0 NaN undefined

Kiến trúc thực thụ phải thấu hiểu nền tảng sự sống

Thứ tư - 09/05/2018 15:53

Pritzker Prize 2018 : “Kiến trúc thực thụ phải thấu hiểu nền tảng sự sống”

Balkrishna Doshi
(Nguồn: VSF và giải thưởng Pritzker)
 

Những “Vị thần Kiến trúc” cuối cùng đã mỉm cười với Ấn Độ – Balkrishna Doshi đã trở thành chủ nhân của Giải thưởng Pritzker năm 2018. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 40 năm qua, “Giải Nobel Kiến trúc” được trao cho một KTS khu vực Nam Á. Balkrishna Doshi là Giáo sư, KTS, nhà quy hoạch đô thị và nhà giáo dục – Trong 70 năm qua ông đã sống, làm việc và định hình kiến trúc của mình trên khắp Ấn Độ.

 

Con người và kiến trúc đều có bối cảnh riêng của chính nó

Doshi ra đời vào ngày 26/8/1927, năm nay ông đã hơn 90 tuổi, nhiều hơn người nhận giải Pritzker năm 2016 Alejandro Aravena 40 tuổi. Hội đồng Giám khảo của giải Pritzker cho biết: Tiêu chí của giải thưởng luôn nhấn mạnh tới thành tựu trọn đời (điều này không trọn vẹn ở Giải thưởng năm 2015 khi giải thưởng được trao cho Frei Otto 89 tuổi, ông đã qua đời trước khi nhận được thông báo chính thức). Khi công bố giải thưởng năm nay, Hội đồng Giải thưởng không nhắc đến tuổi của Doshi, nhưng đã đề cập đến 70 năm hành nghề kiến trúc, quy hoạch đô thị và giảng dạy của ông.

Sinh ra ở Pune, thuộc bang Maharashtra Ấn Độ trong một gia đình theo đạo Hindu có truyền thống làm mộc suốt 2 thế hệ, dường như chính điều này đã làm Doshi có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống và mục tiêu một KTS cần phải làm khi đứng trước bối cảnh của riêng họ.

Sau khi tốt nghiệp ở Mumbai, Doshi sang Châu Âu, nơi đầu tiên ông làm việc tại Paris là văn phòng của Le Corbusier. Một thời gian sau, ông trở về Ấn Độ để giám sát một số dự án của Le Corbusier ở Chandigarh, tiếp đó là Ahmedabad. Ahmedabad không chỉ là nhà của ông, đó còn là nơi lưu giữ nhiều công trình có giá trị của Doshi trong suốt sự nghiệp hành nghề.

Le Corbusier và Balkrishna Doshi. (Nguồn: Balkrishna Doshi)
 

Một trong những dự án đầu tiên là Trường Kiến trúc Ahmedabad, đây là ngôi trường do Doshi tự thành lập và hoạch định. Ngôi trường là tổ hợp những tòa nhà bằng gạch và bê tông đơn giản, sân vườn và cầu thang với bố cục mở. Dự án này cho thấy ảnh hưởng của cả Le Corbusier và Louis Kahn đến tư duy thiết kế của Doshi nhưng vẫn gợi nhớ lại những nét kiến trúc truyền thống ở các thị trấn tại Ấn Độ.

Ngoài ra, một số dự án nổi bật của Doshi giai đoạn này bao gồm Trường Kiến trúc Ahmedabad (1966); phòng làm việc của văn phòng Vastu-Shilpa (1981); và phòng thí nghiệm Amdavad ni Gufa (1995).

Năm 1989, Doshi thiết kế nhà ở giá rẻ Aranya cho 80.000 người ở Indore. Công trình này mang về cho ông Giải thưởng Kiến trúc Aga Khan năm 1993-1995.

“Dưới sự dẫn dắt của các bậc thầy về kiến trúc thế kỷ 20 như C-harles-Édouard Jeanneret – còn được gọi là Le Corbusier – và Louis Kahn, Doshi đã tìm kiếm lời giải thích về kiến trúc và biến nó thành những công trình xây dựng đậm sắc văn hoá phương Đông, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống ở Ấn Độ. Kiến trúc của ông đã ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi tầng lớp kinh tế xã hội thuộc mọi giới kể từ những năm 1950”. – Tom Pritzker, Chủ tịch quỹ Hyatt chia sẻ khi công bố KTS người Ấn Độ Balkrishna Doshi (B.V. Doshi) là người được trao Giải thưởng Pritzker 2018.

Kiến trúc thực thụ phải thấu hiểu nền tảng của sự sống

Với kinh nghiệm làm nghề lâu năm, kiến trúc của Doshi luôn khai thác những mối quan hệ giữa nhu cầu sống căn bản của con người, sự kết nối bản thể và văn hóa, thấu hiểu những giá trị truyền thống xã hội, trong bối cảnh thực tại và môi trường xung quanh, thông qua sự phản ứng với phong trào hiện đại. Doshi miêu tả kiến trúc như sự mở rộng của vật thể, tìm kiếm giải pháp sử dụng vật liệu phù hợp để đề cập tới công năng, khí hậu, cảnh quan và đô thị hóa.

Theo quan điểm của Doshi, trong kiến trúc, sự cảm nhận có trước, hình khối đến sau, chính trật tự này đã tạo ra mối liên kết, gắn bó sự hiện hữu không chỉ với hình khối vật chất mà còn với đôi mắt, âm thanh, các giác quan. Và tiếp đến, cảnh quan mới bắt đầu định hình.

Học viện quản trị Ấn Độ, Bangalore, Ấn Độ, 1977-1992 . (Nguồn: VSF, và giải thưởng Pritzker)
 

“Tôi tự đặt ra cho bản thân câu hỏi: Với kiến trúc, điều gì là quan trọng, Hình dáng của công trình, hay cái bên trong, không gian?. Hãy nhìn xung quanh, mọi vật xung quanh ta đều là tự nhiên: Ánh sáng, bầu trời, nước, giông tố… Tất cả là một bản giao hưởng, và bản giao hưởng ấy tượng trưng cho kiến trúc.”

Sangath – Văn phòng kiến trúc của Doshi tại Ahmedabad, Ấn Độ, 1980.
(Nguồn: VSF, và giải thưởng Pritzker)
 

Sự tương quan giữa kiến trúc và bối cảnh

Có thể nói, với sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống, trách nhiệm của KTS, mong muốn đóng góp cho đất nước và người dân thông qua kiến trúc chân thực và chất lượng, Doshi đã thực hiện những dự án cho các viện hàn lâm, văn hóa, quản trị và nhà ở cho khách hàng riêng. Ông nhận thức rõ ràng về bối cảnh công trình của mình. Giải pháp của ông tập trung vào những yếu tố xã hội, môi trường và kinh tế. Do đó, kiến trúc của ông gắn kết hoàn toàn với sự bền vững.

Theo ông, không chỉ Ấn Độ mà nhiều nơi trên thế giới những công trình kiến trúc đặc trưng đang đứng trước nguy cơ mai một vì nhà trường không dạy sinh viên cách bảo tồn những giá trị truyền thống. Những người trẻ đang quá bận tâm sao chép phong cách thiết kế của những quốc gia khác mà quên việc học hỏi kinh nghiệm từ bậc tiền bối để lại – “Đó chỉ là mong muốn bắt chước người khác”, Doshi cho hay.

Theo ông, đây là lý do tại sao những tòa nhà chọc trời đơn điệu đang mọc lên như nấm, còn những công trình mang tính lịch sử của Ấn Độ thì bị phá dỡ không thương tiếc, ví dụ như công trình Hall of Nations ở Delhi (1972 -2017). “Vấn đề cốt lõi nằm ở giáo dục, lỗi lầm của chúng ta – những người thầy là đang không biết dạy con em mình về tầm vóc, ý nghĩa của giá trị di sản.”

Học viện nghiên cứu Ấn Độ.
(Nguồn: VSF và giải thưởng Pritzker)
 

Những năm 1960, khi Balkrishna Doshi thành lập Trường Kiến trúc Ahmedabad, các lớp học tại đây hoàn toàn được thiết kế mở và tập trung vào việc giảng dạy về sự tương quan giữa bối cảnh. Ngôi trường được giới kiến trúc quốc tế công nhận về ý tưởng và hướng tiếp cận độc đáo. Hơn 50 năm hoạt động, trường Ahmedabad hiện đã trở thành Đại học CEPT. Doshi cho rằng đây là môi trường sư phạm duy nhất ở Ấn Độ dạy sinh viên chuyên sâu vào kỹ năng liên hệ không gian xung quanh với thiết kế kiến trúc của mình một cách hiệu quả nhất.

Trung tâm quy hoạch môi trường và công nghệ, Ahmedabad, Ấn Độ. (Nguồn: VSF và Giải thưởng Pritzker)
 

Ông ví von rằng các trường kiến trúc chỉ nhìn vào “khung xương” chứ không chú trọng tới những gì nằm dưới “lớp vỏ”: “Câu hỏi muôn thuở về cách tổ chức không gian, ánh sáng vốn luôn tồn đọng trong kiến trúc, song nhà trường lại không đề cập đến chúng. Đây là yếu tố cốt lõi ảnh hưởng tới trải nghiệm của chúng ta, thiếu đi nó thì linh hồn trong kiến trúc không còn sức sống nữa.”

Khoan dung – Chìa khóa của Kiến trúc Tốt

Kiến trúc là câu chuyện của cả cuộc đời Balkrishna Doshi, ông không ngừng phát triển, đổi thay và tìm kiếm, để thấu hiểu ý nghĩa của kiến trúc nói chung và kiến trúc tốt nói riêng. Mỗi công trình của ông đều là một sự thử nghiệm mới trong kiến trúc, mọi ngôn ngữ, mọi không gian đều phải có ý nghĩa riêng của nó. Chính sự hài hòa có được từ đó sẽ tạo ra kiến trúc tốt.

Balkrishna V. Doshi với các sinh viên tại Trường Kiến trúc CEPT, Ahmedabad, c. Những năm 1970.
(Nguồn: Peter Scriver, Amit Srivastava)
 

“Mỗi công trình với tôi đều là một hành trình thử nghiệm mới mẻ, dựa trên những giá trị và sắc thái địa phương có sẵn, sự thử nghiệm đó có thành công hay thất bại tôi đều chỉ có một chọn lựa: Nhìn thẳng vào cuộc sống. Tôi đã tìm kiếm suốt nhiều năm qua và lần nào cũng bị mê hoặc bởi hành trình ấy. Tôi đã dành cả đời mình và sẽ vui vẻ làm điều đó trong nhiều thập kỷ tới nữa. Hãy nghĩ đến cách chúng ta lớn lên, sống là con người – từ thời thơ ấu đến trưởng thành, đến tuổi già. Chúng ta trở nên khoan dung, chúng ta điều chỉnh chính mình, chúng ta khám phá… Theo thời gian, chúng ta ngày càng trở nên phong phú hơn từ bản thể lẫn tinh thần. Tại sao không có cùng một thái độ đối với kiến trúc ở bất kỳ mọi nơi? Nếu bạn nhìn vào các khu định cư trên thế giới, họ đã trải qua hàng thế kỷ hoặc hàng thập kỷ, và chúng trông rất khác. Họ trở nên giàu có hơn. Điều quan trọng bạn lựa chọn thế nào cho Kiến trúc của bạn?”.

Khu nhà ở Aranya ở Indore, cho thấy khả năng thích ứng – kỹ thuật mà KTS Doshi nói rằng ông đã học được từ thiên nhiên. Nguồn: VSF và giải thưởng Pritzker
 

Tài liệu Tham khảo:
1. Balkrishna Doshi Prizker Laureates – https://www.pritzkerprize.com/
2. India’s young architects must be taught to appreciate their design heritage, says Balkrishna Doshi – Dezeen Magazine 12 July 2017.
3. 7 Projects You Need to Know by 2018 Pritzker Prize Winner B.V. Doshi
4. Q+A: Balkrishna Doshi, 2018 Pritzker Prize Laureate / Edward Keegan
5. Phim tài liệu: “Doshi”: Documentary Explores the Pritzker Prize-Winning Career of A Modern Indian Architect
6. Phim tài liệu: Triết lí thiết kế của Balkrishna Doshi
7. A Bolt F-rom the Blue’: Doshi on Winning the Pritzker https://www.citylab.com/
8. https://kienviet.net/2018/03/14/8-cong-trinh-tieu-bieu-cua-pritzker-2018-kts-balkrishna-doshi/
9. https://quartzy.qz.com/1223686/pritzker-prize-winner-2018-indian-architecture-professor-balkrishna-doshi-wins/
10. https://en.wikipedia.org/wiki/B._V._Doshi
11. https://www.newyorker.com/culture/culture-desk/how-balkrishna-doshi-bent-le-corbusiers-modernism-to-the-needs-of-india
12. http://handhome.net/balkrishna-doshi-kien-truc-su-tre-phai-hoc-cach-tran-trong-di-san-kien-truc/
11, https://www.theguardian.com/artanddesign/2018/mar/07/balkrishna-doshi-pritzker-prize-architecture
12, https://www.royalacademy.org.uk/event/balkrishna-v-doshi
15. https://www.pritzkerprize.com/laureates/balkrishna-doshi
16. Balkrishna Doshi named India’s first winner of the Pritzker Prize / CNN

 


Nguồn tin: KTS Thái Vũ Mạnh Linh (biên dịch và tổng hợp) (Bài đăng trên Tạp chí Kiến trúc số 03-2018)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 133 | lượt tải:64

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 154 | lượt tải:110

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 197 | lượt tải:90

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 299 | lượt tải:117

3004/QĐ-UBND

Quyết định số 3004/QĐ-UBND của UBND Thành phố HN về việc Phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường vào Trụ sở Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trại tạm giam T16 và Trung tâm thẩm vấn của lực lượng cảnh sát, tỉ lệ 1/500

Thời gian đăng: 27/07/2023

lượt xem: 200 | lượt tải:56

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây