0 NaN undefined

Nhìn lại chương trình phát triển nhà ở xã hội

Thứ năm - 22/12/2016 05:22

Ngày 7/12, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội. Tại đây, Bộ sẽ có báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các chính sách, chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua cũng như thời gian tới… 

Đã làm được gì?

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ năm 2009 đến nay cả nước đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội (71.150 căn hộ) tại khu vực đô thị và khu công nghiệp, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 công nhân và người có thu nhập thấp.  

Tổng mức đầu tư cho các dự án nói trên khoảng 25.900 tỉ đồng (97 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp). Hiện các địa phương đang tiếp tục triển khai 191 dự án (70 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, 121 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp) với quy mô xây dựng 163.800 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 71.800 tỉ đồng. 


Khu ký túc xá công nhân Samsung Thái Nguyên.
(Nguồn: Ashui.com) 

Đối với Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, báo cáo của các địa phương cho biết, đến hết tháng 11/2016 đã hoàn thành hỗ trợ cho 91.302 hộ (51.064 hộ xây mới, 40.238 hộ sửa chữa, cải tạo); hiện đang tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho khoảng 6.800 hộ. Tổng nguồn kinh phí đã chi ra từ ngân sách là 2.500 tỉ đồng. 

Còn Chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn cũng đã hoàn thành hỗ trợ cho 531.000 hộ. Hiện đang tiếp tục triển khai cho khoảng 311.000 hộ (đã có 268.000 hộ đăng ký vay vốn). Tính đến tháng 10-2016 đã có 8.800 hộ dân được hỗ trợ vay vốn, với dư nợ khoảng 220 tỉ đồng/394 tỉ đồng mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã giao chỉ tiêu cho các địa phương.

Về Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ Đồng bằng sông Cửu Long thì giai đoạn 1 đã hoàn thành đầu tư xây dựng 804/804 cụm, tuyến dân cư và bờ bao – di dời gần 140.000 hộ khu vực ngập lũ; giai đoạn 2 cũng đã hoàn thành đầu tư xây dựng 178/179 cụm, tuyến dân cư và bờ bao và đã bố trí cho 52.220 hộ khu vực ngập lũ vào ở. Hiện đang tiến hành các thủ tục bổ sung khoảng 130 dự án thuộc các khu vực sạt lở...

Với Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung giai đoạn thí điểm đã hoàn thành hỗ trợ cho 700 hộ; giai đoạn mở rộng cũng đã hỗ trợ cho 10.778 hộ trong tổng số 27.196 hộ.

Đặc biệt, Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thì Nhà nước đã dành nguồn vốn 12.600 tỉ đồng (giai đoạn 2009-2015) để đầu tư xây dựng 95 dự án nhà ở để giải quyết chỗ ở cho khoảng 330.000 sinh viên. Đến nay đã có 88/95 dự án đưa vào sử dụng, bố trí cho khoảng gần 200.000 sinh viên, bảy dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện. Số lượng sinh viên đã được bố trí vào ở đạt tỷ lệ bình quân chung khoảng 82%. 

Riêng kết quả giải ngân gói tín dụng 30.000 tỉ đồng hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 (2013), tính đến 31/10/2016, đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 32.841 tỉ đồng và đã giải ngân 28.588,7 tỉ đồng (đạt 87,05%). Trong đó, đã ký hợp đồng cam kết cho vay 56.181 hộ, với số tiền là 27.480 tỉ đồng; đã giải ngân cho 56.181 hộ, với số tiền là 23.226 tỉ đồng (đạt 84,52% cam kết cho vay); đã cam kết cho vay 51 dự án, đã giải ngân với số tiền là 5.361 tỉ đồng.

Sẽ tiếp tục làm gì?

Mặc dù đã đạt được một số thành quả như kể ở trên nhưng theo Bộ Xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ nhà ở triển khai chậm so với kế hoạch ban đầu; cụ thể như Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công, chương trình hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn giai đoạn 2 (giai đoạn 1 kết thúc từ cuối năm 2012, nhưng đến cuối 2015 mới triển khai giai đoạn 2)...

Bộ Xây dựng cũng đánh giá việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Bởi, tính đến tháng 11-2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 71.150 căn hộ nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp; trong khi Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đề ra là khoảng 250.000 căn hộ (đến năm 2020).

Lý do được xác định là việc phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời, việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến phát triển nhà ở xã hội, như chưa đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo quy định của pháp luật; trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội… 

Nhưng quan trọng vẫn là nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở chưa đa dạng - thiếu các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho người nghèo, người thu nhập thấp vay để mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội hoặc cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (như Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ phát triển nhà ở, Ngân hàng tiết kiệm nhà ở…).

Do đó, theo Bộ Xây dựng, giai đoạn 2016-2010 Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 đã đề ra.

Đó là phấn đấu hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho khoảng 363.500 hộ gia đình có công với cách mạng cải thiện nhà ở; trên 300.000 hộ gia đình nghèo (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn; khoảng 30.000 hộ gia đình nghèo tại vùng thường xuyên bị bão, lũ thuộc khu vực miền Trung và tiếp tục nghiên cứu triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở chống bão, lũ tại khu vực này; hoàn thành đầu tư xây dựng 130 dự án cụm tuyến dân cư và bờ bao tại sáu tỉnh, thành phố thuộc khu vực sạt lở Đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội theo dự án để giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người nghèo, thu nhập thấp tại khu vực đô thị và đáp ứng cho khoảng 70% công nhân tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở.

Muốn vậy, phải nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, tín dụng, thuế liên quan đến nhà ở xã hội theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về thuế tài sản nhà, đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội; hình thành một số định chế tài chính, như: Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ đầu tư bất động sản... để tạo thêm kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn, dành để phát triển nhà ở xã hội, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc tăng tín dụng cho vay ưu đãi, giảm cấp phát vốn từ ngân sách nhà nước; nghiên cứu ban hành chính sách quy định các doanh nghiệp sử dụng nhiều người lao động tại các khu công nghiệp có nghĩa vụ hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đó. Nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng nhà ở cho thuê, khuyến khích xây dựng nhà ở thương mại giá thấp. 

Đá Bàn 

Một số mô hình nhà ở xã hội được đáng giá cao

1. Dự án nhà ở xã hội khu nhà ở cho công nhân nhà máy Samsung Thái Nguyên tại Khu công nghiệp Yên Bình 1, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái nguyên do tập đoàn Samsung đầu tư trên diện tích khoảng 12,5 ha gồm 38 tòa nhà ở, 3 tòa nhà phúc lợi, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 30.000/65.000 công nhân.

Khu nhà ở được xây dựng với đầy đủ tiện ích và trang thiết bị nhằm đem lại cho công nhân viên cảm giác thoải mái như ở nhà. Theo đó, ngoài các phòng ở (rộng 20-30m2 dành cho 6-8 công nhân) có đầy đủ quạt, giường, tủ… còn có các khu sinh hoạt chung như phòng đọc sách, phòng xem ti-vi, phòng máy tính, phòng tập gym, phòng hát karaoke.

Hiện tại Samsung Việt Nam cho công nhân ở miễn phí (công nhân chỉ phải đóng 50.000 đồng chi phí điện, nước mỗi tháng). Bộ Xây dựng đánh giá cao mô hình khu nhà ở cho công nhân Samsung Thái Nguyên.

2. Dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có diện tích 10ha, bao gồm 27 tòa nhà chung cư năm tầng, với 3.491 căn hộ (diện tích 30-65m2), phục vụ nhu cầu về nhà ở cho 8.000-9.000 công nhân góp phần phát triển, ổn định nguồn nhân lực hướng tới sự phát triển bền vững của khu công nghiệp.

Trong số 3.491 căn hộ của dự án, chủ đầu tư (Công ty IDICO – URBIZ) dành khoảng 800 căn để cho thuê với giá từ một đến hai triệu đồng/căn và bán 2.600 căn với giá 4-5 triệu đồng/m2 (chỉ cần trả trước 20% là nhận nhà).

Hệ thống hạ tầng, dịch vụ của khu nhà ở công nhân này được quy hoạch đồng bộ các phân khu chức năng như: nhà ở, nhà trẻ, chợ, trạm y tế, sân thể thao, công viên, đường nội bộ, cùng với những tiện ích, dịch vụ vui chơi, giải trí... đồng thời, các căn hộ trong dự án được xây dựng với đầy đủ tiện ích và trang thiết bị.

Bộ Xây dựng đánh giá cao về chất lượng của dự án - đảm bảo đồng bộ về hạ tầng, đồng thời xây dựng giá bán, giá cho thuê căn hộ phù hợp, góp phần thực hiện mục tiêu giải quyết nhu cầu bức thiết về chỗ ở, nâng cao điều kiện sống cho người lao động, người có thu nhập thấp trên địa bàn.

3. Dự án khu nhà ở an sinh xã hội Becamex tại tỉnh Bình Dương của Becamex IDC (doanh nghiệp trực thuộc tỉnh ủy Bình Dương tự huy động vốn) có tổng diện tích đất xây dựng 1.306.876 m2, diện tích xây dựng 511.811m2, diện tích sàn xây dựng 2.725.850 m2, cung cấp 64.700 căn hộ cho 164.000 người ở (bao gồm 37 khu nhà ở an sinh xã hội).

Do không hạch toán chi phí xây dựng hạ tầng vào giá thành xây dựng nhà ở nên giá bán căn hộ 30m2 của dự án chỉ 175 triệu đồng (tầng trệt), 150 triệu đồng (tầng 2), 130 triệu đồng (tầng 3), 110 triệu đồng (tầng 4) và 100 triệu đồng (tầng 5).

Với mức giá trên chủ đầu tư chỉ tính thu hồi phần xây dựng công trình, mà không tính vào phần đất và hạ tầng khác, đem lại hiệu quả xã hội do ổn định nguồn nhân lực, tạo sức hấp dẫn mới cho thu hút đầu tư nhằm đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Cư dân trong các khu nhà ở an sinh xã hội sẽ được hưởng các tiện ích hạ tầng kỹ thuật, xã hội chung của các khu đô thị hiện hữu. Bên trong các khu nhà sẽ có các dịch vụ tiện ích thiết yếu như khuôn viên, nhà trẻ, các cửa hàng, chỗ để xe, điểm thu gom rác, bảo đảm an toàn, vệ sinh.

Các khối nhà đều được bảo đảm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông nội bộ, sân bãi, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước, cấp điện, có hành lang giữa, được thông gió và chiếu sáng tự nhiên, tạo ra các không gian cộng đồng và hình ảnh hài hòa, thân thiện của một khu đô thị mới.

Mô hình khu nhà ở an sinh xã hội Becamex được đánh giá cao về chất lượng, thiết kế căn hộ hợp lý, có hạ tầng đồng bộ tạo không gian cộng đồng và hình ảnh hài hòa thân thiện, tuy nhiên giá thành rất phù hợp với công nhân và người lao động có thu nhập thấp. 

Nguồn tin: Ashui.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 26 | lượt tải:12

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 180 | lượt tải:81

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 191 | lượt tải:120

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 244 | lượt tải:104

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 330 | lượt tải:126

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây