0 NaN undefined

Kinh nghiệm & thực tiễn phát triển đô thị mới

Thứ sáu - 25/12/2015 03:03
Theo thời gian, cùng với sự phát triển bùng nổ của thị trường BĐS, đặc biệt là thị trường nhà ở trong giai đoạn vừa qua, phát triển khu đô thị “nóng” đã bộc lộ một số những tồn tại về mô hình phát triển và quản lý ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại và phát triển bền vững của hệ thống các khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đặc biệt ở các nhóm vấn đề như : kiến trúc quy hoạch, hệ thống kỹ thuật hạ tầng, cung ứng dịch vụ tiện ích, quản lý hệ thống hành chính. Phát triển đô thị trong giai đoạn tới phải đáp ứng được các yêu cầu về: phát triển bền vững; phát triển hài hoà; phát triển công bằng; và phát triển hiệu quả. Để đạt được các yêu cầu đó thì đô thị phải có chất lượng sống tốt (livability) và có năng lực cạnh tranh cao.
Khu đô thị mới Mỹ Đình, Hà Nội

Khu đô thị mới Mỹ Đình, Hà Nội

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế theo xu hướng thị trường, sự bùng nổ các hoạt động thương mại và dịch vụ góp phần tạo nên những nhu cầu mới về nhà ở đô thị. Phát triển đô thị song hành là điều tất yếu của sự phát triển xã hội, sau một vài mô hình thí điểm tương đối thành công, hàng loạt dự án các Khu đô thị mới (KĐTM) mọc lên với nhiều loại hình, quy mô và tính chất khác nhau. Bên cạnh những ưu điểm đã được thành phố thừa nhận về không gian sống, môi trường trong sạch và hạ tầng tương đối hoàn chỉnh các KĐTM cũng bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt về mặt văn hoá – xã hội, môi trường sống, kiến trúc cảnh quan. Những vấn đề này ngày càng cấp thiết, đòi hỏi phải tìm hướng giải quyết trong thời gian tới. Từ trường hợp nghiên cứu mô hình phát triển KĐTM của đô thị Hà Nội, có thể là kinh nghiệm thực tiễn tốt góp phần phát triển, và đề xuất một số định hướng, giải pháp nhân rộng cho sự phát triển bền vững các KĐTM trên phạm vi cả nước trong giai đoạn sắp tới.

Hiện trạng quản lý phát triển các khu đô thị mới tại Hà Nội
Cụm từ “khu đô thị mới” xuất hiện ở Hà Nội vào năm 1995, khi mà xã hội đã bắt đầu nhận ra những mặt trái của việc phát triển ồ ạt nhà chia lô, manh mún không theo qui hoạch. Khái niệm “khu đô thị mới” chỉ thật sự ra đời khi Chính phủ ban hành Nghị định 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999. Theo nội dung của Nghị định, “khu đô thị mới” là khu xây dựng mới tập trung theo dự án, được đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ và phát triển nhà của toàn khu, được gắn với một đô thị hiện có.
Giai đoạn trước 1998: Xây dựng KĐTM ở Hà Nội mới ở mức thăm dò nhu cầu ở của người dân. Các KĐTM tiêu biểu cho giai đoạn này như: Định Công, Linh Đàm, Trung Yên, Đại Kim, Nghĩa Đô vv.. Với qui mô đầu tư không lớn, cơ cấu các loại hình nhà ở vẫn còn lẫn nhà chia lô. Thành phố đã yêu cầu chủ đầu tư phải đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với công trình kiến trúc để đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt nhất thời điểm này.
Giai đoạn 1998 – 2001: Được đánh dấu khởi đầu bằng quyết định phê duyệt qui hoạch của Thủ tướng Chính phủ số 108/1998 QĐ-TTG ngày 20/6/1998 và mốc cuối bằng quyết định 123/QĐUB ngày 06/12/2001 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội qui định về tỷ lệ các loại nhà ở trong KĐTM. Trong đó nhà ở thấp tầng là 40%, nhà ở cao tầng là 60%. Tiêu biểu nhất cho các KĐTM giai đoạn này là các khu Trung Hoà Nhân Chính, Pháp Vân, Tứ Hiệp, di dân hai Bà Trưng, Bắc Định Công, Cầu Giấy, Dịch Vọng, Làng Quốc tế Thăng Long, Cầu Diễn, Hạ Đình, Mỹ Đình I …
Giai đoạn 2001 – 2008: Giai đoạn các KĐTM của Hà Nội chủ yếu là nhà ở cao tầng và nhà vườn, biệt thự. Tiêu biểu nhất cho các KĐTM giai đoạn này là các khu Mỹ Đình I,II, Thạch Bàn, Trung Văn, Cầu Bươu, Sài Đồng vv…
Giai đoạn từ nằm 2008 – 2010: Nghị quyết của Quốc hội số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, ký ngày 29/5/2008 có hiệu lực từ 1/8/2008 đã mang lại tầm vóc mới chưa từng có cho Thủ đô Hà Nội, trở thành Thành phố lớn thứ 17 trên thế giới, với diện tích 3344,6 km2 (tăng hơn 3 lần, chiếm khoảng 1% diện tích cả nước); dân số hiện gần 7 triệu người (tăng hơn 2 lần, chiếm gần 8% dân số cả nước) và 555 đơn vị hành chính, trong đó có 29 quận, huyện và thị xã. Tiếp quản địa giới hành chính rộng, trình độ dân trí không đồng đều, văn hóa và kinh tế, sản xuất đa dạng là một thách thức lớn.
Theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Thủ đô Hà Nội sẽ gồm trung tâm hạt nhân, 5 đô thị vệ tinh và một số đô thị sinh thái, thị trấn hiện hữu khác. Đô thị trung tâm hạt nhân được giới hạn từ đô thị lõi cũ kéo về phía Tây đến tuyến đường vành đai 4, kéo về phía Bắc và Đông Bắc sông Hồng gồm khu vực Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm và Long Biên. 5 đô thị vệ tinh được xác định gồm có: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên – Phú Minh, và đô thị Sóc Sơn. Như vậy theo Đồ án quy hoạch này, khu vực phía Tây thành phố sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Xu hướng phát triển các KĐTM về phía Tây và Đông cũng là một điều tất yếu.
Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự phát triển bùng nổ của thị trường bất động sản, đặc biệt là thị trường nhà ở trong giai đoạn vừa qua, phát triển khu đô thị “nóng” đã bộc lộ một số những tồn tại về mô hình phát triển, quản lý ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại, phát triển bền vững của hệ thống các khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đặc biệt ở các nhóm vấn đề như: kiến trúc quy hoạch, hệ thống kỹ thuật hạ tầng, cung ứng dịch vụ tiện ích, quản lý hệ thống hành chính. Những vấn đề tồn tại ở Hà Nội là điển hình và tương đồng với các đô thị lớn khác trên khắp cả nước.
Về quy hoạch: Các đồ án quy hoạch KĐTM, coi trọng việc tạo lập nhà ở, phát triển thị trường bất động sản: mua và bán hơn là việc chú trọng các yếu tố xã hội, tạo dựng môi trường sống bền vững, chất lượng sống tốt cho cư dân. Đây cũng là điều dễ hiểu cho cơ chế đầu tư của các Doanh nghiệp tại thời điểm này với nguồn vốn cá nhân, tập thể và vay vốn ngân hàng; Trên cơ sở các đồ án Quy hoạch chi tiết được duyệt thì tình trạng vẫn còn thiếu cây xanh và không gian công cộng, hạ tầng xã hội: Trường học, nhà trẻ, trạm y tế, nhà văn hóa,… và vì nhiều lí do trong cơ chế đầu tư nên Chủ đầu tư đã không quan tâm xây dựng đồng bộ song hành cùng với nhà ở cao tầng, nhà ở liên kế hoặc lại xin điều chỉnh, thay đổi các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được duyệt, dẫn đến thiếu hạ tầng xã hội cho người dân ở tại khu đô thị được sử dụng. Tiếp đến là khâu triển khai thực hiện quy hoạch, khá phổ biến là sự không tuân thủ quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt, các vi phạm chủ yếu là điều chỉnh chức năng sử dụng đất, tăng mật độ dân số xây dựng, lấn chiếm khoảng lưu thông, tăng diện tích xây dựng nhà ở… dẫn đến phá vỡ không gian, cảnh quan kiến trúc toàn khu.
Không gian công cộng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng môi trường sống sinh hoạt của người dân. Tình trạng các khoảng sân, công cộng, vỉa hè bị biến thành nhà hàng, quán ăn, cà phê, trà đá, trông xe là nhiều, phổ biến. Sự thiếu sót trong quản lý tại địa phương và Chủ đầu tư đã dẫn đến tình trạng thiếu sân chơi, khoảng không tập thể dục, thể thao cho người dân. Hệ thống hạ tầng xã hội nhiều KĐT còn bỏ ngỏ và thiếu diện tích.
Quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật: Không gian dành cho đi bộ rất hạn chế và thiếu an toàn. Mật độ sử dụng phương tiện giao thông cá nhân cao như xe máy, ô tô trong khu ở gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của cư dân. Bên cạnh đó, một số khu đô thị thiếu trầm trọng hệ thống giao thông tĩnh do việc tính toán nhu cầu đi lại thiếu chuẩn xác. Phần lớn các khu chung cư chỉ đáp ứng được trông giữ xe máy, xe đạp, còn ô tô thì vượt khả năng đáp ứng. Trong khi phần không gian ngầm tại các KĐT nước ngoài được tận dụng tối đa với vai trò là quảng trường, không gian công cộng để mua sắm, xem phim, ăn uống thì tại Việt Nam như khu đô thị Trung Hoà – Nhân Chính tình trạng quá tải đã hình thành các bãi đỗ xe dưới lòng đường, trên vỉa hè gây cản trở giao thông và mất trật tự, an toàn đô thị.
Cung ứng dịch vụ tiện ích: Dịch vụ công ích là các dịch vụ thiết yếu, trực tiếp phục vụ cộng đồng KĐT như cung cấp nước sạch, thoát nước, điện sinh hoạt, vệ sinh môi trường, chiếu sáng, quản lý công viên cây xanh, bảo vệ trật tự an ninh… Sự hài lòng của cư dân với chất lượng dịch vụ là khác nhau theo từng KĐTM, nhưng chưa có khu nào đạt sự tuyệt đối. Bên cạnh một số ví dụ KĐTM được đánh giá cao như: Vincomvillage, Ciputra, cũng có những KĐT chỉ dừng mức để ở: Khu đô thị Xa La, Trung Hòa Nhân Chính,..
Quản lý hành chính của khu đô thị: Qua tìm hiểu, nghiên cứu hiện nay có nhiều KĐTM nằm trên địa giới hành chính của nhiều phường, xã khác nhau (do phạm vi ranh giới đầu tư xây dựng quá lớn) nên chịu sự quản lý của nhiều chính quyền cùng một lúc, điển hình như KĐT Trung Hoà – Nhân Chính chịu sự quản lý của cả hai phường Trung Hoà (quận Cầu Giấy) và phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân). Khu Ciputra do sự quản lý của UBND phường Xuân La và UBND phường Phú Thượng – Quận Tây Hồ. Sự phân cấp quản lý theo địa giới hành chính này gây khó khăn cho cả chính quyền và chủ đầu tư. Công tác phối hợp với các cấp chính quyền sẽ bị lặp lại nhiều lần với cùng một nội dung công việc (do không phải lúc nào cũng họp liên xã, phường trong cùng một thời điểm). Thêm vào đó, tuỳ theo chức năng thực tế và lượng nhân sự của từng phường, xã nên sẽ khó có sự thực hiện đồng nhất, vướng mắc sẽ xảy ra khi giải quyết việc lấn chiếm lòng đường vỉa hè mà theo địa giới hành chính thuộc hai phường khác nhau sẽ phải tổ chức phối hợp rất phức tạp.

Khu đô thị mới Kiểu mẫu Linh Đàm, Hà Nội

Khu đô thị mới Kiểu mẫu Linh Đàm, Hà Nội

Kinh nghiệm từ mô hình đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, Hà Nội
Qua hơn 10 năm phát triển, theo Quyết định số 74/QĐ-BXD ngày 22/01/2009 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, KĐTM Linh Đàm được công nhận là Khu đô thị kiểu mẫu với việc thực hiện thành công 6 nhóm tiêu chí:
Tiêu chí 1: Công tác chuẩn bị đầu tư được thực hiện bài bản, đúng theo quy định hiện hành.
Tiêu chí 2: Các công trình xây dựng phù hợp với quy hoạch được duyệt, tạo nên tổng thể không gian kiến trúc hài hoà, thống nhất.
Tiêu chí 3: Khu đô thị được thực hiện theo phương thức đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng yêu cầu của người dân đến định cư ngay trong quá trình triển khai thực hiệnn dự án.
Tiêu chí 4: Công tác quản lý dự án, xây dựng công trình đảm bảo chất lượng và tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng của Nhà nước.
Tiêu chí 5: Chất lượng cuộc sống và môi trường sinh thái.
Tiêu chí 6: Quản lý và khai thác dịch vụ vì lợi ích cộng đồng.
Với trung tâm là bán đảo Linh Đàm, khu đô thị được quy hoạch là KĐTM thích ứng với đại bộ phận dân cư, thích ứng khí hậu, tôn trọng cảnh quan sinh thái; công cụ tổng hợp của “thiết kế kiến trúc”, “thiết kế đô thị” và “thiết kế cảnh quan” thông qua không gian cảnh quan hài hòa toàn khu vực. Những tuyến chính tạo thành các trục Đông – Tây, dọc theo chiều dài của hồ Linh Đàm hình vành khăn, được nhấn bởi những khối nhà chạy dài, quay mặt đứng theo hướng Bắc – Nam. Trung tâm là trục đường Nguyễn Duy Trinh tạo không gian dạng tuyến với điểm khởi đầu và kết thúc là các công viên lớn. Cấu trúc trung tâm – tuyến với sự hỗ trợ của các tuyến thành phần chạy song song đã tạo tính chiều hướng rõ rệt làm nên sắc thái của đô thị nhiệt đới. Các tuyến này còn được tổ chức thành tuyến thương mại – dịch vụ nhỏ kiểu cửa hàng – phố, phù hợp tập quán sinh sống của dân cư phố thị truyền thống. Đặc biệt hơn, cứ ba khối nhà có một sân cộng đồng đầm ấm, khép kín sinh hoạt láng giềng trong cụm dân cư, tạo nên tính đặc trưng của đô thị.
Trên cơ sở các kinh nghiệm triển khai đã được kiểm nghiệm và đánh giá từ thực tế, đây là mô hình quy hoạch và phát triển khu đô thị có nhiều ưu điểm, có thể coi là kinh nghiệm tốt để nhân rộng trong cả nước nhằm góp phần định hướng phát triển bền vững cho các đô thị Việt Nam.

Một số giải pháp đề xuất xu hướng phát triển khu đô thị mới tại Hà Nội
Về quy hoạch – kiến trúc: Để một KĐT được đi vào đầu tư xây dựng phải trải qua rất nhiều khâu: Thẩm định, trình duyệt, duyệt, đền bù giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư xây dựng, quản lý hoạt động đầu tư sau khi xây dựng xong… Thời gian là khá nhiều do đó để một dự án mang được tính bền vững, sinh thái, đáng sống cho cư dân còn nhiều vấn đề bất cập khó khăn. Hơn bao giờ hết khâu thẩm định, trình duyệt theo đề xuất của Chủ đầu tư là khâu cơ bản, đi đầu, cần có một lộ trình tốt, giảm thiểu thời gian để có thể triển khai nhanh, do đó chất lượng của đơn vị Tư vấn lập dự án cần những tư vấn chuyên nghiệp, có trình độ thiết kế quy hoạch, kiến trúc cao, am hiểu sâu sắc quy định pháp luật trong đầu tư, xây dựng và “hiểu” ý tưởng đầu tư của Nhà đầu tư cũng như phối hợp chặt chẽ trong quá trình thẩm định từ các cơ quan quản lý theo phân cấp. Đầu bài quy hoạch được đặt ra tốt, bền vững, văn hóa, kinh tế thì sẽ thuận lợi nhiều cho Nhà đầu tư trong mọi mặt.
Việc triển khai xây dựng, cơ quan có thẩm quyền và quản lý nhà nước phải có các giải pháp cụ thể, lộ trình tiến độ quy định cho các nhà đầu tư khi triển khai và sau khi hoàn thành, tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy phạm của nhà nước ban hành: Quy chế quản lý đô thị, Thông tư, Nghị định, Quy chuẩn xây dựng Việt Nam ; Tiêu chuẩn thiết kế chuyển ngành, Luật quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở…. Bên cạnh đó là những cơ chế thỏa đáng tích cực của Nhà nước cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án.
Về Hạ tầng xã hội: Chú trọng giải quyết triệt để sự thiếu trong diện tích, chất lượng đầu tư và phải đồng bộ trong xây dựng giữa các công trình trường học, nhà trẻ, trạm y tế, nhà văn hóa, đường giao thông, cây xanh, không gian công cộng với xây dựng nhà cao tầng, nhà ở liên kế theo từng phân kỳ đầu tư; đảm bảo chất lượng, tiến độ và khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào dự án; thực hiện phương thức chủ đầu tư cấp một là đầu mối quản lý toàn bộ dự án và mặt bằng xây dựng. Tránh tình trạng có nhiều KĐT dù sắp hoàn thành các hạng mục nhà ở cao, thấp tầng, song cơ sở hạ tầng trong phạm vi dự án vẫn chưa hoàn thiện, khiến người dân gặp khó khăn hoặc không muốn chuyển đến sinh sống. Một số KĐT khác dù chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa có hạ tầng, song chủ đầu tư vẫn tiến hành mở bán sản phẩm, huy động vốn từ khách hàng. Nâng cao các tiện ích chăm sóc sức khỏe, Spa, Gym, bể bơi, sân chơi, không gian gắn kết cho cộng đồng. Điều này cần có chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp và sự phối hợp các ban ngành, chế tài sử lý nếu có vi phạm xảy ra (ví dụ: sai mục đích sử dụng như không gian công cộng lại cho thuê nhằm kinh doanh,…) nhằm đảm bảo chất lượng sống tốt nhất cho người dân.
Hạ tầng kỹ thuật: Quá trình đánh giá hiện trạng cần lưu ý có giải pháp đấu nối đồng bộ hóa hạ tầng kỹ thuật, hệ thống ngầm nổi giữa khu đô thị mới và các khu làng xóm lân cận, các khu đô thị liền kề. Đặc biệt cần lưu ý đến vấn đề cốt nền khu vực và dự án để tránh tình trạng trũng nước vào khu vực xung quanh sau khi khu ĐTM hoàn chỉnh. Cải tạo hệ thống cấp thoát nước, giảm thiểu tình trạng ngập úng khi có mưa lũ bằng cách xây dựng có quy hoạch các KĐT sao cho các khu này không bị thấp hơn so với khu vực khác, có sự đồng bộ trong cốt cao độ các KĐT với nhau, tạo độ dốc để nước thoát, thường xuyên trùng tu, cải tạo hệ thống thoát nước đảm bảo hệ thống hoạt động tốt.
Để phục vụ tối đa cho cộng đồng, đặc biệt là đối với khí hậu nhiệt đới, gió mưa thất thường thì việc thiết kế hành lang có mái che cho người đi bộ và người tàn tật tiếp cận dễ dàng và thuận tiện sử dụng, từ mỗi nhà cho đến tầng 1 và ra các dịch vụ công cộng khác như bến xe, trường học, nhà trẻ, thương mại. Để tạo sự liên kết với các khu vực liền kề, cần thiết kế các loại hình cầu đi bộ qua tuyến giao thông.
Tăng cường hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn, đặc biệt là đối với chất thải nguy hại, bảo đảm thu gom rác thải, triển khai rộng rãi công tác phân loại rác thải ngay tại nguồn phát sinh sẽ góp phần giảm bớt gánh nặng cho thu gom và xử lý chất thải đô thị; đầu tư cơ sở vật chất để xử lý và tiêu hủy chất thải rắn theo đúng phương thức hợp vệ sinh. Có phương án tái chế tại chỗ rác thải sinh hoạt để phục vụ cho các nhu cầu khác của Khu ở.
Cải tạo hệ thống giao thông, đặc biệt là các nút giao thông để giảm thiểu tai nạn và tắc nghẽn giao thông, phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe ô tô cá nhân và xe máy, kiểm soát chặt chẽ chất lượng xe về mặt môi trường để giảm thiểu ô nhiễm không khí và tiếng ồn do giao thông gây ra. Tăng cường vấn đề tín hiệu giao thông, biển báo, cảnh sát và an ninh trong KĐT. Và cũng cần sự nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong quá trình tham gia giao thông.
Về cơ chế chính sách, khung pháp lý: Việc đầu tư xây dựng đồng bộ các chức năng khác cần có sự giám sát của cộng đồng, hoặc chủ đầu tư trích lại để Nhà nước thi công, đảm bảo khi bàn giao, sử dụng chức năng ở là đồng thời sử dụng các chức năng hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ và chất lượng.
Chính sách giải phóng mặt bằng, để có được sự đồng bộ trong tổ chức thực hiện, Nhà nước và Thành phố cũng cần có cơ chế ưu tiên hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng các ô đất lân cận của các dự án nhà ở cao tầng để đảm bảo tổng thể cảnh quan văn minh, tạo nên vùng không gian cao tầng hay điểm nhấn đô thị với khoảng không gian và cảnh quan tương xứng.
Đối với các khu ở cao tầng trên đất khu tập thể cũ, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội đang triển khai các dự án này. Quy họach tổng thể chi tiết sẽ được xem xét cẩn trọng, dựa trên cơ sở các yếu tố không gian, cảnh quan, sự ảnh hưởng, sự tác động của từng loại chức năng sử dụng đến môi trường trong sự liên kết với tổng thể khu vực để sau khi xây dựng, các khu ở cao tầng mới này không chất tải thêm hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, nước, mạch nước ngầm…) cũng như hạ tầng xã hội (số lượng dân cư) vốn đã xuống cấp.
Tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền lấy ý kiến cộng đồng dân cư và công bố quy hoạch theo Luật quy hoạch đô thị 2009 cần rộng rãi trên nhiều phương tiện: Báo chí, truyền hình, Internet, phiếu ý kiến thăm dò gửi cho từng hộ dân,… Loa đài thường xuyên trên phường, xã nơi có KĐT như các bản tin phát ra để người dân hiểu hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình đối với KĐT mình sinh sống cũng như pháp luật của Nhà nước và quyền công dân của mình trong việc lấy ý kiến. Tăng cường giám sát chặt chẽ từ góc độ người dân sinh sống tại khu đô thị, ban quản trị tòa nhà, cơ quan quản lý các cấp. Có sự phối hợp nhịp nhàng với công ty quản lý vận hành KĐTM, từ công tác quản lý nhân khẩu, đất đai, xây dựng… Đặc biệt, công tác an ninh luôn có sự phối hợp của công an phường nơi KĐTM trực thuộc địa bàn hành chính.. Các KĐTM nằm trên ranh giới nhiều phường, xã càng cần được phân cấp quản lý chặt chẽ để thuận lợi trong quản lý và điều hành. Phải có những ban quản trị, quản lý thật tốt, chất lượng. Họ chính là những người có quyền tổ chức, đảm bảo an toàn cho mình trong những ngôi nhà mà họ được làm chủ sở hữu. Thấy được giá trị này chắc chắn chất lượng sống sẽ được nâng cao lên rất nhiều.
Hoàn thiện hơn nữa các văn bản pháp lý có liên quan đến cơ chế, chính sách, công tác quản lý của các khu đô thị mới song hành với việc quản lý người dân, việc ăn ở, đảm bảo phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… Như những nội quy của các tòa nhà, hệ thống pháp lý, khung định hình pháp luật cần ngắn gọn, rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu để phù hợp với từng loại đối tượng, trình độ người dân sinh sống tại KĐT.

Kết luận
Phát triển đô thị trong giai đoạn tới phải đáp ứng được các yêu cầu về: phát triển bền vững; phát triển hài hoà; phát triển công bằng; và phát triển hiệu quả. Để đạt được các yêu cầu đó thì đô thị phải có chất lượng sống tốt (livability) và có năng lực cạnh tranh cao. Đây có thể coi là định hướng giúp hoạch định các giải pháp điều chỉnh về mô hình quy hoạch, phát triển và quản lý khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội cũng như trên phạm vi cả nước, góp phần tạo dựng tính bản sắc – tiện nghi – và phát triển bền vững cho các khu đô thị mới ở nước ta./.

Nguồn tin: THS. KTS Trần Trung Hiếu Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 148 | lượt tải:69

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 160 | lượt tải:112

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 204 | lượt tải:96

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 308 | lượt tải:120

3004/QĐ-UBND

Quyết định số 3004/QĐ-UBND của UBND Thành phố HN về việc Phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường vào Trụ sở Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trại tạm giam T16 và Trung tâm thẩm vấn của lực lượng cảnh sát, tỉ lệ 1/500

Thời gian đăng: 27/07/2023

lượt xem: 205 | lượt tải:57

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây