0 NaN undefined

Xây dựng khu đô thị mới đáng sống trong quy hoạch, cải tạo chung cư cũ

Thứ tư - 02/03/2016 22:01
 Hiện nay, việc tái thiết các khu chung cư cũ tại Việt Nam chủ yếu mới đang được thực hiện cho từng khu nhà ở đơn lẻ, thiếu quy hoạch tổng thể. Để đạt được các mục tiêu Nghị quyết của Chính phủ về việc cải tạo các khu chung cư cũ cần áp dụng phương pháp tiếp cận 3Ds Mật độ – Đa dạng – Thiết kế (Density – Diversity – Design) trong quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng các không gian đô thị sống tốt thân thiện với người dân. Phương pháp tiếp cận 3Ds trong quy hoạch đô thị, hay còn được hiểu là hình thái “đô thị nén”, “Thành phố nhỏ gọn”, “tăng trưởng thông minh” (Compact city, Urban intensification, Smart growth), là mật độ đô thị cao, sử dụng hỗn hợp đất đai, khuyến khích đi bộ và xe đạp, chú trọng giao thông công cộng. 
Không gian dịch vụ công cộng tại tầng trệt khu chung cư B14 Kim Liên sau khi cải tạo xây mơí

Không gian dịch vụ công cộng tại tầng trệt khu chung cư B14 Kim Liên sau khi cải tạo xây mơí

Sức khỏe, hạnh phúc và quy hoạch chung cư cũ
Khu dân cư, thành phố sống tốt được hiểu và đánh giá từ nhiều khía cạnh. Nhìn từ góc độ y tế công cộng, đô thị sống tốt là nơi mà người dân khỏe mạnh, hạnh phúc sống trong những khu dân cư lành mạnh. Đô thị sống tốt là nơi được quy hoạch, xây dựng cho người dân và tạo điều kiện cho người dân nâng cao sức khỏe, cả về mặt thể chất và tinh thần. Đó là nơi khuyến khích người dân thực hiện các hoạt động thể chất có mục đích như đi bộ, xe đạp và giao tiếp xã hội bên ngoài hơn là các hoạt động bị động, khép kín và thiếu giao tiếp. Chính những khuyến khích từ quy hoạch và xây dựng thành phố như vậy sẽ giúp tăng cường sức khỏe, chất lượng sống và trực tiếp làm giảm các chi phí xã hội.
Các khu chung cư cũ được xây dựng vài chục năm trước, qua thời gian sử dụng, bị bỏ lửng và thả nổi về mặt quản lý, chất lượng xuống cấp nghiêm trọng. Cư dân hiện đang sinh sống phần lớn đều là người có thu nhập thấp. Chính vì vậy, chủ trương của Nhà nước tái thiết các khu chung cư cũ đã xuống cấp là đúng đắn và cần thiết. Công việc xây dựng lại các khu chung cư cũ tại Việt Nam từ trước đến nay thường tập trung tái thiết từng khối nhà đơn lẻ. Cách thiết kế, xây dựng lại từng khối nhà như vậy là nguyên nhân dẫn tới việc thiếu sự kết nối với các công trình chức năng khác trong khu vực như trường học, chợ, các không gian công cộng… Hơn nữa, các khu chung cư tái thiết đa phần được xây dựng tăng cao số tầng, tăng cao mật độ vì mục đích lợi nhuận của chủ đầu tư, trong khi những hạ tầng dịch vụ xã hội xung quanh hầu như vẫn chưa được quan tâm. Hậu quả là hệ thống hạ tầng, dịch vụ và các công trình công cộng trong khu vực bị quá tải và không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các chợ dân sinh cũ không đáp ứng đủ nhu cầu và kém vệ sinh dẫn tới việc người dân tại các khu đô thị mới tái thiết phải đi chợ hàng ngày xa hơn hoặc lựa chọn các siêu thị mới. Người dân, đặc biệt là người già và trẻ em thiếu chỗ nghỉ ngơi và vui chơi giải trí ngoài trời. Trường học quá tải là nguyên nhân nhiều cha mẹ lựa chọn cho con học trái tuyến cho dù có tốn kém thêm chi phí và thời gian đưa đón. Tất cả những điều này trực tiếp gia tăng việc di chuyển bằng các phương tiện cơ giới cá nhân, giảm đáng kể giao thông chủ động có mục đích như đi bộ và xe đạp của người dân đô thị. Rõ ràng, những điều kiện cơ bản để thực hành các hành vi có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân tại các khu chung cư mới được tái thiết chưa được đảm bảo cho dù điều kiện về nhà ở đã được cải thiện. Như vậy, có thể kết luận sơ bộ rằng việc tái thiết các khu chung cư cũ một cách đơn lẻ, thiếu quan tâm đến quy hoạch tổng thể khu vực, cách mà chúng ta đang làm chưa thực sự đạt được mong muốn nâng cao chất lượng sống của người dân.
Nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng việc thay đổi hình thái đô thị nói chung hay tái thiết các khu dân cư cũ nói riêng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân, những yếu tố tạo nên chất lượng cuộc sống. Việc quy hoạch và xây dựng đô thị ưu tiên các phương tiện giao thông cơ giới hay ưu tiên và khuyến khích người đi bộ, xe đạp, giao thông công cộng và giao tiếp xã hội sẽ là mấu chốt quyết định sức khỏe, hạnh phúc. Vậy chúng ta sẽ lựa chọn phương pháp nào để tái thiết các khu chung cư cũ?
Thiết nghĩ, để đạt được mục tiêu tái thiết các khu chung cư cũ thành các khu đô thị đáng sống, chúng ta cần có hướng tiếp cận phù hợp, một hướng tiếp cận bằng quy hoạch đô thị hợp lý, kết hợp với các chính sách hỗ trợ đồng bộ nhằm tạo ra một môi trường sống tích cực và lành mạnh cho người dân.

Quy hoạch cải tạo chung cư cũ theo hướng tiếp cận 3Ds
Tại nghị quyết số 34/2007/NQ-CP của Chính phủ ngày năm 2007 về một số giải pháp để thực hiện việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp đã đưa ra sáu mục tiêu chính cụ thể như sau:
– Cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ để tạo ra các khu nhà ở mới có chất lượng tốt hơn, góp phần cải thiện và nâng cao điều kiện sống của nhân dân.
– Việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ phải được thực hiện theo nguyên tắc xã hội hoá. Đảm bảo cho các hộ dân được tái định cư phải tốt hơn chỗ ở cũ cả về diện tích, chất lượng cũng như môi trường sống.
– Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành việc cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp hoặc đã hết niên hạn sử dụng tại các đô thị trên cả nước.
– Công tác cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ cần phải được thực hiện đồng bộ, tổng thể, có phương án quy hoạch – kiến trúc hợp lý, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ cho toàn bộ khu vực cần cải tạo.
– Đối với các chung cư cũ bị hư hỏng nặng, lún nứt ở mức độ nguy hiểm nhưng không huy động được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kịp thời thì có thể thực hiện việc xây dựng lại bằng ngân sách nhà nước.
– Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động kết hợp với các biện pháp xử lý cương quyết, kịp thời theo quy định của pháp luật để đảm bảo triển khai dự án theo đúng tiến độ vì lợi ích chung của cộng đồng.
Hiện nay, việc tái thiết các khu chung cư cũ tại Việt Nam chủ yếu mới đang được thực hiện cho từng khu nhà ở đơn lẻ, thiếu quy hoạch tổng thể. Để đạt được các mục tiêu Nghị quyết của Chính phủ về việc cải tạo các khu chung cư cũ cần áp dụng phương pháp tiếp cận 3Ds Mật độ – Đa dạng – Thiết kế (Density – Diversity – Design) trong quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng các không gian đô thi sống tốt thân thiện với người dân. Phương pháp tiếp cận 3Ds trong quy hoạch đô thị, hay còn được hiểu là hình thái đô thị “đô thị nén”, “Thành phố nhỏ gọn”, “tăng trưởng thông minh” (Compact city, Urban intensification, Smart growth), là mật độ đô thị cao, sử dụng hỗn hợp đất đai, khuyến khích đi bộ và xe đạp, chú trọng giao thông công cộng.
Mật độ – Điều kiện sống tốt có nghĩa là mật độ tốt: Mật độ dân cư và việc làm tại một khu vực đô thị nhất định ảnh hưởng tới hành vi đi lại của cư dân do khoảng cách giữa các điểm đến cũng như số lượng các điểm có thể đi bộ hoặc xe đạp. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi mật độ tăng lên thì thời gian và quãng đường di chuyển bằng phương tiện cơ giới giảm, cùng với đó đi bộ, xe đạp và phương tiện công cộng lại tăng lên. Càng có nhiều người, nhiều việc làm, nhiều dịch vụ và cửa hàng trong một khu vực nhất định, người dân càng dễ có khả năng sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc các hình thức đi lại chủ động. Tuy nhiên, cần có những giới hạn cận trên và cận dưới với quy quy hoạch mật độ cải tạo chung cư cũ. Mật độ quá cao hoặc quá thấp đều có ảnh hưởng tiêu cực như nhau đến chất lượng sống của người dân. Mật độ quá cao như tại các khu đô thị cũ của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gây ra các hậu quả như tắc nghẽn, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, dịch vụ và các cửa hàng không đáp ứng được nhu cầu, thiếu không gian công cộng ngoài trời dẫn tới làm giảm chất lượng sống của người dân khá nhiều. Tương tự mật độ quá thấp lại làm tăng giao thông cơ giới, tiêu tốn năng lượng và ô nhiễm không khí, thiếu cơ hội giao tiếp.
Vậy mật độ là yếu tố quan trọng cần xem xét khi tái thiết các khu chung cư cũ tại Việt Nam. Mật độ có thể tăng hoặc giảm tùy thuộc từng khu vực, từng thành phố cụ thể để đảm bảo rằng mật độ không quá cao hoặc quá thấp. Nhưng chỉ riêng yếu tố mật độ chưa đủ. Mật độ chỉ có thể làm cho các khu chung cư cũ được tái thiết trở nên đáng sống hơn khi mà các khu chung cư đó được đặt trong một khu vực được đảm bảo về tính đa dạng.
Đa dạng – Lợi ích của các khu vực đa dụng: Đa dạng hay còn được gọi là “đa dụng”, “đa năng” hay “hỗn hợp”, đề cập tới khoảng cách giữa các địa điểm cho các hoạt động khác nhau như nhà ở, thương mại, dịch vụ và cửa hàng… Vì vậy một khu vực đa dụng sẽ có nhiều nhà ở, nơi làm việc, trường học, dịch vụ, cửa hàng, không gian công cộng ngoài trời… mà mọi người có thể dễ dàng tiếp cận bằng cách đi bộ, xe đạp hoặc giao thông công cộng.
Đối với những khu vực cùng có mật độ cao nhưng tính đa dụng cao, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng mọi người sẽ có xu hướng đi bộ và xe đạp nhiều hơn. Sử dụng đất đa dạng quan trọng ở cả xung quanh các khu nhà ở cũng như khu làm việc, văn phòng. Khi mọi người đi làm, họ cũng sẽ thường tranh thủ thời gian trong ngày cho các việc vặt quanh chỗ làm. Do đó đảm bảo đa dạng các dịch vụ và tiện ích cho cả khu vực nhà ở và nơi làm việc là rất quan trọng.
Vấn đề của các thành phố Việt Nam nói chung và tại các khu chung cư cũ nói riêng là những dịch vụ và tiện ích như trường học, bệnh viện và các không gian công cộng còn thiếu cả số lượng và tính hợp lý về khoảng cách. Trong quá trình tái thiết các chung cư cũ thì việc xem xét tính đa dạng của các công trình chức năng trong một khu vực nhất định là rất quan trọng và cần thiết.
Thiết kế – Tôn trọng người đi bộ: Mật độ dân cư đủ đông để tạo ra sự đa dạng các hoạt động tại một khu vực đô thị. Từ mật độ tốt và đa dạng hoạt động sẽ tạo ra những đô thị hấp dẫn và sôi động. Nhưng hai yếu tố mật độ và đa dạng cũng vẫn chưa đủ để tạo ra các khu đô thị sống tốt nếu thiết kế thiếu tôn trọng người đi bộ. Thiết kế một khu ở sống tốt cần hướng tới khuyến khích được mọi người đi bộ, xe đạp và phương tiện công cộng thay cho phương tiện cơ giới cá nhân.
Khi chất lượng của môi trường đi bộ, đạp xe và giao thông công cộng kém an toàn, an ninh, tiện nghi và thuận lợi thì người dân sẽ sẵn sàng mua phương tiện cơ giới cá nhân ngay khi họ có thể. Điều này chứng tỏ rằng việc thiết kế và xây dựng những đường phố có chất lượng cho người đi bộ cùng với phát triển giao thông công cộng là cơ sở để mọi người lựa chọn loại hình giao thông chủ động, thân thiện với thành phố. Đường phố cần là nơi an toàn và hấp dẫn. Nhu cầu và mong muốn di chuyển nhanh của một số người cần được cân bằng với quyền được đi lại an toàn của những người khác, đặc biệt là người già và trẻ em.
3DS là phương pháp tiếp cận đương đại và có giá trị trong quy hoạch, phát triển đô thị sống tốt, lành mạnh nói chung và tái thiết các khu chung cư cũ tại Việt Nam nói riêng. Nhưng quy hoạch tốt chưa đủ. Các chính sách phát triển đô thị khác như chính sách về thương mại, giáo dục, thể dục/thể thao, nghỉ ngơi/vui chơi giải trí cùng với chính sách về giao thông cũng cần lưu ý tạo điều kiện và khuyến khích người dân đi lại bằng phương thức giao thông chủ động và giao thông công cộng. Nếu không có các chính sách khuyến khích như vậy thì việc quy hoạch tốt cũng sẽ không hoàn toàn đạt được kết quả như mong đợi. Ví dụ như các chính sách về hạn chế phát triển ô tô, xe máy, chính sách quản lý vỉa hè, chính sách phát triển chợ truyền thống, chính sách phát triển trường học, hạn chế học trái tuyến và khuyến khích trẻ em đi bộ đến trường, chính sách phát triển không gian công cộng… là các chính sách đô thị hỗ trợ cho quy hoạch để phát triển các khu dân cư lành mạnh và thành phố sống tốt. Các chính sách có thể sẽ tạo ra những hạn chế về tiện lợi cho một số người nhưng quan trọng là chúng sẽ đem lại sức khỏe, hạnh phúc, chất lượng sống tốt hơn cho cả cộng đồng dân cư đô thị và giảm chi phí xã hội nhiều mặt.
Cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ là một công việc đòi hỏi nhiều công sức và sự tham gia đa ngành và cộng đồng. Nhằm mục tiêu tái thiết các chung cư cũ thành các khu dân cư có điệu kiện sống tốt hơn, chúng tôi xin nêu ra một số khuyến nghị theo hướng tiếp cận 3DS như sau:

– Khi cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể khu vực đô thị xung quanh để có cái nhìn tổng quan về sự liên quan giữa khu chung cư đó với các chức năng khác trong đô thị.
– Việc quy hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nên áp dụng phương pháp tiếp cận 3Ds: Mật độ – Đa dạng – Thiết kế, nhằm tạo ra những khu dân cư khỏe mạnh, hạnh phúc và điều kiện sống tốt hơn. Về mật độ, nên duy trì mật độ trong khu vực tối thiểu là 20.000 người và việc làm/km2 để cho việc đi bộ, đạp xe và sử dụng các phương tiện công cộng trở nên khả thi. Về đa dạng, cần tạo nên sự đa dạng về nhà ở và chức năng trong tất cả các khu chung cư và khu vực để đáp ứng các quy mô gia đình khác nhau, các nhóm thu nhập khác nhau và những sở thích cá nhân khác nhau (Đảm bảo các khu chung cư được tái thiết có không gian công cộng ngoài trời, chợ dân sinh, trường tiểu học và trung học cơ sở phục vụ cho khu dân cư đó trong bán kính 800m để có thể đi bộ thuận tiện, đảm bảo chỉ tiêu diện tích không gian xanh công cộng ngoài trời đạt tối thiểu 9m2/người cho các khu chung cư được tái thiết, đảm bảo rằng người dân tại các chung cư được tái thiết có thể tiếp cận các bến xe buýt trong bán kính 400m hoặc phương tiện giao thông công cộng tốc độ cao khác trong bán kính 800m). Quy hoạch và thiết kế giao thông cần coi phần lớn sự đi lại diễn ra bằng các phương tiện phi cơ giới và cần ưu tiên cho việc đi bộ, đạp xe và phát triển giao thông công cộng (duy trì các vỉa hè đủ rộng và liên tục ít nhất 1,5 m trong các khu dân cư và 4 m tại các khu thương mại, trồng cây bóng mát và giữ các vỉa hè thông thoáng, không có ô tô, xe máy, vật liệu xây dựng, rác thải và các vật cản khác, phân làn đường dành riêng cho xe đạp với chiều rộng tối thiểu 1,5m, tại các giao lộ cần thiết kế ưu tiên người đi bộ và đi xe đạp).
Cần có chính sách đảm bảo dân cư của các chung cư được tái thiết có đủ công trình chức năng đô thị cơ bản như vườn hoa, công viên, sân chơi, chợ dân sinh, cửa hàng bán lẻ và các dịch vụ khác… trong phạm vi bán kính đi bộ thuận tiện. Cùng với đó, có chính sách đảm bảo toàn bộ trẻ em tại các chung cư được tái thiết có trường tiểu học học và trung học cơ sở chất lượng trong phạm vi bán kính đi bộ thuận tiện và chính sách khuyến khích các em đi bộ và xe đạp đến trường hàng ngày. Kèm theo đó, cần có chính sách phát triển giao thông công cộng, khuyến khích đi bộ và xe đạp, quản lý vỉa hè và hạn chế việc sử dụng ô tô cá nhân, xe máy trong khu vực trung tâm đô thị.

Bài học kinh nghiệm
Khi xây dựng lại các khu chung cư cũ, tái định hướng phát triển đô thị tại Việt Nam, một số bài học kinh nghiệm trong và ngoài nước về nhược điểm của đô thị ưu tiên phương tiện giao thông cơ giới và ưu điểm của các đô thị phát triển thông minh hay đô thị sống tốt cần được xem xét. Các đô thị và khu dân cư được tái thiết từ ưu tiên phương tiện cơ giới cá nhân sang thân thiện với con người, ưu tiên – khuyến khích đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng đã tạo ra các điều kiện tốt để phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần của cộng đồng, giảm ô nhiễm môi trường không khí và phát triển tốt kinh tế địa phương.
Hà Nội đã dừng việc chuyển đổi chợ truyền thống thành trung tâm thương mại
Trong quá trình phát triển đô thị, có những lúc tưởng chừng những ngôi chợ truyền thống tại Hà Nội đã lỗi thời và không còn đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Từ đầu những năm 2000, thành phố Hà Nội đã bắt đầu chủ trương phá bỏ chợ truyền thống và thay bằng các trung tâm thương mại cao tầng, hiện đại để phục vụ sự nghiệp phát triển của đô thị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện “hiện đại hóa” chợ tại Hà Nội đã bộc lộ ngay những vấn đề và khó khăn đặc biệt từ phía người dân. Trước những ý kiến đóng góp của nhân dân và thực tế các nguy cơ của việc chuyển đổi chợ truyền thống thành trung tâm thương mại, siêu thị sẽ trực tiếp làm giảm tính đa dạng và mật độ chợ của các khu vực đô thị, giảm khả năng tiếp cận những nơi cung cấp thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng cho nhân dân, tháng 12 năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định kịp thời và đúng đắn, dừng việc chuyển đổi các chợ truyền thống thành các trung tâm thương mại.
Từ bài học này, có thể thấy mật độ và đa dạng của công trình chức năng chợ dân sinh quan trọng và ảnh hưởng như thế nào tới chất lượng sống của người dân Hà Nội. Áp dụng với tái thiết các khu chung cư cũ tại Việt Nam, đảm bảo rằng người dân có thể tiếp cận các chợ thực phẩm tươi sống với giá phải chăng trong khoảng cách đi bộ thuận tiện là điều chúng ta cần lưu ý khi cải tạo, xây dựng lại các chung cư.

Hiện tại, trên 70% học sinh tiểu học tại Hà Nội được cha mẹ đưa đón đi học bằng xe máy hoặc ô tô. Trường hợp ở phường Hạ Đình, để giải quyết các vấn đề tồn tại và từ đó tạo điều kiện, khuyến khích trẻ em đi bộ, xe đạp đến trường nhiều hơn nữa, từ năm 2013 trường Tiểu học Hạ Đình, UBND phường Hạ Đình, CLB sống xanh Hạ Đình đã cùng phối hợp nghiên cứu và tổ chức thí điểm “tuyến đường đi bộ an toàn đến trường” như xây dựng những vỉa hè, lối đi bộ dành riêng, trồng cây tạo bóng mát và những tiện ích khác cho người đi bộ dọc các lối đi, giáo dục nâng cao ý thức của người lớn về việc tôn trọng quyền được đi bộ chủ động của trẻ em và kỹ năng tham gia giao thông cho học sinh nhằm thay đổi cách mà người lớn đang ứng xử với trẻ em trong giao thông để tạo ra môi trường đi lại an toàn và chủ động cho các em.
Bài học ở Hạ Đình chỉ ra mật độ và đa dạng tuy đã được đảm bảo nhưng thiết kế các tuyến đường thiếu tôn trọng người đi bộ sẽ tạo ra kết nối kém giữa các công trình chức năng trong một khu vực và kết quả là không khuyến khích được mọi người đi lại bằng giao thông chủ động. Thay đổi thiết kế cùng với những chính sách khuyến khích và đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em tại Hạ Đình sẽ trực tiếp nâng cao số lượng người đi bộ, xe đạp và từ đó giảm số lượng phương tiện giao thông cơ giới không cần thiết cho những chuyến đi ngắn. Với các dự án cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ, cần đảm bảo trẻ em có trường học trong phạm vi đi bộ, xe đạp thuận tiện cùng với các tuyến đường được thiết kế và duy trì cho người đi bộ cũng là vấn đề cần quan tâm.
Hội An lập chiến lược phát triển không gian công cộng cho mọi người
Không gian công cộng ngoài trời là một trong những yếu tố quan trọng của một đô thị sống tốt. Với định hướng xây dựng Hội An thành một đô thị sinh thái – văn hóa – du lịch, từ năm 2013, UBND thành phố Hội An đã tiến hành lập một chiến lược quy hoạch phát triển không gian công cộng cho toàn thành phố từ 2015 – 2020. Với mục tiêu mọi người dân đều có không gian công cộng chất lượng và tiếp cận dễ dàng bằng giao thông chủ động, thành phố đã cam kết ưu tiên sử dụng quỹ đất trống cho việc xây dựng không gian công cộng ngoài trời, huy động các nguồn lực khác nhau, tham gia của cộng đồng để xây dựng sân chơi cho trẻ em tại các khối phố, hạn chế phương tiện giao thông cơ giới và ưu tiên người đi bộ tại khu trung tâm là những chính sách song song hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển đô thị tại Hội An.
Từ chiến lược bảo vệ và phát triển không gian công cộng tại Hội An chỉ rõ kinh nghiệm áp dụng chính sách phát triển không gian công cộng để hỗ trợ việc quy hoạch thành phố cho người dân theo hướng tiếp cận 3Ds nhằm tăng chất lượng sống và xây dựng thành phố lành mạnh, hấp dẫn. Đối với các khu chung cư cũ sẽ tái thiết, đảm bảo rằng cư dân có đủ không gian công cộng ngoài trời trong khoảng cách đi bộ, xe đạp thuận lợi là việc không thể không quan tâm trong khi quy hoạch lại khu vực.
Bogota, Colombia thiết kế giao thông vì con người
Bogota với dân số 7 triệu đã được tái thiết thành một thành phố đi lại bằng giao thông công cộng dễ dàng, đến mức người dân sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ dự luật cấm ô tô hoạt động trong thành phố vào giờ cao điểm vào năm 2015. Trước đây Bogota đã phải đối mặt với những vấn đề về giao thông và ô nhiễm. Mỗi năm thành phố này có khoảng 70.000 ô tô được đăng ký mới. Thành phố đã quyết định xây dựng hệ thống xe buýt nhanh BRT Transmilenio với tiền đầu tư ban đầu khoảng 350 triệu đô la Mỹ dài 38km. Hiện tại năng lực của Transmilenio là 780.000 lượt khách mỗi ngày với tốc độ trung bình 26km/h. Bogota đang tiếp tục lên kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động của Transmilenio, nhằm đạt được mục tiêu 85% người dân sống trong khoảng cách 500m tới các bến xe buýt. Tái thiết Bogota là một ví dụ thành công của chuyển đổi từ đô thị ưu tiên phương tiện cơ giới sang ưu tiên và tôn trọng người đi bộ và xe đạp.
Khi triển khai tái thiết các khu chung cư cũ tại Việt Nam, đô thị thân thiện với con người, ưu tiên, tôn trọng người đi bộ, xe đạp và sử dụng giao thông công cộng cần được quan tâm.
Với dân số khoảng 750.000 người, trong 30 năm qua, chính quyền thành phố Amsterdam đã nỗ lực khuyến khích đạp xe bằng việc tạo ra những đường dành cho xe đạp, các đường phố thân thiện với người đi xe đạp, đi bộ và những khu đỗ xe đạp khắp thành phố. Các đường xe đạp chính trong thành phố là mạng lưới xe đạp ‘Hoofdnet Fiets’, một mạng lưới đường xe đạp hỗn hợp trên khắp thành phố đảm bảo toàn bộ thành phố Amsterdam có thể tiếp cận được một cách tiện lợi và an toàn bằng xe đạp. Những điều này cho thấy ngay cả ở một thành phố giàu có với tỷ lệ người dân sở hữu ô tô cao, việc quy hoạch thành phố hợp lý có thể giúp làm tăng tỷ lệ người sử dụng xe đạp hơn ô tô và kết quả là có một thành phố với điều kiện sống tốt.
Tái thiết đô thị, tái thiết các khu chung cư cũ với những giải pháp quy hoạch tốt chính là cơ hội để chúng ta khuyến khích và tái lập thói quen tốt về sử dụng xe đạp, một phương tiện giao thông đô thị năng động, thân thiện môi trường, an toàn và tiết kiệm./.

Nguồn tin: Ths. KTS. Đinh Đăng Hải Cán bộ cao cấp Dự án Thành phố sống tốt HealthBridge Foundation of Canada Livable Cities Project Tạp chí Kiến trúc Việt Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 27 | lượt tải:15

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 184 | lượt tải:88

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 192 | lượt tải:124

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 247 | lượt tải:106

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 331 | lượt tải:128

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây