hợp nhất diện tích Thủ đô tăng gần gấp 3 lần so với trước đó. Từ năm 2011, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung thì TP Hà Nội đã phủ kín về mặt quy hoạch chung và cơ bản về quy hoạch phân khu. Nhiều trung tâm, khu vực đặc thù đã được chú trọng đầu tư quy hoạch chi tiết để làm cơ sở, nền tảng để đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng và phục vụ công tác quản lý.
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, mặc dù điều kiện hết sức khó khăn, kinh tế chậm phục hồi, nguồn thu ngân sách khan hiếm, nhưng TP Hà Nội đã huy động được các nguồn lực để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, kể cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Kết quả minh chứng là một số công trình lớn về giao thông trên địa bàn Thủ đô đã được đầu tư, khánh thành và đưa vào khai thác, sử dụng. 
Ví dụ như công trình đường quốc lộ 5 kéo dài, cầu Đông Trù... Những công trình đầu tư bằng nguồn vốn từ Trung ương như đường vành đai 3, đường quốc lộ 3, cầu Nhật Tân, nhà ga T2 Nội Bài... đã góp phần tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc về đô thị.
Quản lý đô thị với mục tiêu khắc phục những bức xúc, tồn tại trong đô thị từ công tác xây dựng, trật tự xây dựng, trật tự giao thông, quản lý đô thị về mặt hè đường, kiến trúc, cây xanh, môi trường... cũng có nhiều kết quả. Nhờ đó, TP ngày càng sáng hơn, xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn, trật tự hơn và văn minh hơn.


Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo trao bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội cho các đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU và Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội.
 
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, sẽ kiến nghị với Thành ủy tiếp tục xác định công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, quản lý đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là một trong những chương trình công tác lớn của Thành ủy trong thời gian tới. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, đi liền với đó là nâng cao năng lực, trình độ quản lý đô thị hay nói cách khác là phải chú trọng xây dựng chính quyền đô thị.
 
Tại Hội nghị, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã được Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội cũng đã trao tặng bằng khen Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 08/11/2011 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2011 – 2015”.
 
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 29 | lượt tải:20

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 188 | lượt tải:89

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 193 | lượt tải:126

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 251 | lượt tải:108

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 337 | lượt tải:131

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây