0 NaN undefined

Chiến lược phát triển cho làng đô thị nông nghiệp bền vững

Thứ ba - 14/06/2016 10:09
Tổ chức không gian làng – đô thị sinh thái theo hướng hình thành các cộng đồng nông nghiệp cố kết về mặt xã hội, kinh tế và sinh thái, có cấu trúc độc lập tương đối (tự cung tự cấp), với các tiện ích và dịch vụ xã hội đầy đủ. Làng đô thị sinh thái được hình thành trên cơ sở hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp và cùng cam kết xây dựng giá trị chung nhất, đó là phát triển văn hóa cộng đồng, sản xuất sinh thái, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường và tái thiết tự nhiên. Mỗi làng có thể có các cộng đồng nhỏ hơn, cùng chia sẻ các giá trị về sinh thái, kinh tế, xã hội và văn hóa.  


Khu canh tác nông nghiệp khu vực thung lũng phía bắc Đà Lạt 

Đặc điểm và thách thức trong phát triển tại các khu vực đô thị nông nghiệp vùng ven TP Đà Lạt 

Đà Lạt không chỉ là đô thị du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước nhờ vào hệ thống di sản kiến trúc đô thị Pháp và vùng cảnh quan đồi núi, thung lũng, rừng thông, sông hồ và suối, Đà Lạt còn được biết đến như là một vùng sản xuất rau và hoa lớn nhất Việt Nam. Ngoài việc đem lại các giá trị kinh tế to lớn, các vùng sản xuất nông nghiệp, không gian trồng rau hoa, nhà vườn ven đô đã góp phần hình thành các đặc điểm xã hội, văn hóa, cũng như sắc thái riêng biệt hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp và đô thị hóa chưa bền vững cũng đặt ra những thách thức lớn liên quan đến kinh tế, xã hội, môi trường bao gồm các vấn đề chính như sau: 

Thách thức trong phát triển nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp theo hướng thương mại hóa sản xuất, với các nhà kính trồng hoa và rau đã tạo ra một khu vực rất lớn bị bao phủ bởi nhà kính sản xuất nông nghiệp, chiếm đến gần 30% tổng diện tích TP Đà Lạt và lớn hơn khu vực đô thị hiện hữu. Hình thức sản xuất manh múm, quy mô nhỏ, hộ cá thể (đa phần từ 0.5 – 1 ha/hộ sản xuất) dẫn đến hiệu quả sản xuất cũng như hiệu quả sử dụng đất rất thấp, các mặt hàng đa phần chưa thực sự có thương hiệu và các giá trị của sản phẩm chưa cao, khả năng cạnh tranh quốc tế thấp. Công nghệ sản xuất nông nghiệp và công nghệ nhà kính hiện nay khá lạc hậu và gây ra ô nhiễm và hiệu ứng nhà kính cao, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, nguồn nước và phát triển du lịch.

Tác động môi trường và hệ sinh thái: Các ảnh hưởng xấu tới đất, nước, hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường và sử dụng đất, nguồn tài nguyên tự nhiên lãng phí. Đặc biệt là hệ sinh thái bản địa bị tác động, sự suy giảm đa dạng sinh học và gây ra gián đoạn về cảnh quan, tự nhiên và môi trường sinh thái của Đà Lạt. (Cảnh quan nông nghiệp không còn là ý nghĩa như một vùng kết nối cảnh quan sinh thái, mà có thể gọi là vùng sản xuất công nghiệp nông nghiệp, đang làm suy kiệt các giá trị, nguồn tài nguyên của đất nước, không gian, tự nhiên, môi trường và hệ sinh thái xung quanh Đà Lạt để phát triển kinh tế).

Thách thức về cảnh quan đô thị ảnh hưởng đến phát triển các ngành kinh tế địa phương: Hình thái phát triển cảnh quan nông nghiệp – đô thị được đặc trưng bởi các thửa ruộng và nhà kính, quy mô nhỏ, phát triển dàn trải khắp nơi, tới bất cứ khu vực nào có thể, từ ven đô thị xuống các thung lũng, mặt nước, lấn lên các đồi thông quý giá. Các tuyến mặt nước tự nhiên bị gián đoạn, đô thị hóa dàn trải theo các trục đường và phát triển lên sườn các đồi thông. Giá trị cảnh sắc của Đà Lạt bị ảnh hưởng và cảnh quan đô thị – nông nghiệp hiện trạng trở thành rào cản cho phát hiển ngành du lịch chất lượng cao.

Thách thức trong phát triển không gian ở, vấn đề cộng đồng và văn hóa – xã hội: Các làng đô thị – nông nghiệp này dường như không thấy được bóng dáng của những cộng đồng nông nghiệp và nền văn hóa sản xuất truyền thống trở nên mờ nhạt. Các mối quan hệ làng xã, xóm giềng dần bị phá vỡ trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và sản xuất nông nghiệp theo hướng thương mại hóa, công nghiệp hóa. Khu vực ở thiếu kết nối và không tạo ra mối liên hệ với thiên nhiên, thiếu các không gian giao tiếp cộng đồng. Các khu vực dân cư kiểu làng đô thị – nông thôn ven đô mật độ phát triển tương đối cao, thiếu dịch vụ hạ tầng phục vụ sinh hoạt và sản xuất, chịu ảnh hưởng bởi môi trường nông nghiệp nhà kính ô nhiễm kế cận. 

Chiến lược giải quyết các vấn đề phát triển làng đô thị ven đô TP Đà Lạt 

Từ các phân tích về đặc điểm và thách thức của Đà Lạt cũng như trên cơ sở các xu hướng về lý luận và thực tiễn trên thế giới, cần xác định một chiến lược cho phát triển làng đô thị ven đô tại Đà Lạt trên cơ sở tích hợp được các mục tiêu phát triển bền vững, sinh thái và thích ứng.

Chiến lược tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp: Phát triển tập trung quy mô lớn trên cơ sở hiện đại hóa công nghệ nhà kính nhằm hướng tới việc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên tự nhiên và tạo ra thương hiệu cho sản phẩm cửa địa phương. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc tập trung hóa sản xuất sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho một nền kinh tế trong tương lai, nhanh chóng hiện đại hóa, đổi mới công nghệ, giúp tăng năng suất cũng như mở rộng thị trường và tiếp cận các thị trường nhánh.

Có thể nhân rộng mô hình như của Hasfarm hiện nay, tuy nhiên cần phải lựa chọn kỹ về địa điểm nhằm không ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường, tối ưu về sử dụng đất và nước, cải tiến công nghệ nhà kính để nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm năng lượng, tích hợp các tấm pin năng lượng mặt trời và thu gom nước mưa vào hệ thống mái nhà kính. Thiết lập khu vực tái chế rác thải nông nghiệp và các trung tâm logistic gắn với các khu vực sản xuất.

Tạo ra các trung tâm nghiên cứu, đào tạo để khuyến khích phát triển tri thức và công nghệ sản xuất nông nghiệp, nâng cao bản sắc và sản phẩm đặc thù của địa phương. Đồng thời, tích hợp vào các trung tâm tri thức và các khu vực nhà kính tập trung, các chức năng bổ trợ đa dạng khác như xưởng thực nghiệm và thù công, giải trí và du lịch, nhà hàng thực phẩm tươi gắn với các khu vực nhà kính tập trung làm giúp tăng giá trị kinh tế của địa điểm và đặc biệt, gắn kết sản xuất vào đời sống đô thị.

Song song với việc hình thành khu vực sản xuất tập trung, mô hình “nông nghiệp vĩnh cửu” (permaculture) hay nông nghiệp tự nhiên với quy mô hộ gia đình và nhóm cộng đồng cần được từng bước đưa vào trên cơ sở bám theo tuyến nước, tuyến du lịch, nhà vườn ven đô hoặc trung tâm du lịch nông nghiệp. Các thực hành nông nghiệp sạch cũng sẽ được tổ chức theo các khu vực hỗn hợp đa chức năng nhằm thúc đẩy kiện toàn sinh hoạt và gắn kết cộng đồng.

Chiến lược hình thành tuyến mặt nước kết nối sinh thái, sản xuất và du lịch: Thông qua việc hình thành những tuyến nước, các kết nối sinh thái giữa các khu vực tự nhiên, đô thị và nông nghiệp được tạo ra. Vùng sản xuất nông nghiệp mà phần lớn đất đai bị che phù dưới lớp nhà kính như các rào cản về cảnh quan và chiến lược này nhằm tái thiết lại chức năng kết nối nguyên thủy của nó. Những tuyến mặt nước sẽ giúp tăng cường một nền kinh tế nông nghiệp sinh thái địa phương, đồng thời tạo ra các tuyến cảnh quan đa chức năng cho người dân và khách du lịch.

Chiến lược này đầu tiên sẽ cải thiện các tuyến mặt nước chính, tạo ra hệ thống tự nhiên và nông nghiệp sinh thái ven mặt nước, được gọi là các công viên nông nghiệp sinh thái. Tuyến công viên có tác dụng điều tiết chất lượng không khí, vi khí hậu, mặt nước và làm nổi bật bản sắc cảnh quan địa phương.


Khu nhà kính trồng hoa xuất khẩu thị trấn Nam Bang, TP Đà Lạt 

Các gắn kết giữa đô thị và nông nghiệp, đô thị và tự nhiên được tạo ra nhờ việc hình thành tuyến đi bộ và đi xe đạp dọc theo mặt nước. Các hoạt động cộng đồng và du lịch được đẩy mạnh dọc theo các tuyến mặt nước này bằng cách hình thành các cụm du lịch – văn hóa gắn với các tuyến nước với đa dạng các chức năng như galery nghệ thuật, trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng, các không gian triển lãm nhỏ, xưởng thủ công (workshop) về hoa và các sản phẩm nông nghiệp… Tuyến mặt nước cũng sẽ là tuyến kết nối các công viên đô thị với không gian sản xuất nông nghiệp, các khu dân cư đô thị, ven đô, với các trung tâm tri thức, dịch vụ nông nghiệp trong và ngoài đô thị.

Chiến lược không gian kiến tạo cộng đồng, gắn kết con người với nông nghiệp và tự nhiên: Việc tái hình thành văn hóa sản xuất nông nghiệp cùng với văn hóa lối sống cộng đồng theo hướng truyền thống và gắn với tự nhiên được đặt ra trong chiến lược này. Không gian khuyến khích giao tiếp cộng đồng được tạo ra thông qua các khu vực hỗn hợp – công cộng đa chức năng gắn với sản xuất nông nghiệp và du lịch tại các làng đô thị. Trong đó, trung tâm sẽ là không gian “chợ” truyền thống, xưởng thực nghiệm, trưng bầy kết hợp giáo dục cộng đồng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo mùa vụ và các hoạt động du lịch, lưu trú. Các không gian ở của người dân, nông nghiệp sinh thái và các tuyến cảnh quan tự nhiên không tách biệt, mà được gắn kết vào các khu vực hỗn hợp này trong một tổng thể hài hòa và nhuần nhuyễn.

Việc gắn kết con người và cộng đồng với văn hóa sản xuất tự nhiên cũng được tạo ra bằng việc hình thành các cộng đồng thực hành nông nghiệp sinh thái và các khu vực nông nghiệp rừng “forest agriculture” tại các vùng đệm bảo vệ tự nhiên.

Nguyên tắc thiết kế và cấu trúc các làng đô thị sinh thái: Tổ chức không gian làng – đô thị sinh thái theo hướng hình thành các cộng đồng nông nghiệp cố kết về mặt xã hội, kinh tế và sinh thái, có cấu trúc độc lập tương đối (tự cung tự cấp), với các tiện ích và dịch vụ xã hội đầy đủ. Làng đô thị sinh thái được hình thành trên cơ sở hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp và cùng cam kết xây dựng giá trị chung nhất, đó là phát triển văn hóa cộng đồng, sản xuất sinh thái, giảm thiểu ảnh hưởng môi trường và tái thiết tự nhiên. Mỗi làng có thế có các cộng đồng nhỏ hơn, cùng chia sẻ các giá trị về sinh thái, kinh tế, xã hội và văn hóa.

Trước hết là phải bảo tồn và phục hồi cảnh quan và hộ sinh thái tự nhiên của làng, bao gồm các rừng tự nhiên trên đồi, tầm nhìn ra vùng rừng núi và thung lũng kế cận; Tái cấu trúc các làng đô thị hiện hữu trên cơ sở tạo ra các hành lang nông nghiệp nối kết các dãy dân cư, đưa cảnh quan sản xuất, cảnh quan tự nhiên và các không gian cộng đồng đan xen vào các khu vực dân cư và công trình. Các công trình xây dựng thấp tầng, theo địa hình và hướng về các thung lũng nông nghiệp, có thể khuyến khích loại hình cư trú tập trung như chung cư nhỏ 2 – 3 tầng để có thể tăng diện tích đất cho những khu vườn sinh thái.

Hệ thống các công trình dịch vụ công cộng và xã hội trong bán kính cho phép đi bộ, cho phép trẻ em đi lại và vui chơi an toàn. Khuyến khích sử dụng các phương tiện di chuyển gây ô nhiễm nhờ vào phát triển các tuyến dành riêng cho xe đạp, đi bộ, các bến xe buýt cần tiếp cận được với khu vực. Quy hoạch công trình sản xuất và sinh hoạt cần giảm thiểu tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm nước, lưu trữ nước mưa, tái sử dụng nước để tưới tiêu, vệ sinh. Giảm thiểu việc tạo rác thải, thu gom và tái chế tại chỗ nếu có thể. Khuyến khích kiến trúc xanh, vật liệu địa phương, công trình tiêu thụ ít năng lượng và sử dụng năng lượng mặt trời, biogas, năng lượng từ các nhà kính.

Cấu trúc khu làng đô thị sinh thái tại Đà Lạt có thể được hình dung bao gồm ít nhất là ba trong bốn khu vực sau:

Khu vực đồi, rừng: là khu vực bảo tồn và trồng rừng; các công trình trường học, cộng đồng, tôn giáo hiện hữu trên đỉnh đồi được giữ lại và đóng vai trò như là những trung tâm hỗ trợ và giáo dục cộng đồng về bảo vệ, phát triển rừng và nông nghiệp sinh thái rừng. Khu vực sườn đồi mật độ thấp với các công trình công cộng, dân cư và du lịch hiện hữu có thể được tổ chức lại thành khu vực hỗn hợp giữa rừng hoặc vùng nông nghiệp sinh thái rừng (tối ưu hóa sử dụng đất).

Khu vực đô thị hóa dọc theo các tuyến giao thông chính: là hệ thống các công trình dịch vụ thương mại đô thị và hỗ trợ sản xuất, theo hướng hỗn hợp, đa chức năng, kết hợp nhà phố thương mại dịch vụ. Các cụm công trinh dịch vụ công cộng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng gắn với các tuyến cảnh quan nông nghiệp và tự nhiên. Các loại hình nhà ở phong phú dạng đơn lẻ, liên kế hoặc nhà vườn thấp tầng.

Khu vực dân cư nông thôn gắn với sản xuất nông nghiệp: tái cấu trúc làng nông nghiệp, tạo ra các khu vực cho cộng đồng sản xuất nông nghiệp, khuyến khích hình thành văn hóa làng xã, xóm riềng, phụ trợ giao thương và công nghệ sản xuất, đồng thời thu hút du lịch. Các khu vực cộng đồng này có tác dụng chuyển tiếp không gian tự nhiên, không gian sản xuất nông nghiệp vào khu dân cư làng – đô thị. Các khu vực ven vùng nông nghiệp, trên cơ sở các phân lô nhà vườn nông thôn sẵn có, khuyến khích canh tác nông nghiệp sinh thái. Hình thành các hành lang xanh đi bộ và xe đạp giữa các dãy nhà. Hình thành lối vào chính và phụ cho khu ở từ thung lũng sản xuất và các trục đường.

Thung lũng nông nghiệp và các tuyến mặt nước: Phát triển bền vững các nhà kính nông nghiệp hiện nay bằng cách tập trung hóa sản xuất chuyển sang nông nghiệp tự nhiên, hệ sinh thái ven mặt nước, công viên nông nghiệp và các khu liên hợp nhà kính, trung tâm văn hóa, tri thức, thương mại kết hợp du lịch.

Nghiên cứu mô hình phát triển làng nông nghiệp đô thị Đà Lạt - Các khu vực cụ thể 

Các đặc điểm địa hình, cảnh quan tự nhiên nguyên thủy và với tác động đô thị hóa khác nhau, đã tạo ra các khu vực nông nghiệp – đô thị nhà kính khác nhau vùng ven đô thành phố. Chính các giá trị nguyên thủy và sự đa dạng của cảnh quan là tiềm năng cho sự thay đổi và đem lại viễn cảnh phát triển bền vững hơn về kinh tế, xã hội và môi trường cho Đà Lạt. Trên cơ sở các thách thức và chiến lược chung đưa ra ở trên, phân tích ba khu vực phát triển nông nghiệp – đô thị khác biệt, điển hình của Đà Lạt để hình dung rõ các thách thức, chiến lược, nguyên tắc, mô hình phát triển cụ thể cần đưa ra. Ba khu vưc bao gồm: 1) Thung lũng phía Bắc Đà Lạt, 2) Khu sản xuẩt nông nghiệp phía Đông Bắc – làng Thái Phiên, 3) Khu vực ga Trại Mát.

Thung lũng phía Bắc Đà Lạt: Đây đã từng là vùng cảnh quan tuyệt đẹp của những dòng chảy tự nhiên, đồi thông mấp mô và những thung lũng rừng, nơi được quy hoạch là khu vực giải trí săn bắn khi Đà Lạt được hình thành – một vùng cảnh quan chuyển tiếp giữa khu đô thị di sản và vùng rừng tự nhiên hùng vĩ phía Bắc. Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa không ổn định kéo dài, vùng cảnh quan này bị mất đi chức năng kết nối, giá trị nguyên thủy và vẻ đẹp tự nhiên của nó. Các tuyến mặt nước tự nhiên bị gián đoạn, đô thị hóa dàn trải dọc theo các trục đường và nông nghiệp nhà kính dàn kín các thung lũng, lấn cả vào các không gian mặt nước. Các khu vực đồi thông cùng bị đô thị hóa, nhà kính hóa.

Vùng thung lũng này sẽ hoàn toàn được chuyển đổi khi tuyến công viên du lịch và nông nghiệp theo các trục nước Bắc – Nam kết nối từ hồ Xuân Hương đến thung lũng Tình Yêu được hình thành với hai bên dòng nước là các mảnh vườn tư nhân theo cấu trúc thửa, được dần tự chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái hộ gia đình kết hợp du lịch. Thung lũng khi được tái phục hồi cũng sẽ trả lại giá trị cảnh quan quý giá cho đô thị di sản Đà Lạt. Do đây sẽ trở thành các tuyến du lịch chính của Đà Lạt, các khu dân cư tập trung nằm tại thung lũng này sẽ tự chuyển đổi thành cụm đô thị hỗn hợp kết hợp dịch vụ du lịch. Hệ thống các điểm đến “đặc trưng” sẵn có và sẽ hình thành theo các trục nước, tạo ra trải nghiệm thú vị cho đi bộ hoặc xe đạp. Chẳng hạn, tuyến mặt nước từ hồ Xuân Hương, công viên Đà Lạt, Cao đẳng Sư phạm, qua các khu vườn, tới trung tâm văn hoá, tri thức, nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch và lưu trú, khu hỗn hợp đồi Đa Thiện, khu Sử quán và thung lũng Tình Yêu. Một hình ảnh tương tự như vùng Amiens của Pháp có thể được tạo ra.

Khu nông nghiệp phía Đông Bắc – làng Thái Phiền: Vùng thung lũng nông nghiệp rộng lớn nằm phía Đông TL723 với một bên là Lâm viên hồ Chiến Thắng và một bên là đồi Cỏ Hồng với cảnh quan tự nhiên đẹp hùng vỹ và lộng lẫy. Vùng thung lũng này là vùng nông nghiệp nhà kính phát triển liên tục dẫn đến hơn 70% diện tích và khu dân cư làng Thái Phiên tập trung ở phía Đông gắn với trục 723 và một số cụm khu dân cư nông nghiệp rải rác bám trên các trục đường nhánh.

Đối với khu vực nhà kính rộng lớn này, chiến lược đặt ra là nhanh chóng thúc đẩy tập trung hoá sản xuất, giải phóng các không gian ven tuyển suối Cam Ly và quanh khu dân cư để phát triển nông nghiệp sinh thái nhằm cải thiện về cành quan và môi trường tự nhiên, môi trường sống cho người dân. Có thể tổ chức các khu vực nhà kính tập trung quy mô lớn theo mô hình khu liên hợp nhà kính kết hợp nghiên cứu, đào tạo, giải tri, du lịch, dịch vụ nông nghiệp đươc hình thành gắn kết với trục giao thông, tuyến cảnh quan và trung tâm dịch vụ đô thị. Khu chợ đầu mối và logistic nông nghiệp có quy mô phù hợp, kết nối thuận tiện với vùng sản xuất và TL723 có thể được hình thành để hỗ trợ giao thương sản phẩm nông nghiệp của khu vực.

Đối với khu vực dân cư, không gian dịch vụ đô thị và không gian công cộng đa chức năng cần được tạo ra có sự gắn kết với tuyến cảnh quan mặt nước chính. Khu vực dân cư hiện hữu được tái cấu trúc với các vườn sinh thái xung quanh, không gian cộng đồng gắn với sản xuất, phụ trợ nông nghiệp, dịch vụ du lịch. Khu ở mật độ cao được cải tạo thành khu làng phi rào cản, cho phép đi bộ xuyên qua những con hẻm và lối mòn có cây trồng và hàng rào gỗ thấp thoáng hoặc các bụi thảo dược hoặc cây hoa đặc thù của địa phương.

Khu vực Trại Mát: Là một làng nông nghiệp chuyên canh được đô thị hóa và chuyển đổi dần dần do tác động của tuyến đường sắt (ga Trại Mát) và sau đó là QL20 kết nối Đà Lạt và Đ’ran. Địa hình đồi núi phức tạp tạo ra một đặc điểm cảnh quan làng đô thị – nông nghiệp được đặc trưng bởi ruộng bậc thang và đan xen đa dạng các sản phẩm nông nghiệp hoa, rau màu, lúa, cây công nghiệp… nhưng cũng đang bị nhà kính hóa và đơn điệu hóa các sản phẩm nông nghiệp như khu vực phía Bắc Đà Lạt. Làng đô thị hóa phát triển hẹp, dọc tuyến với mật độ tập trung dân cư rất cao tại khu vực có địa hình phức tạp và hầu như là dạng nhà mặt phố, mặt hẻm không có vườn riêng, với những con hẻm nhỏ theo địa hình. Có thể thấy sự phát triển các dịch vụ đô thị nhưng thiếu vắng các không gian cộng đồng mang tính văn hóa sàn xuất nông nghiệp, thiếu vắng sự giao thoa và kết nối giữa con người và con người, giữa thiên nhiên và cộng đồng, văn hóa sản xuất nông nghiệp truyền thống mờ nhạt trong dời sống và cộng đồng dân cư.

Đối với các khu vực đô thị hóa dọc QL20, cần khai thác, tăng cường các dịch vụ dô thị như công cộng, thương mại, dịch vụ da dạng, được gắn kết với một khu liên hợp nhà kính đa chức năng để thúc đẩy các dịch vụ bổ trợ cho chuỗi giá trị nông nghiệp chất lượng cao. Đối với khu vực dân cư nông thôn và sản xuất nông nghiệp, yêu cầu trước tiên là bảo vệ khu vực rừng tự nhiên, tạo vùng đệm sản xuất nông nghiệp rừng sườn đồi phía Nam và hình thành khu nông nghiệp sinh thái cộng đồng phía Bắc. Đây là cách giúp tạo ra bản sắc cảnh quan cho làng cũng như cải thiện môi trường sống, sản xuất và phát triển du lịch. Hình thành các khu cộng đồng đa chức năng đan xen, gắn kết tự nhiên và sản xuất vào đời sống dân cư làng và đô thị, kích thích giao tiếp cộng đồng và tái hiện văn hoá địa phương truyền thống gắn với sản xuất. Các khu vực hỗn hơp này bao gồm những không gian tiện ích phục vụ sản xuất, chợ truyền thống, xưởng thủ công, các galery nghệ thuật, trưng bày sản phẩm, nhà dân và vườn sinh thái có kết hơp dịch vụ du lịch và lưu trú (homestay).

Khu vực ở nông thôn mật độ cao sẽ được tái cấu trúc thành khu làng phi rào cản gắn kết người dân với nhau, gắn kết con người với không gian cộng đồng làng, không gian sản xuất và cảnh quan tự nhiên, thông qua mạng lưới đường theo địa hình, những con hẻm và lối mòn 2 bên trồng cây và những khu vườn nhỏ. Ở rìa làng, các hộ gia đình nên được khuyến khích để cùng tạo một loạt nhà vườn sinh thái hộ gia đình.

Vấn đề cần quan tâm trong xây dựng chính sách và các tiêu chí cho làng nông nghiệp đô thị Xanh 

Việc phát triển một tên gọi như nhãn hiệu “làng đô thị xanh” là cần thiết, cho phép khuyến khích hỗ trợ và nhân rộng các dự án quy hoạch, dự án phát triển không gian ở, sản xuất nông nghiệp ven đô với các quy mô khác nhau hướng tới mục tiêu phát triển xanh, sinh thái. Tuy nhiên, nhãn hiệu “làng đô thị xanh” không nên được hiểu và được thiết lập như là một hệ thống các chỉ tiêu cần đạt được bằng mọi giá, cũng không phải là một mô hình cứng nhắc có thể áp dụng được mọi nơi, nhằm tránh nguy cơ các bản sắc văn hóa, các đặc trưng riêng cùa từng địa điểm, cộng đồng dân cư bị xóa nhòa và mất dần đi. Ngược lại, nhãn hiệu “làng đô thị xanh” nên là hệ thống các mục tiêu cần hướng tới trên cơ sở những yêu cầu cơ bản về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Tùy thuộc vào bối cảnh, đặc điểm văn hóa lịch sử, tùy trường hợp và trong điều kiện cụ thể, sẽ có các phương pháp tiếp cận tương ứng để giải quyết các mục tiêu đặt ra.

Nên được phổ biến nhãn hiệu “làng đô thị xanh” (hay một tên gọi khác khi được thống nhất) nên được áp dụng cho tất cả các dự án và hoạt động xây dựng, trong môi trường nông thôn hay làng đô thị, nhỏ hay lớn.v.v. có các đóng góp và quá trình cải tạo cho môi trường làng đô thị và sản xuất nông nghiệp. Nên dễ dàng tiếp cận, cho phép tất cả các dự án có thể đưa ra các giải pháp riêng biệt cho mục tiêu phát triển sinh thái, phù hợp ở các mức độ khác nhau với bối cảnh. Nên khuyến khích theo từng giai đoạn, tiến độ của việc triển khai, nhằm bảo đảm, điều chỉnh và khuyến khích tiến trình đổi mới trong việc thực thi dự án. Nên có các chế độ hỗ trợ, khuyến khích hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, công nghệ, tiếp cận, quảng bá, đào tạo nhằm khuyến khích cho một sự chuyển đổi sang mô hình sinh thái.

Sự tham gia của người dân và cơ quan ban ngành bảo đảm sự thành công của dự án. Việc xây dựng làng đô thị xanh chỉ có ý nghĩa và hiện thực hóa được nếu có sự tham gia một cách tích cực của người dân. Nâng cao nhận thức của người dân đối với quá trình xây dựng môi trường sinh thái cho chính cộng đồng. Điều quan trọng là phải cho người dân những phương tiện cho phép họ tham gia, nuôi dưỡng và làm giầu cho môi trường sống mỗi ngày để xây dựng một làng đô thị sinh thái. Ngoài ra, các các yếu tố khác nhau của quá trình xây dựng một môi trường xanh gồm kinh tế, xã hội và môi trường, không chỉ liên quan tới nhiều sở ngành, mà còn phải được dựa trên việc phối hợp hành động trong một hình thức quản trị mới và khả năng kỹ thuật để có thể hiện thực hóa./. 

Nguồn tin: TS.KTS. Lê Quốc Hùng – Viện Quy hoạch Xây dựng miền Nam (SISP) (Theo Tạp chí Kiến trúc Việt Nam)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Lấy ý kiến cộng đồng dân cư

2068/QĐ-VQH

Quyết định số 2068/QĐ-VQH về việc Ban hành Hướng dẫn thành phần hồ sơ lập chỉ giới đường đỏ, cung cấp số liệu hạ tầng kỹ thuật tại Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

Thời gian đăng: 23/11/2023

lượt xem: 148 | lượt tải:69

3663/QĐ-UBND

Quyết định số 3663/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ QHCT tỉ lệ 1/500 hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài (đoạn 3) khu vực dự án đầu tư xây dựng Thành phố thông minh GĐ1 và GĐ2

Thời gian đăng: 24/07/2023

lượt xem: 160 | lượt tải:113

3428/QĐ-UBND

Quyết định số 3428/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị N9, tỉ lệ 1/5000 tại khu quy hoạch 1.

Thời gian đăng: 20/08/2023

lượt xem: 204 | lượt tải:96

700/QĐ-TTg

Quyết định số 700/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vệc Phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065

Thời gian đăng: 18/06/2023

lượt xem: 308 | lượt tải:120

3004/QĐ-UBND

Quyết định số 3004/QĐ-UBND của UBND Thành phố HN về việc Phê duyệt Chỉ giới đường đỏ tuyến đường vào Trụ sở Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Trại tạm giam T16 và Trung tâm thẩm vấn của lực lượng cảnh sát, tỉ lệ 1/500

Thời gian đăng: 27/07/2023

lượt xem: 205 | lượt tải:57

Báo tạp chí

  • Báo Lao Động
  • Báo Kinh Tế Đô Thị
  • Báo Quy Hoạch Đô Thị
  • Báo Kiến Việt
  • Tạp chí kiến trúc
  • Theo Báo Xây Dựng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây