0 NaN undefined

Giành lại vỉa hè: Bài toán cân bằng giữa sinh kế & mỹ quan đô thị

Thứ hai - 24/04/2017 10:43

Triển khai dọn sạch vỉa hè cho người đi bộ tại Quận 1, TP HCM

Triển khai dọn sạch vỉa hè cho người đi bộ tại Quận 1, TP HCM

Từ những chiến dịch ra quân “giành lại vỉa hè”
Với quyết tâm của Hà Nội và TP.HCM trong chiến dịch ra quân thiết lập lại trật tự vỉa hè, văn minh đô thị, vỉa hè đang được trở về đúng chức năng ban đầu của nó.
Tại TP.HCM, trong đợt ra quân quyết liệt giải phóng lòng đường vỉa hè, Quận 1 là đơn vị đi đầu. Từ ngày 16/1 đến đầu tháng 3, chính quyền và các cơ quan chức năng của Quận đã ra quân mạnh mẽ, giải phóng hàng chục con đường, xử phạt 875 trường hợp vi phạm. Ưu tiên hàng đầu của Quận 1 là tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè. Hàng loạt các công trình như bồn hoa của Trung tâm Bồi dưỡng chính trị, bức tường trước trụ sở Bộ Công thương, trụ sở khu phố, chốt dân phòng… đều bị dẹp bỏ. Các công trình của người dân như bậc tam cấp, thang dẫn bằng thép, tường lấn vỉa hè… nếu không tự nguyện, đều bị lực lượng chức năng tháo dỡ. Sau Quận 1, đến nay, hàng loạt quận huyện khác trên địa bàn TP.HCM cũng đã đồng loạt ra quân tháo dỡ biển hiệu, hàng quán, đập bỏ bậc tam cấp trước nhà để trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

up2

Triển khai dọn sạch vỉa hè tại Hà Nội

Khác với TP.HCM, theo Kế hoạch số 01/KH – BCĐ 197 ngày 3/3 về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, vỉa hè và các điểm trông giữ phương tiện, TP Hà Nội kiên trì theo quy trình 3 bước. Bước một, tuyên truyền nhắc nhở xuống từng gia đình. Bước hai, kiểm tra nhắc nhở và định ra thời hạn tự tháo dỡ. Bước ba, cưỡng chế và phạt. Nếu vi phạm 3 lần sẽ bị tước giấy phép kinh doanh. Trong đó, tập trung tập trung vào xử lý các trường hợp như: Các cửa hàng kinh doanh trên vỉa hè, lấn chiếm vỉa hè. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã khẳng định, không nên vì một vài gánh hàng rong mà khiến cho bộ mặt Thành phố trở nên nhếch nhác.
Tuy các chiến dịch giành lại vỉa hè được thực hiện mạnh mẽ, và nhân rộng tại nhiều địa phương khác trên cả nước như Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Định… là nỗ lực rất đáng ghi nhận của chính quyền các đô thị, nhưng cũng cần nhìn nhận rõ đây không phải là lần đầu tiên các chính quyền đô thị tổ chức các chiến dịch để dẹp bỏ lấn chiếm, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Trong một số lần trước đây đã có tình trạng ra quân rầm rộ nhưng đầu voi đuôi chuột để rồi việc lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn lần sau nhiều hơn lần trước.

Cần một giải pháp quản lý “bền vững” cân đối giữa bài toán sinh kế và mỹ quan đô thị
Một chuyên gia nghiên cứu cho rằng, không thể xóa bỏ hoàn toàn những hoạt động kinh tế trên vỉa hè mà chỉ nên sắp xếp lại để hài hòa giữa một bên là vấn đề mưu sinh và một bên là trật tự, mỹ quan đô thị. Như vậy, để giành lại không gian vỉa hè một cách căn cơ và bền vững không chỉ là giải bài toán hành chính, kinh tế mà còn là bài toán nhân văn. Bên cạnh những hành động quyết liệt của chính quyền, rất cần sự ủng hộ, chung sức của người dân vì một mục tiêu lâu dài và bền vững đó là một quốc gia phát triển văn minh, ngay từ cái vỉa hè. Ngày 11/03/2017 mới đây, tại buổi họp chỉ đạo tổng kết Hội nghị quán triệt, thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị, Bí thư Thành ủy TPHCM – Đinh La Thăng đã phát biểu: “Kinh tế vỉa hè rất quan trọng, vỉa hè gắn với công ăn việc làm, phong tục tập quán, thói quen lâu đời của người dân. Đừng nghĩ người buôn bán ở vỉa hè chỉ là mưu sinh. Bao năm qua họ cũng có góp sức về nguồn lực cho Thành phố. Việc thay đổi thói quen của một nền kinh tế vỉa hè, phong tục tập quán gắn với vỉa hè là điều rất khó. Nhưng khi lòng dân đang thuận, cả hệ thống chính trị vào cuộc thì Thành phố sẽ làm được”.

Về mặt khái niệm, vỉa hè có rất nhiều chức năng chứ không đơn thuần chỉ dành cho người đi bộ. Trước hết, đây là không gian đệm giữa nhà và đường phố do vậy phải có các kết nối trực tiếp về không gian từ đường vào nhà gồm các đường dốc và bậc lên xuống. Tiếp đến, do tiếp cận trực tiếp với người tham gia giao thông nên xuất hiện chức năng là không gian sinh kế với các phương thức kiếm sống theo hình thức kinh doanh nhỏ – lẻ dọc theo tuyến phố. Cuối cùng, là không gian đáp ứng các nhu cầu về chỗ để xe cho người dân giao tiếp cộng đồng cho cư dân đô thị.
Các chức năng trên của vỉa hè được khai thác qua các năm đã trở thành cần thiết và tập quán sử dụng, một dạng “không gian sinh kế quan trọng” của cư dân đô thị. Chính vì thế, mục tiêu của các chiến dịch dọn dẹp vỉa hè hiện nay (những ai đã lấn chiếm sẽ bị dọn dẹp) nhưng cũng cần qua tâm và có các giải pháp phù hợp cho các nhu cầu “sinh kế – sử dụng” chính đáng của người dân.
Việc sắp xếp trật tự “giành lại” không gian vỉa hè cần đảm bảo cuộc sống mưu sinh cho người dân. Hàng rong là một đặc sản của phố đô thị và chỉ xuất hiện ở một số đô thị có truyền thống văn hóa đặc trưng, có nền kinh tế thị trường phát triển. Từ cầu làm xuất hiện cung, nên kinh tế vỉa hè chắc chắn có chỗ dựa phát triển mạnh, góp phần tạo sự thịnh vượng cho người dân cũng như toàn đô thị. Tuy nhiên, nếu “cung kinh tế vỉa hè” làm cản trở đến các chức năng khác của vỉa hè thì cần có sự sắp xếp khoa học lại. Cần quy hoạch không gian các tuyến phố trong đô thị, nhận diện rõ và xây dựng quy định rõ ràng và triệt để đối với những tuyến phố chính, đông người giờ cao điểm thì hàng rong không được phép hoạt động. Các đường nhỏ cấp 2, cấp 3 (hệ thống các đường ngách) có thể cho phép tổ chức hàng rong phục vụ người dân đô thị nhưng khống chế cách thức kinh doanh (để có thể quản lý chất lượng, thời gian, và loại sản phẩm…) và diện tích sử dụng không gian vỉa hè. Một cách đơn giản, quản lý không gian vỉa hè để hài hòa giữa nhu cầu sinh kế, nhu cầu xã hội một cách trật tự, không “cản trở” các chức năng khác của vỉa hè mới là cái đích cần hướng tới. Nếu dọn dẹp vỉa hè một cách cực đoan cấm tất, chỉ còn lại chức năng đi bộ thì sẽ làm đứt một mạch trong kinh tế đô thị, ảnh hưởng đến sinh kế và kinh tế của người dân – đô thị, và cũng không là giải pháp bền vững. Vì miếng cơm manh áo, đại đa số người dân lao động vẫn sẽ lén lút “tái lấn chiếm”. Giai đoạn hiện nay các chính quyền đô thị đang quyết liệt ưu tiên lập lại trật tự đô thị vỉa hè, sau khi hoàn thành giai đoạn này, cần thực hiện công việc quy hoạch – xắp xếp – quản lý hài hòa giữa bài toán sinh kế và mỹ quan đô thị.

Ngày 13/03/2017 vừa qua, Chủ tịch UBND Quận 1 (TP.HCM) Trần Thế Thuận cho biết trên các phương tiện thông tin tại chúng: “500 người nghèo buôn bán hàng rong lâu năm tại khu vực trung tâm Quận 1 sẽ được bố trí, sắp xếp kinh doanh, buôn bán tại phố hàng rong. Đây không chỉ là nơi buôn bán đơn thuần mà còn là nét văn hóa đặc trưng của đô thị TP.HCM để thu hút khách du lịch”. Trong đó, cùng với việc rà soát, tuyên truyền, trang bị các kiến thức về kinh doanh nếp sống mới cần thiết, Quận sẽ bố trí quy hoạch một số các tuyến phố có vỉa hè rộng trên 3m để làm tuyến phố cho phép bán hàng rong (trong các đề án trước đây dự kiến tuyến phố Lê Văn Chiêm, và đề xuất thêm một số địa điểm mới). Các cửa hàng được thiết kế đồng bộ, nhân viên bán hàng được cung cấp đồng phục đảm bảo trật tự và mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đã nghiên cứu trình đề án về tổ chức Phiên chợ cuối tuần tại vị trí Công viên Cảng Bạch Đằng, với việc sắp Xếp một số bà con được về kinh doanh tại đây.

Kinh nghiệm quản lý vỉa hè trên thế giới
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, kinh doanh nhỏ lẻ trên không gian vỉa hè vẫn tồn tại, thậm chí còn trở thành một nét văn hóa hấp dẫn của địa phương bởi các phương thức kinh doanh và sử dụng không gian phù hợp, không ảnh hưởng đến giao thông. Vỉa hè không chỉ là câu chuyện an toàn cho người đi bộ mà còn góp phần hoàn thiện mỹ quan đô thị, thậm chí là biểu trưng cho văn hóa ở một số quốc gia trên thế giới.

up4

Sơ đồ các giải pháp quản lý không gian vỉa hè trên thế giới

– Mạnh tay từ quy hoạch: Thực chất, quy hoạch đô thị luôn phải đi trước một bước. Các nội dung quy hoạch không gian và cảnh quan tuyến phố đều được nghiên cứu hoạch định và quy định rất rõ ràng thành các luật cụ thể làm cơ sở để chính quyền đô thị có thể mạnh tay quản lý và xử lý vi phạm không gian vỉa hè. Nhưng để đạt được những mục tiêu đó, chính quyền các nước đã phải áp dụng những quy định khai thác vỉa hè thật rõ ràng, khoa học, sáng tạo cũng như cứng rắn.
Tại các TP lớn của thế giới, vỉa hè không bao giờ bị “phong tỏa” mà luôn được biến thành một phần quan trọng, một nét đặc sắc không thể thiếu tạo nên không gian sống của thành phố, vỉa hè chỉ để đi lại là “vỉa hè chết”. Vì vậy, cần biến vỉa hè không chỉ là nơi để di chuyển từ nơi này qua nơi khác, còn là nơi cộng đồng sinh hoạt, tham gia vào việc tạo dựng đặc trưng văn hóa của một TP. Quá trình thiết lập không gian công cộng này là “Tạo lập nơi chốn” – Placemaking. Theo đó, các không gian công cộng cần được xây dựng dựa theo nhu cầu và giá trị của cộng đồng tại đó. Đặc biệt, các thành viên cộng đồng phải là trung tâm của quá trình quy hoạch. Đơn cử, TP Buffalo (New York, Mỹ) khu bờ biển hoang vắng được quy hoạch cải tạo thành một điểm đến hấp dẫn bằng cách đặt 100 ghế tại khu vực, mời các nhà cung cấp ẩm thực đến và tổ chức hàng trăm sự kiện như hòa nhạc, chương trình múa rối hay các lớp Zumba…
Tại thủ đô Washington (Hoa Kỳ), quy hoạch không gian tuyến phố luôn quy định giành ít nhất 1,5m đường bộ theo đạo luật về người khuyết tật Mỹ (ADA). Các hộ kinh doanh trên không gian vỉa hè phải thực hiện xin phép với chính quyền đô thị về phương thức, sản phẩm và thời gian kinh doanh. Căn cứ theo quy hoạch tuyến phố và điều luật về kinh doanh trên vỉa hè đã được thiết lập, chính quyền sẽ cấp phép và quản lý hộ kinh doanh trên vỉa hè. Quy hoạch tại một số tuyến phố cũng bố trí không gian vỉa hè cho kinh doanh sát với nhà dân để hạn chế lấn chiếm không gian vỉa hè cho người đi bộ.
Tại Pháp, quy hoạch sử dụng không gian tuyến phố cũng được thiết lập và một số tuyến phố cũng cho phép sử dụng không gian via hè vào mục đích kinh doanh hộ cá thể. Tuy nhiên, quy hoạch khống chế một số loại mặt hàng như café, nước giải khát và cho phép đặt kê bàn ghế ra không gian vỉa hè nhưng phải nằm gọn trong khoảng mái hiên che từ 3 – 6m.
Để tối ưu hóa hiệu quả quy hoạch, điều cần làm đầu tiên là xác định ý tưởng rõ ràng, nói các khác là xây dựng một “cá tính riêng” cho quy hoạch. Tầm nhìn của Singapore về “Thành phố vườn” là một ví dụ về định hướng phát triển rõ ràng. Vỉa hè hay cả những địa điểm khác nên được coi là một phần trong hệ sinh thái rộng lớn hơn của khu vực, nhấn mạnh đến sự xuyên suốt và đồng bộ trong việc xây dựng “cá tính riêng” cho từng khu vực. Ngoài ra, việc tạo không gian cho người đi bộ tham gia và gắn kết vào đường phố là không thể thiết. Việc New York được biến thành không gian dành cho người đi bộ hay ở London – nơi vỉa hè được quy hoạch cho xe đạp và đi bộ đã có tác động rõ rệt đối với sự hấp dẫn của các TP.

Tổ chức trung tâm bán hàng rong ăn uống tập trung tại Singapore

Tổ chức trung tâm bán hàng rong ăn uống tập trung tại Singapore

Quy hoạch sử dụng không gian tuyến phố ở nhiều nơi cũng mạnh tay với các hình thức chiếm dụng. Tại Singapore, hầu hết tuyến đường trung tâm đều quy định cấm bán hàng rong tự phát và đỗ xe trên vỉa hè hoặc lòng đường. Từ những năm 1950, cùng với việc dọn dẹp mạnh tay các điểm bán hàng rong và đỗ xe tự phát với mức phạt tiền lên tới 200 USD nếu vi phạm, quy hoạch cũng bố trí các vị trí tổ chức kinh doanh hàng rong tập trung với tên gọi Vườn ẩm thực – Food Court và các điểm đỗ xe ven đường nhưng không cản trở đến lưu lượng giao thông và tính phí cao để hạn chế tối đa lái xe chiếm dụng nhiều không gian nội đô cho đỗ xe. Cho đến nay, đã mở được khoảng 107 trung tâm Vườn ẩm thực với 15.000 gian hàng trên khắp đất nước. Các điểm Vườn ẩm thực có nhiều tầng, bố trí đều khắp xen kẽ sát mặt đường tại khu dân cư tạo nên tiện ích đô thị cần thiết đồng thời cũng quản lý được những vẻ đẹp của không gian đô thị. Quy hoạch và xây dựng nhiều tuyến đường dành cho người đi bộ, song đồng thời cũng làm gia tăng nền kinh tế nhờ những hoạt động trên các tuyến phố đi bộ.
– Đề ra khung quy định rõ ràng và quản lý chặt chẽ: Tại nhiều quốc gia châu Âu, quy định về bán hàng rong trên đường phố hay mở nhà hàng, quán café trên lề đường được quy định nghiêm ngặt để đảm bảo ATGT và mỹ quan. Bên cạnh lợi ích có được, các hộ kinh cũng phảo thể hiện rõ trách nhiệm và lợi ích cho cộng đồng và đô thị về tiện ích, kinh tế, mỹ quan.
Tại TP Brussels (Bỉ), để được phép kinh doanh trên phố hay không gian công cộng (hay còn gọi kinh doanh lưu động), những người bán hàng phải nộp đơn xin giấy phép kinh doanh cho Liên đoàn Thương mại TP. Ngoài các thông tin chung về chủ kinh doanh, mặt hàng buôn bán, đơn xin giấy phép hoạt động cũng phải nêu rõ đề xuất diện tích mặt bằng kinh doanh là cơ sở để cơ quan cấp phép cho phép và quản lý.

Giải pháp quy hoạch khu bán hàng dọc tuyến phố thấp xuống so với mặt hè tại Hoa Kỳ

Giải pháp quy hoạch khu bán hàng dọc tuyến phố thấp xuống so với mặt hè tại Hoa Kỳ

Tại nước Anh, chính quyền đô thị đã đặt ra những quy định rõ ràng để vỉa hè được tận dụng làm nơi kinh doanh, giao lưu văn hóa nhưng vẫn đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như quyền lợi của người đi bộ. Phí sử dụng vỉa hè và quy trình cấp và đăng ký giấy phép kinh doanh trên vỉa hè được công khai trên website bao gồm cả các chi tiết cụ thể như hộ kinh doanh sử dụng 5 bộ bàn ghế trở xuống với phí hàng tháng là 922 USD, từ 5 bộ bàn ghế trở lên sẽ tính phí 1.352 USD.
Bên cạnh việc đề ra những quy định rõ ràng thông báo công khai rộng rãi, trong việc sử dụng vỉa hè trong kinh doanh, chính quyền các quốc gia trên thế giới cũng đề ra những khung phạt cụ thể và nghiêm khắc đối với các hành vi lấn chiếm vỉa hè. Tại TP Newcastle (Anh) các cửa hàng, các quán café vi phạm dựng “những chướng ngại vật” trên vỉa hè và các cửa hàng có thể sẽ bị phạt tiền nếu họ tiếp tục tái diễn. Ngoài khoản tiền phạt, những người vi phạm còn có khả năng bị phạt 3 tháng tù nếu tái phạm nhiều lần.
– Xử lý nghiêm nhưng vẫn đảm bảo sinh kế: Khu ẩm thực hay chỗ để xe… đều là vấn đề nóng ở nhiều quốc gia, song mỗi nước, họ đều sở hữu cách thức, phương pháp xử lý riêng, phù hợp với văn hóa, đồng thời vẫn giữ được kế sinh nhai cho người dân. Tại nhiều TP ở khu vực châu Á, bao gồm Bangkok, Bắc Kinh, Seoul… ẩm thực đường phố dường như đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của mỗi người dân, khách du lịch. Tuy nhiên, các quán hàng rong đa phần được bày bán trên vỉa hè, tạo nên nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực của mỗi nước nhưng lại là vấn đề khiến giới chính quyền phải “đau đầu”.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), những quy định về bán hàng rong trên vỉa hè cũng rất chặt chẽ nhưng vẫn cho phép để người dân tham gia. Việc hạn chế cấp phép cũng như chuyển nhượng giấy phép đã đẩy số hàng rong hợp pháp tại Hongkong từ hơn 50.000 hàng rong vào năm 1974 xuống còn 6.000 như ngày nay. Để tránh tình trạng nhếch nhác cho đô thị, chính quyền đặc khu bố trí quy hoạch riêng biệt khu hành chính và khu du lịch. Đối ngược với việc thắt chặt tại các khu hành chính, tại các khu du lịch thì cho phép tổ chức có quản lý sử dụng không gian vỉa hè vào mục đích kinh doanh tạo nên nét sống động đa dạng của văn hóa đường phố. Tại khu Cửu Long (Hong Kong), một số tuyến phố được quy định là khu du lịch quy hoạch tuyến phố đi bộ. Các hàng quán không được phép buôn bán trực tiếp, khách cũng không được ngồi trên vỉa hè. Thay vào đó, sẽ có một nhân viên của cửa hàng cầm thực đơn đứng ở ngoài mời và đưa khách hàng lên dùng bữa ở tầng 2 để đảm bảo hài hòa giữa mỹ quan và sinh kế cho người dân./.

 


Nguồn tin: Kts Trần Quốc Hoan Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Đông Đô Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 27 | lượt tải:14

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 183 | lượt tải:87

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 192 | lượt tải:124

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 246 | lượt tải:106

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 331 | lượt tải:128

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây