0 NaN undefined

Để Bắc sông Hồng thành “sảnh lớn của ngôi nhà Hà Nội”

Thứ năm - 31/08/2017 04:42
Đầu năm 2017, UBND TP Hà Nội đã giao các cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu, lập đồ án Quy hoạch hai bên bờ sông Hồng.
Tin liên quan
Mở rộng vấn đề, giới chuyên gia cho rằng, đã đến lúc nhìn nhận thấu đáo việc khai thác trọn vẹn ý nghĩa biểu tượng cũng như gắn kết giữa sông Hồng với cảnh quan tự nhiên (Hồ Tây, sông Đuống) với không gian đô thị Hà Nội. Đây là cơ sở có ý nghĩa quyết định trong việc tạo dựng giá trị biểu tượng của khu vực, cũng như vai trò là không gian liên kết tự nhiên, lịch sử và văn hóa Cổ Loa- Thăng Long - Hà Nội trong quy hoạch tổng thể Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông - Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam.
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của sông Hồng đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương, nhất là khu vực Hồ Tây, Tứ Liên và ngã ba với sông Đuống đối với quy hoạch tổng thể của Hà Nội?
- Đối với các nhà chuyên môn, họ đã nhìn dòng sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội có giá trị rất lớn. Một đô thị phát triển dọc bờ sông bao giờ cũng hàm chứa nửa bên kia sông. Quả nhiên như vậy, quy hoạch tổng thể dự kiến khi TP đủ điều kiện thì việc phát triển một TP hai bên sông là tất yếu. Lúc này, sông Hồng sẽ nằm giữa lòng TP, vừa có ý nghĩa như trục cảnh quan, mà lại tạo nét đặc trưng cho Hà Nội. Sông Hồng đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Chương Dương, nhất là khu vực Hồ Tây, Tứ Liên và ngã ba với sông Đuống là nơi tập trung nhiều giá trị đặc trưng về cảnh quan tự nhiên, lịch sử và văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Nước là yếu tố đặc trưng. Nước hội tụ ở ngã ba sông Hồng và sông Đuống, là nước Hồ Tây - hồ lớn nhất Hà Nội. Cùng với nước là cây xanh. Đây là những yếu tố sinh thái tự nhiên đặc trưng của Hà Nội.
Thêm nữa, nước gắn với sông cái (sông Hồng), nơi hội tụ là cội nguồn của văn hóa Việt với tiềm tàng những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh. Trên thực tế, về phương diện địa hình thái, dễ dàng thấy Hồ Tây có dạng nửa đường tròn ở phía Tây, nếu vẽ tiếp thành một vòng tròn sẽ ôm khít bãi Tứ Liên và ngã ba sông Hồng với sông Đuống. Đây là một không gian quy ước, hội tụ những giá trị đặc trưng về cảnh quan tự nhiên và văn hóa, lịch sử, rất cần được tôn trọng và khai thác để trở thành biểu tượng của Hà Nội mở rộng. Không nên quy hoạch trong khu vực này những tổ hợp công trình cao tầng, mà chỉ nên dành cho các không gian sinh hoạt công cộng với các công trình văn hóa thấp tầng. Mặt cắt cảnh quan đô thị Hà Nội hiện đại mở rộng cao dần ra ngoài về các hướng, ngược với quy luật phổ biến về hình thái đô thị trên thế giới là cao ở trung tâm và thấp dần ra bên ngoài.
Đã có nhiều dự án quy hoạch nghiên cứu về tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan sông Hồng, nhưng chỉ "dậy sóng" trong chốc lát. Thực tế, chúng ta vẫn đang lỡ hẹn với sông Hồng. Căn nguyên vấn đề là gì, thưa ông?
- Đầu tiên, bắt đầu từ vấn đề kinh tế còn gặp không ít khó khăn, trong khi đầu tư cho dòng sông đòi hỏi nguồn kinh phí lớn và dài hạn. Bên cạnh đó, chưa cấp tập tạo những hạ tầng cơ bản để hút nhà đầu tư. Tại sao con đường Đông Trù làm rồi mà vẫn chưa có chương trình để phát triển bên kia sông? Tư duy quay về hướng Tây, theo lợi thế của thị trường nhà ở, bất động sản, vô hình trung đã lãng quên TP phía Bắc sông Hồng.
Vấn đề thứ ba, là do ít chú trọng chiến dịch tiếp thị đô thị đúng nghĩa. Tức là: Tôi có một mảnh đất màu mỡ, biết chắc chắn trong tương lai sẽ phát triển thì phải tiếp thị toàn cầu. Hình ảnh bên này sông phải cực kỳ hiện đại, khác hẳn bên kia sông. Nó như một phần bổ sung, đi nhanh vào hội nhập. Càng nhanh bao nhiêu càng giữ được hòn ngọc bên này, những giá trị ngày càng được tô đậm. Muốn tiếp thị mà không tạo tiền đề. Chúng ta đã xây dựng các con đường rất tốt, vậy sao chưa xây dựng thêm các điểm hấp dẫn như khu vui chơi giải trí hiện đại để kéo dân về?
Ở góc nhìn khác, tôi cho rằng, khi chưa định hình được phương thức, chủ thuyết phát triển một cách thống nhất thì sự chậm phát triển đôi khi lại hóa may. Nếu bây giờ ồ ạt xây dựng tại trục Tây - Tứ Liên - ngã ba sông Đuống theo lợi ích thị trường thì những gì giá trị nhất sẽ lại biến mất.
Ông nhận định như thế nào với những đồ án quy hoạch nghiên cứu giá trị của không gian sông Hồng và Hồ Tây đã có?
- Nghiên cứu quy hoạch nhằm khai thác giá trị của không gian sông Hồng và Hồ Tây sớm nhất có thể là Đồ án quy hoạch của KTS E. Hebrard lập năm 1925. Hồ Tây trong đồ án được xác định là không gian cảnh quan quan trọng của Hà Nội. Sau đó, khu vực này tiếp tục được khẳng định là không gian trung tâm trong các Đồ án Quy hoạch Hà Nội do Liên Xô (Viện Quy hoạch Leningrad lập) và Việt Nam lập trong những năm 70 và 80 của thế kỷ trước. Năm 2006, dự án quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội của tư vấn Hàn Quốc là dự án lớn nhất được công bố. Do nhiều lý do, dự án chưa thành hiện thực.
Năm 2015, sau khi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Chính phủ phê duyệt (năm 2011), Hà Nội khởi động lại quy hoạch sông Hồng và phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật “Chiến lược phát triển quy hoạch đô thị hai bên sông Hồng tại Hà Nội”. Đồ án do Viện Quy hoạch Hà Nội lập. Theo tôi, quy hoạch gần đây của Viện khá hơn nhiều bởi quan điểm dòng sông là gần với văn hóa Việt Nam.
Ông có thể nói rõ hơn?
- Vấn đề là thực hiện quy hoạch đó không chỉ ở dòng sông mà là cả phía Bắc sông Hồng. Một đô thị hiện đại phía Bắc nếu hình thành thì dòng sông tự nhiên phát huy được giá trị cảnh quan. Do đó, nhanh chóng làm trục đường Nhật Tân - Nội Bài và trục vuông góc Thăng Long - Đông Trù cực kỳ hiện đại để tạo xương sống đầu tiên của TP phía Bắc. Nếu chỉ chăm chăm sông Hồng mà bỏ quên TP phía Bắc là khó thành công. Tiếp thị chính là tiếp thị TP phía Bắc bên kia sông, chứ không phải sông Hồng. Càng để yên thì sông Hồng càng hay. Tiếp thị ầm ĩ sông Hồng, nhà đầu tư nhảy vào là hết cơ hội.
Vậy theo ông, về lâu dài nếu hiện thực hóa quy hoạch không gian sông Hồng và Hồ Tây cần phát triển theo hướng nào để bảo đảm sự hài hòa với quy hoạch tổng thể?
- Xác định tính chất và nghiên cứu cảnh quan lịch sử, văn hóa của từng đoạn sông chảy qua Hà Nội để tạo những tính chất riêng biệt. Có đoạn làm hạt nhân nổi bật, có đoạn hòa nhập với cuộc sống hôm nay. Trong đó ưu tiên số 1 là đoạn ngã ba sông Hồng kết hợp với Hồ Tây, Tứ Liên là vành đai hạt nhân. Coi trọng các yếu tố tự nhiên, lịch sử và văn hóa, chức năng chính ở khu vực sông Hồng kết hợp với Hồ Tây dành cho các hoạt động công cộng, tái hiện lại tất cả những giá trị phi vật thể, giao lưu văn hóa cả ở quy mô quốc tế như "sảnh lớn của ngôi nhà Hà Nội", mà không thiên về chức năng cư trú và kinh tế đô thị hiện đại. Các công trình nhà ở cao tầng, trung tâm thương mại vì thế phải bất khả xâm phạm.
Tất cả những tính chất đó sẽ chi phối việc phân bố đất đai, xây dựng công trình và phục vụ mục đích công cộng. Ở đây còn thêm giá trị lịch sử. Giả dụ từ trục ảo, quay compa một vòng thì từ đô thị hạt nhân này sẽ ôm cả Cổ Loa - TP  đầu tiên của tổ tiên người Việt. Tiếp tục đi xuyên qua là Trấn Quốc, dọc Bắc - Nam, phía Bạch Mã nằm đúng đầu phố cổ. Từ đây, sang Hoàng Thành, đi ngược lên văn hóa Tây Hồ. Không chỉ tạo lối vào trục không gian lớn Hồ Tây - Cổ Loa, mà còn tạo ra nhiều hơn các trục không gian liên kết. Đó là những lối vào khu vực lịch sử (Thành cổ, phố cổ, phố cũ), Công viên Hồ Tây, Trung tâm dịch vụ tài chính mới Tây Hồ Tây, Phương Trạch cùng các trung tâm giải trí, sự kiện quốc tế ở phía Bắc. Như vậy, chiếu theo 4 hướng, 8 phương đều gặp những định vị mà tổ tiên đã xác định ở các công trình lịch sử hạt nhân, làm cho không gian lõi thêm giá trị.
Xin cảm ơn ông!

Nguồn tin: Theo kinhtedothi.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

345/QĐ-VQH

Quyết định số 345/QĐ-VQH ngày 03/4/2024 của Viện QHXD Hà Nội về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện QHXD Hà Nội

Thời gian đăng: 08/04/2024

lượt xem: 29 | lượt tải:20

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 187 | lượt tải:89

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 193 | lượt tải:126

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 251 | lượt tải:108

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 337 | lượt tải:131

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây