0 NaN undefined

Phát triển “đô thị Xanh” tại Việt Nam?

Thứ tư - 20/01/2016 21:14
Phát triển đô thị xanh là xu hướng phát triển đặc biệt thích hợp với các đô thị có lợi thế vùng khí hậu và địa hình tự nhiên phong phú, đa dạng. Điều này đang thuộc về các đô thị trung bình và nhỏ với lợi thế dễ dàng phát triển thành các đô thị du lịch, đô thị truyền thống làng nghề, cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững , hạn chế xây dựng mà vẫn tạo nguồn lực phát triển đô thị, hạn chế việc khai thác tài nguyên theo kiểu làm gia tăng các quỹ đất dành cho xây dựng, dẫn đến bê tông hóa bề mặt đô thị. Bài viết hướng tới đi tìm giải pháp phát triển “đô thị xanh” cho các đô thị trung bình và nhỏ.  


Cảnh quan KĐTM Eco Park, Văn Giang, Hưng Yên 

Phát triển Đô thị xanh ở Việt Nam 

Quá trình quy hoạch đô thị ở Việt Nam trong nhiều năm qua đã được lập theo các phương pháp thích ứng với thể chế bao cấp theo mô hình quy hoạch tổng thể của khối các nước XHCN từ những năm 30 – 40 của thế kỷ 20, dẫn đến bộ mặt đô thị trên cả nước phát triển giống nhau, không phát huy được yếu tố văn hóa bản địa và mất tính cạnh tranh đô thị. Các đô thị đang phát triển theo chiều hướng mở rộng không ngừng, thành phố của các công trình giao thông, các phương tiện cá nhân, lãng phí tài nguyên, giảm khả năng phát triển bền vững và mất dần tính bản địa của địa phương. Đô thị phát triển với tiêu chí chung là mật độ thấp, dân cư dàn trải, tiêu thụ tài nguyên và ưu tiên phát triển kinh tế bằng mọi giá, do đó hầu hết các mô hình quy hoạch xây dựng đô thị đều dựa trên quy hoạch phân khu chức năng và quy hoạch sử dụng đất chức năng dẫn đến việc lãng phí tài nguyên đất, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng lớn tới hệ sinh thái và môi trường sống của con người. Trong tương lai, nếu các đô thị vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn phát triển theo hướng trên thì kết quả sẽ tạo nên những đô thị kém bền vững, tiêu tốn năng lượng, môi trường sống bị phá vỡ, mất cân bằng sinh thái giống như các đô thị lớn của Việt Nam hiện nay. Vì vậy, phát triển “Đô thị xanh” là xu hướng tất yếu của các đô thị trung bình và nhỏ. 

Tại Việt Nam, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái. Một số khu đô thị ở Thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh được gọi là đô thị sinh thái hay đô thị xanh cũng mới chỉ dừng lại ở mức độ có nhiều cây xanh, tổ chức không gian công cộng tốt. Điều đó đúng nhưng chưa đủ để đô thị có thể được gọi là đô thị xanh. Kinh nghiệm của các nước phát triển khi xây dựng đô thị xanh là trong quy hoạch đều tích hợp Quy hoạch xây dựng với sử dụng tài nguyên hiệu quả. Phát triển đô thị trên cơ sở mật độ xây dựng thấp, hệ số sử dụng đất cao, bảo tồn văn hóa bản địa và di sản lịch sử, tiếp tục khai thác có hiệu quả tài nguyên, tạo không gian mở cho đô thị, nâng cao chất lượng và mức độ phổ biến của giao thông công cộng, giảm thiểu giao thông cá nhân đồng thời tích hợp với việc sử dụng đất có hiệu quả.

Phát triển đô thị xanh là xu hướng phát triển đô thị rất phù hợp với các đô thị có lợi thế vùng khí hậu và địa hình tự nhiên phong phú, đa dạng. Các đô thị trung bình và nhỏ có lợi thế về không gian cảnh quan đô thị đa dạng, phong phú, cảnh quan thiên nhiên sông, núi, biển, rừng v.v đẹp, trên cơ sở đó dễ dàng phát triển thành các đô thị du lịch, đô thị truyền thống làng nghề cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, hạn chế xây dựng mà vẫn tạo nguồn lực phát triển đô thị, hạn chế việc khai thác tài nguyên theo kiểu tăng cường các quỹ đất dành cho xây dựng, bê tông hóa bề mặt đô thị. 

Hệ thống tiêu chí phát triển đô thị Xanh

Trong thời gian tới, các đô thị trung bình và nhỏ (có thể tương đương từ loại 3 trở xuống) của Việt Nam nhất thiết phải được chuyển hướng từ QHXD đô thị sang QHXD “đô thị xanh”, phát triển đô thị xanh là giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị. Quy mô của đô thị trung bình và nhỏ thường chỉ khoảng dưới 1 triệu dân, việc điều chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật cũng như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quỹ đất dành cho phát triển ít phức tạp hơn các đô thị lớn. Mô hình đô thị trung bình và nhỏ khi được định hướng cho một hình ảnh không gian đô thị xanh sẽ thuận lợi hơn khi vấn đề môi trường còn chưa quá nghiêm trọng và các tiêu chí hướng tới đô thị xanh quan tâm chủ yếu đến việc tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, hạn chế ô nhiễm và đặc biệt quan tâm sâu sắc đến đời sống tinh thần, văn hóa xã hội của con người là các ưu thế đang có tại các đô thị này.

Tiêu chí đô thị xanh áp dụng tại EU:

– Không gian xanh: đô thị có mật độ cây xanh cao, tỷ lệ cây xanh/người cao, không gian công cộng, không gian công viên, mặt nước được quan tâm.
– Công trình xanh: Xanh hóa công trình, vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, ưu tiên tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, sử dụng năng lượng hiệu quả và vật liệu thân thiện môi trường.
– Giao thông xanh: nâng cao tỷ lệ giao thông công cộng, giảm sử dụng các phương tiện cá nhân, giảm khí thải CO2, sử dụng khí tái chế cho GTCC.
– Công nghiệp xanh: Công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hạn chế ô nhiễm.
– Chất lượng môi trường đô thị xanh: Môi trường không khí sạch, giảm rác thải, khói, bụi, độ ồn trong đô thị.
– Bảo tồn cảnh quan văn hóa lịch sử danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên.
– Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường.

Tiêu chí Thành phố môi trường theo Hiệp định Thành phố Môi trường của Liên Hiệp Quốc-2005 (2005, United Nations Urban Environmental Accords) 

Tại thành phố San Francisco (Hoa Kỳ), vào ngày 5 tháng 6 nãm 2005, nhân dịp Ngày Môi trường Thế giới UNEP đã tổ chức Hội nghị quốc tế về phát triển thành phố bền vững môi trường, có hơn 100 nước và rất nhiều tổ chức quốc tế tham dự. Trong Hội nghị này “Hiệp định Thành phố Môi trường cùa Liên Hợp Quốc – 2005” (2005, United Nations Urban Environmental Accords) đã được thông qua và công bố. Hội nghị quốc tế này đã đưa ra nhận thức chung là các thành phố trên thể giới đang phải đối mặt với thách thức về ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, và lưu tâm đến tác động xấu của suy thoái môi trường và tài nguyên đối với đời sổng cùa dân đô thị và sức khỏe của nền kinh tế của các thành phố. “Hiệp định Thành phố Môi trường của Liên Hiệp Quốc I 2005”. Các thành phố đã ký kểt Hiệp định này với thời hạn thực hiện đầu tiên là 7 năm (từ năm 2005 đến năm 2012) để thực hiện chưomg trình hành động bao gồm 7 lĩnh vực riêng biệt và mỗi lĩnh vực lại bao gồm 3 hoạt động, cụ thể 7 lĩnh vực hoạt động như sau:
– Năng lượng: Năng lượng tái tạo; Hiệu quả năng lượng; Biến đổi khí hậu;
– Giám chất thải: Thành phố không chất thải; Trách nhiệm cùa nhà sàn xuất; Trách nhiệm của người tiêu dùng;
– Thiết kế thành phố: Công trinh Xanh; Quy hoạch đô thị; Nhà ổ chuột;
– Thiên nhiên của thành phố: Công viên, vườn hoa; Phục hồi nơi sinh cư của các loài; Động vật hoang dã;
– Giao thông vận tải: Giao thông công cộng; Phương tiện giao thông sạch; Giảm tắc nghẽn;
– Sức khỏe môi trường: Chất độc giảm; Hệ thống thực phẩm an toàn sức khỏe; Không khí sạch;
– Nước: Cấp nước & hiệu quả; Bảo tồn nguồn nước; Giảm thiểu nước thái:

Thành phố môi trường của ASEAN

Theo đề xuất của Singapore (2005), Hội nghị các Bộ trưởng Bộ Môi trường các nước ASEAN đã thông qua Chương trình “Xây dựng các thành phố môi trường của các nước ASEAN” và thống nhất giao cho Singapore chủ trì thực hiện Chương trình này. Bốn tiêu chí cơ bản của thành phố môi trường ASEAN là:
– Môi trường nước sạch;
– Môi trường không khí sạch;
-Môi trường đất (bao gồm cả chất thải rắn) sạch;
– Bảo tồn đa dạng sinh học.

Thành phổ Hạ Long cùa Quảng Ninh (Việt Nam) đã được công nhận là “Thành phố Môi trường ASEAN” năm 2009 và thành phố Đà Nẵng cũng đã được công nhận là “Thành phố Môi trường ASEAN” năm 2011. 
 

Đề xuất giải pháp phát triển Đô thị xanh ở Việt Nam 

Để đô thị trung bình và nhỏ hướng tới đô thị xanh đáp ứng các tiêu chí trên cần tập trung các vấn đề sau: 

Giải pháp xây dựng đô thị nén kết hợp không gian mở

Giải pháp đô thị nén (compact city) là một lựa chọn quan trọng của đô thị xanh hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, bao hàm sự hợp lý về mối liên hệ giữa các thành tố của đô thị có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng tiện nghi đô thị và môi trường sống mà vẫn tiết kiệm được nguồn đầu tư và năng lượng cung cấp cho mạng lưới hạ tầng kỹ thuật vận hành phục vụ đô thị. Lựa chọn mô hình phát triển theo hướng tập trung để tiết kiệm đất đai, không chỉ cần thiết vận hành đối với các đô thị mới mà cả các đô thị cải tạo chỉnh trang hoàn toàn có thể tính tới giải pháp này để giảm chi phí năng lượng chủ yếu trong giao thông và vận hành mạng lưới kỹ thuật hạ tầng. Lựa chọn khu vực mật độ xây dựng cao để dành quỹ đất tạo không gian mở dành lại các quỹ đất hợp lý cho cây xanh và công trình công cộng.

Các đô thị trung bình và nhỏ hiện có mật độ thấp do xây dựng thấp tầng, phân bổ dàn trải cần được cải thiện lại cấu trúc, tăng các khu dân cư mật độ cao hoặc trung bình, có quy mô giới hạn bởi các không gian xanh, có thể lựa chọn cơ cấu đơn hoặc đa trung tâm để tổ chức trung tâm, đảm bảo giao thông nối kết tốt từ trung tâm đến trung tâm phụ và các khu vực đô thị. Sự tập trung theo hướng tăng mật độ đô thị cần được cân bằng lại bằng giải pháp đan xen bổ xung vào các khu vực xây dựng đô thị các yếu tố mở để cân bằng lại các tiện nghi khí hậu cần thiết.

Hình thức đô thị nén sẽ tạo thuận lợi trong việc tiếp cận các dịch vụ đô thị, định hướng quy hoạch đô thị có thể dựa trên các nguyên tắc để phân bổ các dịch vụ đô thị. Hình thành các khu vực chủ đạo của một đô thị theo xu thế phát triển đô thị hiện đại có cấu trúc gồm đơn vị ở, các khu vực chuyên biệt và các hành lang không gian. Phân bổ một số chức năng chính như trung tâm đô thị, các khu ở, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí, với từng đô thị đều có các yêu cầu khác nhau với những lựa chọn phát triển riêng biệt, tuy nhiên vẫn tuân thủ nguyên tắc chung cho một đơn vị ở bền vững có quy mô 7000 – 8000 người, quy mô đất 40 – 50 ha, mật độ ở 160 – 200 người/ha và khoảng cách đảm bảo đi bộ từ trug tâm đến biên là 5 phút và có phương án tiết cận mạng lưới giao thông công cộng đô thị tốt.

Nguyên tắc giữ lại tối đa và sử dụng hiệu quả những vùng tự nhiên trong khu vực phát triển đô thị xanh là yêu cầu đối với mọi lựa chọn về hình thái tổ chức không gian đô thị trung bình và nhỏ. Các đô thị này có các đặc trưng riêng bằng cách tổ chức hệ thống sông suối, kênh rạch, đầm hồ, đồi núi, rừng và các thảm thực vật. Khuyến khích cải tạo đô thị tại khu vực trung tâm, tái phục hồi các khu vực tự nhiên như bờ sông, hồ, sông nhỏ, suối qua đô thị đã bị che phủ. Sử dụng một số khu đất nông nghiệp đặc biệt trong phạm vi phát triển đô thị như các khu vườn ươm, vườn cây trái hoặc những thảm thực vật nông nghiệp giá trị đặc biệt. Tổ chức không gian xanh trong đô thị thường mang lại hiệu quả cải thiện điều kiện vi khi hậu cho đô thị, với các đô thị có tỷ lệ cây xanh tối thiểu 10 – 20% diện tích đô thị có thể giảm 3,3 – 3,90c. Đô thị có tỷ lệ cây xanh đạt 20 – 50% diện tích đô thị có thể giảm 5 – 5,60c. Đô thị có 25% diện tích lớp phủ thực vật sẽ làm giảm tới 17 – 57% năng lượng làm mát do hiệu quả che bóng mát và làm ẩm.

Giải pháp mật độ đô thị hợp lí trong sử dụng đất đô thị

Mô hình xây dựng mật độ cao kết hợp với giải pháp phát triển hỗn hợp sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm đất đai xây dựng. Khu vực mật độ cao nên được bố trí tại khu vực có tiềm năng về thương mại, giao lưu so với các khu vực xung quanh để vừa khai thác hiệu quả của vị trí và hệ thống giao thông vừa để nâng cao giá trị sử dụng đất tại những khu vực như khu Trung tâm thương mại đô thị, trung tâm khu ở, dọc các trục thương mại, khu vực cửa ngõ đô thị, đầu mối giao thông… Tuy nhiên cần lưu ý, đối với các đô thị trung bình và nhỏ, các khu vực mật độ cao cũng không phát triển nhà cao tầng với tần suất cao, nếu có cũng chỉ có tính chất như tạo điểm nhấn khu vực nội đô mà thôi.

Tại các khu vực có ưu thế tiếp cận không gian tự nhiên, các khu vực trung tâm, khu dân cư…, quỹ đất tiếp giáp với không gian tự nhiên như công viên, hồ nước, đồi, núi nên được xây dựng mật độ cao để tận dụng ưu thế vị trí và cảnh quan tự nhiên, đặc biệt đối với khu vực trung tâm đô thị, khu đô thị. Các giải pháp tạo điều kiện để khu vực có mật độ xây dựng cao nhưng điều kiện vi khí hậu vẫn được duy trì đặc biệt với các đô thị nhỏ khu vực miền Trung Tây Nguyên, với các đô thị lớn không thể có những lợi thế này. 

Giải pháp hạ tầng kĩ thuật và giao thông theo hướng hạ tầng xanh, phát triển giao thông công cộng hạn chế phát thải khí Cacbonic

Phát triển đô thị trung bình và nhỏ theo hướng đô thị nén sẽ đạt được mục tiêu về chi phí xây dựng và vận hành hệ thống cung cấp các dịch vụ hạ tầng kĩ thuật, giảm chi phí năng lượng. Trong giải pháp chiếu sáng đô thị, tiếp cận với các công nghệ sản xuất thiết bị chiếu sáng đô thị có khả năng TKNL, sử dụng hệ thống chiếu sáng công cộng bằng pin sử dụng năng lượng mặt trời. Trong giải pháp cấp thoát nước đô thị, cần bổ sung các chiến lược sử dụng các công nghệ xử lí để tái sử dụng nguồn nước thải cho tưới cây, rửa đường, sử dụng cho các thiết bị vệ sinh…Trong giải pháp xử lý rác thải, có chiến lược sử dụng khí bể bioga cho từng khu đô thị để sử dụng khí tái chế cho việc đun nấu cũng như sử dụng cho ô tô công cộng….

Các giải pháp giao thông đô thị cho đô thị xanh cần được thiết kế dựa trên đặc điểm địa hình, tạo trục cảnh quan, hướng chiếu sáng thuận lợi và đồng thời tạo các trục lưu thông không khí cho đô thị. Mật độ lưới đường phù hợp sử dụng đất, tổ chức không gian để tăng hiệu quả đất đai. Qui mô đường và không gian lưu thông đủ điều kiện để tổ chức giao thông công cộng, không gian để đi bộ hoặc xe đạp, giải pháp cây xanh đường phố, mặt lát đường…góp phần cải tạo vi khí hậu và đóng góp bảo vệ các không gian đô thị. Mạng giao thông hợp lí, đô thị phát triển tập trung hơn sẽ tạo cho các dịch vụ cung cấp hạ tầng kĩ thuật cho đô thị hoạt động hiệu quả và giảm được chi phí năng lượng để vận hành mạng lưới. Cấu trúc của hệ giao thông đô thị sẽ quyết định tới khả năng khai thác và sử dụng đất. Đồng thời cơ cấu sử dụng đất sẽ quyết định tới nhu cầu đi lại.

Các mô hình tổ chức giao thông hiệu quả phổ biến hiện nay là: Các khu vực trung tâm thương mại, khu văn phòng, công viên giải trí… phát triển dựa trên tuyến GTCC (TOD) có thể được bố trí tại khu vực có mật độ dân cư cao để khai thác tối đa công suất của hệ thống GTCC, chất lượng dịch vụ cao và giá rẻ có vai trò quan trọng để thu hút ngưòi dân sử dụng GTCC. Với bán kính từ 800-1200m từ điểm đỗ (khoảng 30 ha đất), khu vực phát triển hỗn hợp có hệ thống lối đi bộ, bãi đỗ xe… hoàn chỉnh và thuận tiện từ các nơi tới điểm đỗ, bến GTCC. Hình thành các khu dân cư với hạt nhân là các công trình dịch vụ khu vực gắn bến GTCC, với bán kính tới nơi ở nhỏ hơn 800m, 5 – 10 phút đi bộ (Walking Neighborhood). Công trình công cộng có thể là vườn hoa khu vực, cửa hàng, trường học, công trình văn hoá, giải trí khu vực… 

Giải pháp tổ chức không gian xanh, không gian mở đô thị

Một trong các tiêu chí rất quan trọng của một đô thị xanh là thiết kế không gian xanh cho mục đích giảm chi phí năng lượng, cải thiện vi khí hậu. Lựa chọn bố trí không gian mở có chức năng phục vụ đô thị như các công viên, mặt nước cảnh quan, thảm cây xanh đô thị, khu thể thao, công viên giải trí, công viên văn hóa, khu du lịch, vườn thực vật, vườn ươm, khu bảo tồn thiên nhiên. Các đô thị có đặc trưng địa hình tự nhiên là bán sơn địa hoặc núi cao, có thể bị hạn chế do sự thay đổi cao độ của địa hình tạo ra các vùng vi khí hậu không thuận lợi do bị che chắn, cần được đánh giá và lựa chọn mức độ khai thác, hạn chế xây dựng.

Các không gian mở trong đô thị có hiệu quả cao nhất khi tiếp cận không gian nhà ở và không gian công cộng, tiện nghi cho sử dụng và phân bổ phù hợp với các khối kiến trúc công trình. Không gian mở như các quảng trường, tuyến phố là không gian công cộng gắn với hệ thống giao thông đô thị, đặc biệt giao thông công cộng. Mức độ sử dụng hiệu quả của một không gian mở được xác định theo ngưỡng diện tích để vị trí phù hợp loại hình và bán kính phục vụ. Chỉ tiêu cây xanh đô thị là một chỉ số có hiệu quả cao nhất khi được phân bổ hợp lí trong các khu vực xây dựng tạo nên đô thị xanh. Số liệu sau đây của Pháp có thể tham khảo áp dụng cho Đô thị xanh Việt Nam.

Hiện nay các quy định về diện tích bình quân cây xanh của khu đô thị chỉ là mức tối thiểu và giới hạn trong khái niệm “không gian xanh”, chưa làm rõ cách tiếp cận hệ thống không gian trống, trong đó không gian xanh chỉ là một bộ phận cấu thành. Cây xanh trong đô thị được tổ chức thành nhiều cấu trúc khác nhau như hành lang bảo vệ sông suối, đồi cây, công viên, vườn hoa, tuyến cây trục phố, vườn cây gia đình. Trong đô thị xanh nên liên tục có khoảng vườn cây xanh với khoảng cách 200m, với diện tích tối thiểu là 0,1ha sẽ có tác dụng tốt làm mát không khí và tạo điều kiện thông gió tự nhiên của khu vực.

Đối với các đô thị trung bình và nhỏ, không gian thảm thực vật đặc biệt như vườn ươm cây, sản xuất nông nghiệp sạch, rừng tự nhiên… chuyển hoá để có thể tham gia vào không gian đô thị, ven đô thị, trở thành công cụ hiệu quả theo hướng tiết kiệm năng lượng, có tác dụng giảm khoảng cách và chi phí vận tải cung cấp các sản phẩm rau, thực phẩm sạch cho đô thị và phục vụ du lịch.

Sử dụng các yếu tố xanh tự nhiên và nhân tạo phục vụ hạ tầng đô thị kết hợp cải thiện vi khí hậu và có thể làm giảm khối lượng thoát nước mặt, giảm hiện tượng ngập úng trong đô thị. Các hồ đào (khai thác quỹ đất để san nền và xây dựng hồ điều hòa), thảm thực vật vườn ươm… bố trí tại đầu hướng gió chủ đạo, khu vực cửa ngõ đô thị.. Không gian xanh của khu ở còn được tính tới các khoảng trống giữa các khối xây dựng, không gian đó tạo được hướng nắng và hướng gió tốt, xử lí cây xanh trong khuôn viên khu ở sẽ tham gia che mát trực tiếp cho công trình…, đặc biệt giảm nhu cầu năng lượng làm mát và chiếu sáng cho các khu vực cao tầng, mật độ cao.

Dưới tác động của đô thị hóa, các đô thị trung bình và nhỏ của Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và đóng góp rất quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của Đất nước, tuy nhiên để đô thị phát triển bền vững, cần sớm chuyển hướng để phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, đô thị thân thiện với môi trường tiết kiệm năng lượng và đô thị sống tốt cho tất cả mọi người, trong đó có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đảm bảo, sử dụng tài nguyên, đất đai có hiệu quả, kết nối cộng đồng tốt và thỏa mãn nhu cầu của người dân sống tại đô thị.

Về chính sách tổng thể, để phát triển đô thị Việt Nam theo hướng xanh hóa và bền vững, đầu tiên cần phải tính toán từ khâu quy hoạch, kế hoạch. Các quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái…Các quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế – sinh thái, thân thiện môi trường, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng. Đặc biệt, các quy hoạch đô thị cần đi trước một bước theo nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh mặt nước và đảm bảo các khu vực chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường.

Bên cạnh đó, cần đưa quan điểm phát triển xanh và tiêu chí xanh vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và không gian xanh đô thị. Sau đó là phải ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; sử dụng năng lượng tái tạo, đổi mới và sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sạch. Tiếp cận, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học – công nghệ trong phát triển công trình xanh, đô thị xanh cũng là giải pháp không thể thiếu.

Theo đó, việc tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường cũng như có chính sách thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh sẽ quyết định thành bại của con đường phát triển đô thị Việt Nam theo hướng xanh hóa../. 

Nguồn tin: TS.KTS Lê Thị Bích Thuận (Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 27 | lượt tải:14

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 183 | lượt tải:87

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 192 | lượt tải:124

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 246 | lượt tải:106

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 331 | lượt tải:128

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây