0 NaN undefined

Lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch chung đô thị

Thứ ba - 20/07/2021 00:19

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, quy hoạch đô thị ở Việt Nam là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị bền vững và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặt vấn đề

Theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2050, sẽ có 50% dân số đô thị vào năm 2025, phần lớn các đô thị quan trọng có vị trí ở vùng đồng bằng ven biển, còn lại là các đô thị được phân bổ ở vùng núi và trung du. Quá trình phát triển đô thị hiện nay phải đối mặt với các tác động tiêu cực của môi trường như thiên tai, hiện tượng biến đổi khí hậu (BĐKH)… đang có những ảnh hưởng mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu. Các nghiên cứu có tính bước ngoặt như Báo cáo đánh giá thứ IV (IPCC,2007); Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB,2007) và các Kịch bản BĐKH cho Việt Nam 2009, 2012 và mới nhất 2016 đã cho thấy Việt Nam “đặc biệt” dễ bị tổn thương bởi những ảnh hưởng bất lợi của BĐKH”… Các tác động của BĐKH, đặc biệt là mực nước biển dâng (NBD), ảnh hưởng đến hệ thống đô thị ngày càng nghiêm trọng. Theo ISET (2016), Việt Nam hiện có khoảng 300 đô thị ven biển chịu tác động bởi ngập lụt xâm ngập mặn, triều cường và khoảng 140-150 đô thị ở khu vực miền núi chịu ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ quét và hạn hán.

Trong bối cảnh BĐKH hiện nay, quy hoạch đô thị (QHĐT) ở Việt nam là công cụ hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong xây dựng và phát triển đô thị, bảo đảm phát triển hệ thống các đô thị bền vững và bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH. Trong đó đồ án QHC đô thị là loại hình quy hoạch căn bản nhất (Bảng 1), làm cơ sở cho việc thực hiện chiến lược đầu tư và phát triển đô thị, là cơ sở để triển khai các bước quy hoạch tiếp theo.

Bảng 1. Khung lập Quy hoạch chung đô thị
 

Loại hình QHĐT
Nội dung và quy mô quy hoạch 
QHC đô thị
Các thành phố trực thuộc Trung ương. Các thành phố thuộc tỉnh, thị xã,
Thị trấn, đô thị loại 5 chưa được công nhận là thị trấn. Đồ án QHC đô thị mới. 

Đối với các văn bản liên quan đến việc hướng dẫn lập đồ án QHC đô thị hiện hành, các nội dung chính có liên quan đến ứng phó BĐKH được đề cập khá sơ sài (Bảng 2).

Bảng 2. Hệ thống khung văn bản pháp lý Quy hoạch đô thị liên quan đến biến đổi khí hậu

Loại văn bản Nội dung liên quan đến BĐKH Điều, mục
Luật QHĐT số 30/2009/QH12 Điều 25. Đồ án QHC thành phố thực thuộc trung ương; Điều 26. Đồ asnQHC thành phố thuộc tỉnh, thị x; Điều 27. Đồ án QHC thị trấn và Điều 28. Đồ án QHC đô thị mới chưa đề cập đến BĐKH. Điều 25, 26, 27 và 28
Nghị định số 37/2010/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 7/4/2010 về “Lập thẩm định, phê duyệt và quản lý QHĐT” Điều 15. Nội dung đồ án QHC thành phố trực thuộc trung ương;Điều 16. Nội dung đồ án QHC TP thuộc tỉnh, TX và Điều 17. Đồ án QHC thị trấn, đô thị loại V chưa công nhận là thị trấn chưa đề cập đến BĐKH Điều 15, 16 và 17
Thông tư số 01/2011/TT-BXD của Bộ Xây dựng, ngày 27/1/2011 về hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án QHXD, QHĐT Điều 12. Nội dung đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) trong quy hoạch chung đã đề xuất các khu vực cách ly bảo vệ môi trường (các không gian xanh, hành lang bảo vệ sông hồ, các khu vực hạn chế phát triển…) Điều 12
Quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 01:2008 QHXD ban hành kèm theo QĐ số 04/2008/QĐ-UB ngày 03/4/2008 của Bộ Xây dựng Sinh thái đô thị: phát triển phù hợp với hệ sinh thái đô thị (địa hình, nắng, gió, năng lượng tự nhiên, động thực vật…)
Đề xuất giải pháp phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai (lũ quét, bão, sóng thần. triều cường…)
Mục 2.2 Mục 3.3.1

Quá trình quy hoạch và xây dựng phát triển đô thị hiện nay còn hạn chế về công tác lồng ghép BĐKH, việc mở rộng xây dựng đô thị vào các khu vực có nguy cơ thiên tai tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị. Trong khi đó, thực tiễn đồ án QHC đô thị còn tồn tại các đặc điểm:

  • Về phương pháp quy hoạch: chủ yếu chú trọng về kỹ thuật và nghệ thuật tổ chức không gian, chưa chú trọng đến bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế kinh tế đô thị để hỗ trợ các giải pháp ứng phó BĐKH.
  • Về nội dung quy hoạch: thiếu đánh giá, phân tích những tác động của BĐKH. Chưa đề xuất hợp lý mô hình đô thị, đánh giá lựa chọn đất xây dựng, cấu trúc không gian đô thị, quy hoạch sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật, v.v. ứng phó với BĐKH. Các giải pháp QHC chủ yếu tập trung khai thác triệt để nguồn lực đô thị, gia tăng sử dụng đất, thiếu chú trọng tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

Các nghiên cứu về lồng ghép ứng phó BĐKH đáng chú ý là tài liệu Hướng dẫn “Lồng ghép ứng phó tác động BĐKH trong QHĐT ở Việt Nam” thuộc Dự án ACCCRN – Quỹ Rockefeller “Lồng ghép các xem xét, thích ứng và giảm thiểu BĐKH trong QHĐT tại Việt Nam” (VIAP, 2013) và các nghiên cứu khác nhưng chưa có các văn bản pháp lý được ban hành chính thức. Do chưa có các cơ sở pháp lý ràng buộc nên hầu hết các đồ án QHC hiện nay vẫn chưa chú trọng đến khả năng ứng phó với BĐKH. Vì vậy, QHC đô thị có vai trò quan trọng để ứng phó với BĐKH trên quy mô tổng thể đô thị. Việc điều chỉnh, cải tiến và bổ sung về phương pháp và nội dung thực hiện đồ án QHC đô thị ứng phó với BĐKH là cần thiết, đảm bảo sự phát triển bền vững đô thị.

Trong phạm vi nghiên cứu của bài báo, chủ yếu đề cập đến công tác QHC cho các đô thị ven biển, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất của BĐKH và NBD. Đối tượng nghiên cứu tập trung vào các yếu tố có khả năng phòng tránh thiên tai và ứng phó BĐKH trong đồ án QHC: mô hình phát triển đô thị, lựa chọn đất xây dựng đô thị, cấu trúc đô thị, định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, các công trình hạ tầng xã hội (HTXH), hạ tầng kỹ thuật (HTKT) và bảo vệ môi trường.

Cơ sở thực hiện lồng ghép ứng phó Biến đổi khí hậu


Hiện nay, tổng quát về cách thức ứng phó với BĐKH được chia làm hai nhóm: thích ứng (dự đoán và lập kế hoạch đối phó với các ảnh hưởng) và giảm nhẹ (giảm thiểu lượng khí thải nhà kính để ngăn chặn những ảnh hưởng). Để chủ động ứng phó BĐKH, Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách, cụ thể là Nghị quyết 24/NQ-T.Ư của BCH Trung ương Đảng và Quyết định số 2623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013-2020”. Các nội dung chính có liên quan đến ứng phó BĐKH trong QHĐT được đề cập trong hệ thống khung văn bản pháp lý sau (Bảng 3): 

Bảng 3. Hệ thống khung văn bản pháp lý liên quan đến ứng phó Biến đổi khí hậu
 

Loại văn bản Nội dung liên quan đến BĐKH Điều, mục
QĐ số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH” Tích hợp các vấn đề BĐKH vào các chiến lược, chương trình, kế hoạch và quy hoạch; Điều chỉnh quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, các khu dân cư đô thị theo các kịch bản BĐKH; Đề xuất các nội dung cần bổ sung trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hướng dẫn kỹ thuật xây dựng để ứng phó với BĐKH Mục III
QĐ số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ, về Phê duyệt “Chiến lược quốc gia về BĐKH” Ứng phó tích cực với NBD phù hợp với các vùng dễ bị tổn thương: vùng đồng bằng sông Cửu Long, sông Hồng, duyên hải miền Trung; Xây dựng và triển khai các mô hình khu đô thị xanh; Lồng ghép vấn đề BĐKH trong các quy hoạch, kế hoạch. Mục IV
QĐ số 1474/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH giai đoạn 2012 – 2020” Thí điểm mô hình khu đô thị xanh tiết kiệm năng lượng, thân thiện với khí hậu. Điều chỉnh, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thiết kế công trình,cở hạ tầng dựa trên các kịch bản BĐKH, Xây dựng mô hình cộng đồng thích ứng với BĐKH, ưu tiên vùng ven biển. Mục II
Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH” Tích hợp nội dung ứng phó BĐKH vào quy hoạch và phát triển đô thị; Chỉnh sửa, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến quy hoạch; thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh. Mục III
Luật Bảo vệ Môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014 Quy hoạch bảo vệ môi trường gồm: Đánh giá hiện trạng, quản lý môi trường, dự báo môi trường và BĐKH; Quản lý môi trường biển, hải đảo và lưu vực sông. Điều 9

Trên thế giới, để ứng phó với BĐKH khi thực hiện QHĐT thì chủ yếu có các phương pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật.

Lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch chung đô thị
Hình 1. Mô hình cấu trúc đô thị ven biển thích ứng với biến đổi khí hậu
 
Lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch chung đô thị
Hình 2. Sơ đồ định hướng phát triển không gian đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu
 
Lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch chung đô thị
Hình 3. Sơ đồ minh họa quy hoạch sử dụng đất không gian ven biển


a, Các phương pháp kỹ thuật

  • Định hướng phát triển không gian đô thị trên cơ sở thân thiện với môi trường: hạn chế tối đa việc san lấp sông, kênh rạch hoặc bê tông hóa các vùng đất trũng đóng vai trò là vùng đệm thoát nước tự nhiên. Nạo vét kênh mương, tăng diện tích hồ chức nước ở các đô thị.
  • Quy hoạch sử dụng đất và thiết kế đô thị: phát triển đất đô thị tại nơi ít rủi ro, gia tăng không gian mặt nước, mặt đất tự nhiên và cây xanh để hạn chế ngập lụt tạo cảnh quan đô thị.
  • Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: bảo đảm an toàn cho dân cư đô thị, hệ thống đê điều, công trình dân sinh, hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai.
  • Thích ứng với nhiệt độ tăng: bảo trì hệ thống giao thông, phát triển vật liệu chịu nhiệt, phát triển hệ thống xanh giảm nhiệt đô thị, thiết kế thông gió đô thị.
  • Thích ứng với lụt bão: quy hoạch chống lũ cho các hệ thống sông, kệnh rạch ở các đô thị, chống úng ngập cho vùng đồng bằng trũng, vùng đất thấp, vùng ven biển để bảo vệ công trình nhà ở, sản xuất và canh tác. Tăng khả năng giám sát hệ thống chắn gió, hệ thống thoát nước, bổ sung các cấu trúc nhằm duy trì độ dốc và các cơ sở nhằm giảm thiểu lở đất, sụt lún, xói mòi đất đai đô thị.
  • Thích ứng với NBD và triều cường: tăng cường độ cao nền đô thị, tăng cường và nâng cao khả năng chống chịu của đê biển.

b, Các phương pháp phi kỹ thuật

Phương pháp phi kỹ thuật áp dụng của một số cách tiếp cận mềm giúp giảm thiểu tác động và tác hại của BĐKH đến đô thị, hỗ trợ cho các phương pháp kỹ thuật để nâng cao khả năng thích ứng với BĐKH. Đối với Việt Nam, cách tiếp cận mềm có hiệu quả tốt với các khu vực đồng bằng là nơi có địa hình thấp, tốc độ phát triển, mật độ xây dựng cao như ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng.

Một số giải pháp phi kỹ thuật chủ yếu là:

  • Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về BĐKH: tuyên truyền về ảnh hưởng của BĐKH đến đời sống và cơ sở vật chất của người dân, trao đổi kinh nghiệm thích ứng BĐKH; xây dựng chương trình hành động cụ thể, kế hoạch thực thi từ trung ương đến địa phương.
  • Công cụ thị trường: thông tin khuyến cáo khu vực có nguy cơ lũ lụt kết hợp sử dụng công cụ thuế nhằm điều chỉnh thị trường bất động sản để phù hợp với các rủi ro ngập lụt, sạt lở đất.
  • Tăng cường hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học: các hội thảo quốc tế và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm ứng phó, sử dụng cơ sở dữ liệu chung về QHĐT. Thực hiện NCKH, nghiên cứu mới về tiêu chuẩn thiết kế công trình kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật nhằm thích ứng với tác động của BĐKH, đặc biệt tại vùng ven biển.

Đề xuất hoàn thiện phương pháp lập QHC đô thị có sự lồng ghép vấn đề BĐKH nhằm hoàn thiện nội dung lồng ghép ứng phó BĐKH thông qua phương pháp lồng ghép và quy trình lồng ghép.

  • Xây dựng phương pháp luận nghiên cứu tác động của BĐKH đối với đô thị và từng nội dung của QHC đô thị. Lồng ghép thích ứng BĐKH thông qua các giải pháp về cấu trúc đô thị, định hướng phát triển không gian và sử dụng đất đô thị.
  • Lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH trong QHC đô thị đảm bảo sự kết hợp các giải pháp kỹ thuật và phi kỹ thuật để ứng phó BĐKH. Tăng cường khả năng thích ứng BĐKH, theo hướng hoàn thiện chính sách, văn bản pháp quy, kết hợp với giải pháp tích hợp quy hoạch, công cụ quản lý quy hoạch chiến lược sử dụng đất, công cụ kinh tế đô thị và thị trường cũng như việc nâng cao vai trò của cộng đồng và sự tham gia của các bên liên quan trong công tác QHC đô thị.


Một số giải pháp lồng ghép ứng phó Biến đổi khí hậu trong Quy hoạch chung đô thị

Quan điểm về các yếu tố chính mà QHC đô thị có thể định hướng bằng nội dung và phương pháp quy hoạch hoặc tác động toàn diện vào các hoạt động xây dựng phát triển đô thị để đáp ứng yêu cầu ứng phó với BĐKH. Trong phạm vi bài viết, các giải pháp đề cập đến việc lồng ghép ứng phó BĐKH vào nội dung lập đồ án QHC đô thị:

  • Mô hình đô thị tổng quát: Đô thị ứng phó với BĐKH
  • Chọn đất xây dựng phát triển đô thị: Chú trọng đánh giá các lợi thế về kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật và môi trường. Lựa chọn vùng đất đô thị có điều kiện tự nhiên (địa hình, địa chất, thuỷ văn, khí hậu) có thể xây dựng công trình thích ứng BĐKH, không nằm trong khu vực ven biển bị xói lở, ngập lụt, triều cường, NBD…; Có đủ diện tích đất để phát triển đô thị trong giai đoạn 15-20 năm ngắn hạn và dự trữ cho giai đoạn tiếp theo 2030, 2050,…phù hợp với kịch bản BĐKH.
  • Cấu trúc đô thị: Cấu trúc không gian đô thị là yếu tố chính trong đề xuất QHC đô thị ứng phó với BĐKH. Thông qua cấu trúc đô thị với các thành phần chính là trung tâm đô thị, khu ở, không gian xanh, giao thông, khu sản xuất với các mật độ cao, trung bình và thấp để thích ứng tối ưu với BĐKH.
  • Giải pháp quy hoạch không gian: Định hướng phát triển không gian, phân khu chức năng, sử dụng đất. Mô hình phát triển (dạng hình thái đô thị) có mô hình phát triển nhỏ gọn và chặt chẽ hơn sẽ dễ sử dụng các hệ thống năng lượng thay thế; do đó, làm giảm tiêu thụ năng lượng hoá thạch và phát thải khí nhà kính.

Giảm tác động tiêu cực và thích ứng với BĐKH dựa trên các yếu tố quan trọng: bảo tồn không gian xanh, kiểm soát mật độ sử dụng đất và hệ thống giao thông. Đồng thời định hướng phát triển không gian đô thị trong một cấu trúc chặt chẽ về trung tâm đô thị, không gian xanh, khu ở, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, khu sản xuất (Hình 2).

  • Giải pháp sử dụng đất: Đánh giá nhu cầu sử dụng đất nhằm cân bằng các hoạt động phù hợp có tính đến các yếu tố thiên tai, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất trong tương lai. Ngoài các đất chức năng để xây dựng đô thị thì cần quy hoạch đất cho yêu cầu phòng hộ, phòng chống thiên tai bảo vệ đô thị.
Lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu trong quy hoạch chung đô thị
Hình 4. Quy hoạch chung đô thị Hà Tiên ứng phó với biến đổi khí hậu


Một số giải pháp cụ thể về kiểm soát sử dụng đất ứng phó với BĐKH:

– Tại các khu vực đô thị phát triển mới cần tập tring vào xây dựng chủ yếu các khi chung cư có tầng cao trung bình với mâtk độ tăng lên đến một giới hạn kiểm soát (định mức tiêu chuẩn nhà ở, làm việc, giao thông…)

– Đưa ra các định mức kỹ thuật kết hợp với định mức giá trị sử dụng đất và không gian xây dựng để có phương án kinh tế đô thị phù hợp với khả năng tài chính để có biện pháp khai thác, sử dụng đất tích cực hơn và phù hợp với nhu cầu sử dụng.

– Đối với các khu vực đô thị cũ cần khuyến khích cải tạo công trình theo hướng giảm thiểu mật độ xây dựng vat tăng các không gian xanh, không gian đệm, hành lang cho hạ tầng kỹ thuật đô thị.

Một số giải pháp lồng ghép yếu tố rủi ro thiên tai trong quy hoạch sử dụng đất trong QHC các đô thị ven biển:

– Lồng ghép yếu tố rủi ro vào đánh giá môi trường trong các phương án quy hoạch sử dụng đất xây dựng đô thị để đánh giá tác động của BĐKH và NBD.

– Lồng ghép yếu tố rủi ro trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất mới, không nên chỉ dựa trên lợi thế phát triển của từng vùng, địa phương mà phải tính đến các tác động của BĐKH và NBD cho các vùng ven biển.

– Lồng ghép yếu tố rủi ro khi xây dựng năng lực phòng chống thiên tai như xây dựng đê biển, đường phòng hộ ven biển, hoàn thiện các dự các thuỷ lợi, hồ điều hoà, các dự án khôi phục rừng phòng hộ ven biển.

  • Giải pháp quy hoạch giao thông và hạ tầng kỹ thuật: Giao thông vận tải thường chiếm 1/3 sản lượng khí nhà kính. Quy hoạch giao thông giúp giảm thiểu phát thải khí nhat kính bằng cách thiết kế giảm khoảng cách xe chạy và tắc nghẽn giao thông thông qua cấu trúc phân khu đô thị nhỏ gọn, mật độ cao, phát triển hỗn hợp.

BĐKH thường ảnh hưởng nhiều nhất đến vùng ven biển, do đó việc ứng phó với NBD là một trong những hành động ứng phó hàng đầu cần phải giải quyết. Các kinh nghiệm chung để ứng phó với NBD và bão bao gồm:

– Bảo vệ: Xây các công trình vững chắc như đê và kè (mặc dù điều này làm gia tăng rủi ro trong tương lai do phá huỷ vùng đất ngập nước và tạo ra cảm giác an toàn giả tạo dẫn tới xây dựng nhiều hơn ở những vùng dễ bị tổn thương).

– Ứng phó với mực nước biển dâng; nâng nền đường, nhà, và công trình; cải thiện cấu trúc kiểm soát lũ; tăng cường các vùng ngập nước.

– Rút lui: dịch chuyển sâu vào đất liền một cách có kế hoạch; yêu cầu câc không gian xây dựng lùi lại; lên kế hoạch di tản.

  • Quy hoạch không gian xanh và môi trường: bảo vệ và tăng cường không gian xanh đô thị do có tác dụng hấp thụ CO2, giảm nhiệt độ, giảm lượng nhiệt hấp thụ năng lượng mặt trời giúp hạn chế hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Quy hoạch môi trường giúp giảm thiểu tác động BĐKH, hạn chế phát triển đô thị trong khu vực nhạy cảm như vùng chân núi, ven suối, cửa sông, ven bờ,… để bảo vệ đô thị khỏi lở đất, lũ quét, ngập lụt, triều cường, NBD và xói lở.


Kết luận


Lồng ghép ứng phó BĐKH trong QHC đô thị là một quá trình nhằm hoàn thiện nội dung và phương pháp quy hoạch, trong đó cần chú trọng xuyên suốt quá trình lập đồ án QHC đô thị từ lựa chọn mô hình tổng quát đô thị, chọn đất xây dựng phát triển đô thị, xác định cấu trúc đô thị, đề xuất giải pháp quy hoạch không gian và sử dụng đất, giải pháp quy hoạch giao thông và hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch không gian xanh và bảo vệ môi trường…gắn kết với các giải pháp kiểm soát sử dụng đất là một hướng đi căn bản để thực hiện lập QHC đô thị có nội dung lồng ghép ứng phó với BĐKH./.

TS. Phạm Thanh Huy

Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2016), Kịch bản BĐKH, NBD cho Việt Nam

2. Bộ Xây dựng (2010), Đề án “Nguyên cứu phát triển các đô thị ven biển Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu”.

3. Phạm Thanh Huy (2016), Quy hoạch đô thị ven biển Tây Nam Bộ thích ứng với biến đổi khí hậu. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, 2016.

4. Hoàng Vĩnh Hưng (2010), Quy hoạch đô thị ứng phó với Biến đổi khí hậu. Tạp chí Xây dựng, tháng 10/2010.

5. Thủ tướng Chính phủ (2009), Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 7/4/2009 phê duyệt Định hướng Phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến 2025 và tầm nhìn đến 2050.

6. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 Phê duyệt Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013-2020.

7. Tôn Thất Vĩnh (2011), Bảo vệ bờ biển chống nước biển dâng, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2011.

8. VIAP (2013), Hướng dẫn: Lồng ghép ứng phó tác động BĐKH trong QHĐT ở Việt Nam. Dự án ACCCRN-Quỹ Rockefeller “Lồng ghép các xem xét, thích ứng và giảm thiểu BĐKH trong QHĐT tại Việt Nam”.

9. Kahn, N.E (2006), Green Cities – Urban Growth and the Environment. Washington, DC: Brookings Institution Press, 2006.

Nguồn tin: Theo TS. Phạm Thanh Huy - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc nhiệt đới, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội Nguồn kienviet.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 27 | lượt tải:14

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 183 | lượt tải:87

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 192 | lượt tải:124

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 247 | lượt tải:106

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 331 | lượt tải:128

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây